Mùa kinh thương nhớ
Thứ hai - 14/11/2016 11:51
1584
Đoản khúc 1
Bình minh lên. Trời Sài Gòn rực nắng. Tôi vác chiếc xe đạp cùn chạy khắp phố để mua cho kỳ được thứ bánh mà mẹ tôi thích. Bà thích ăn bánh trôi - loại bánh đượm mùi quê hương - loại bánh mà không khi nào mẹ không nấu cho chúng tôi ăn mỗi dịp tết đến, cho dầu có khó khăn đến đâu đi nữa.
Đạp một hồi loanh quanh, chiếc xe dường như cũng mệt. Nó lạch cạch lên tiếng đòi nghỉ. Dừng chân, tôi vặn lại cái ốc sắp rời khỏi cái bulông. Chợt lòng tôi miên man nghĩ về mẹ: một cuộc đời long đong vất vả. Theo lời mẹ kể: Lớn lên nơi vùng quê nghèo túng, mẹ chịu cảnh lầm than từ nhỏ. Thời gian trôi, mẹ lập gia đình với ba - một nông dân quê mùa chất phác. Quanh năm quần quật với bát cơm manh áo nhưng mẹ hy vọng thật nhiều vào 3 thiên thần nhỏ của ba mẹ. Đó là động lực để mẹ cố gắng không ngừng.
Nhưng dường như cái niềm vui ấm áp nơi gia đình mà mẹ vẫn hằng mong đợi cũng không muốn ở lại bên mẹ - người đàn bà nghèo túng, vì bé út bị mắc bệnh hiểm nghèo từ rất sớm. Thế là mẹ cùng ba càng chật vật khi vừa pahỉ lo chi phí học hành cho hai đứa lớn chúng tôi vừa phải lo thuốc thang cho bé út và kế sinh nhai cho cả gia đình. Cực chẳng đã, mẹ phải bồng ẵm bé út và tôi lên thành phố, vừa để tiện bề chăm sóc thuốc men cho bé út vừa tìm việc để kiếm thêm thu nhập nâng đỡ cuộc sống gia đình. Còn ba và chị Hai ở lại quê để chăm sóc ông bà lớn tuổi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, đã mấy năm trời lên thành phố, hôm nay tôi nhận ra rằng: bao lâu lên thành phố là bấy lâu mẹ chưa được ăn thứ bánh mẹ thích, đơn giản chỉ vì cuộc đời mẹ … đã chẳng còn nghĩ và làm gì cho mình nữa.
Mẹ! lúc này con hiểu vì sao mẹ thích bánh trôi rồi! Phải chăng cuộc đời mẹ cũng nổi trôi tựa chiếc bánh kia, và cũng giống như chiếc bánh ấy, những cay đắng ngọt bùi mẹ đã nếm trải không làm mất đi vẻ trắng trong thuần khiết của một tâm hồn hy sinh cao thượng tràn đầy tình yêu thương dành cho chúng con.
*****
Đoản khúc 2
Chị đã thở hơi cuối cùng trong những ngày đầu của tháng 11 này. Mười năm trước, họ hàng tề tựu, bạn bè mừng vui trong ngày thành hôn của hai anh chị. Mười năm sau, họ hàng vây quanh, bạn bè thương tiếc vĩnh biệt chị.
Hai đứa nhỏ lụng thụng trong bộ áo tang, đứa chị lên lớp 3, còn thằng em vừa tròn 5 tuổi, chúng còn quá nhỏ để biết tiếc thương chị, còn quá ngây thơ để hiểu được rằng từ nay chúng vĩnh viễn không còn được gọi mẹ nữa. Thấy mọi người khóc, chúng cũng khóc, nhưng rồi lại cười ngay cùng những đứa trẻ hàng xóm cũng đang không hiểu sao xóm mình hôm nay đông người thế, lại có cả kèn trống hoa hoét nhiều đến thế kia chứ.
Căn bệnh ung thư đã hành hạ chị từ khi đứa con thứ hai của chị vừa mới được 1 tuổi, giành giật giữa sự sống - sự chết từng ngày, cầu xin khấn khứa để hai đứa nhỏ lớn lên chút nữa, rồi chị ra đi thôi thì cũng toại nguyện. Hôm nay, chị đã nằm xuống trong tình thương nhớ luyến tiếc của gia đình, bạn bè, chòm xóm,..
Ai cũng một lần ra đi, dầu biết thế mà sao ta không khỏi bất ngờ, không khỏi ngậm ngùi trước cảnh chia xa. Tim anh nhói đau, nước mắt không còn rơi được nữa, mặt chỉ tái đi khi người ta bỏ chị vào chiếc quan tài. Lòng anh giờ lại quặn lên khi cô con gái nhỏ hỏi anh: “Ba ơi, con thấy người ta bảo hỏa táng mẹ, hỏa táng có phải là đi đốt không Ba? Mẹ con chết sao không chôn mà lại là hỏa táng?”. Anh đáp lại đứa con nhỏ mà lòng quặn đau: “Tại thành phố không có đất để chôn mẹ con ạ”.
Chị! Chúa đã gọi chị về cùng Chúa, dẫu có thương tiếc nhưng mọi người cũng thầm tạ ơn Chúa với chị. Giờ đây chị hết phải chịu những ngày đau đớn, bỏ lại những muộn phiền, không còn những buổi ngược xuôi vào ra bệnh viện. Một cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng thật đẹp, trọn nghĩa,vẹn tình, chu toàn bổn phận một người con cái Chúa.
Khẩn nài Chúa ban cho Linh hồn chị sớm được yên nghỉ bên Chúa và xin Người an ủi gia quyến chị từ nay thiếu vắng bóng chị. Xin MẸ YÊU DẤU trở thành “Mẹ hiền” của hai đứa con nhỏ của chị, chúng còn cần lắm tình thương của một người MẸ hiền.
*****
Bạn ạ! Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Hai câu chuyện trên dường như chẳng liên quan gì tới nhau cả, phải không?. Đúng vậy, bần đạo nhặt chúng ở hai góc phố trong Sài thành rộng lớn này. Nhưng khi suy tư trong tháng 11 bần đạo lại thấy khác: Tháng 11 ta quen gọi là tháng cầu nguyện cho các Linh hồn, đúng không bạn? Điều đó không sai trong từng nét chữ, nhưng phải chân nhận rằng: sống được “từng nét chữ” ấy thì không hề giản đơn.
Hai đoản khúc cùng làm ta nghĩ về “mẹ”, nói rộng ra là về những đấng sinh thành dưỡng dục nên chúng ta. Các ngài giả như đã khuất bóng, họ tuyệt nhiên đáng được hưởng lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng nếu họ đang còn hiện diện bên cuộc đời của mỗi người chẳng lẽ họ không cần đến những lời cầu nguyện hay những thái độ tỏ lòng hiếu kính của chúng ta sao??? Và bần đạo trộm nghĩ: Nếu ngay khi các ngài còn sống đây chúng ta chưa làm tròn chữ thảo hiếu, thì hỏi rằng các ngài có dám mong đến khi ra đi rồi chúng ta còn nhớ đến các ngài nữa chăng?
Tờ lịch thứ 15 của tháng 11 năm nay đã được xé đi rồi, và lẽ dĩ nhiên tờ lịch thứ 30 sẽ đến chẳng chóng thì chày. Ta hỏi lòng ta đã sống ra sao, đã cầu nguyện thế nào. Ước chi ta không phải hối tiếc vì đã để thời gian trôi đi vô ích, bạn nhỉ.
Bần đạo muốn thay lời kết rằng: Cái chết của bất cứ ai kia mong luôn là hổi chuông gióng lên thức tỉnh tất cả những người còn đang sống:
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!
Shalom - Dòng Thăm Viếng