Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn với Dòng Mân Côi[1]
Thứ năm - 09/09/2021 22:11
1532
Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) là vị Giám mục Việt Nam đầu tiên của Bùi Chu và là người sáng lập Hội Dòng Mân Côi Bùi Chu. Cuộc sống của ngài có rất nhiều ân sủng đặc biệt: tài ba, đức độ, khôn ngoan và thánh thiện. * Đôi nét về Đức Cha
Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn tên khai sinh là Hồ Ngọc Ca, suốt thân từ một gia đình Công giáo khiêm tốn và mộ đạo của Giáo xứ Ba Châu, làng Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Do thân phụ mất sớm, Đức Cha được mẹ đưa về quê ngoại sống tại Giáo xứ Phường Đúc, thành phố Huế.
Năm 1889: Đức Cha vào học tại Tiểu chủng viện An Ninh. Nhờ trí thông minh đặc biệt, Đức Cha chỉ học 5 năm thay vì chương trình 8 năm của Tiểu chủng viện. Đức Cha thăng tiến nhanh trên con đường tu đức và lãnh chức linh mục ngày 20.12.1902. Khi đó Đức Cha mới 23 tuổi.
Bước sang trang sử mới, sau 4 năm làm phó xứ Kẻ Văn, 5 năm làm chánh xử Kẻ Hạc, Cha Hồ Ngọc Cẩn được cử làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh tháng 09.1910. Sau đó làm bề trên Dòng Thánh Tâm Huế.
Ngày 12.03.1935: Đức Giáo Hoàng Piô XI kí sắc lệnh bổ nhiệm Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn làm giám mục hiệu tòa Zenobia, Phó đại diện Tông tòa Bùi Chu với quyền kế vị. Vị tân giám mục đã chọn khẩu hiệu “In omni patientia et doctrina” (Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn).
Ngày 17.05.1936, Đức Cha Trung - Đại diện tông tòa Bùi Chu - qua đời, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn lên thay quyền kế vị.
* Sáng Lập Dòng Mân Côi
Công đồng Đông Dương 1934 ghi dấu ấn lịch sử canh tân việc đào tạo hàng linh mục bản quốc. Đàng khác, đây cũng là dịp để các giám mục và nghị phụ thảo luận việc cải cách hai dòng nữ Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đaminh sống cộng đoàn. Cái nôi của hai dòng nữ này đều nằm trên phần đất địa phận Trung Đàng Ngoài (1924 đổi tên thành Bùi Chu).
Khi Đức Cha được trao quyền địa phận, có mười hai nhà phước Đaminh và hai nhà phước Mến Thánh Giá trong Giáo phận. Đức Cha muốn canh tân hai tu hội nhà Phước đã có sẵn trong giáo phận của ngài để các chị em “vào lề lối nhà dòng chính thức”, theo quy định giáo luật 1917, như mong muốn của Công đồng Đông Dương. Tuy vậy, cả hai tu hội này đã có sẵn đặc sủng và linh đạo khác nhau. Có lẽ vì thế mà Đức Cha phải chờ tới 1940 mới có thể bắt đầu thực hiện điều mong ước của Công đồng. Trong lời tựa của Luật Phép Dòng Đức Cha viết như sau:
“Thầy muốn thi hành theo như lời tòa Công đồng Đông Dương khuyến khích, nên ngày đầu Thầy vừa lên chấp chính, Thầy đã lưu tâm đến việc lập Dòng nam, Dòng nữ trong địa phận và cũng đã có lần tỏ ý ấy cùng Đức Hồng Y Tổng trường Tòa Át việc truyền giáo. Ngày 10 tháng Novembre năm 1940, Thầy đã nộp đơn xin lập Dòng nữ, để chị em được vào lề lối tu thân theo phép Dòng”.
Vì các chị phước Đaminh và Mến Thánh Giá đều muốn giữ tên và linh đạo riêng của mình có lẽ vì thế mà Đức Cha đã viết thư sang Tòa thánh xin lập một Dòng nữ với tên gọi mới là “Dòng Con Cái Đức Bà Mân Côi hoặc Dòng Con Cái Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Mặc dù Đức Cha gửi hồ sơ xin lập dòng sang Thánh bộ truyền giáo 1940, nhưng tới năm 1946 vẫn chưa nhận được hồi đáp, có lẽ do hoàn cảnh thế chiến thứ II và cũng có lẽ dự án lập một Dòng mới – qui tụ các dòng đã có sẵn – gặp nhiều khó khăn và chống đối đến từ một số cha xứ nơi có Dì Phước phục vụ hoặc đến từ chính nội bộ Nhà Phước. Theo Đức Cha thì có lẽ “chiến tranh lan rộng ra Thái Bình Dương, đường giao thông trắc trở nên đơn của Thầy cũng theo thời mà lạc mất”.
Sự kiên nhẫn của Đức Cha phản ánh sự kiên quyết của Ngài, qua 6 năm (1940-1946) chờ đợi ý kiến của Tòa thánh để thực hiện dự án canh tân Nhà Phước. Ngày 10.06.1946 Đức Cha đệ đơn một lần nữa. Lần này khác với thời điểm 1940, Đức Cha đã nhận được thư phúc đáp của thánh bộ ngày 18.07.1946 – chỉ sau 1 tháng – Tòa thánh cho ngài lập một Dòng nữ và có thể chọn một trong hai tên như trong đơn xin lập dòng.
Đức Cha đã chọn tên Dòng Con Đức Bà Mân Côi Bùi Chu và Ngài thiết lập Nhà Mẹ tại xứ Trung Linh để làm nơi đào tạo tập sinh.
Đây là bước ngoặt lịch sử sáng lập Dòng Mân Côi, tuy được hình thành từ nhân sự và cơ sở Mến Thánh Giá và Đa minh, nhưng các cộng đoàn này thuộc thẩm quyền giáo phận. Vì thế, Đức Cha đã kiên quyết không lùi bước trước khó khăn để tổ chức và tuyên bố sắc lệnh lập Dòng Mân Côi Bùi Chu 08.09.1946 vào ngày sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria.
* Dòng Mân Côi Bùi Chu hiện nay
Với linh đạo của Đấng Sáng Lập: “Cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm ơn cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người”, chị em Mân Côi trong suốt 75 năm qua đã không ngừng nỗ lực đi trên con đường Chúa Thánh Thần linh hướng qua Đấng Sáng Lập. Đấng Tổ Phụ Dòng Mân Côi luôn nhấn mạnh đến tâm hồn lạc quan, đơn sơ, vui vẻ theo Mầu nhiệm Vui. Thực sự, linh đạo Mân Côi mang nét đặc sắc của tình bác ái qua hình ảnh Đức Mẹ Thăm Viếng (Lc 1,39) và mang đặc tính vui tươi của các môn đệ Chúa Giêsu qua sứ mạng loan báo Tin Mừng, như người đã truyền dạy cho các môn đệ “Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Đức Cha muốn truyền lại cho con cái của mình một sứ mạng truyền giáo: “giáo dục các trẻ nữ, chăm sóc người bệnh tật và đón nhận các trẻ mồ côi”. Đặc biệt, Đức Cha Tổ phụ còn nhắn gửi đến chị em: “Chị em hãy yêu thương nhau. Hãy yêu thương nhau không những thật tình bề trong lại phải thi hành về ngoài”. Theo Đức Cha, Đức Ái huynh đệ chính là sống tình bạn, tình chị em và hiệp nhất giữa Nhà Mẹ và cộng đoàn.
Bảy mươi lăm năm qua với biết bao biến cố thăng trầm. Hội Dòng Mân Côi hôm nay đã, đang và tiếp tục tỏa hương trong Giáo hội theo linh đạo và đặc sủng riêng của mình. Hiện tại Hội Dòng có các chị em phục vụ giáo xứ, tham gia vào các hoạt động Giáo dục, Y tế và các nhu cầu cấp thiết của Giáo Hội địa phương ở các cộng đoàn, các giáo xứ khắp nơi trong Giáo Hội. Chị em luôn giữ được tinh thần lạc quan, vui vẻ của Đấng Sáng Lập, đồng thời nhiệt thành truyền bá kinh Mân Côi trong các môi trường sống và hoạt động của mình.
Bài này được viết dựa trên một số tài liệu của Hội dòng và trong cuốn “Học giả văn hóa và Thầy dạy đức tin” viết về Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn của tác giả: Lê Thị Hoa Maria.
Tác giả: M. Ga Lasan Nguyễn