Nói đến mùa chay, Kitô hữu nào cũng hiểu đó là mùa sám hối, mùa ăn năn trở lại - trở lại cùng Thiên Chúa là tình yêu. Ngài là Cha bao dung, kiên nhẫn luôn chờ đợi con cái quay về. Hy tế thập giá Chúa Giê-su là minh chứng sống động cho tình yêu của Chúa đối với con người: “Chúa Giêsu đã yêu thương họ thì yêu thương đến cùng” (Ga 13,1).
Mùa chay đến, nhiều người tự nhủ nên giảm bớt ăn uống, chi tiêu để có thể làm việc bác ái. Đó là một ý nghĩ, cử chỉ tốt đẹp hợp ý Chúa dạy: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( Lc 9,23). Khổ giá chỉ thành Thánh giá khi ta đón nhận mọi biến cố từ lạc quan tới bi quan trong cuộc sống với thái độ vui vẻ, tự nguyện để tháp nhập cố gắng của mình vào Thập giá Chúa. Những ý hướng tốt lành này bắt nguồn từ Kinh thánh.
Kinh thánh mời gọi các tín hữu thực hiện ba việc đạo đức truyền là ăn chay, cầu nguyện, và làm việc bác ái. Trong đó ăn chay được xem như một phương thế hữu ích giúp các tín hữu tập từ bỏ thói quen thỏa mãn nhu cầu thân xác, đi sâu vào nội tâm để tìm lại giá trị đích thực của con người. Đó là con người biết cải hóa nội tâm để trở nên đền thờ tinh tuyền, thánh thiện xứng cho Thiên Chúa ngự.
Cầu nguyện là hơi thở cho đời sống thiêng liêng của Kitô hữu. Cầu nguyện kín đáo giúp các tín hữu gắn kết với Chúa cách mật thiết hơn. Trong cầu nguyện, chẳng những Thiên Chúa hằng biết đến ta mà chính ta cũng nghe được tiếng Chúa. Cầu nguyện giúp tăng sức mạnh và khả năng chiến đấu với ma quỷ, từ đó ta chỉ hướng lòng về Chúa là cùng đích của cuộc đời.
Sau cùng Giáo Hội khuyến khích tín hữu làm việc bác ái, nhờ đó mỗi người có cơ hội tiếp xúc, phục vụ và nhạy cảm trước nhu cầu của anh chị em xung quanh sẵn sàng giúp đỡ họ với tấm lòng yêu thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn gửi các tín hữu trong Sứ điệp Mùa Chay 2019: “Chay tịnh nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và với mọi thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn lòng tham đến chỗ sẵn sàng hy sinh vì tình yêu, vốn có thể lấp đầy con tim trống rỗng của chúng ta. Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ tôn thờ ngẫu tượng và thói tự mãn, đồng thời nhìn nhận rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Làm việc bác ái giúp chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân mình với ảo tưởng có thể bảo đảm một tương lai vốn chẳng thuộc về chúng ta. Và như thế, để tái khám phá niềm vui của kế hoạch Thiên Chúa đã dành cho thụ tạo và cho mỗi người chúng ta, chính là yêu mến Chúa, yêu thương anh chị em và toàn thế giới, để gặp được hạnh phúc thực sự của chúng ta nơi tình yêu ấy”.
Tác giả: Mr. Nguyễn Thanh