Người ta thường nghĩ những ai được mời gọi sống đời thánh hiến hẳn có một nét gì đó đặc biệt. Tuy nhiên, không ai trong họ đã hoàn hảo về nhân bản hay trưởng thành về tâm linh. Hơn thế nữa, họ đem theo cá tính, sở trường, văn hóa khác nhau vào đời tu. Khi hòa nhập tất cả những dị biệt ấy vào trong một linh đạo, đặc sủng, những người sống đời thánh hiến nhận ra Thiên Chúa không gọi một lần trong đời. Ngài gọi họ qua từng việc làm: học hành, cầu nguyện và phục vụ. Không phải cuối đời nhưng từng giây phút tu sĩ phải trả lời cho việc đã làm đã sống trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Thế nên hơn ai hết, người thánh hiến cần có lương tâm nhạy bén và óc tư duy logic. Không thể đạt được điều này trong một sớm một chiều nên việc đào tạo tu sĩ là một hành trình liên lỉ.
Không những các nhà đào tạo mà mọi người đều phải có trách nhiệm với chính mình trước câu hỏi đào tạo thế nào, đào tạo tri thức, đào tạo nhân bản, đào tạo trong bao lâu..., điều nào quan trọng hơn? Nhiều vấn đề nhưng chỉ có một câu trả lời hoàn hảo đó là “đào tạo suốt cuộc đời”.
Đào tạo không những là thu tích thêm kiến thức nhưng là biến đổi. Sau khi vào dòng và được tạo một giai đoạn, một ứng sinh phải có những thay đổi tốt hơn chứ không phải ‘nguyễn y vân’ như trước. Đào tạo phải đi đôi với sự thánh thiện vì Thiên Chúa đang muốn in khắc hình ảnh của Ngài vào tâm hồn, trái tim, đôi tay, đôi chân của tu sĩ. Việc đào tạo phải giúp người thánh hiến trở nên chính mình hơn chứ không phải là nín thở để vượt qua các giai đoạn để được khấn trọn. Với suy nghĩ khấn trọn rồi không còn ai dạy làm thế này, nói thế kia nữa... thì kể như cuộc đời tu sĩ đã bị hóa thạch. Và ngày nào đó, tu sĩ thấy mình không cần phải đào tạo nữa thì đó là lúc sự giả hình lên ngôi.
Đức Giê-su là gương mẫu cho ta bằng một cuộc đời chỉ sống vì Nước Trời và vì lợi ích của tha nhân. Cũng vậy tu sĩ được mời gọi sống cho Hội dòng, cho anh chị em, cho cộng đoàn mình được sai đến. Đạt tới điều này, tu sĩ không thể che giấu nét đẹp thuộc về Đức Kitô. Khi được mời gọi, thánh Phaolô hoàn toàn khác Phêrô, Gioan… nhưng các ông lại giống nhau trong Đức Giêsu. Điều này nhắc nhở tu sĩ trở lại với câu hỏi: “Chúng ta được đào tạo từ đâu?”
Đào tạo của chúng ta là một tiến trình thường kỳ, từ kinh nghiệm sống hàng ngày. Việc học hành không bám vào một chương trình, một khóa học... nhưng bằng thái độ tiếp cận trước mọi biến cố của cuộc đời. Trong khi tập quan sát, đón nhận mọi biến cố đã và đang diễn ra sẽ đưa đến điều quan trọng là tạo cho tu sĩ thói quen chiêm niệm trong mọi sự kiện ta gặp.
Tiếp theo là yếu tố thích hợp. Không phải ai sinh ra cũng để sống ơn gọi, nên nhà đào tạo phải khôn ngoan nhìn nhận ứng sinh có thích hợp với ơn gọi dòng mình hay không. Nếu nhận thấy bạn trẻ có óc hướng ngoại nhưng linh đạo của dòng lại thuần chiêm niệm, nhà đào tạo cần giúp bạn trẻ chuyển hướng mới cho phù hợp với ơn gọi để khỏi mất thời gian cho cả hai.
Nhà đào tạo phải đào tạo cho người được đào tạo sự quân bình. Chúng ta dễ nhìn nhận người trẻ nhanh nhạy, năng động còn người già ù lì, nhưng người trẻ lại thiếu kinh nghiệm và thiếu sự nhẫn nại, ngược lại người già có những yếu tố ấy. Chính vì thế, môi trường đào tạo rất cần bầu khí tin tưởng lẫn nhau giữa các thế hệ. Sự tin tưởng lẫn nhau khiến cho tiến trình đào tạo đem lại thành tựu.
Việc đào tạo chưa hoàn thiện nếu thiếu yếu tố thiêng liêng. Có thăng tiến trong đời sống thiêng liêng mới giúp tâm hồn không còn quyến luyến với tội vì tội lôi kéo con người đi tìm sự thỏa mãn những sở thích, ham muốn cá nhân. Nó làm giảm sự sốt mến của đời sống thánh hiến, mà lòng sốt mến là yếu tố quan trọng trong đời tu. Nếu tu sĩ đạt được một vài kỹ năng, cập nhật được những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng chỉ sau một thời gian những thứ ấy sẽ lỗi thời. Lòng đạo đức thì khác, những gợi hứng mới mẻ Tin mừng khơi lên trong tâm hồn tu sĩ thánh thiện là thứ không bao giờ lạc điệu với thời gian.
Sau cùng là đào tạo trong kỷ luật. Kỷ luật góp phần làm cho nhân cách tu sĩ được lớn lên. Khi suy nghĩ nghiêm túc về lý tưởng mình đã chọn, tu sĩ sẽ tự nhủ Đức Kitô mới là luật của tôi. Vì tôi tự nguyện chọn sống theo luật dòng Đaminh, Phanxicô, Thánh Thể… nên lúc đố luật không còn là thứ trói buộc, cứng nhắc, nhưng tu sĩ được tự do trong khuôn khổ của luật. Trong suốt quá trình đào tạo, kỉ luật phải đi vào nội tâm tu sĩ. Tiến trình ấy chỉ thành công khi nó giúp người được đào tạo biết tự lập cho mình một kỷ luật sống đúng đắn và tự nguyện. Thứ nữa việc đào tạo phải gắn liền với đời sống cộng đoàn. Trong mảnh đất cộng đoàn, tu sĩ được mời gọi đón nhận anh chị em với tất cả những khác biệt để lớn lên trong ân sủng. Đó cũng là yếu tố đặc trưng cho thấy tu sĩ hội dòng nào thì mang nét văn hóa của linh đạo dòng đó.
Nt. Scholastica Vũ Hiền, Đaminh Bùi Chu