Covid-19 và khả năng tự phục hồi
Thứ hai - 16/03/2020 22:27
3041
Có lẽ chưa bao giờ thế giới lại ở trong tình trạng nóng, ảm đạm, căng thẳng và bất ngờ như những ngày qua. Và có lẽ cũng hiếm khi có một vấn đề mà tất cả mọi người, từ các chính trị gia, các nhà khoa học, các chuyên gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, đến các đài báo ở mọi chính thể lại đồng loạt nói tới một thứ như những ngày này: COVID-19.
Covid-19 khi chưa được các nhà khoa học đặt tên, nó mang một cái tên rất đẹp “corona” (theo tiếng Ý, có nghĩa là vương miện). Dù có cái tên mĩ miều như thế, nó lại đang làm thế giới đảo lộn và nóng lên từng ngày. Những con số nói lên điều đó. 59 triệu dân Vũ Hán (Trung Quốc) bất ngờ bị phong toả sáng 23/01/2020, chỉ sau vài ngày có thông tin về con virus ấy. Đây chắc chắn là điều không ai hình dung đến. Ngay sau đó, người dân Việt Nam, nhất là các phụ huynh cũng bị “sốc” trong việc con em mình được nghỉ “tết âm lịch kéo dài” vì “cô Vy”. Rồi một điều không thể tưởng tượng được cũng đã xảy ra với khoảng 60 triệu người Ý kể từ đêm 09/03/2020. Sau một đêm thức dậy, 60 triệu người đã bàng hoàng với lệnh phong toả trên khắp cả nước, họ bị hạn chế đi lại, các hoạt động thường ngày đột nhiên bị huỷ bỏ. Mọi người ở nhà, giao thông gần như đóng băng, các rạp chiếu phim, nhà hát, quán bar trở nên vắng lặng. Ngoài ra, cho đến ngày 15/03/2020, rất nhiều nước trên thế giới cũng ra lệnh phong toả, hoặc trong cả nước như Tây Ban Nha, hoặc phong toả một số vùng miền, khu vực như Manila (Philippines), Pháp, Mỹ…
Và với số liệu thống kê mới nhất, tính đến ngày 15/03/2020, cả thế giới có 167,307 ca nhiễm với 6.455 người chết; Trung Quốc đứng đầu với 80,849 ca nhiễm và 3,199 người chết; Ý đứng thứ 2 thế giới với 24,747 ca nhiễm, 1.809 người bị chết… Những con số về ca nhiễm, về người chết thay đổi từng giờ, từng ngày và luôn trong đà “lao thẳng” lên trên trong các bảng thống kê. Cho đến thời điểm này, nhìn chung trên toàn thế giới, nạn dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Tới lúc này, không ai có thể lường trước hay biết trước với Covid-19 ngày mai điều gì sẽ xảy ra với làng mình, khu phố hay đất nước mình đang sống. Liệu việc nhiễm bệnh, cách ly và thậm chí là chết có xảy ra với mình hay người thân và bạn bè mình không? Những câu hỏi bỏ lửng đang làm chúng ta ở trong tình trạng bấp bênh và căng thẳng hơn bao giờ hết.
Những thứ đang xảy ra trên thế giới và xung quanh chúng ta, cho thấy một cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn diện hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo một nhà báo từ Ý, cuộc khủng hoảng sức khoẻ chỉ là bước đầu, thế giới sẽ sớm phải đối phó với các hậu quả kinh tế, xã hội, và hậu quả sẽ là không thể hình dung nổi. Đó chính là sự tổn thương mà nhiều thể chế chính trị, nhiều nước đã, đang và sẽ phải đối diện.
Nhưng với bài viết này, ở đây, tôi muốn nói về những tổn thương về tinh thần mà cả những người nhiễm cũng như những người khoẻ đang chịu đựng. Đó là những tổn thương không thấy hết bằng mắt, không nghe đủ bằng tai, không sờ thấy bằng tay. Đó là cú sốc, là nỗi đau, là sự hoảng loạn, là nỗi bất an, là sự hoang mang. bỗng nhiên hàng triệu triệu con người bị “cầm tù” trong chính ngôi nhà của mình, một người ở Vũ Hán nói: “Thật căng thẳng khi tưởng tượng bạn không được phép rời khỏi căn phòng này hơn hai tháng và chỉ có thể đi bộ trong căn hộ này. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?” Họ không thể đi làm như thường, không thể gặp gỡ bạn bè, không thể đi dạo, không thể tham dự thánh lễ, không thể bước chân ra khỏi cổng nhà, thậm chí không thể thăm cha mẹ hoặc con cái mình dù họ đang ốm đau và ở trong tình trạng nguy kịch. Mọi thứ rất đỗi bình thường trước kia nay trở nên không thể. Những thứ “không thể” ấy rất dễ khiến con người ta trở nên gục ngã và thậm chí “bị điên” nếu không có những cách thế tức thời làm giảm cú sốc này.
Chính vì vậy, trong khi các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành y tế đang chạy đua để tìm ra loại vacxin phòng dịch và thuốc điều trị, thì nhiều nhà xã hội học và tâm lý học đang nói tới khả năng tự phục hồi nên được áp dụng trong hoàn cảnh vô cùng bi đát mà “cô Vy” mang tới này. Đó là khả năng chống lại các cú sốc, khủng hoảng và tổn thương mà ta gặp trong cuộc sống với những đặc tính là sự lạc quan và hy vọng. Các nhà tâm lý học khuyên rằng đừng để những “cú đập mạnh” và bất ngờ này áp đảo chúng ta, hãy biến nó thành sự tái sinh sâu sắc và làm chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Thật may mắn là nhiều người đã làm được điều đó. Cụ thể là người dân Ý. Nếu theo dõi báo chí những ngày gần đây, chúng ta sẽ thấy một tinh thần lạc quan đang làm cho hoàn cảnh ảm đạm ở Ý trở nên bớt u ám. Vào lúc 18h00 hàng ngày, có một cuộc “hẹn hò tập thể” trên ban công và cửa sổ các căn hộ ở Ý. Họ đã làm gì? Hàng triệu người ra đó hát, chơi các loại nhạc cụ hoặc thậm chí mang xoong nồi ra gõ. Đấy là một trong những cách mà người Ý đang làm để không chỉ làm cho mình bận rộn, mà còn động viên nhau, thể hiện sự lạc quan, hy vọng và yêu đời trong cảnh Covid-19 đang hoành hành. Đó không phải là sự chủ quan như nhiều người bình luận, nhưng lúc này, họ nghĩ rằng: “Tại sao phải sợ hãi, phải hoảng loạn và sống một cách tiêu cực, bi quan? Tại sao không thể cùng làm một điều gì đó cho mình và cho mọi người để sống tốt lên?” Thế là hàng triệu người, từ Bắc xuống Nam nước Ý, họ chọn cái ban công làm nơi “hẹn hò” để làm cho “cuộc sống tươi đẹp” theo tinh thần nổi tiếng của một bộ phim cùng tên của tác giả Roberto Benigni. Khẩu hiệu được chia sẻ nhiều nhất, đầy lạc quan lúc nàylà "Andrà tutto bene" (Rồi sẽ ổn cả thôi).
Đó là về mặt tinh thần. Về mặt tâm linh. Mặc dù các Thánh lễ không thể dâng trong các Nhà Thờ trên khắp nước Ý và nhiều nơi trên thế giới những ngày qua, nhưng nhiều nhóm cầu nguyện lớn, nhỏ đã được tiến hành cùng nhau trong một thời điểm nhất định. Các Thánh lễ vẫn được tín hữu theo dõi qua các phương tiện từ xa trong tinh thần hiệp thông. Thường xuyên có các lời khích lệ và sự cảm thông chia sẻ từ mọi người bằng những lời cầu nguyện và lời kinh cụ thể. Có thể nói, mọi người không cô đơn và không một mình chống chọi với “cơn lũ Covid-19” đang lướt qua và quyét sạch những gì được coi là “thường ngày” của chúng ta.
Để kết thúc những suy tư này, xin mượn lời của Luật sư Hoàng Đức Thắng (từ Luân Đôn, Anh) rằng:
“Về mặt cá nhân, tôi nghĩ mùa dịch này là lúc chúng ta hãy thêm yêu đời, yêu người hãy ở bên các bậc cha mẹ và người thân già yếu, hãy làm những việc mình còn đắn đo, hãy chăm sóc và nâng niu những gì mình đã lỡ làng... Có thể chúng ta không có được sự uyên thâm của các chuyên gia, chúng ta chẳng có được sự cân nhắc các lợi ích đa chiều như các nhà chính trị; và thậm chí, chúng ta cũng chẳng có được sự tự quyết bất đắc dĩ của ‘người tiêu dùng/người dân thông thái’. Nhưng có lẽ, chúng ta sẽ duy trì được sự bình tĩnh và điềm đạm để đón nhận và xử lý sự việc bằng nhận thức và hiểu biết chung, cũng như có được sự vững tin vào một mùa hè nắng đẹp đang đến gần”.
X. Worldometers.info, (ngày 15/03/2020) X. http://www.vietcatholic.net, (ngày 10/03/2020)
Tác giả: Núi Cát, Đaminh Bùi Chu