Anh chị em Di dân làm thơm danh Giáo phận
Thứ sáu - 05/05/2017 23:58
6343
Tuần trước, nhân thể có công việc tại Sài Gòn, tôi được dịp tham dự hai Thánh lễ của hai nhóm di dân thuộc giáo phận Bùi Chu. Đó là lễ kính Thánh Vinhsơn, bổn mạng đồng hương giáo xứ Hưng Nhượng và Lễ kính lòng Chúa thương xót, bổn mạng Nhóm Bảo Vệ Sự Sống thuộc giáo xứ Ngưỡng Nhân.
Cảm xúc bùng cháy trong tôi khi tham dự Thánh lễ với anh chị em, đó là niềm tự hào về tinh thần đạo đức và lòng nhiệt thành của những người con xa giáo phận. Dường như đi đến đâu, anh chị em cũng để lại những dấu ấn đậm nét Bùi Chu.
- Ấn tượng đầu tiên là số người tham dự Thánh lễ rất đông. Giữa môi trường kinh tế đầy sôi động, con người bị hút vào công ăn việc làm để cố gắng kiếm cho được thật nhiều tiền của. Sự hấp dẫn về tiền bạc và danh vọng khiến không ít người Công giáo quên mất những nhu cầu tâm linh. Dẫu phải nặng lòng với cơm áo gạo tiền, nhưng anh chị em di dân Bùi Chu vẫn ưu tiên dành thời giờ cho đời sống thiêng liêng của mình. Họ sẵn sàng gác bỏ công việc để quy tụ với nhau trong những ngày lễ chung của cộng đoàn.
- Ấn tượng thứ hai là tinh thần gắn bó giữa những người con xa xứ và tình liên đới giữa các nhóm đồng hương Bùi Chu với nhau. Dường như càng đi xa, tình cảm quê hương càng mạnh mẽ hơn. Dù mỗi người một nơi, sống cách nhau nhiều cây số, nhưng họ vẫn giữ mối liên lạc để khích lệ tinh thần cho nhau và điều đó tạo nên sức mạnh cho cộng đoàn. Rồi mỗi khi cộng đoàn này mừng lễ thì luôn có những đại diện và đoàn hội của nhóm khác đến chia vui, chúc mừng và cộng tác trong việc tổ chức. Hẳn Chúa rất hài lòng khi con cái Ngài sống đoàn kết, yêu thương nhau như vậy.
- Ấn tượng thứ ba mang đậm nét Bùi Chu là tinh thần lễ hội. Ở đâu có con dân Bùi Chu là ở đó có trống kèn, cờ quạt, rước sách rộn ràng. Có người cho rằng: chuyện kiệu rước, trống kèn, đoàn hội của Bùi Chu là rườm rà, màu mè, hình thức…, nhưng tôi nghĩ đó là nét đẹp truyền thống của Giáo phận. Ở đây ta còn nhận ra sự sáng tạo đầy khôn ngoan của các nhà truyền giáo xưa. Sống giữa những người lương dân với nhiều lễ hội dân gian, các Ngài đã khôn khéo tổ chức các đoàn hội và nghi lễ để dễ lôi cuốn và quy tụ con cái mình. Quả thật, nếu không có những hình thức sinh hoạt bề ngoài đó hẳn tôn giáo của chúng ta cũng mất đi một phần sự hấp dẫn.
Tôi nhận thấy cái máu lễ hội dường như đã thấm sâu vào xương thịt con cái Bùi Chu. Chính vì thế mà đi đến đâu họ cũng muốn thể hiện “những món đặc sản lễ hội” của mình. Để gầy dựng được một hội đoàn họ phải hy sinh rất lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Người phụ trách cho biết: anh em hội kèn, hội trống ở rải rác khắp nơi có những người cách xa tới 15 cây số. Rồi việc tập luyện cũng gặp không ít khó khăn, vì âm thanh nhạc cụ cũng gây ồn ào cho cộng đồng… Tuy nhiên họ tìm mọi cách để khắc phục và tập luyện rất nhiệt tình, say mê.
- Ấn tượng thứ tư mà tôi nhận thấy, đó là tính tiếp nối của các thế hệ trẻ. Với những người mới định cư, họ đã sớm cho các cháu nhỏ trong gia đình tham gia vào các hội đoàn như hội trắc, hội hoa và các nhóm văn nghệ. Được cha mẹ quan tâm, các cháu tỏ ra rất hào hứng với các cuộc rước và những tiết mục văn nghệ được diễn ra trong tiệc mừng. Điều này rất cần được phát huy vì các cháu sẽ là những người sẽ tiếp nói truyền thống sau này.
Bên cạnh việc tham gia sinh hoạt đoàn hội, tôi nhận thấy các cháu vẫn giữ được truyền thống kinh hạt Bùi Chu. Khi tham dự Thánh lễ, các cháu thưa kinh đối đáp rất sốt sắng. Trong dịp lễ bổn mạng đồng hương Hưng Nhượng vừa qua, tôi để ý và nhận thấy dường như cháu nào cũng thuộc kinh thánh Vinhsơn quan thầy. Điều này cho thấy vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái mình là vô cùng quan trọng.
Một điều nữa cũng cần được nói tới, ấy là không chỉ có kinh kệ lễ lạc, mà anh chị em di dân còn rất sốt sắng trong việc bác ái tông đồ. Tham dự lễ bổn mạng của Nhóm Bảo Vệ Sự Sống thuộc giáo xứ Ngưỡng Nhân, chúng tôi được nghe rất nhiều chương trình và những việc làm đầy ý nghĩa của anh chị em trong nhóm, cùng với sự cộng tác tích cực của nhóm giới trẻ và sinh viên Bùi Chu.
Họ lập quầy hàng miễn phí ngay trước nhà thờ Tân Hương. Họ có những buổi đi phát cháo đêm cho người vô gia cư. Họ có những buổi từ thiện bác ái ở những vùng sâu vùng xa của bà con dân tộc thiểu số. Họ tư vấn cho nhiều trường hợp “mang thai ngoài ý muốn…” và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Hình ảnh những cháu bé được “tư vấn thành công” mà tôi gọi là những “thiên thần thoát chết” được nhóm trình chiếu trên màn hình khiến bao người xúc động. Rồi bất kể đêm hôm, họ sẵn sàng quy tập những thai nhi xấu xố để an táng… Công việc họ làm tuy âm thầm nhưng khiếm bao người khâm phục.
Ước mong lòng đạo đức và nhiệt thành của anh chị em di dân Giáo phận được tiếp tục phát huy và nhân rộng. Anh chị em chính là những tông đồ thời đại, đang làm sáng danh Chúa và thơm danh Giáo phận.
Tác giả: Lm. Phêrô Đinh Trung Hiếu