Liên tiếp mấy ngày nay, khắp các trang báo, trang mạng và các trang thông tin khác đâu đâu cũng thấy nói về hiện tượng Hội Thánh Đức Chúa Trời. Việc tổ chức này được nhắc đến với tuần suất cao làm nhiều người không khỏi rơi vào tình trạng lo lắng và bất an. Đến nỗi nhiều người ví Việt Nam như đang sống trong những năm chiến tranh với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao độ hay cứ như Việt Nam đang phải đối diện với một loại vi-rút cực kỳ nguy hiểm nào đó. Nói chung một tình trạng bất an đang tràn ngập trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.
Bởi vì Hội Thánh Đức Chúa Trời đã được nhiều người phân tích, bàn luận nên trong bài viết này, người viết xin không đi sâu vào tổ chức đó. Thế nhưng, người viết, với tư cách là một người Công giáo, xin được đi vào khía cạnh đàng sau của hiện tượng này, hiện tượng Hội Thánh Đức Chúa Trời.
Thứ nhất, dường như hiện tượng Hội Thánh Đức Chúa Trời là một phép thử về đức tin và đức ái cho những người Công giáo. Quả thật, trước hiện tượng này, không ít người Công giáo đang cảm thấy chênh vênh và hổ thẹn về đức tin và đạo của mình. Bởi chưng bị nhiều người hiểu nhầm đạo của mình với Hội Thánh Đức Chúa Trời là một, vì cùng nhắc đến Đức Chúa Trời. Đến nỗi nhiều người phải giải thích trên mạng Internet “Hội Thánh Đức Chúa Trời không phải là Đạo Công giáo” hoặc chửi bởi, nguyền rủa những người theo tổ chức đó như muốn minh oan cho đạo của mình. Như vậy, trường hợp này còn cho thấy đức ái của người Công giáo cần phải bàn xét lại. Hành động đó có phải là điều Chúa muốn khi dạy chúng ta phải biết yêu thương và cầu nguyện cho mọi người ngay cả kẻ thù của chúng ta không? Tại sao chúng ta không khuyên bảo và cầu nguyện cho họ mà chúng ta lại a dua để kết án, đẩy họ vào bước đường cùng?
Thứ đến, hiện tượng Hội Thánh Đức Chúa Trời xuất hiện cho thấy đó như là hệ quả tất yếu của một xã hội không có niềm tin. Thật thế, khi con người “bơ vơ, lạc lõng, mất phương hướng” trong xã hội thì họ cần có một điểm tựa nào đó để bám vào. Và việc họ tìm đến với đức tin là một điều dễ hiểu. Thế nhưng một xã hội đang loại trừ tôn giáo và không khuyến khích con người tin vào tôn giáo thì việc có những “nhà truyền giáo” đến với họ và họ tin theo những “nhà truyền giáo” đó cũng là điều dễ hiểu. Nói như kinh tế học “Có cầu ắt có cung”.
Kế đến, chúng ta cũng có thể nói được rằng hiện tượng này cũng là hệ quả của một xã hội tràn lan bạo lực, sự dữ. Lướt qua các thông tin trên báo đài, ngày nào cảnh chém giết, cướp giật cũng xảy ra nhan nhản khắp nơi… Người dân Việt Nam dường như đang “bội thực” với cảnh bạo lực đó và họ khao khát có được một cuộc sống yên bình. Ai cho họ yên bình đây? Hẳn là những “người truyền giáo” của Hội Thánh Đức Chúa Trời đã bắt được nhịp của người dân khi nói rằng tổ chức đó sẽ bảo đảm cho họ được sự yên bình mà họ đang cần. Thế nhưng, tiếc thay những điều khác mà tổ chức đó làm lại đi ngược lại thuần phong mỹ tục. Thiết tưởng nên nói rằng đây cũng là mặt trái của việc báo đài suốt ngày đưa những tin chết chóc lên các mặt báo.
Cuối cùng, việc các mặt báo, các địa phương, các tổ chức đồng loạt lên tiếng cảnh báo về Hội Thánh Đức Chúa Trời với tần suất cao làm người viết có cảm tưởng dường như có một nhóm nào đó đang cố đánh đồng Hội Thánh Đức Chúa Trời với Công giáo. Tại sao vậy? Để mọi người ác cảm với đạo Công giáo chăng? Để mọi người nghĩ rằng việc tôn thờ Thiên Chúa là mê tín, là gây bất ổn xã hội, là làm cho gia đình bất hoà chăng? Có thể vậy. Bởi chưng những gì đạo Công giáo đấu tranh để có một xã hội công lý và hoà bình trong thời gian qua cũng đủ làm cho nhiều người muốn sự đánh đồng đó xảy ra.
Hiện tượng Hội Thánh Đức Chúa Trời quả là một sự kiện căng thẳng đối với chúng ta trong thời gian qua. Do đó, đứng trước hoàn cảnh này, người Công giáo chúng ta hãy cầu nguyện trước là cho chính chúng ta, sau là cho những người đang sống trong Hội Thánh Đức Chúa Trời và cho tất cả mọi người biết tìm đến CHÂN LÝ toàn vẹn.