Sự kiện Thượng đỉnh Liên Triều diễn ra tại Bàn Môn Điếm hôm thứ Sáu, ngày 27/04/2018 không chỉ là sự kiện lịch sử tại bán đảo Triều Tiên mà còn là sự kiện đáng để toàn thế giới lưu tâm: sau 65 năm phân cách giữa hai miền Nam Bắc, lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân trên mảnh đất phía Nam. Hình ảnh hai nguyên thủy Triều Tiên và Hàn Quốc tươi cười hết sức thoải mái trong khi bắt tay và cùng nhau sánh bước không chỉ là tâm điểm tại hai quốc gia này mà còn gây sự chú ý đối với mỗi quốc gia có quan điểm chính trị và quyền lợi khác nhau về vấn đề bán đảo Triều Tiên nói riêng và đối với những ai yêu chuộng nền hòa bình nói chung. Tất cả đều bày tỏ thái độ hết sức lạc quan từ cuộc gặp gỡ cấp cao liên Triều cho một trang sử mới tại báo đảo này.
Có thể nói vai trò nhà kiến tạo hòa bình của tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In là rất lớn. Trong khi tình hình căng thẳng của hàng loạt cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên vốn được người tiền nhiệm là nữ tổng thống Park Geun Hye hóa giải qua việc gia tăng tập trận với Hoa Kỳ và thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ thì nhà kiến tạo hòa bình này chủ chương tìm giải pháp qua ngả ngoại giao và đối thoại song phương cũng như đa phương.
Lộ trình này phát huy tác dụng đầu tiên cần kể đến đó là sự kiện thể thao thế vận hội mùa Đông diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng Hai 2018. Nhân dịp này, nước chủ nhà Hàn Quốc có sáng kiến mời ban nhạc Triều Tiên trình diễn. Chính thể thao và âm nhạc đã mở đường qua lại cho hai bên: phái đoàn cấp cao Triều Tiên trong đó có em gái của Kim Jong Un đã đến Hàn Quốc để dự lễ bế mạc thế vận hội. Tiến trình đối thoại liên tục được hâm nóng qua đáp từ của phía Hàn Quốc bằng việc gửi phái đoàn đặc biệt của tổng thống cũng như ban nhạc nổi tiếng K-POP tới Triều Tiên và đều được lãnh đạo Kim Jong Un tiếp đón thật trọng thị.
Liên quan đến lộ trình đàm phán đa phương, đặc phái viên của tổng thống Moon Jae In còn thực hiện sứ mệnh ngoại giao con thoi với các bên như Nhật, Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc với kết quả rất khích lệ đó cuộc gặp Trump và Kim sẽ diễn ra vào tháng Sáu 2018 tới đây mà địa điểm vẫn chưa được tiết lộ.
Quay trở lại sự kiện Thượng đỉnh Kim - Moon, hai bên đều đánh giá rằng bán đảo Triều Tiên đã sang trang mới, đồng thời cam kết chấm dứt xung đột, được thay bằng việc mở văn phòng liên lạc với sự gia tăng đối thoại cũng như giải quyết vấn đề nhân đạo như đoàn tụ gia đình.
Nhìn cách tổng thể, tương lai vẫn còn chờ đợi ở phía trước. Tuy nhiên, những gì gọi là « vạn sự khởi đầu nan » mà trong suốt 65 năm vừa qua không thể khai thông bế tắc thì sự kiện Bàn Môn Điếm hôm 27/04 vừa rồi là một bứt phá đầy ngoạn mục giống như một ánh sáng chiếu dọi trong đường hầm tăm tối.
Xét cho cùng, đối thoại vẫn là giải pháp tối ưu thay thế cho việc leo thang chạy đua vũ trang luôn được Giáo hội và những ai yêu chuộng hòa bình đề cao. Chính vì vậy, Giáo hội luôn luôn sẵn sàng đóng vai trò trung gian để giải quyết những vấn đề xung đột bằng cách dẫn đưa các bên ngồi vào bàn thương lượng. Hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa rồi không chỉ mang tính biểu tượng nhưng mở ra một lộ trình để tiến dần đến giải trừ hạt nhân, chấm dứt xung đột và mở ra một nền hòa bình bền vững cũng như bầu khí liên đới và huynh đệ không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn cả trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Phó Mộc