“Giận thì giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 30,6).
Tình yêu lứa đôi là một đề tài phong phú, mang nhiều khía cạnh riêng biệt, đã được nhiều tác giả văn học, thi ca và cả những nhạc sĩ khai thác, diễn tả trong những tác phẩm của họ với từng khung cảnh sống của con người. Quan niệm về tình yêu giữa các quốc gia, các vùng miền hay giữa các thế hệ có sự khác biệt nhưng bản chất vốn có của tình yêu nam nữ sẽ không thay đổi. Đã nói đến tình yêu đôi lứa thì chắc chắn tình yêu đó được xây dựng bởi một người nam và một người nữ, họ sống cho nhau, trao hiến và thuộc trọn về nhau.
Trong thời đại hôm nay, nhận thức của người trẻ về tình yêu dường như còn hời hợt, thiếu sót và chưa rõ ràng. Họ chưa có được một định hướng đúng đắn về tình yêu và sự hướng dẫn đầy đủ giúp người trẻ đối diện với tình yêu một cách thực sự. Cùng với đó là sự ảnh hưởng của lối sống, những luồng tư tưởng sai lệch, những quan niệm không đúng về tình yêu làm cho người trẻ đang phải đối diện với nhiều rắc rối trong tình yêu. Trước thực trạng đó, bài viết xin được trình bày đề tài: “Tương quan nam nữ trong tình yêu”, với mong muốn giúp các bạn trẻ có được một cái nhìn rõ hơn và sâu sắc về vai trò cũng như trách nhiệm của họ trong tình yêu.
Nhân tố đầu tiên ta cần nhắc đến đó là người nam. Từ xưa đến nay, người nam luôn được coi là người đại diện cho phái mạnh, và mang nơi mình những nét đặc trưng riêng biệt. Một người nam lý tưởng theo quan niệm ở Việt Nam phải là người “văn võ song toàn”. Đó là người có đủ học thức, sự hiểu biết về cuộc sống và con người; có mưu lược, sức mạnh để chiến đấu chống lại cái ác và bảo vệ chân lý. Trong thời đại mới, quan niệm đó đã có phần thay đổi: người nam được nhắc đến với sự lịch thiệp trong giao tiếp, có ý chí tiến thân và thành công trong sự nghiệp. Vì thế, họ được coi là trụ cột của gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế của đời sống thì một người mà hội tụ đủ những phẩm chất ấy cũng thật khó tìm: thường thì sẽ mạnh về điểm này và yếu về mặt kia, vì con người thì “nhân vô thập toàn”.
Nhân tố thứ hai xem ra có đôi chút khác biệt với nhân tố thứ nhất. Người nữ được coi là người đại diện cho phái yếu. Người xưa thường quan niệm: người nữ phải là người “công- dung- ngôn- hạnh”, nghĩa là một người khéo léo trong công việc gia đình; nét mặt và cử chỉ đoan trang; nói năng lễ phép; nết na đức độ. Ngày nay, người nữ không còn bó hẹp nơi gia đình nhưng đã có những cơ hội để khẳng định mình trong các công việc chung của xã hội. Cũng như người nam, họ cũng không thể là một người “thành toàn” về mọi mặt. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nơi người nữ vẫn mang đậm những giá trị riêng.
Như đã nói đến ở phần đầu, tình yêu lứa đôi là mối tình của người nam và người nữ. Đây là nền tảng bền vững, sẽ không phải là tình yêu thực sự khi thiếu vắng một trong hai người. Đủ hai yếu tố nam và nữ thì khi đó họ mới có thể tạo dựng một tình yêu đúng nghĩa và tròn đầy.
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?” (Sóng - Xuân Quỳnh).
Sự khác biệt về những đặc điểm của người nam và người nữ không hề làm họ tách biệt, xung khắc hay loại trừ nhau. Trong tình yêu, những khác biệt đó là rất cần thiết, giúp họ bổ túc cho nhau và giúp nhau nên hoàn thiện. Hai người yêu nhau, họ đến với nhau không phải vì thấy một bản sao giống họ về tính cách, về lối sống nhưng là họ nhìn thấy nơi đối phương những điều cần thiết cho đời sống của cả hai người: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn chung về một hướng” (St. Exupéry).
Trong tình yêu, cái đẹp và cái xấu dường như không được định nghĩa một cách rõ ràng. Nếu như trong đời thường, nụ cười này có thể là vô duyên, thô kệch nhưng trong bối cảnh của tình yêu, đó lại là chất kết dính, sự lôi cuốn để hai người đến với nhau. Và trong nhiều mặt khác nữa, họ chấp nhận sự khác biệt của nhau và đón nhận đó như một quà tặng riêng biệt của người yêu. Tình yêu có đủ sức mạnh để biến cái chưa đẹp trở nên đáng yêu. “Một người đang yêu thật thường trở nên dễ tính, quảng đại, khoan nhượng và nhân từ hơn. Thế giới quanh người ấy cũng trở nên đáng yêu hơn”[1]. Nhân vật Chí Phèo được nhà văn Nam Cao diễn tả một cách rất người, anh ta nhận ra nơi Thị Nở (một nhân vật được coi là có dung mạo thô kệch) nét duyên dáng đáng yêu.
Tình yêu đẹp là thế nhưng cũng không vắng bóng những khổ đau và gian khó. Khổ đau là một điều mà ai cũng ngại đón nhận và thực sự là khó đón nhận. Chiêm ngắm Đức Giêsu trong vườn Giệtsimani trước giờ chịu khổ hình và chịu chết để cứu chuộc nhân loại, ta thấy rõ Ngài đã lo buồn, sầu não đến tột độ - mồ hôi mướt ra như máu nhỏ xuống đất. Khổ đau là điều không thể chối bỏ, có điều là thái độ của ta thế nào trước những đau khổ đó. Hai người yêu nhau cần phải ý thức và có một tâm thế sẵn sàng trước thực tế ấy. Nếu như họ nhìn đau khổ là phương thế tôi luyện tình yêu của họ thì cả hai sẽ chiến đấu và sẽ giành chiến thắng để bảo vệ tình yêu của mình. Ngược lại, nếu như họ không chấp nhận hay chỉ có một trong hai người đương đầu với thử thách thì quả là quá sức. Như thế, mối tình của họ sẽ bị tổn thương và đi đến tan vỡ.
Tinh thần lạc quan của hai người trong cuộc sống sẽ là một phương thế tốt giúp họ vượt qua được những khó khăn. Trong trang bìa của cuốn sách “Ngày Mai Trời Lại Sáng” của nhóm Lửa Mới biên soạn, có đề một câu sau: “Ngày mai chẳng biết ra sao nữa, mà có ra sao cũng chẳng sao”. Ở đây không phải là sự thờ ơ, lãnh đạm với cuộc đời nhưng là một tinh thần lạc quan và chủ động với mọi cảnh huống. Tình yêu sẽ thực sự đẹp và có giá trị khi cả hai người cùng nhau trải qua những thăng trầm của cuộc sống để đi đến với hạnh phúc.
Những lệch lạc trong tình yêu của người trẻ ngày nay đến từ những suy nghĩ khác của họ về tình yêu. Cái khác ở đây không theo chiều hướng tích cực nhưng lại hướng theo điều tiêu cực được ẩn dấu trong một dáng vẻ hấp dẫn, có vẻ hợp lý và hợp thời. Tình yêu được coi như là một sân chơi cho những cuộc thử nghiệm của người trẻ: “Hợp thì đến, không hợp thì chia tay”. “Sống thử” là một trong những lệch lạc đó: “Họ quan niệm trước khi thành hôn, họ phải thử xem có hợp với nhau về sinh lý chăng”[2]. Đó là một điều vô cùng tai hại và làm chết đi tình yêu nguyên thủy. “Lấy việc hiến mình cho nhau và lấy người khác ra mà thử nghiệm, thì có khác gì ‘thử’ chết bằng một giấc ngủ thật dài đâu”[3]. Một tình yêu thực dụng cũng đáng phải lên án: họ đến với nhau không phải vì yêu thương nhưng hoàn toàn vì tiền tài, vì ham muốn dục vọng. Khi mà nhu cầu của họ không còn thì mối quan hệ giữa họ cũng chấm dứt và để lại biết bao hệ quả đau thương.
Tình yêu đúng nghĩa là tình yêu nhắm đến hôn nhân, cả hai thuộc trọn về nhau và trao hiến cho nhau cách trọn vẹn, cùng nhau xây dựng cuộc sống, một tương lai hạnh phúc. “Yêu là không buộc, không bao, không cất dấu, không dành riêng… mà làm cho đối tượng mình yêu thương triển nở thật trong tự do, giải thoát người được yêu ra khỏi đám mây sở hữu và điều khiển của người yêu. Yêu là làm cho người mình yêu thực sự lớn lên”[4].
Vì thế, mỗi người dù là nam hay nữ, hãy ý thức một cách nghiêm túc về tình yêu. Vì đó chính là cuộc sống của bạn, có ảnh hưởng trực tiếp và chi phối suốt cuộc đời. Mỗi người hãy ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong tình yêu: để tình yêu mang lại hoa trái và hạnh phúc.
“Những khi bên nhau,
Hãy để chừa khoảng cách,
và hãy để gió trời nhảy múa ở giữa.
Hãy yêu nhau,
Nhưng đừng biến tình yêu thành xiềng xích.
Mà để nó như biển chao động
Giữa các bến bờ tâm hồn các bạn...”[5]
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 106-112.
[1] TRẦN THỊ GIỒNG, CND, Tâm Bất Biến Giữa Dòng Đời Vạn Biến, NXB Phương Đông, 2010, tr 195. [2] LM. ĐAMinh NGUYỄN ĐỨC THÔNG, Luân Lý Giới Tính, NXB Phương Đông, 2015, tr 173. [3] LM. ĐAMINH NGUYỄN ĐỨC THÔNG, sđd…, tr 173. [4] TRẦN THỊ GIỒNG, CND, sđd…, tr 195. [5] KAHLIL GIBRAN, Nhã Ca Tình Yêu, Nguyễn Ước dịch,Trích: Tuy Xa Mà Gần, Tuy Gần Mà Xa, NXB Văn Học, 2012.