Đồng hành cùng các gia đình trẻ, Giáo hội đã có nhiều cách thức để đồng hành giúp các gia đình trẻ sống an hoà hạnh phúc và không ngừng thăng tiến. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, không ít gia đình đang phải đối diện với những khủng hoảng nội tại, vợ - chồng, con - cái, các mối tương quan trong gia đình ngày một chia cắt, thiết nghĩ một trong những ưu lo của các gia đình trẻ ngày hôm nay là vấn đề giáo dục con cái. Nền giáo dục tại Việt Nam còn nhiều bất cập! Đâu là điểm tựa, định hướng cho việc giáo dục trong tương lai?
Một trong những nền giáo dục ổn định đóng góp nhiều cho nhân loại phải kể đến cách thức và quan điểm giáo dục của người Do Thái. Theo Perry Stone, tác giả Mật mã Do Thái, ghi nhận Do Thái chỉ là một dân tộc nhỏ bé, nhưng đã có những đóng góp vô cùng vĩ đại kể từ xưa cho tới nay. “Người Do Thái chỉ chiếm chưa đến 1% dân số thế giới, nhưng 176 người đoạt giải Nobel lại là người Do Thái. 25% các tổ chức nhận giải thưởng Nobel Hòa bình đều do người Do Thái thành lập hoặc đồng sáng lập...”
Người Do Thái đã có những quan điểm, những phương pháp giáo dục như thế nào mà sinh ra vô vàn những con người khổng lồ, đóng góp cho thế giới vô cùng lớn lao như thế? Trước hết, giáo dục kiến thức, văn hóa hay tôn giáo Do thái, gắn kết dường như không có sự tách rời “xưa cũng như nay, đối với người Do Thái đạo đức, việc học đồng nghĩa với việc thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa là nguồn mọi sự khôn ngoan. Như vậy, học không phải chỉ để hiểu biết mà còn để biết tôn kính (x. Heschel 1953 và 1966)”[1]. Đối với người Do Thái, đầu mối và cùng đích sự khôn ngoan tri thức là Thiên Chúa. “Tri thức tôn giáo, điều kiện làm cho đời sống hạnh phúc. Chẳng phải vì dạy cho người vô đạo biết đường lối Thiên Chúa mà họ sẽ dẫn dắt được những người này trở về chính đạo sao? (Tv 51, 15). Vậy nỗ lực giáo huấn trong môi trường của các văn sĩ đồng thời với nỗ lực của các tư tế và của cả các ngôn sứ. Tại nhà trường (Hđ 51,23), các tiến sĩ trao cho mọi người một nền giáo huấn vững chắc (Hđ 51,25) khả dĩ giúp họ tìm thấy Thiên Chúa.”[2]
Đời sống xã hội, theo Thánh Kinh ghi lại các tương quan và các sinh hoạt của người Do Thái, ban đầu từ đời sống du mục trong các lều trại cho tới việc định cư trong các thôn làng và thị trấn, từ cuộc sống dưới thời các Thủ Lãnh, qua chế độ quân chủ, thời lưu đày Átxyri và Babylon, cũng như dưới thời bị trị bởi các đế quốc Ai Cập, Átxyri, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Xyri và Rôma có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, ngành khảo cổ sau này đào bới được những cổ vật đã chứng minh cuộc sống của đa số dân nghèo trong xã hội Do Thái không mấy thay đổi.[3]
Tương quan các thế hệ trong gia đình Do Thái
Thời tổ phụ Ápraham, gia đình gồm ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác con cháu và gia nhân có nhiều thế hệ ở chung với nhau. Tổ phụ Ápraham có thể huy động được ba trăm mười tám người cùng ông đi cứu người cháu là ông Lót bị bắt trước đó (St 14,14). Người gia trưởng (nội tổ) là người chủ trì và quyết định hết mọi việc, kể cả các sinh hoạt tôn giáo. Khi nội tổ qua đời, quyền gia trưởng được truyền cho người con trai trưởng. Uy quyền của người gia trưởng được tôn trọng, bắt buộc con cháu trong gia đình phải tuân giữ như luật lệ hoặc tập tục. Đối với thời hiện đại, đó là gia đình nới rộng.
“Ngay từ thời tổ phụ Ápraham, nền giáo dục đã khởi phát tại các nước Cận Đông. Tại Mêxôpôtamia, người ta đã thiết lập trường huấn luyện các viên thư lại làm việc tại các đền đài, cung điện và cho các thương gia; việc giáo dục này có tính cách tự nguyện; học trò thường là con cái các gia đình giàu có. Thời đó, các môn học là thực vật học, địa lý, toán học, văn chương và văn phạm”[4].
Trách nhiệm quan trọng, chính yếu trong giáo dục luôn thuộc quyền trách nhiệm của gia đình[5]. Vai trò cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình luôn quan tâm và chủ động giáo dục những kiến thức căn bản, sơ khởi, nhưng rất nền tảng và quan trọng. Cho tới ngày nay nền giáo dục của người Do Thái vẫn luôn giữ được uy thế, đóng góp cho nhân loại những bậc tài hùng, phần lớn là nhờ và khởi xuất từ nền tảng giáo dục trong gia đình.
“Việc giáo dục trẻ em vẫn luôn là mối ưu hàng đầu của xã hội Do Thái cổ thời. Các bậc cha mẹ có nhiệm vụ lo cho con cái được học hành đàng hoàng; tuy nhiên, các môn học sơ đẳng tại Do Thái hoàn toàn nghiêng về lãnh vực tôn giáo (giáo lý Do Thái giáo): Chúng được học lịch sử về Thiên Chúa yêu thương chủng tộc Do Thái; chúng được học biết các thánh chỉ của Người (lề luật Môsê) và các trách nhiệm đối với các luật lệ ấy; chúng còn được huấn luyện về cách giao tế và thuật xử thế khôn ngoan. Sách Khôn Ngoan là kho tàng các châm ngôn và ngạn ngữ, chúng cần học để thâu thái những kinh nghiệm xử thế khôn ngoan của người xưa (Xh I 20:4; Cn 1:7; 9:10; G 28:28; Đnl4:9-10; 6:20-21; Xh 13:8 9; 12: I 26-27; Gs 4:21-22; Lv 19: 2; st 18:19; Cn 1: 8; 4:1)”[6].
Vai trò giáo dục của người cha
Người cha trong gia đình có trách nhiệm giáo dục con cái những kiến thức căn bản về văn hóa xã hội, ông phải truyền lại cho chúng di sản tôn giáo do truyền thống dân tộc để các thế hệ con cháu tiếp nối phát triển.
“Qua các vấn nạn về tập tục và nghi thức do con cái nêu lên, tự nhiên người cha gia đình sẽ giảng dạy sơ lược về Đức Tin của Israel (Đnl 6,20-25). Cũng chính người cha gia đình dạy cho con cái học thuộc truyền thống (Đnl 31,19.22; 2Sm 1,18t ). Như thế việc giảng dạy về tôn giáo khởi đầu ngay trong khuôn khổ gia đình”[7].
Người Cha trong gia đình có trách nhiệm giáo huấn con cái về tôn giáo (x. Đnl 4,9; 6,7,20-25; 11, 19; 32,7,46; Tv 78,1-8), chỉ vẽ nghề nghiệp (x. Mt 13,55; Mc 6,3). Khi cử hành các ngày lễ hội trong Do Thái giáo, người cha thường cắt cử người con trưởng trong gia đình đứng lên nhắc lại lịch sử và ý nghĩa của các ngày lễ ấy, cũng như những mối liên hệ tới nguồn gốc và lịch sử của cả dân tộc[8].
Kinh Torah hướng dẫn cho các ông bố bà mẹ dạy lời Chúa cho con cháu của họ (Đnl 4,9; 6,7). Còn kinh Talmud thì hé lộ vai trò của người cha trong việc dạy dỗ con trai của họ[9]. Thời Israel cổ đại, người đàn ông chính là người đứng đầu về mặt tâm linh trong gia đình và là chủ gia đình.
Vai trò giáo dục của người mẹ
Thời đó, mặc dầu nữ giới có rất nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, giáo dục con cái, nhưng địa vị của họ trong gia đình, xã hội rất thấp kém. Chỉ có đàn ông mới được vào nội vi Đền thờ, được cử hành giữ các chức vụ quan trọng trong tôn giáo cũng như xã hội và chỉ đàn ông mới được dạy dỗ về kinh Tora. Người ta có thể trưng dẫn câu nói của Rabbi Elizer: “Thà đốt kinh Tora đi còn hơn là trao nó cho phụ nữ” (Mishnah Sotah 3, 4)[10].
Luật lệ Do Thái từ cổ thời đã khuyên nhủ các bà vợ chu toàn bổn phận của mình (Cn 31,10-31; Hc 26,1-18). Theo phong tục của người Do Thái, người mẹ có bổn phận dạy dỗ con cái những điều cơ bản để cư xử cho đúng. Người con gái học từ người mẹ về việc nội trợ như chợ búa nấu nướng, quay tơ, dệt vải, may vá, thêu thùa, trang hoàng[11]. Khi chúng lớn hơn, người mẹ sẽ tập cho con gái làm quen với bổn phận làm vợ và làm mẹ trong tương lai (x. Cn 31,10-31 (x. Mt 13,55).
Vai trò giáo dục của các tư tế
Trong lãnh vực giáo dục, các tư tế là những người không chỉ có kiến thức tâm linh, mà con là người am hiểu thế sự, có kinh nghiệm và kiến thức cuộc sống, tri thức, nên có trách nhiệm rộng lớn, không chỉ giảng dạy về tôn giáo, mà còn cả những vấn đề văn hóa, tri thức, liên quan, gắn liền cuộc sống. “Nhiệm vụ các ngài là lo việc phụng tự và lề luật, nên kiêm luôn chức vụ giảng dạy. Trên núi Sinai, Môsê đã tiếp nhận lề luật với sứ mệnh truyền dạy lại cho dân chúng. Do đó Môsê đã trở thành thầy dạy tiên khởi ở Israel (Xh 24,3.12). Ngày nay các thầy Lêvi phải giảng dạy và giải thích lề luật đó để có thể ảnh hưởng đến đời sống dân chúng (Đnl 17, l0t; 33, 10; x.2Sk 15,3). Samuel đã đem hết lương tâm chu toàn nhiệm vụ đó (1Sm 12,23 )”[12].
Nhiều thế hệ nối tiếp nhau qua sự dạy dỗ của các tư tế. Đặc biệt chi tộc Lêvi, nôi huấn luyện các tư tế phục vụ việc tế tự. Những người con cháu trong chi tộc, con cái các quan chức, cũng như các chi tộc khác cũng được theo học, nhưng mức độ, tùy hoàn cảnh và khả năng khác nhau.
“Trong quá khứ xa xưa, Do Thái đã có những trường lớp tư nhân, tình nguyện dạy trẻ em, nhất là những trẻ em thuộc hàng tư tế Lêvi, để chuẩn bị chúng làm tư tế phục vụ đền thờ; thời cậu Samuel thụ giáo với thượng tế Êli (1 Sm 1,24-28)... Các ngôn sứ Do Thái thời Cựu Ước có thâu nhận các đệ tử và huấn luyện họ thành các sứ giả và để kế nghiệp họ trong tác vụ sứ ngôn. Ngôn sứ Isaia mở lớp đào tạo ngôn sứ tương lai tại Giêrusalem; ngôn sứ Êlisa mở lớp huấn luyện các ngôn sứ tại thị trấn Giêrikhô. Tuy nhiên đó chỉ là những lớp huấn luyện có tính cách tư nhân và tự nguyện chứ không có hệ thống hay quy trình giáo dục như bên Ai Cập hoặc Babylon cổ thời”[13].
Bổn phận người con - học trò
Bổn phận người con - học trò, những người môn sinh theo học, điều kiện trước hết phải có là “lễ”. Thái độ đầu tiên là khiêm tốn, chân thành, kính trọng, hiếu thảo ông bà, cha mẹ, các bậc làm thầy.
“Những kẻ làm con phải kính trọng ông bà cha mẹ và các trưởng thượng của mình. Cụ thể, họ phải vâng lời ông bà cha mẹ và rập khuôn các kinh nghiệm qúy giá và thiết thực của họ trong cuộc đời, nhất là khi những người con ấy còn non nớt, trẻ tuổi khi còn đang ở với gia đình. Khi lỗi lầm, họ cũng cần được ông bà cha mẹ trách mắng và đánh đòn để trị tội và sửa dạy. Người Do Thái có tập tục tốt lành là con cái trong gia đình phải tôn trọng và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ để kính mến và phụng sự Thiên Chúa (Hc 3,1-16)”[14].
Người con khiêm ngoan, siêng năng theo sự hướng dẫn, học từ cha mẹ những kiến thức căn bản trong các bổn phận, những vấn đề cuộc sống và công ăn việc làm: ngư nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp, buôn bán, trao đổi, thêu đan, nội trợ là một trong những nghề chính người con trong gia đình cần biết.
Các giai đoạn giáo dục thời Do Thái cổ: giai đoạn đầu tiên huấn luyện tại gia đình. Khi đã có khả năng và mức độ nhận thức, trẻ được đào tạo “cấp sơ đẳng huấn luyện cho trẻ em biết môn toán học, để chúng có thể dùng vào việc khảo sát và đo đạc đất đai, cũng như tính toán số hoa màu thu hoạch được và dùng trong việc xây cất; các lớp cao đẳng hơn huấn luyện cho các ngành về khoa thiên văn, đường quỹ đạo của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú và cách làm lịch, đặc biệt là lịch tôn giáo và lịch nông nghiệp những ngành nghề khác như các nghề thủ công, thợ trò học nghề từ các bậc thợ thầy đàn anh dạn dày kinh nghiệm”[15].
Tại Do Thái thời xưa, người ta không rõ trường sở và hệ thống giáo dục bắt đầu từ khi nào; nhưng đa số đều công nhận giả thuyết: Có lẽ trường sở Do Thái bắt đầu từ năm 75 trước TL, khi đất nước chịu ảnh hưởng văn hoá Hylạp[16]. Khi nghiên cứu về trình độ tri thức của người Do Thái, nhiều học giả Thánh Kinh khẳng định: đa số quần chúng Do Thái thời Cựu Ước có thể đọc và viết tiếng Hípri (cổ ngữ Do Thái)[17]. Một bằng chứng cụ thể nhất, thánh sử Gioan ghi lại trong dân có nhiều người đọc được bảng hiệu INRI, trên thánh giá Đức Giêsu “Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: ‘Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái’. Trong dân Do Thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Hípri, Latinh và Hy Lạp” (Ga 19,19-22). Như thế ngay thời Đức Giêsu trình độ học vấn của người Do Thái đã có những phát triển.
Giáo dục của người Do Thái thời Cựu Ước, xã hội chưa có trường học quy mô cụ thể. Việc giáo dục trẻ em do cha mẹ và các bậc nội trưởng trong gia đình đảm trách, người chịu trách nhiệm giáo dục trẻ em trước hết là các người cha, các bà mẹ, sau là các tư tế. Trẻ được huấn luyện về những kiến thức văn hóa tri thức trong các tương quan gia đình, xã hội và luôn gắn liền với đời sống tôn giáo.
Tuổi thơ của Đức Giêsu, cũng như mọi người trẻ khác, Ngài đã học hỏi, lớn lên qua sự giáo dục của gia đình, của các tư tế, những người thầy trong đồng hành giáo dục. Khi khảo sát phần Tin Mừng tường thuật sứ vụ của Đức Giêsu, chúng ta thấy Đức Giêsu rất thường dùng những cảnh sinh hoạt gia đình để minh hoạ và làm nổi bật giáo huấn của Ngài[18], ví dụ: xay lúa (Mt 24,41), làm bánh (Mt 13, 33), vá áo (Mt 9,16), quét nhà (Lc 15, 8) và thắp đèn (Mt 5,15). Đức Giêsu đã học hỏi được nhiều bài học bổ ích từ gương sáng của cha mẹ trong đời sống thường ngày, đặc biệt từ bầu khí đạo đức chan chứa trong gia đình, nơi các hội đường, đền thờ, qua các Tư tế. Nơi đó là trường học đầu tiên. Khi còn bé Đức Giêsu ngạc nhiên trước bao nhiêu câu truyện kể trong Sách Thánh. Khi lớn lên, Ngài được dạy phải kính trọng luật Môsê, rồi hiểu biết ý nghĩa tập tục đeo các hộp kinh (x. Mt 23,5; Đnl 6, 4-9; 11,18.13-21; Xh 13,16) và các tua áo (x. Ds 15,37-40; Mt 9,20; Lc 8,44), đọc kinh Sêma (Đnl 6,4; x. Mc 12,29-30), sớm tối và tập hát thánh ca ngợi khen Thiên Chúa cách vui vẻ quanh bàn ăn[19].
Một trong những tiêu chuẩn làm nên nét riêng biệt, tạo nên giá trị độc đáo, đóng góp nhiều tinh hoa cho nhân loại là nhờ quan điểm giáo dục Do Thái cổ đặt nền tảng trên niềm tin; nguồn gốc mọi hiểu biết là chính Thiên Chúa. Người chính là Thầy dạy tối cao của loài người; mọi khôn ngoan và hiểu biết phải được xuất phát từ “niềm kính sợ Thiên Chúa” (Cn 1,7). “Vì thế, đối tượng của nền giáo dục ấy phải là sự hiểu biết Đấng Tạo Dựng uy quyền và các kỳ công của Người. Vì thế, việc học hỏi phải hướng đến việc ca tụng Người (Tv 8). Việc học hỏi không phải để thỏa mãn trí óc tò mò của con người hoặc bất cứ mục đích nào khác, ngoại trừ học biết cách sử dụng tất cả khả năng của mình để phụng sự Đức Chúa và tha nhân”[20]. Do đó, giáo dục của người Do Thái đặt nền khởi suất từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, nên mọi đích hướng, không gì ngoài ca tụng Thiên Chúa và xây dựng hạnh phúc con người.
Laurensô Đặng
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 95-105
[1]x.Brian Grenier CFC, Đức Giêsu Nhà Giáo Ưu Việt, Nguyên tác: Jesus The Teacher, nxb. St Pauls (NSW) 1994, Bản dịch Câu Lạc Bộ Dịch thuật ĐCV. Thánh Giuse Hà Nội, nxb. Tôn giáo, 2009, tr.37-38. [2] Giáo Hoàng HỌc ViỆn Piô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh. [3] x. J. NguyỄn. OP, Tìm hiểu Kinh Thánh, nxb. Tôn giáo, Tp.HCM, 2010, tr. 283. [4]J. NguyỄn. OP, Sđd., nxb. Tôn giáo, Tp.HCM, 2010, tr. 325-326. [5]Việc hướng dẫn và dạy dỗ trẻ em phải được bắt đầu tại gia đình. Trong tiếng Hebrew, từ cha mẹ là horim còn thầy, cô là morim. Cả hai từ này đều có nghĩa dạy dỗ và giảng dạy. Với các bậc cha mẹ Do Thái, họ tin rằng họ chính là người hướng dẫn và là người giáo viên quan trọng đối với con cái họ. Trách nhiệm này cũng đã được hé lộ trong Kinh Torah (x.Đnl 11,18-21)( theo Perry stone, Mật mã Do thái, nxb. Từ điển bách khoa) [6] J. NguyỄn. OP, Sđd, nxb. Tôn giáo, Tp.HCM, 2010, tr. 327. [7] Giáo Hoàng HỌc ViỆn Piô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh. [8] J. NguyỄn. OP, Sđd, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2010, tr. 239-240. [9] Perry stone, Mật mã Do thái, nxb. Từ điển bách khoa, Mật mã 3. [10] X. Brian Grenier CFC, Đức Giêsu Nhà Giáo Ưu Việt, Nguyên tác: Jesus The Teacher, nxb. St Pauls (NSW) 1994, Bản dịch Câu Lạc Bộ Dịch thuật ĐCV. Thánh Giuse Hà Nội, nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 31-32. [11] x. Brian Grenier CFC, sđd., tr. 36-37. [12] Giáo Hoàng HỌc ViỆn Piô X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh. [13] J. NguyỄn. OP, Sđd, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2010, tr. 328. [14] J. NguyỄn.OP, Sđd., nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2010, tr. 239-240. [15] J. NguyỄn. OP, Sđd, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2010, tr. 326. [16] J. NguyỄn. OP, Sđd., tr. 328. [17]x. J. NguyỄn. OP, Sđd., tr. 327. [18] X. Brian Grenier CFC, Đức Giêsu Nhà Giáo Ưu Việt, Nguyên tác: Jesus The Teacher, nxb. St Pauls (NSW) 1994, Bản dịch Câu Lạc Bộ Dịch thuật ĐCV. Thánh Giuse Hà Nội, nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 37. [19] X. Brian Grenier CFC, Sđd., tr. 36-37. [20] J. NguyỄn, OP. Tìm hiểu Kinh Thánh, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2010, tr. 326.