Sứ mệnh giáo chức Công giáo

Chủ nhật - 18/11/2018 09:20  2275
download 1Cách đây mấy ngàn năm, Quản Trọng (725-645 TCN), một chính trị gia, nhà quân sự và tư tưởng thời Xuân Thu, đã từng viết trong sách Quản Tử rằng: “Kế một năm, chi bằng trồng lúa; kế mười năm, chi bằng trồng cây; kế trọn đời, chi bằng trồng người. Gieo một gặt một là trồng lúa, gieo một gặt mười là trồng cây, gieo một gặt trăm là trồng người” [1].

Sự nghiệp “trồng người” thật quan trọng vì là kế sách trăm năm, ảnh hưởng đến vận mệnh lâu dài của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, người ta đều kính trọng các bậc làm thầy. Ở đâu sự tôn trọng này càng cao, thì cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo càng sâu rộng và tương lai đất nước càng phồn vinh, vì “lương sư hưng quốc”. 

Vai trò và sứ mệnh của người thầy xưa và nay
Từ xa xưa, người thầy luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội. Bên Tây có triết lý giáo dục của các triết gia thuộc nhiều trường phái như: Duy tâm (Plato, E. Kant, G.W.F. Hegel),  Duy thực (Aristotle, John Locke, J.J. Rousseau…),  Kinh Viện (Thomas Aquinas, John Milton), Thực dụng (John Dewey, William James), Hiện sinh, Quy Phạm, Dân Chủ…

Bên Đông đặt vị trí của người thầy chỉ sau vua và cao hơn cha: quân, sư, phụ. Các học trò thường được nhắc nhở về truyền thống “tôn sư trọng đạo”, dù chỉ là học thầy “nửa chữ” thôi: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Dân gian Việt Nam thường nói:

“Không thầy đố mày làm nên”
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao!”

Vai trò của người thầy có thể gồm tóm trong ba lãnh vực chính:
  • Khai trí: mở mang trí não, cung cấp thông tin, truyền thông kiến thức, kỹ năng, khai phóng tư tưởng, mở mang tầm nhìn, giúp trau dồi tri thức, phát triển tư duy (khoa học, nhận thức, phân định, sáng tạo…);
  • Khai tâm: mở rộng trái tim để biết yêu thương, cảm thông, bao dung, đón nhận, rộng lòng vị tha, hết lòng vì công ích, vì xã tắc, trọng tình trọng nghĩa, trung tín quả cảm, cao thượng hào hiệp…
  • Khai đạo: đạo hiểu theo nghĩa hẹp là tôn giáo, theo nghĩa rộng là lẽ sống, đạo lý sống: đạo làm người, đạo làm thầy, đạo kẻ sĩ, đạo làm con, đạo học trò… Đó là cách đối nhân xử thế sao cho có lễ nghĩa gia phong, tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, trong ấm ngoài êm, trước sau như một…
Quả thật, thời xưa, thầy không chỉ dạy về chữ nghĩa, nhưng còn dạy đạo lý và là bậc mô phạm về nhân cách. Ở Việt Nam, sử sách lưu danh những bậc thầy tài cao đức trọng như Chu Văn An (1292-1379), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Lê Quý Đôn (1726-1784), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898)…  Cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rằng: “An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, làm việc cho triều đình. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, dù đã làm quan hành khiển nhưng vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”[2].

Người Việt không chỉ trọng thầy, mà còn xây dựng đạo lý “tôn sư trọng đạo”. Điều này cũng đúng, vì “lương sư hưng quốc”. Muốn quốc gia hùng cường, thịnh vượng, thì cần đến các hiền tài, những người có tài năng và đức độ (chứ không chỉ là nhân tài!); mà muốn có hiền tài thì phải có lương sư, những bậc thầy tài cao đức trọng, vừa học vấn tinh thông, vừa uy nghiêm đức độ.

Vai trò và sứ mệnh của nhà giáo theo quan điểm Công giáo
Công đồng Vaticano II đã dành một tuyên ngôn riêng nói về giáo dục (Gravissimum Educationis, 28.10.1965, viết tắt GD, 12 số + lời mở và kết luận).  Với chủ trương “nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành”, Công đồng gián tiếp đề cao vai trò người thầy khi nhấn mạnh tầm quan trọng của học đường “giữ một vai trò quan trọng đặc biệt”, vì đó là môi trường thuận lợi để rèn đúc con người không những về tri thức văn hóa mà còn cả kỹ năng thực hành và lớn lên về nhiều phương diện (GD 5):

Trong tất cả các phương tiện giáo dục, học đường giữ một vai trò quan trọng đặc biệt, vì học đường theo sứ mạng mình luôn lo lắng trau dồi các khả năng tinh thần, dẫn vào gia sản văn hóa mà các thế hệ trước đã thu lượm được, phát huy nhận thức về các giá trị, chuẩn bị đời sống nghề nghiệp, và khuyến khích niềm thông cảm lẫn nhau trong khi cổ cõ tình thân hữu cộng đoàn giữa những học sinh khác biệt về tâm linh và giai cấp. Hơn nữa học đường còn trở nên trung tâm hoạt động và tiến triển, tại đây cần đến sự tham dự của gia đình, thầy dạy, mọi đoàn thể có mục đích phát triển đời sống văn hóa, đời sống công dân và tôn giáo, cả chính quyền cũng như toàn thể cộng đoàn nhân loại.

Như thế, thực cao đẹp nhưng cũng thực nặng nề thiên chức của tất cả những ai giúp đỡ cha mẹ chu toàn nhiệm vụ của họ và thay thế cộng đoàn nhân loại nhận lãnh chức vụ giáo dục nơi học đường. Thiên chức này dòi phải có những tài năng đặc biệt về trí tuệ và tâm hồn, được chuẩn bị hết sức kỹ càng, với thái độ sẵn sàng canh tân và thích nghi không ngừng.

Công đồng cũng trực tiếp nói đến vai trò và sứ mệnh của giáo chức khi gọi đó như là “thiên chức” rất cao quý nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi những tài năng đặc biệt, được chuẩn bị kỹ càng, và lòng nhiệt thành hăng say lớn.

Người thầy có sứ mạng loan truyền sự thật, sự thiện, nét đẹp tự nhiên và siêu nhiên, kích thích tư duy độc lập, phản biện, sáng tạo… theo ánh sáng Tin Mừng; tái khám phá các giá trị và thang giá trị Kitô: bình đẳng, công bằng, bác ái, thương xót… GD 7 nói đến nhu cầu phải giáo dục luân lý và tôn giáo nơi học đường.

Tuyên ngôn về Giáo dục số 8 nói đến tầm quan trọng của các nhà giáo trong việc xây dựng trường công giáo:

Tuy nhiên các nhà giáo nên nhớ rằng họ là những nhân vật chính giúp cho trường công giáo thực hiện được những chương trình và sáng kiến của mình. Vậy họ phải được chuẩn bị  hết sức chu đáo để lãnh hội những kiến thức đạo đời, được chứng thực do những văn bằng tương xứng, cũng như phương thức giáo dục phù hợp với những phát minh của thời đại tiến bộ. Các nhà giáo dục, nhờ liên kết với các bạn đồng nghiệp và với các học sinh trong tình bác ái và thấm nhiễm tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng cho một vị Thầy duy nhất là Chúa Kitô bằng đời sống cũng như bằng lời giảng dạy. Hãy cộng tác với nhau, nhất là với các bậc phụ huynh, và trong suốt thời gian giáo huấn, hãy cùng với họ quan tâm đúng mức đến sự khác biệt phái tính  và mục đích riêng của cả hai phái trong gia đình cũng như ngoài xã hội do Chúa Quan Phòng đã đặt định. Hãy cố gắng khuyến khích học sinh làm việc riêng, và khi thời gian học tập chấm dứt, hãy tiếp tục liên lạc với chúng bằng những ý kiến xây dựng, tình thân hữu và bằng việc thành lập các hiệp hội theo đúng tinh thần của Giáo Hội. Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố rằng chức vụ của nhà giáo là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là một phục vụ chính đáng cho xã hội. Công Ðồng còn nhắc nhở cho cha mẹ công giáo bổn phận ký thác con em vào các trường công giáo nếu hoàn cảnh thời gian và nơi chốn cho phép. Phải tùy khả năng nâng đỡ và hợp tác với các trường ấy để mưu cầu lợi ích cho con em mình.

Vai trò và sứ mệnh của nhà giáo Kitô trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay
3.1. Sứ mạng ngôn sứ: rao giảng, lên tiếng cho sự thật, công lý, tình thương, hòa bình.
Trong tình trạng thông tin tràn ngập hôm nay, rất cần một sự “gan đục khơi trong”. Các Thầy Cô chính là những bậc thầy giúp cho các học sinh, sinh viên của mình tập phân tích, nhận định và suy nghĩ độc lập dựa trên những tiêu chuẩn khách quan về luân lý, đạo đức, cũng như theo sự soi sáng của lý trí lành mạnh và đức tin Công giáo. Sự hướng dẫn và tập luyện của các Thầy Cô sẽ dần dần giúp các em thoát ra khỏi những khung tư tưởng cứng nhắc, hoặc cách tư duy theo đám đông, cách lựa chọn theo cảm tính… để tiến tới một sự tỉnh trí và khôn ngoan trong suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa và hành động.

3.2. Chân lý và tình yêu: văn minh tình yêu & văn hóa sự sống
Sự khủng hoảng giá trị, khủng hoàng hôn nhân và tình yêu, dẫn đến những đổ vỡ trong đời sống gia đình. Tình trạng ly dị, phá thai, bạo lực, vô cảm… đang làm cho sự chết chóc và hận thù lan tràn… Những giá trị ngàn đời của tình thương và công lý, sự yêu chuộng hòa bình và nâng niu sự sống của Kitô giáo cân được không ngừng cổ vũ trong một bối cảnh như vậy. Các Thầy Cô chính là người hướng dẫn các học trò của mình đi vào hành trình thành nhân và thành Kitô hữu đích thực, những con người có lòng nhân, có lòng mến mộ sự thật, yêu chuộng công bình, hăng say yêu thương, dấn thân phục vụ, quý trọng sự sống.                                                                                                                                                                  
3.3. Một số điểm nhấn cần thiết cho giáo chức Công giáo
Trong hoàn cảnh hiện thời của xã hội Việt Nam, các giáo chức được mời gọi lưu ý tới những điểm nổi cộm sau:
  • Giáo dục toàn diện: lưu ý đến lỗ hổng nhân bản và đạo lý nơi các học sinh;
  • Đào tạo lương tâm: giúp các em tôn trọng sự thật, sự lương thiện,  khả năng nhận định…
  • Đào tạo trái tim: giúp các em thấm nhuần lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, cao thượng, sự tử tế…
  • Cộng tác với Giáo hội: tham gia dạy giáo lý, soạn thảo giáo lý, các hoạt động tri thức…
  • Viễn tượng: ước mong sẽ có các trường trung học và đại học Công giáo… trong tương lai.
Thay lời kết, xin được trích lời Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, như một lời nhắn nhủ và mời gọi tâm huyết:

Xin quý Thầy Cô hãy thắp lên trong lòng các em sinh viên, học sinh ngọn lửa yêu thương. Giá trị của một người không tùy thuộc ở sự giầu sang, khả năng hay chức quyền, nhưng ở tình thương yêu chất chứa trong con tim và với tình yêu đó, biết sử dụng của cải, tiền bạc, khả năng và chức quyền để xây đắp cuộc đời của mình cũng như của tha nhân.

Người Việt Nam chúng ta luôn hãnh diện là nòi giống có nhân nghĩa, có tình người, nhưng tình nghĩa đó lắm khi bị đóng khung trong môi trường gia đình và bạn bè. Để có được một xã hội an bình và nhân nghĩa, cần phải mở rộng biên cương của tình thương yêu. Văn hóa Nước ta đã có những câu ca dao tuyệt vời, là bằng chứng cho tình yêu thương của người Dân Việt, có sức mạnh bao bọc mọi người: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn” hoặc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”...
(Thư gửi Giáo Chức 2015)
 
[1] Quản Trọng, Quản thư, chương 3, câu 11a.
[2] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển VII, mục 34a.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập231
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay32,023
  • Tháng hiện tại88,066
  • Tổng lượt truy cập79,319,904
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây