Tình yêu trong đời dâng hiến
Thứ bảy - 07/04/2018 05:21
4375
“Người tu sĩ có tình yêu không nhỉ?
Nếu nói không là những vật vô tri.
Nếu nói có là những kẻ tình si.
Không là không thứ tình ái li ti,
Có là có thứ tình yêu đại hải…
Có mà không, không mà có, thế mới kỳ…”
Đó là một bài thơ tôi biết đã 40 năm không biết tác giả, nhưng được một anh em cùng lớp soạn thành bài hát, nên tôi nhớ hoài. Xin khởi từ bài thơ ấy để nói đến “Tình yêu trong đời dâng hiến”, gồm cả linh mục, tu sĩ lẫn chủng sinh. Đây là một chủ đề quan trọng vì ai trong chúng ta sống trên đời chẳng có một trái tim để yêu thương. Đây cũng là một nội dung nhạy cảm với giáo dân Việt Nam, mà theo lối nói nào đó, tại mỗi giáo xứ, vẫn có hàng chục “bà giáo bí ẩn” theo dõi để kiểm soát sinh hoạt tình cảm của các đấng bậc mà họ yêu mến.
Với tâm thức dân Việt, dù thuộc tôn giáo nào, khi nói về người tu hành, đôi khi người ta nghĩ họ giống như gỗ đá, vô tri vô giác. Xem ra càng tu đắc đạo thì càng phải khô khan. Kẻ rũ bỏ được tình cảm mới thực là chân tu. Thế nhưng, trong thực tế đã là người, ai chẳng có nhu cầu “yêu và được yêu”. Vả lại chẳng phải con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu đó sao?
Về nội dung này Pascal từng nói: “Nếu chúng ta lầm tưởng mình là thiên thần, thì chúng ta sẽ trở thành thú vật”. Còn thiền sư Vô Trú - Muju, trong cuốn Góp nhặt cát đá, qua chuyện một nhà sư “không có yêu thương tử tế” (số 6), đã cho một cụ bà đốt cháy căn lều của kẻ đánh mất con tim này.
Điều cốt thiết nhất
Quả thế, sống đời dâng hiến không có nghĩa là chôn vùi, đè nén, hay giết chết tình cảm. Trái lại, Linh mục, tu sĩ phải là những người có tình yêu rộng lớn hơn ai hết, vì Tình yêu chính là điều răn mới của Đức Kitô: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 35). Toàn bộ đời sống của Linh mục, tu sĩ phải là chia sẻ tình thương cứu chuộc Thiên Chúa dành cho nhân loại, như châm ngôn nổi tiếng của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng: "Ơn gọi của tôi chính là tình yêu."
Điều cốt yếu của tình yêu được trình bày trong thư thánh Gioan: "Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau." (1Ga 4.10 t)
Tuy nhiên, khó khăn của chúng ta là: Làm sao để có thể duy trì một tình yêu lành mạnh và sung mãn? Làm thế nào để đối phó với những xúc cảm, bản năng giới tính, nỗi khao khát yêu và được yêu? Trong quá khứ chúng ta thường nghe những giáo huấn nhấn mạnh việc cách ly và tránh né, như: “muốn hạ hỏa hãy tắm nước lạnh, muốn thắng cám dỗ hãy bổ củi”, còn với người khác phái thì tốt nhất là “dĩ đào vi thượng sách”. Tiếc rằng, ta không thể đào tẩu hay tắm nước lạnh được mãi, và chúng ta hiện nay đâu có sẵn củi như các vị tu rừng ...
Một mục tử chỉ lo chạy trốn thế gian, sợ giao tiếp với người đời có nguy cơ trở thành ích kỷ, co rút vào chính mình. Đôi khi một người rất trung thành gìn giữ kỹ lưỡng những kỷ luật của đức “trong veo”, lại có những cách cư xử rất tàn nhẫn, xét nét, thù hằn hay ganh tị với người khác, thái độ mà những nhà tâm lý giải thích là bắt nguồn từ một sự ghen tuông tiềm ẩn. Một số kẻ khác lại có những biểu hiện ngộ nghĩnh như thích trang điểm, ẻo lả trong cử chỉ ngôn ngữ, thích nổi bật giữa người khác phái … lý do vì họ chỉ lo giữ cho bằng được đức “trong sạch” luân lý, chứ chưa tìm được sức mạnh giải phóng, giúp họ biết yêu thương đích thực.
Thiếu tình yêu đích thực, liệu các linh mục tu sĩ có dám xả thân vì bạn hữu không? Có dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc không? Có dám đồng bàn với hạng gái điếm và người tội lỗi không? Có lẽ họ sẽ luôn là người thận trọng và dè dặt. Chỉ những người có khả năng yêu thương đích thực mới có thể hành động theo yêu cầu của sứ vụ, mới có khả năng đạt đến “tình thương cao cả nhất là sẵn sàng hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15.13).
Đến đây tôi nhớ đến câu chuyện Đường lầy, cũng trong tuyển tập Góp nhặt cát đá, mà có lẽ nhiều người đã biết:
“Một lần nọ, Tanzan và Ekido cùng rảo bước xuống một con đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Ðến khúc đường quẹo, hai người gặp một thiếu nữ xinh xắn với chiếc áo kimono và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa đang đứng bên lề đường, vì không thể băng qua ngã tư đường lầy được.
Lập tức Tanzan bảo: “Ði nào! cô bé”, rồi đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quãng đường lầy…
Ekido từ đó không buồn nói một tiếng nào cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi đền. Rồi không còn chịu được nữa, Ekido lên tiếng nói với Tanzan: “Chúng ta là những nhà sư không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Sao anh làm vậy?”.
Tanzan mỉm cười đáp: “Tôi đã bỏ nàng chỗ đó rồi. Anh còn mang nàng theo đấy sao?”.
Tình cảm thế gian và tình yêu đích thực
Để có thể xây dựng một tình cảm lành mạnh, đích thực và hữu ích, chúng ta cần so sánh và phân biệt giữa tình cảm thế gian với tình yêu đích thực.
Tình cảm thế gian thường bắt nguồn từ thiện hảo của đối tượng, như yêu người xinh đẹp, tài giỏi, dễ thương. Nó thường mang màu sắc ích kỷ, tìm bổ sung những gì mình thiếu, hướng đến nhu cầu sở hữu và độc chiếm, muốn giữ làm của mình và chỉ của riêng mình mà thôi. Với nam giới, tình yêu ấy thường bắt đầu từ đôi mắt. Thánh Tôma từng viết "Tình yêu ở đâu, con mắt ở đó" (Ubi amor, ibi oculus). Thánh nhân nói rằng, khi ham muốn, chúng ta nhìn người khác phái giống như sư tử nhìn thấy con nai, và chỉ chực ăn tươi nuốt sống con mồi. Khát vọng ấy thường biến đối tượng thành tù nhân, vì ràng buộc họ phải chiều theo sở thích của mình. Trong nền văn hóa thị trường, ta có thể thêm vào loại tình yêu đó 2 khái niệm mới là: sòng phẳng với đối tượng (ăn cơm trả tiền) và sử dụng họ sao cho lợi nhất.
Tình yêu của đích thực thì khác, chỉ cần thiện hảo tối thiểu của đối tượng xét như là một hiện hữu, nên có thể yêu cả những người xấu xí, dốt nát và cả người tội lỗi. Nó thường thể hiện tính vị tha, quen gọi là tình yêu dâng hiến, hướng đến nhu cầu, sở thích và hạnh phúc của đối tượng. Theo thánh Tôma đó là một mô phỏng tình bằng hữu của Thiên Chúa, vì trọng tâm sự sống của Thiên Chúa tình yêu là tình bằng hữu, một tình bằng hữu khôn tả giữa Cha và Con, nhiệm xuất Chúa Thánh Thần. Tình yêu ấy thường bảo đảm cho đối tượng sự tự do, và khả năng để họ hoàn thành cuộc đời của mình. Theo cách đánh giá của nền văn hóa thị trường, tình yêu ấy luôn có tính miễn phí và vô điều kiện (tình cho không biếu không).
Từ chiến thắng cám dỗ ...
“Cám dỗ cuối cùng” là tên một bộ phim phát hành năm 1988, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nikos Kazantzakis năm 1955. Bộ phim khi được trình chiếu đã gây nên những phản ứng hết sức mãnh liệt vì bị coi như một lời báng bổ Đấng Cứu Thế mà các tín hữu tôn thờ. Thực ra, với Nikos Kazantzakis, tất cả chỉ là một cám dỗ, một giấc mơ, một thoáng xao lòng của Thầy Giêsu. Vì cuối cùng Ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ và tiếp tục tự nguyện thể hiện ý muốn của Cha trên trời.
Dĩ nhiên, tất cả những diễn biến trong phim đều là giả định, là hư cấu và là tưởng tượng của Nikos Kazantzakis. Thế nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nó mang dáng dấp lời cám dỗ của Satan trong sa mạc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống! Vì thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng" (Mt 4, 5). Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Theo nhân tính, Ngài có những tâm tư tình cảm tự nhiên của con người, như: ước mong một mái ấm, một đàn con xinh xắn, một bàn tay vuốt ve … Ngài đã từng run lên khi nói về cuộc khổ nạn. “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12, 7). Ngài đã từng hấp hối trong vườn Cây Dầu: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này (Mt 26, 37-39).
Như thế, nơi Đức Giêsu, cơn cám dỗ được thoát chết, được hưởng cảnh gia đình êm ấm như bao người là có thật. Dầu sao, cuối cùng Ngài đã chiến thắng cám dỗ, Ngài ý thức và quyết tâm chu toàn sứ vụ của mình, ý thức giờ chết trên thập giá chính là giờ Cứu độ, giờ Con Người được tôn vinh, mà “chính vì giờ này mà con đã đến”. Và vì thế, chọn lựa cuối cùng của Ngài vẫn là: “Đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.
Với Đức Giêsu, những cám dỗ trong phim chỉ là hư cấu, còn với chúng ta thì nội dung cám dỗ đó lại rất thật. Nó theo ta mỗi ngày. Nó gia tăng khi ta gặp những đối tượng xinh đẹp về hình thức, tương đồng về sở thích, hoặc công khai biểu lộ tình cảm của họ. Cám dỗ ấy trở nên thúc bách hơn những lúc ta yếu bệnh, cô đơn và gặp đau khổ, khi ấy chúng ta dễ dàng tìm bù đắp bằng tình cảm và từ bỏ lý tưởng mình đã chọn.
Muốn thắng cám dỗ, chúng ta phải rèn luyện ý chí của mình, phải luôn làm mới lại quyết tâm chọn lựa nước trời của chúng ta. Để đi trọn con đường yêu thương như Thầy đã yêu, giả thiết phải có một sức mạnh về thể lý, một sự quân bình vững chãi về tâm lý, khả năng làm chủ được tình cảm, để luôn gắn kết với tình yêu của Đức Kitô. Chúng ta chọn đời sống độc thân là để chia sẻ nếp sống của Đức Kitô, để dâng hiến hoàn toàn cho việc phụng sự Chúa và phục vụ con người.
… Đến đức ái hoàn hảo
Theo Giáo huấn của Hội Thánh: đời dâng hiến phải hướng đến đức ái hoàn hảo. “… Ðược thúc đẩy bởi đức mến mà Chúa Thánh thần đổ tràn trong lòng, họ càng ngày càng sống cho Chúa Kitô và Thân Thể Người là Giáo Hội. Bởi vậy, họ càng nồng nàn kết hiệp với Chúa Kitô bao nhiêu qua việc dâng mình gồm trọn cả cuộc sống, đời sống Giáo Hội càng phong phú hơn và việc tông đồ của Giáo Hội càng dồi dào mãnh liệt hơn bấy nhiêu (Xc. Perfectae Caritatis, số 1).
Để tiến đến đời sống đức ái hoàn hảo, cần mở lòng mình để thể hiện tình thương với nhân loại, với cộng đồng, với mọi người. Hãy từ bỏ những thứ “tình ái li ti” hạn hẹp và ích kỷ, để nuôi dưỡng một “tình yêu đại hải”, có thể ôm ấp mọi người nhưng không giữ ai lại, mà đưa họ đến với Chúa.
Chính trong tình yêu của Thiên Chúa ấy, chúng ta có thể thưa lên lời Thánh Vịnh: “Con còn ai chốn trời xanh? Bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham” (Tv 73, 25). Hoặc như lời kinh sau của linh mục Michel Quoist:
“Lạy Chúa, này con đây!
Thân xác con đây! Quả tim con đây! Linh hồn con đây!
Xin Chúa cho con lớn đủ để đạt tới thế giới.
Xin Chúa cho con mạnh đủ để mang nó trên vai.
Xin Chúa cho con trong sạch đủ để
ôm nó vào lòng mà không muốn giữ lại.
Xin Chúa cho con được trở nên một nơi gặp gỡ,
một trạm dừng chân,
một con đường không bao giờ dừng lại
vì nó có tiếp nhận ai là để đưa họ về với Chúa”.
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 66-73