Đồng tính luyến ái

Chủ nhật - 26/08/2018 05:23  4276
                  I. Dẫn nhập
 
download 1 4Thế giới ngày nay đang bị chia cắt bởi niềm tin tôn giáo, sắc tộc, chính trị, xu hướng tính dục hay địa vị xã hội. Sự khác biệt ấy xuất phát từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của đời sống xã hội. Với thời đại thông tin hiện nay, nhiều người can đảm công khai giới tính thực cũng như khuynh hướng tính dục của mình. Tuy nhiên thực tế, người ta vẫn không thể chấp nhận giới tính thứ ba, cái gọi là ĐỒNG TÍNH, bởi định kiến xã hội, hay do quan điểm cá nhân chi phối. Thái độ đó đã gây ra không ít vấn nạn nan giải cho cá nhân và cho xã hội. Người đồng tính bị coi thường, bị xúc phạm và bị gạt ra bên lề xã hội. Vậy tại sao người đồng tính lại chịu nhiều thiệt thòi như vậy? Liệu số phận đã an bài cho họ như thế hay do nguyên nhân nào khác? Trong phạm vi bài nghiên cứu nhỏ dưới đây, người viết chỉ liệt kê một số nguyên nhân về phương diện y khoa đồng tính, chỉ ra những góc khuất của người đồng tính, dưới lăng kính của Đạo đức học, cũng như đưa ra một vài quan điểm và lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề rắc rối, phức tạp và nhạy cảm này.
  1. Nội Dung
  1.  Nguyên nhân dẫn đến việc đồng tính
    1.  Đồng tính nghĩa là gì?
Đồng tính ngày nay được dùng với nhiều thuật ngữ khác nhau như dị tính, vô tính, song tính, giới tính thứ ba, bê đê, les, gay, luyến ái, ôi môi, bóng, chuyển đổi giới tính. Bên cạnh một vài khái niệm quen thuộc, người ta còn bắt gặp một vài định nghĩa thường được dùng để chỉ những người thuộc giới này:

+ Người Đồng tính là người “ít nhiều, một cách thường xuyên cảm thấy một ước muốn tình dục hướng về, và một đáp ứng tình dục đối với người cùng giới tính, và tìm cách thỏa mãn ước ao này với người đồng phái” [1].

 + Người Đồng tính là người “trong đời sống trưởng thành được thúc đẩy bởi một sự hấp dẫn tình dục đối với người cùng phái tính và thường (nhưng không một cách nhất thiết) dấn thân vào cách tương quan tình dục với người đồng phái” [2].

+ Người Đồng tính là người “cảm thấy thoải mái và được khẳng định khi thân mật với người đồng tính, trong khi với người khác phái thì họ cảm thấy yếu ớt, bất bình, sợ hãi, hay đơn giản là dửng dưng hay ít thoải mái khi có cơ  hội gần gũi tình dục, hay khi nó xảy ra” [3].

Từ các định nghĩa trên đây, ta có thể đi đến kết luận, người đồng tính là người có khuynh hướng ao ước tính dục, sinh hoạt với người cùng phái tính với mình. Họ cảm thấy được phát triển và sống hạnh phúc hơn khi được ở bên người cùng giới. Đối diện với người khác giới, họ trở nên lạnh nhạt và thờ ơ.[4] Đồng tính là một hiện tượng rất phức tạp, đã được các nhà nghiên cứu y học, tâm lý, xã hội học nghiên cứu, tìm hiểu, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Do đó, tương quan giữa người đồng tính với xã hội vẫn luôn là một vấn đề nan giải.
1.2. Các loại giới tính trên phương diện y khoa
      1. Do bẩm sinh
Do rối loạn phát triển hệ thống cơ quan sinh dục vào thời kỳ bào thai. Hệ sinh dục con người gồm ba phần: các tuyến sinh dục trong, đường sinh dục và các bộ phận sinh dục ngoài. Mỗi phần có cấu tạo và chịu ảnh hưởng bởi những tác nhân khác nhau. Việc một trẻ sinh ra có bộ phận sinh dục không rõ ràng gây nên tình trạng lưỡng tính. Phát hiện của khoa học hiện nay cho thấy có hai loại lưỡng tính, lưỡng tính thật và lưỡng tính giả. [5]
      1. Các yếu tố tâm lý
Yếu tố tâm lý xã hội tác động làm biến đổi giới tính ở cá nhân. Các nhà chuyên môn gọi đây là hiện tượng đồng tính luyến ái giả.[6] Nhiều người lệch lạc giới tính chỉ đơn giản là do thói quen gây nên. Theo nhà Tâm lý học Erik Erikson. [7] Ông chia sự phát triển con người qua các giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn 12 đến 18 tuổi là giai đoạn con người nhận diện cái tôi, nhận diện căn tính của mình. Trong giai đoạn này, con người dễ rơi vào tình trạng nhầm lẫn về vai trò của mình đặc biệt là vai trò về giới tính. Lúc này, các em luôn có mong muốn mình sẽ trở thành ai, người như thế nào, và có khuynh hướng trung thành với giá trị nhân cách mà mình ấn tượng. Cũng trong giai đoạn này, người trẻ đi tìm bạn tình và thiết lập mối quan hệ với bạn bè khác giới. Có người thì thuận lợi với các lựa chọn của mình nhưng có người thì lại gặp nhiều trắc trở, từ đó gây ra những mặc cảm tự ti. Lúc này, họ có khuynh hướng ngưỡng mộ những người cùng giới khác đã chinh phục được nhiều bạn khác giới khác. Lâu dần, tình cảm này không được nhận định rõ ràng giữa ngưỡng mộ và tình yêu nên sẽ khiến họ nhầm lẫn về căn tính, giới tính của mình.
      1.  Giáo dục gia đình
Trong nhiều gia đình hiện nay, sự mong muốn về giới tính của con cái nơi các bậc cha mẹ còn rất nặng nề. Vì thế, trẻ em khi lớn lên gặp trở ngại trong việc nhận biết giới tính chủ yếu liên quan tới những ảnh hưởng trong thái độ, phương thức chăm sóc, cách giáo dục giới tính của cha mẹ. Trẻ nhỏ hình thành vai trò giới tính bằng nhiều cách khác nhau, trong đó trực tiếp nhất, quan trọng nhất là bắt chước vai trò giới tính mà cha mẹ thể hiện, thông qua việc quan sát, mô phỏng, dần dần thấm nhuần, hình thành nên những hành vi “nữ hóa” (của con gái) hoặc “nam hóa” (của con trai). Nếu cha mẹ làm không đúng vai trò của mình sẽ gây lệch lạc trong cách bắt chước về giới tính của trẻ.
  1. Nhận định chung về nguyên nhân đồng tính
Từ những nguyên nhân nêu trên, đồng tính là một dạng “phong hóa” về thể lý và tâm lý. Về mặt sinh thể lý, những người này chỉ có khuynh hướng tính dục với những người cùng giới tính. Về mặt xã hội, người đồng tính là những cá thể trong tổ chức xã hội. Về nhân tính, họ là những người có hành vi nhân linh. Về mặt công dân, họ là những người có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân. Nhưng với định kiến xã hội ngày nay, người ta vẫn còn nặng nề khi quy hướng cho những người đồng tính là lệch lạc về mọi mặt. Chính thái độ đó gây nên cho “nạn nhân” những thiệt thòi trong tương quan và sinh hoạt xã hội.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao lại kỳ thị, xa lánh, chê bai, khinh rẻ những người đồng tính trong khi họ có đầy đủ mọi yếu tố của một người bình thường. Điều gì quy định họ phải chịu cảnh kỳ thị phân biệt của xã hội. Bởi lẽ, trong tiềm thức của nhiều người đã có những hố sâu định kiến khi dán nhãn người đồng tính là không chung thủy, mau thay lòng, nhưng có phải chỉ người đồng tính mới thay lòng đổi dạ còn người bình thường thì không. Đây là một nhận định mang tính chủ quan, vì trong xã hội ngày nay nhiều cặp nam nữ yêu nhau, cưới nhau, sinh con, rồi chia tay, vứt bỏ con của mình sao không quy cho giới tính của họ. Trong khi đó, những người đồng tính yêu rồi chia tay thì cũng nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan thì giống như những người bình thường khi không gắn bó được với nhau thì chia tay. Khách quan là do quan niệm xã hội không chấp nhận hôn nhân đồng tính để rồi họ phải ngậm ngùi chia tay nhau.

Để người đồng tính thực sự hòa nhập vào xã hội mỗi người cần có cái nhìn tổng thể và hiểu thấu đáo về đồng tính. Đầu tiên những người bình thường cần nhìn nhận người đồng tính là một nhân vị đích thực rồi sau đó mới bàn tới việc sống với họ thế nào. Tất nhiên không dễ dàng gì để thoát ra khỏi định kiến xã hội.
  1.  Những góc khuất của người đồng tính
Những khiếm khuyết về thể lý đã dẫn đến tổn thất lớn lao về mặt tinh thần cho người đồng tính. Đầu tiên, họ lo âu sợ hãi, cảm thấy hoang mang vì “thân phận” mình. Họ luôn mang trong mình những “nỗi lo hiện sinh” [8] không dám sống được là chính mình, luôn lo lắng bị bạo hành từ trong nhà ra đến xã hội khi thể hiện giới tính của mình. Những khát khao ước mong về mối quan hệ thân tình, tri kỷ trong tình bạn hay người bạn đời của họ bị chôn vùi. Họ buộc phải có những cuộc hôn nhân bình phong cho đúng với chuẩn mực xã hội, để rồi những năm tháng hôn nhân gia đình chỉ là sự chà đạp lên thể xác lẫn tâm hồn. Đặc biệt, những người đồng tình có thể bị rối loạn, trầm cảm khi họ bị cha mẹ ép chữa bệnh, hoặc dùng những loại thuốc, tiêm các hormone không đúng quy cách để họ được “nam ra nam, nữ ra nữ”.

Khi đối diện với quá nhiều sức ép từ bên ngoài, những người đồng tính thường sẽ chọn cho mình những góc khuất để nép vào. Họ đang chạy trốn thực tại. Khi chạy trốn, người ta muốn tránh khỏi những bất lực đang phải đối mặt. Khi thực tế còn nhiều quá những xót xa, bế tắc, người ta muốn trốn mình vào nơi nào đó để tìm lại cho mình chút bình an, chút năng lượng để trở về và đối mặt với thực tại của chính mình. Chạy trốn có thể được xem là biểu hiện của sự hèn nhát, không dám đương đầu với thực tại, với vấn đề và thử thách của chính mình. Tuy nhiên, chạy trốn cũng là cách người ta nấp mình, quán sát, suy tư và làm mới mình trước những mớ bòng bong ám ảnh trong tâm thức. Tệ hơn khi họ trốn vào trong những “liều thuốc an thần” như ma túy, thuốc lắc và những tệ nạn khác để trốn tránh đi thực tại cũng đồng thời thỏa mãn dục vọng của bản thân.

Quá lo sợ trước thực tế đầy phân biệt này, nhiều người đồng tính đã phải đi đến “hạ sách” chính là che giấu hay đúng hơn là chối bỏ đi giới tính thực của mình. Họ sống trong cái vỏ cứng của hình hài khác, con người khác bằng hình thức bên ngoài mà không phải là họ. Những người đồng tính luôn phải sống trong cảm giác tội lỗi. Khi các vấn đề phát sinh, họ thường nghĩ về vai trò mà họ đã đóng rồi phải gánh chịu thêm đau khổ khi họ tin rằng các vấn đề phát sinh thông qua sự yếu đuối, ngu dốt hoặc thiếu tự kiểm soát của họ. Tất nhiên, đánh giá trách nhiệm của một người là đôi khi hữu ích, nhưng người ta thường đi xa hơn một đánh giá khách quan về trách nhiệm của mình để đổ lỗi, chỉ trích và thậm chí trừng phạt bản thân.

Làm sao để người đồng tính có thể bước vào cách “hiên ngang” trong xã hội mà lòng không chút lo sợ, mặc cảm, tự ti. Đầu tiên, mỗi người hãy tiếp cận người đồng tính, khi mở lòng thì định kiến sẽ biến mất, bởi vì không có gì là tuyệt đối cả. Trong quá khứ, người ta có thể chỉ toàn nghe thấy hình ảnh người đồng tính tiêm chích ma túy, mại dâm, nhiễm HIV, nên có những định kiến không tốt. Nhưng hiện nay, người đồng tính đã chứng minh được họ là những công dân có ích cho xã hội và là đầu tàu trong nhiều lĩnh vực. Cho nên, không cớ gì cứ mãi định kiến một cách cố chấp như vậy.

Nhưng tại sao người đồng tính họ lại phải chịu những cảnh bất công như vậy. Vì những người đồng tính thường nhạy cảm hơn so với người bình thường họ dễ tổn thương so với những người khác, trang phục, giọng nói, cách cư xử của người đồng tính cũng khác với thuần phong mỹ tục nên khi vào xã hội đã có những chuẩn mực sẵn thì người ta bắt đầu dè bỉu xa lánh. Nhưng một phần là do định kiến xã hội đã áp đặt nặng nề lên tư tưởng của toàn xã hội nên người đồng tính còn phải chịu những cảnh bất công “ấm ức” bất công thêm thời gian nữa.
  1. Có nên ủng hộ hôn nhân đồng tính?
4.1. Một vài quan niệm xã hội

Mỗi người đều có quyền được kết hôn với người họ muốn gắn bó, điều này đã được Ðiều 16 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định:

Nam và nữ trong tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không bị hạn chế về lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết hôn, trong đời sống vợ chồng và lúc ly hôn. Hôn nhân chỉ có thể tiến hành khi cả hai đều được tự do quyết định và đồng ý thật sự. Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và được quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.[9]
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định mọi người đều có quyền được tạo lập gia đình, bao gồm cả người độc thân, người chuyển giới hoặc hai người trưởng thành bất kể giới tính của họ. Nhưng tại sao hiện nay vẫn có nhiều người ngăn cản hay cấm đoán hôn nhân đồng tính.

Theo đạo đức học Vị kỷ (Ethics of Egoism) mỗi người đều có quyền hành động để đạt tới hạnh phúc của riêng mình. Nếu nhìn theo thuyết Vị kỷ, việc hôn nhân đồng tính là một điều hợp lý vì việc hôn nhân đồng tính dẫn đến hạnh phúc cá nhân và không ảnh hưởng gì người khác. Theo Vị kỷ nếu ai đó ngăn cản hôn nhân đồng tính thì vi phạm nghiêm trọng quyền cá nhân của người đồng tính. Cũng theo thuyết này, người đồng tính tiến tới hôn nhân đồng tính tức là họ đang chu toàn bổn phận con người của họ là làm thăng tiến tư lợi một cách trực tiếp. Và do đó, hôn nhân đồng tính là một dạng lợi ích cá nhân dài hạn đối với người đồng tính.

Nếu hôn nhân không sinh sản con cái như vậy có đạt hạnh phúc, nếu không hạnh phúc thì thuyết Vị kỷ có còn hợp lý trong hoàn cảnh này? Hôn nhân đồng giới không thể sinh sản con cái nên không thể có hạnh phúc. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng bình thường về giới tính lại vô sinh, vậy liệu họ không hạnh phúc? Bao nhiêu vấn nạn được đặt ra. Thực sự hạnh phúc hôn nhân có nhiều yếu tố trong đó sản sinh con cái chỉ là một trong các yếu tố. Với những cặp vợ chồng vô sinh, họ sống với nhau bằng nghĩa tình, việc có con là một điều tốt nhưng với những lý do khách quan không có con được cũng không quan trọng cho bằng việc họ yêu thương chăm sóc nhau nâng đỡ nhau trong đời sống. Đến đây, thuyết Vị kỷ vẫn đúng bởi vì thực tế hôn nhân không có con cái thì nhiều người vẫn đạt được hạnh phúc. Vậy tại sao người đồng tính họ yêu thương nhau, chăm sóc nhau nâng đỡ nhau trong đời sống lại là sai, lại bị cấm đoán, khinh miệt? Như đã đề cập ở trên, sự khinh miệt cấm đoán là do định kiến. Chuẩn mực xã hội đã đưa con người ta vào khung luân lý, để rồi không cần biết lý do là gì, chỉ cần ai khác đi họ sẽ bị cười chê và khinh miệt.

Theo đạo đức học Vị lợi (Ethics of Utilitarianism) một hành vi hay quy tắc đem lại lợi ích tố nhất, và một hành động là “đúng” khi gia tăng những lợi ích, là “sai” khi gia tăng điều bất lợi. Nếu một hành động không gây hại cho tập thể lại đem đến hạnh phúc cho người thực hiện hành động thì thuyết Vị lợi hoàn toàn ủng hộ. Vậy hôn nhân đồng tính không gây hại gì cho ai, lại mang đến hạnh phúc cho người đồng tính nên được thuyết vị lợi nhìn nhận. Nhưng hôn nhân đồng tính đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, bởi các hành vi tính dục của người đồng tính, trái với các chuẩn mực xã hội đã quy định, ảnh hưởng lên nhận thức của nhiều người như vậy có còn phù hợp với thuyết Vị lợi chăng? Thực sự hôn nhân đồng tính không hoàn toàn hướng tới tính dục của người đồng tính, vì nhiều người đồng tính đến với nhau không chỉ dựa trên ham muốn tính dục, mà còn dựa trên tương quan ngã vị giữa người với nhau.

Nhưng nếu hôn nhân đồng tính có hoạt động tính dục thì đó cũng là quyền và bản năng của con người tại sao lại ngăn cấm người đồng tính? Tính dục cũng là quyền của con người và điều này đã được Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chính thức ghi nhận thuộc về quyền con người cần được bảo vệ khi đề cập đến yêu cầu đảm bảo các điều kiện cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo đó, quyền tình dục được hiểu là: “Quyền của tất cả mọi người được thể hiện xu hướng tình dục riêng, trong mối quan hệ tôn trọng quyền của những người khác, không bị đe dọa, mất tự do hoặc chịu sự can thiệp của xã hội”. Quan hệ tính dục giữa hai người có tự do, có lựa chọn thì được pháp luật bảo vệ, và điều này phù hơp với thuyết vị lợi khi nó đem đến hạnh phúc cho người đồng tính.

Tuy nhiên, quan hệ đồng giới lại đi ngược với đạo đức học “Luật tự nhiên” (Ethics of Natural Law). Luật tự nhiên ở đây được hiểu như là khuynh hướng phát triển hay những gì tự nó là tốt và đúng cho bản chất của một hữu thể. Bản chất của luật tự nhiên của con người là tận dụng lý trí để đạt đến các mục tiêu mà con người tin rằng sẽ mang lại hạnh phúc [10]. Như vậy, việc hiểu tình dục đồng giới đi ngược với luật đạo đức tự nhiên chính là do việc lấy khái niệm tự nhiên chồng lên khái niệm đạo đức tự nhiên, thực ra đạo đức tự nhiên không quy định hành vi con người nhưng hướng con người đến những vai trò và hành vi dẫn đến hạnh phúc con người.

Nếu bỏ qua hết tất cả những lập luận trên, hôn nhân đồng tính vẫn bị phản đối thì người đồng tính sẽ phải sống một mình hay còn gọi “ở vậy” đến hết cuộc đời. Thật khó để họ sống như vậy được bởi vì đã là một con người thì luôn bị bản năng chi phối và giật dây, một trong những bản năng là dục năng nó vô cùng mạnh mẽ và luôn lấn lướt tâm trí con người. Làm sao người đồng tính có thể sống một mình như vậy được, việc người đồng tính bị ép sống một mình như vậy quả là một khó khăn đối với họ, vì đời sống của họ khác với những người có ơn gọi dâng hiến cuộc đời mình để trở thành một linh mục, hay một tu sĩ. Trong khi người đồng tính họ phải chịu dục tính giày vò mà không có một định hướng nào cho bản thân.

Giả thiết nếu tất cả mọi người đều đồng tính liệu có còn cấm hôn nhân đồng tính hay không, câu trả lời rất đơn giản ai cũng như ai cấm làm gì, người cấm cũng đồng tính thì lấy tư cách gì mà cấm. Lại một câu hỏi khác được đặt ra rằng: tại sao khi sự đồng tính xảy ra với số ít thì hôn nhân của họ lại bị cấm? Như vậy có vô lý chăng khi phản đối hôn nhân đồng tính và việc phản đối ấy có đi ngược đạo đức, hay vi phạm quyền con người hay không? Đó là vấn nạn bỏ ngỏ và cần có lời giải đáp để thỏa mãn lý trí của rất nhiều người trong chúng ta.
    1. Giáo Hội Công giáo nhìn về hôn nhân đồng tính
Vượt trên mọi quan niệm đạo đức học xung quanh vấn đề đồng tính và hôn nhân đồng tính, Giáo hội Công giáo nhìn về những con người này bằng một nhãn quan khác. Ta có thể khẳng định rằng: Trải qua bao thế hệ, Giáo Hội sẽ không bao giờ thay đổi mục đích của Bí tích hôn phối. Hội Thánh dựa trên giáo lý căn bản của chính Chúa Giêsu, như ta đọc thấy trong các Tin Mừng Mátthêu và Máccô:

  “ … Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình.Và cả hai sẽ thành một xương một thit. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6;  Mc 10,6-8).

Giáo lý Giáo Hội Công giáo cũng dạy rằng: Giao ước Hôn nhân, nhờ đó một người nam và một người nữ làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời, tự bản chất nó hướng tới lợi ích của những người phối ngẫu cũng như hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Giao ước này đã được Chúa Kitô nâng lên hàng Bí tích giữa những người đã lãnh nhận phép rửa tội (x. SGLGHCG số 1601).

Không chỉ Kinh Thánh và Giáo lý khẳng định chân lý ấy mà cả Giáo luật của Giáo Hội cũng qui định rõ như sau:Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích.” (x. Giáo luật số 1055 & 1).

Trưng dẫn những điều trên đây để đi đến một kết luận rằng: không có Giáo lý hay Giáo luật nào cho phép hôn nhân đồng tính (same sex marriage) giữa hai người nam hay hai người nữ mà một số lập trường đạo đức học cũng như một số quốc gia đang ủng hộ loại hôn nhân này. Có thể nói, đây là một sự suy thoái trầm trọng về luân lý và mục đích của  hôn nhân, một định chế đã có từ lâu trong xã hội con người thuộc mọi nền văn hóa. Định chế đó chỉ nhìn nhận hôn nhân giữa một người nam và một người nữ mà thôi. Nhưng nay vì  đạo đức suy đồi, hậu quả của trào lưu tục hóa (vulgarism) đang bành trướng ở khắp nơi, mà người ta muốn định nghĩa lại hôn nhân để công nhận “hôn nhân giữa hai người đồng tính” (homosexual, lesbian), một đổ vỡ to lớn về mục đích của hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu  khi  tạo dựng con người có nam có nữ và truyền cho họ “phải sinh sôi nảy nở  cho thật nhiều và thống  trị mặt đất” (St 1:28).

Trung thành với Giáo lý của Chúa, chắc chắn Giáo Hội sẽ không bao giờ thay đổi định chế hôn nhân để bảo vệ mục đích của gia đình, một Giáo hội tại gia (domestic church) và cũng là hình ảnh của gia đình trên trời.

Liên quan đến những người đồng tính, Giáo Hội không kỳ thị và loại bỏ họ trong mục đích hiệp thông tôn thờ Thiên Chúa và tuyên xưng đức tin vào Người. Tuy nhiên, chắc chắn Giáo Hội không cho phép hay công nhận hôn nhân đồng tính giữa hai người nam hoặc hai người nữ như một số quốc gia đang làm vì áp lực chính trị để chiều theo thị hiếu của những người đồng tính muốn hợp thức hóa hôn nhân của họ. Làm như thế, họ đang phá đổ mục đich của hôn nhân và tước bỏ quyền có cha, mẹ, có ông bà nội ngoại của con cháu. Lại nữa, họ cũng tạo gương xấu (scandal) cho giới trẻ khi thấy hai người nam hoặc hai người nữ công khai sống chung với nhau như vợ chồng. Về mặt tinh thần, họ có thể đến nhà thờ cầu nguyện chung với mọi tín hữu, nhưng không thể lãnh nhận bí tích Thánh Thể và hòa giải được vì lối sống của họ (sống chung như vợ chồng) không được Giáo Hội nhìn nhận như những cặp vợ chồng đã thành hôn qua Bí tích Hôn nhân. Tóm lại: một điều chắc chắn, Giáo Hội sẽ không định nghĩa lại hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, vì đây là một định chế thiêng liêng (sacred institution) mà Thiên Chúa đã thiết lập từ khi có con người trên mặt đất và đã được Chúa Kitô nâng lên hàng Bí tích.
  1. Kết Luận
Qua bài viết trên đây, tác giả cố gắng đưa ra một vài lý thuyết Đạo đức học cũng như quan điểm của Giáo hội Công giáo khi nhìn nhận về người đồng tính và hôn nhân đồng tính. Đối với Đạo đức học, hôn nhân là quyền của mọi người và xã hội phải tạo mọi điều kiện để nâng đỡ và gìn giữ để phát triển hôn nhân của mỗi người. Tuy nhiên, vấn đề hôn nhân đồng tính đã gây ra nhiều cuộc tranh luận với nhiều quan điểm khác nhau. Điều quan trọng là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy tiêu cực cho xã hội mà pháp luật chưa thể lường hết. Việc ngưng tranh cãi để đi đến kết luận cuối cùng là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Để người đồng tính không bị định kiến kì thị vì họ là họ, mỗi chúng ta nên chọn góc nhìn phù hợp để có thể cảm nhận vẻ đẹp đa dạng của Tạo Hóa, ý thức tôn trọng sự khác biệt về tình trạng cơ thể, cũng như xu hướng tính dục. Duy trì nhãn quan như vậy sẽ kiến tạo cho chúng ta một môi trường nhân văn hơn, trong đó, mọi người đều hưởng tình yêu và hạnh phúc đích thực. Tính nhân văn ấy người đồng tính dễ dàng tìm thấy nơi Giáo Hội Công giáo – một Giáo Hội của tình thương và tôn trọng.

THAM KHẢO
  1. Trần Như Ý Lan, Người Công Giáo trước một số vấn đề y sinh học và tính dục, NXB Tôn Giáo, 2017, Hà Nội, tr. 216.
  2. Judd Marmon, ed. Sexual Inversion (New York, Basic Books, 1965), 4, được trích trong Genosevi, tr. 253.
  3. Wiliam F. Kraft, “Homosexuality anh Religious Life”, Reveiew for Religious 40 (1981), 371, được trích trong Genovesi, tr. 25
  4. Lạnh nhạt, thờ ơ ở đây chỉ để cập đến trạng thái khi người đồng tính tiếp xúc tính dục với người khác tính. Không đề cập tới vấn đề tương quan xã hội của họ.
  5. Lưỡng tính thật – rất hiếm người này có cả tinh hoàn (của nam) và buồng trứng (của nữ) tách riêng hay gộp chung thành tuyến tinh hoàn.
Lưỡng tính giả, có hai dạng ở nữ và ở nam. Ở nữ thì có các bộ phận sinh dục của nữ nhưng do tuyến thượng sản xuất quá nhiều nội tiết tố nam (androgen) nên bị “nam hóa”. Ở nam, bộ nhiễm sắc thể vẫn là 46 XY như mọi đàn ông khác nhưng bộ phận sinh dục ngoài lại giống nữ.
  1. Ví dụ: một số bé trai từ nhỏ thường thích mặc váy, thích chơi búp bê, thích cài hoa...bé gái thích mặc đồ con trai, thích chơi trò chơi con trai... khi lớn, họ bị ảnh hưởng từ hành vi lúc nhỏ gây rối loạn suy nghĩ và tự quy kết giới tính cho mình. Lâu dần, suy nghĩ “mình là thế giới thứ ba” sẽ trở thành chứng tự kỉ ám thị và biến họ từ bình thường trở thành đồng tính.
  2. Erik Erikson (1905-1994) sinh tại Franfurt (Đức). Ông đã từng học nghệ thuật và vẽ chân dung trẻ em. Sau đó ông vào học tại viện phân tâm học của thành phố Viên (Áo) và được đào tạo trực tiếp bởi S.Freud, Anna Freud và nhiều nhà phân tâm tài năng khác.
  3. Nỗi lo hiện sinh: là dạng lo lắng khi nhận ra những yếu kém của bản thân, về mặt thể lý tâm lý, trí tuệ… luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ người khác biết sự thật về mình. Khi hiểu rộng ra nỗi lo hiện sinh còn nằm ở những mong muốn lo gìn giữ giá trị đang có vì sợ mất đi.
  4. Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948/65774/noi-dung.aspx, truy cập ngày 18/4/2018. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ.
  5. Cf. Joseph Tân Nguyễn, Đạo đức học tổng quát, NXB Phương Đông, TP Hồ Chí Minh, 2016, tr. 117-126.
  6. Cf. Võ Văn Thành - Lê Kiên - Chi Mai, “Hôn nhân đồng tính: vì sao chưa công nhận?”, tại https://tuoitre.vn , truy cập 15/4/2018.

Tác giả: Tâm Thành

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập241
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại916,338
  • Tổng lượt truy cập78,919,789
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây