Giới trẻ với tình yêu sự sống

Thứ năm - 08/11/2018 06:23  2016
Từ vài sự kiện
slide 2Ngày 03 tháng 10 năm 2016, hàng chục nghìn phụ nữ Ba Lan đã mặc toàn đồ đen, xuống đường tại Thủ đô Warsaw biểu tình chống lại đề xuất cấm hoàn toàn việc phá thai tại nước này. Những người biểu tình, trong đó có rất nhiều cô gái trẻ, đã tập trung trước trụ sở Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền, phản đối dự luật mà họ gọi là “phi nhân tính” do một nhóm các nghị sĩ đệ trình lên Quốc hội Ba Lan vào tuần trước đó.[1]

Trước đó ít năm, vào cuối năm 2012, một nhóm phụ nữ Uruguay đã bạo gan khỏa thân, chỉ vẽ sơn người tập trung trước cửa văn phòng Quốc hội của nước này để phản đối việc chính phủ cho phép nạo phá thai dưới 3 tháng. Uruguay trở thành nước thứ hai ở khu vực Mỹ Latinh, sau Cuba thông qua luật cho phép nạo phá thai. Nhóm phụ nữ này đã không ngần ngại bày tỏ thái độ kiên quyết, yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền con người mà không sợ bị cảnh sát bắt giữ.[2]

 Vào ngày 25/05/2013, các báo mạng trên khắp thế giới đưa tin về việc một trẻ sơ sinh bị vứt trong đường ống xả thải ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã được cơ quan chức năng và người dân cứu sống.[3] Lại một lần nữa vấn đề đạo đức của các bậc cha mẹ được bàn tới. Phẩm giá con người và giá trị sự sống đang bị coi thường nghiêm trọng.

Vài sự kiện, những phản ứng đối lập mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Trong khi có những nỗ lực không mệt mỏi để bảo vệ sự sống con người thì lại có những quyết định phá hủy sự sống ấy. Trong khi có những con người can đảm liều mình bảo vệ quyền được sống thì vẫn có những quy định chống lại quyền con người. Trong khi có những trái tim đầy tình thương thì vẫn có sự chen chân của những lương tri vô cảm. Trong khi có những khát vọng của sự sống thì vẫn tồn tại bóng dáng của sự chết. Trong khi có những hành động lên án nạo phá thai thì vẫn còn đó những tư tưởng ủng hộ nó. Phản đối nạo phá thai vẫn đang phải chấp nhận câu chuyện không cùng quan điểm. Tiếng nói của lương tâm vẫn đang bị kẻ mang tên “lợi ích” đấu tranh quyết liệt.

Tranh cãi về chính trị và đạo đức
Đã từ nhiều năm, nạo phá thai là vấn đề tranh cãi ở nhiều quốc gia cùng với sự phản đối quyết liệt của các tôn giáo. Luật pháp của các nước trên khắp thế giới điều chỉnh hành vi nạo phá thai của người phụ nữ nói chung, trải dài trên một trục với một cực là cấm gần như hoàn toàn việc nạo phá thai và cực kia coi nạo phá thai là quyền của người phụ nữ mang thai. Theo cách phân loại của S. Henshaw, Việt Nam thuộc nhóm nước cho phép nạo phá thai theo nguyện vọng của người phụ nữ.[4] Từ năm 1989, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã cho phép phụ nữ được nạo phá thai theo yêu cầu mà không phải qua các thủ tục phiền hà.[5] Pháp luật Việt Nam chỉ cấm những hành vi nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.[6]

   Khi nghiên cứu luật pháp quy định hành vi nạo phá thai trên toàn thế giới, Singh và các tác giả chỉ ra rằng trong giai đoạn 1998-2007, có 22 quốc gia phát triển và đang phát triển có luật liên quan đến nạo phá thai thay đổi mà phần lớn là theo xu hướng cho phép, nới rộng hành vi này.[7]

Chủ nghĩa tự do dân chủ hiện nay trên thế giới cho rằng những phán xét đạo đức và tôn giáo không nên có chỗ trong chính trị. Họ cho rằng chính quyền không nên “quy định về đạo đức” trong các lĩnh vực xử sự tình dục, quyết định sinh sản vì làm như thế là áp đặt niềm tin đạo đức và tôn giáo lên người khác.[8] Cùng với đó, phong trào nữ quyền tại một số quốc gia cũng đấu tranh đòi quyền được nạo phá thai theo nguyện vọng của người phụ nữ mang thai. Tuy vậy, quyền tự do lựa chọn và bình quyền không đủ cơ sở khẳng định quyền được nạo phá thai. Làm sao có thể bảo vệ quyền quyết định chấm dứt mang thai của người phụ nữ khi lại tìm cách chống lại lập luận bào thai đang phát triển là một con người. Với việc nạo phá thai, không thể giải quyết vấn đề pháp lý mà không giải quyết vấn đề đạo đức và tôn giáo.

Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi.[9] Do đó, ngay từ lúc thụ thai, sự sống phải được bảo toàn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm.[10] Huấn quyền của Giáo hội xác định phá thai là hành động đáng xấu hổ, và trong khi làm thối nát nền văn vinh nhân loại, thì tất cả những điều đó lại bôi nhọ chính những kẻ hành động, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa.[11] Theo giáo luật, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống con người này. “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết”.[12]

Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng xác định rõ: Những hành vi giết người như phá thai, đều đi ngược với phẩm giá con người và chống lại Thiên Chúa, vì chúng biến con người thành một thứ hàng hóa hay một sản phẩm thay vì là một sinh linh cao quý mang hình ảnh của Đấng Tối Cao”.[13]

Thực tế đau lòng
Nghiên cứu về tình trạng nạo phá thai trên toàn cầu và các khu vực năm 1995, 2003 và 2008, Gilda Sedgh và cộng sự cho biết mỗi năm trên thế giới có trên 40 triệu ca nạo phá thai được thực hiện, tập trung nhiều nhất ở các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á. Năm 2008, trên toàn thế giới có 43,8 triệu ca nạo phá thai thì ở châu Á chiếm tới hơn một nửa với 27,3 triệu ca. Châu Phi và Mỹ Latinh đang là những khu vực “nóng” về tỷ lệ nạo phá thai với con số trên dưới 30 ca nạo phá thai trên 1000 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 44.[14] Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì mỗi năm có khoảng gần 80.000 phụ nữ chết vì phá thai không an toàn.[15]

Theo nhận định của Đức Hồng y Camillo Ruini, bi kịch phá thai cùng với việc hợp pháp hóa an tử, khuynh hướng thực nghiệm và áp dụng kỹ thuật mới vào lãnh vực sự sống con người, bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ và cao quý để phản ứng lại, đó là tổng quan của châu Âu ngày nay.[16]

Trong một nghiên cứu mới hơn ở châu Á, các tác giả cho thấy trong giai đoạn 2010-2014, có khoảng gần 36 triệu ca nạo phá thai được thực hiện mỗi năm ở châu lục này, tập trung nhiều nhất ở khu vực Bắc Á và Trung Á (16 triệu ca), trong đó gồm Ấn Độ và ở khu vực Đông Á (13 triệu ca), trong đó gồm Trung Quốc. Với con số này thì ở châu Á có tới 27% phụ nữ lựa chọn kết thúc thai kỳ bằng hành vi nạo phá thai.[17]

Tại Việt Nam, theo thống kê của viện Alan Guttmacher, Hoa Kỳ thì vào năm 1999, Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ nạo phá thai với 83 ca trên 1000 phụ nữ ở độ tuổi 15 - 44. Con số này cũng đồng nghĩa với việc, ở nước ta có khoảng 1,5 - 2 triệu ca nạo phá thai mỗi năm vào thời điểm đó.[18] Theo ước tính, hiện nay mỗi năm ở nước ta có khoảng 1 triệu ca nạo phá thai, trong đó có khoảng 200.000 ca được thực hiện ở lứa tuổi vị thành niên.[19] Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều bởi không thể nào thống kê hết được ở các cơ sở phá thai tư nhân, cơ sở phá thai “chui” hoặc phá thai tại nhà (thậm chí là tự phá thai).

Mặc dù rất khó để có thống kê tin cậy nhưng hành vi nạo phá thai như đang tố cáo tội ác của nhân loại. Con số nạo phá thai đã ngoài sức tưởng tượng của con người, cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống đang vấp phải những cản trở vô cùng lớn. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã gọi nó là “văn hóa sự chết” hay có người cho đó là “thảm trạng nạo phá thai”. Phải chăng cũng không quá tiêu cực khi cho rằng: “Mỗi bước tiến của văn minh là một bước thụt lùi về đạo đức.” Hay Albert Einstein cay đắng nhận định: “Một thực tế rõ ràng đáng kinh hãi là công nghệ của chúng ta đã vượt xa nhân tính của chúng ta”.[20] Khi mà một phần tiến bộ khoa học công nghệ lại đang được sử dụng như là phương tiện để chống lại chính sự sống con người.

Nạo phá thai chưa bao giờ được coi là một biện pháp kế hoạch hóa gia đình, kể cả trong giai đoạn bùng nổ dân số. Nhưng chính quyền dân sự dường như đã thất bại trong việc tìm cách giảm tỷ lệ nạo phá thai. Một nghịch lý dễ dàng quan sát thấy là, càng tuyên truyền nhiều về chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, càng cấp phát nhiều các biện pháp ngừa thai, tỷ lệ nạo phá thai không những giảm mà còn tăng lên.
Nạo phá thai thường được lý giải bằng nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp là mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, sâu xa hơn có lẽ phải nói đến chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thái quá, cùng với tư tưởng tự do phóng túng và sự truyền bá dưới nhiều hình thức của chủ nghĩa duy vật vô thần khiến con người có xu hướng phi nhân vị hóa, coi thường phẩm giá con người cũng như giá trị của sự sống, dẫn đến mất cảm thức về tội, tội lớn nhất của thời đại mà Đức Giáo hoàng Piô XII đã lên tiếng cảnh báo từ giữa thế kỷ trước.

Trách nhiệm của giới trẻ
Trong một thế giới, nơi các tòa nhà thế tục không ngừng thì thầm với ta về tầm quan trọng của sức mạnh trần thế, giới trẻ có sứ mạng cùng với Giáo Hội phải mang tinh thần của Chúa Kitô vào công cuộc nhập thế để “cổ vũ cho việc hoàn thiện hóa con người toàn diện, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới mang tính nhân bản hơn”.[21] Giới trẻ, không chỉ là “tương lai của Giáo Hội và xã hội” mà “còn là chính hiện tại của Giáo Hội”,[22]  phải trở nên tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ, trong từng môi trường xã hội họ đang sống. Tuy nhiên, cùng với sức sống nồng nhiệt và năng lực tràn trề, giới trẻ cần trưởng thành trong ý thức về nhân vị.[23]

Ngày nay, người ta ghi nhận một tình huống xã hội và văn hóa xô bồ, trong đó đại đa số “tầm thường hóa” tính dục con người một cách giản lược và nghèo nàn, chỉ đem móc nối tính dục với thân xác và với lạc thú ích kỷ, tình dục có nguy cơ bị nhiễm độc bởi não trạng “sử dụng và vứt bỏ”.[24] Giới trẻ, chứng nhân của Tin Mừng sự sống và cũng sẽ trở thành những thừa tác viên của sự sống đang và còn tiếp tục đối diện với rất nhiều khó khăn. Bảo vệ sự sống chưa bao giờ chỉ là tuyên truyền và thực hành một thứ tình dục an toàn, cũng không bao giờ là phổ biến các biện pháp phòng tránh thai mà là hình thành một nhận thức đầy đủ cũng như thái độ đúng đắn và cách ứng xử thích hợp về giá trị của tình yêu, giá trị của tính dục và nhất là giá trị của sự sống.

Nền tảng luân lý của đạo đức tính dục đòi hỏi nghiêm túc trân trọng phẩm giá thiêng liêng của nhân vị. Do đó dục tính phải nằm trong, chứ không thể nằm ngoài vòng hôn nhân được. Dẫu biết rằng sẽ rất khó khăn, nhưng giới trẻ được mời gọi quý chuộng và yêu mến đức khiết tịnh. Nhân đức khiết tịnh đòi buộc giới trẻ biết tự chủ và kiềm chế dục vọng của mình, có nghĩa là không được vướng vít vào những quan hệ tình dục trong khi chưa hề chuẩn bị cho những hệ quả của những liên hệ này. Như thế, không thể chấp nhận tình dục ngoài hôn nhân hay tình trạng chung sống không hôn nhân.

Giá trị sự sống của một con người cao cả biết bao, và quyền được sống của một trẻ thơ vô tội lớn lên trong cung lòng của người mẹ là bất khả nhượng, đến nỗi không ai có thể viện lẽ rằng mình có quyền trên thân thể mình để biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy.[25] Ý thức rằng quyền được sống là quyền căn bản nhất trong các quyền về con người, giới trẻ có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ sự sống, can đảm làm chứng cho Tin Mừng sự sống, cũng như thông truyền giá trị của sự sống trong thế giới hôm nay, để cùng nhau xây dựng và bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. 
Tác giả bài viết: Cồn Bẹ
Trích Ra Khơi số 18

[4] x. NGUYỄN Q THANH, Bước đầu nghiên cứu về hành vi nạo thai ngoài hôn nhân, Luận văn Thạc sỹ Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, 1995.
[5] X. Điều 44, chương 8 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1989.
[6] X. Khoản 3, điều 9 theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em.
[7] SUSHEELA SINGH ETAL, Abortion Worldwide: A Decade of Uneven Progress, New York: Guttmacher Institute, 2009, trích lại theo https://www.guttmacher.org/sites/default/files/pdfs/pubs/AWWfullreport.pdf, truy cập tháng 3 năm 2018.
[8] MICHAEL SANDEL, Justice: What’s the right thing to do?, Bản tiếng Việt: Phải trái đúng sai do Hồ Đắc Phương dịch, NXB Trẻ, 2017, tr. 372.
[9] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2271.
[10] CÔNG  ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 51.
[11] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 27.
[12] Bộ Giáo luật, điều 1398.
[13] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư Mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa về Môi trường giáo dục gia đình Kitô giáo, 2008, số 18.
[15] HOÀNG BÁ THỊNH, Giáo trình Xã hội học về Giới, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr. 275.
[16] x. CARLO MARIA MARTINI, Tình yêu và gia đình, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist chuyển ngữ, NXB Phương Đông, 2017, tr. 155.
[17] Gilda Sedgh et al, Abortion incidence between 1990 and 2014: global, regional, and subregional levels and trends, Lancet, 2016, trích lại theo http://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(16)30380-4/abstract, truy cập tháng 3 năm 2018.
[18] Alan Guttmacher, Institute report: Sharing Responsibility Women, Society and Abortion Worldwide, 1999, trích lại theo https://www.guttmacher.org/sites/default/files/pdfs/pubs/sharing.pdf, truy cập tháng 3 năm 2018; Trần Mạnh Hùng, Đạo đức sinh học và những thách đố hiện nay, NXB Phương Đông, 2015, tr. 248.
[19] TUẤN NGHĨA, Một số nguyên nhân nạo phá thai, Tạp chí Dân số và phát triển, số 7 (124), 2011. Trích lại theo http://www.gopfp.gov.vn/so-7-124, truy cập tháng 3 năm 2018.
[20] ĐẶNG HOÀNG GIANG, Thiện, Ác và Smartphone, NXB Hội Nhà văn, 2017, tr. 101.
[21] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Gravissimum Educationis, số 3.
[22] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 44.
[23] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 12.
[24] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Amoris Laetitia, số 153.
[25] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Amoris Laetitia, số 83.
 
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập267
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm231
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại916,724
  • Tổng lượt truy cập78,920,175
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây