Dâng hoa, nét đặc thù của Giáo hội Việt nam

Thứ hai - 07/05/2018 15:31  1837
Tất cả người Công giáo đều có chung « một đức tin, một phép rửa và vị thầy chí thánh Giêsu » (Ep 4,5). Tuy nhiên đời sống đức tin ấy mang sắc thái của mỗi nền văn hóa khác nhau ngoài những cử hành phụng vụ mang tính quy định chung của toàn Giáo hội hoàn vũ và một số việc đạo đức quen thuộc như : đi đàng Thánh giá, lần chuỗi, tổ chức các cuộc rước…Trong số nét đặc thù đậm nét truyền thống của các tín hữu Việt nam cần phải kể đến Ngắm mười lăm sự Thương khó Đức Giêsu hay còn gọi là Ngắm đứng được thực hành vào Mùa Chay và đặc biệt là Thứ Sáu Thánh và Dâng hoa kính Đức Mẹ vào tháng Năm hàng năm.
 
Toàn bộ nội dung của Ngắm đứng dựa theo những trình thuật của Tin mừng và được lồng thêm về diễn biến tâm trạng của từng nhân vật theo lối suy nghĩ của người Việt Nam, chẳng hạn như lời kể thống thiết mà còn gọi là Đọc đoạn được xen kẽ trong khi ngắm và những lời than vãn của Đức Mẹ khi Tháo đanhTáng xác Chúa…Điều này gần gũi với bầu khí tang tóc vẫn thường thấy khi tham dự một buổi cử hành an táng của một người quá cố.

 
 
Về hình thức, từng câu và từng chữ trong Ngắm đứng được ngâm theo cung điệu khi trầm khi bổng khi to khi nhỏ và khi dài khi ngắn…hết sức chặt chẽ làm cho người tham dự một mặt có cái nhìn toàn bộ về những diễn tiến trong Cuộc Thương Khó nói chung và mặt khác dễ dàng cầm lòng cầm trí để suy ngẫm về Màu nhiệm cứu chuộc do Đức Giêsu thực hiện từ lúc bắt đầu sự việc cho đến khi được hoàn tất.
 
Đây quả là kho tàng rất trân trọng của Giáo hội Việt Nam. Vì ngoài những cử hành trong Tam Nhật Thánh như Lễ Rửa Chân, Suy Tôn Thánh Giá và Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa, chúng ta còn có buổi cử hành theo nét đặc thù riêng của mình mà không một nền văn hóa nào có được như vậy giúp cho đời sống đức tin gần gũi với đời đời sống thường nhật trong bối cảnh của người Việt Nam hơn.
 
Chuyển sang nét đặc thù khác Dâng hoa trong tháng Năm, việc thực hành này cũng không thấy có ở nơi nào ngoài Việt Nam. Nói chung ở những nơi khác trên thế giới, người ta chỉ tổ chức cuộc rước với tượng Đức Mẹ được trang trí bằng nhiều sắc hoa tươi thắm và mỗi người tham dự cầm bó hoa sau đó đặt trước tượng Đức Mẹ mà thôi. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta thì nghi thức Dâng hoa  đã được dệt nên bởi làn điệu dân ca đượm chất trữ tình vốn đi vào lòng người. Mượn chất dân ca quen thuộc và mượt mà này, chúng ta tỏ lộ tấm lòng con thảo đối với Mẹ Maria qua việc ca ngợi nhân đức rạng ngời của Mẹ đẹp hơn muôn ngàn hoa, hoặc qua việc kể lại quá trình kiếm tìm hương hoa đồng nội để kết thành buổi dâng hoa với tấm lòng nồng nàn và mong Mẹ thương chấp nhận mà chuyển cầu cho đoàn con cái biết bao nhiêu điều tha thiết kêu xin…
 

Đi kèm những lời ca tiếng hát du dương ấy, buổi dâng hoa còn được dàn dựng theo từng hoạt cảnh cùng với những cử điệu đầy ý nhị dễ dàng đánh động những ai tham dự. Đặc biệt, việc tôn sùng Đức Mẹ qua nghi thức Dâng hoa dễ dàng được mọi thành phần hào hứng hưởng ứng bao gồm lớp thế hệ trẻ nam thanh nữ tú, hoặc các bậc gia trưởng hay hiền mẫu, lại cả những em thiếu nhi ở tuổi hồn nhiên đơn sơ, hoặc cả những cụ ông cụ bà với tâm hồn thành kính thiết tha…
 
Những ngày lễ của Mẹ trong một năm phụng vụ thật đáng kể. Những hình thức tôn sùng Mẹ cũng không thiếu như: lần chuỗi Mân Côi, những buổi trình diễn thánh ca theo chủ đề ấn định, hoặc đặt tượng đài Mẹ và tổ chức thường xuyên những buổi cầu nguyện bên Mẹ, hoặc đi hành hương ở những trung tâm Thánh Mẫu… Tuy nhiên, buổi cử hành Dâng hoa  xem ra đánh động mọi người hơn cả và rất gẫn gũi với nét dân cả theo từng vùng miền tại Việt Nam. Do vậy, từ những thành viên trong đội dâng hoa lẫn mọi thành phần trong cộng đoàn tham dự đều hài lòng. Lại nữa, từ hình thức bên ngoài qua trang phục cho đến trang trí cắm hoa cũng như nhiều khâu khác và nhất là những tâm tình được lồng vào những lời ca giúp mọi người dễ dàng tôn kính Mẹ Maria cùng và cảm thấy gần gũi với Mẹ hơn rất nhiều.
 
Đây thực sự là kho tàng vô giá mang tính đặc thù của người Công giáo Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần trân trọng và tiếp tục duy trì để không bị mai một theo thời gian và nhất là với thời buổi công nghệ và đời sống tiện nghi hiện đại. Những nét mang tính đặc thù như làm nên căn tính của chúng ta không phải hiển nhiên mà có được nhưng đã được bồi đắp từ bao đời nay. Cũng như người Do thái luôn ý thức được việc cử hành ngày Sabát cách đều đặn và những buổi quy tụ để nghe những Lề Luật cũng như huấn lệnh của Chúa truyền nên dù nước có bị mất và dân phải đi đầy thì họ vẫn mang trong mình căn tính hoàn toàn riêng biệt với các sắc dân khác. Nhờ vậy, mà tất cả mọi người dễ dàng quy tụ với nhau và hợp thành sức mạnh cho toàn dân tộc. Ước gì nét độc đáo của người Công giáo Việt Nam chúng ta vẫn được mọi người trong nước hay hải ngoại tiếp tục duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác với niềm tự hào dâng trào để sánh bước và giao lưu với các nền văn hóa truyền thống của các dân nước khác khắp nơi nơi trên toàn thế giới.
 
Phó Mộc
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập395
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm360
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại928,371
  • Tổng lượt truy cập78,931,822
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây