Đọc Gn 3, 1-10: Giôna, chứng nhân vâng phục
Thứ sáu - 20/04/2018 15:11
2758
Chương ba sách Giôna kể lại việc Chúa tiếp tục sai Giôna đến Ninivê để rao giảng cho dân thành ấy. Lần này ông đã vâng lệnh Chúa.
1. Lập lại mệnh lệnh
Sau khi biến đổi Giôna, Thiên Chúa lại phán với ông lần thứ hai rằng: "Có lời Ðức Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai rằng: "Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi" (3,1-2). Mệnh lệnh vẫn không thay đổi từ nơi chốn đến nội dung lời loan báo. Chúa vẫn bảo Giôna đến Ninivê và công bố lời tuyên cáo về tội lỗi của họ. Chúa không muốn Giôna thực hiện một việc nào khác ngoài công việc Ngài đã trao cho ông trước đây. Chúa cũng không sai bất cứ ai khác mà chỉ sai Giôna đến Ninivê. Ngài dứt khoát chọn ông thực hiện công việc này.
Lắm khi chúng ta cũng muốn trốn tránh việc làm chứng cho Chúa. Chúng ta muốn thay thế việc làm chứng bằng một việc khác.
Một điểm đáng học hỏi là Chúa vẫn tin tưởng Giôna. Trong thực tế, đôi khi chúng ta khó mà tiếp tục tin cậy một người từng làm hỏng việc của chúng ta. Nhưng Chúa vẫn tin và vẫn tạo điều kiện cho Giôna. Hãy tin tưởng và tạo điều kiện cho nhau để cùng giúp nhau tiến bộ, nhất là sau những lần thất bại trong cuộc sống.
2. Đáp trả của Giôna
Khác với lần thứ nhất, lần này: "Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Ðức Chúa phán" (3,3). Trở thành nhân chứng vâng phục, Giôna thực hiện đúng lệnh truyền của Chúa là đi đến Ninivê. Giờ đây, chẳng còn đặt vấn đề đi hay không đi; cũng chẳng còn chuyện hẹn nay hẹn mai, mà phải thi hành ngay lệnh truyền của Chúa.
Là "Giôna thời đại", chứng nhân của Chúa cho ngày hôm nay, chúng ta cũng ra đi theo lệnh của Chúa. Là chứng nhân vâng phục, chúng ta phải luôn coi việc ra đi, việc đến nơi Chúa muốn mình đến qua bề trên là lệnh truyền của Chúa. Đây là tinh thần và đời sống vâng phục Chúa. Đây là bước ngoặc quan trọng trong đời sống chứng nhân.
Tuy nhiên, nhiều người được sai đến một nhiệm sở mới mà không hợp với ý thích thì họ không coi đó là lệnh truyền của Chúa và không chấp nhận nó như là sự vâng phục mệnh lệnh của Chúa. Với họ, đó là số phận đẩy đưa, là "bị lưu đày", thậm chí còn là một sự ghét bỏ nào đó của bề trên. Với suy nghĩ đó, họ cảm thấy khổ sở, nặng nề với công việc. Và chắc chắn, việc làm chứng của họ sẽ không sinh hoa kết trái. Người vâng phục mệnh lệnh của Chúa thì dù đi đến nơi nào, nơi đầy đủ tiện nghi hay thiếu thốn, dù tương lai thế nào, hoàn cảnh ra sao, đều nhận thấy mục đích của Thiên Chúa.
3. Thực hiện mệnh lệnh
- Xác tín: "Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường" (3,3b). Giôna xác định rằng, môi trường mà ông được gởi đến thật là một thành phố "cực kỳ rộng lớn". Sự rộng lớn của nó đến nỗi người ta phải mất đến ba ngày mới đi hết một vòng. Tuy nhiên, dù rộng đến mấy chăng nữa thì nó cũng có giới hạn: cần ba ngày để đi. Cho nên, dù nó có rộng lớn nhưng vẫn có thể chinh phục được. Đây là cái nhìn của một chứng nhân trưởng thành và lạc quan, cái nhìn của một người dám dấn thân, chịu làm việc. Khi chưa đến nơi, Giôna nghĩ rằng Ninivê rất rộng lớn. Và khi đến nơi, quả thật nó rộng lớn. Nhưng dù lớn, ông vẫn chinh phục nó được nếu ông chịu bước đi.
Ninivê của chúng ta rộng lớn đến mức độ nào? Đứng trước Ninivê của mình, chúng ta có thái độ nào? Phải chăng vì thấy nó quá rộng lớn làm cho chúng ta sợ hãi, không dám bước tới? Còn nếu quyết tâm bước tới, cần bao nhiêu thời gian? Đừng sợ vì Ninivê của mình quá rộng lớn! Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa không bao giờ trao cho chúng ta công việc quá sức của mình đâu. Đừng đặt vấn đề là cần thời gian bao lâu mà trước hết là hãy xác tín rằng cùng với Chúa, chúng ta có thể chinh phục được và hãy can đảm bước tới.
- Khởi đầu: "Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ" (3,4). Câu Thánh Kinh ngắn gọn này tóm kết hoạt động của Giôna tại Ninivê: ông "bắt đầu", "vào thành"; "đi một ngày đàng" và "công bố".
Phải mất ba ngày mới đi hết Ninivê, nhưng khởi đầu của Giôna là đi "một ngày". Ông bắt đầu công việc của mình bằng ngày thứ nhất và bắt đầu ngay. Chúa cho Giôna 40 ngày. Nếu ông không bắt đầu thi hành thì ngày thứ ba hoặc 40 ngày trôi qua ông cũng chẳng đến được nơi nào trong thành.
Chúng ta cũng phải có sự bắt đầu. Nếu không có ngày thứ nhất thì làm sao có ngày thứ hai. Đứng trước một ngọn núi cao, cần có nhiều thời gian để lên đến đỉnh. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không có những bước chân đầu tiên từ chân núi thì đừng bao giờ mơ đến đỉnh núi. Lắm khi chúng ta hứa hẹn, lên chương trình, chuẩn bị kế hoạch… nhưng chẳng chịu bắt đầu. Cần phải có sự bắt đầu. Đừng bỏ phí thời gian sau khi đã xác định. Nếu Giôna bỏ phí thời gian thì ba ngày sẽ trôi qua, rồi 40 ngày cũng trôi qua và việc Ninivê bị trừng phạt là chuyện phải xảy ra.
- Đi vào: "Ông Giôna bắt đầu vào thành". Ông Giôna bắt đầu và đi vào thành, vào nơi mà Chúa muốn ông rao giảng. Ông không chờ ngoài thành, ngoài cổng thành, cũng không chờ người khác đến tìm ông, mà ông vào trong thành và ông rao giảng cho bất cứ ai mà ông đã gặp.
Cũng vậy, chúng ta phải đi vào nơi Chúa muốn và Chúa trao cho chúng ta. Đừng đợi người khác đến mới rao giảng Lời Chúa nhưng hãy đem Lời Chúa đến cho họ. Đừng đợi người ta đến với Chúa nhưng hãy mang Chúa đến cho họ. Anrê đã gặp Chúa liền đi nói cho anh của mình là Phêrô và sau đó dẫn anh của mình đến gặp Chúa. Nhờ đó, Phêrô cũng được Chúa gọi (x.Ga 1,40-42). Philipphê gặp được Chúa và liền đi nói cho bạn của mình là Nathanaen. Nhờ đó, Nathanaen cũng gặp được Chúa (x. Ga 1,43-51). Chúng ta gặp được Chúa qua cuộc sống, các buổi phụng vụ, các giờ cầu nguyện, việc đạo đức, nhưng chúng ta có mau mắn và sẵn sàng đi vào Ninivê của mình để làm chứng không? Chúng ta đã bắt đầu chưa? Bắt đầu ở đâu?
- Biên giới của Ninivê: "Đi một ngày đường": Ông Giôna đi một ngày đàng và rao giảng. Ở đây không nói ông giảng cho bao nhiêu người, giảng mấy bài giảng, giảng ở trong nhà hay ngoài công trường. Nhưng thành ngữ "đi một ngày đàng" muốn nói lên chiều rộng của việc rao giảng. Chiều rộng ở đây không chỉ đơn giản là chiều rộng của không gian mà còn là chiều rộng của thời gian, của đối tượng được rao giảng.
Chiều rộng không gian: Phải rao giảng mọi nơi chứ không đóng kín trong khu vực của họ đạo. Chiều rộng không gian bao gồm cả anh em lương dân bên ngoài và có thể là bất cứ nơi đâu chúng ta đến và sống.
Chiều rộng thời gian: Phải rao giảng luôn luôn chứ không bị đóng kín trong thời gian nhất định, trong thời khóa biểu. Rao giảng luôn luôn, bất cứ lúc nào có cơ hội, và không thể nói "có thời điểm kết thúc".
Chiều rộng của đối tượng: Phải rao giảng cho mọi người, mọi thành phần, mọi đối tượng chứ không chỉ rao giảng cho những người mình thích.
Chứng nhân của Chúa càng đi thì sứ điệp Lời Chúa càng được phổ biến và lan truyền rộng rãi và đến với nhiều người. Nếu chứng nhân dừng lại, không chịu đi thì "biên giới Ninivê" của họ bị thu hẹp.
- Nội dung rao giảng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ": Sứ điệp mà Chúa muốn Giôna rao giảng cô đọng trong câu: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ". Dĩ nhiên, khi rao giảng, Giôna không chỉ nói câu này. Khi công bố rằng Ninivê sẽ bị sụp đổ, chắc chắn ông cũng cho biết nguyên nhân là tội lỗi của họ, ai làm cho Ninivê sụp đổ? Đó là Thiên Chúa; và làm cách nào để cứu vãn tình thế này? Đó là dân Ninivê phải tin vào Chúa và ăn năn thống hối.
Rao giảng sứ điệp của Chúa không nhằm khẳng định tài năng hùng biện, khả năng rao giảng của chứng nhân, nhưng là phải làm cho sứ điệp Lời Chúa tác động lòng người và giúp người ta thay đổi cuộc sống.
Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ rằng: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). Mệnh lệnh này không chỉ bao gồm việc rao giảng kêu gọi và giúp người ta nhận biết Chúa mà còn phải dạy bảo cho họ lớn lên trong tình thương của Chúa.
Nhiều nơi và nhiều người ngày hôm nay rất hăng say thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu, nhưng họ lại rơi vào sai lầm khi chỉ dừng lại ở việc làm thứ nhất, đó là làm mọi cách để lôi kéo thật nhiều người vào đạo, để cho số lượng tân tòng thật nhiều, thật kiêu. Các tân tòng không được chuẩn bị kỹ, không được tiếp tục dạy dỗ nên đời sống đức tin của họ gặp khó khăn. Nhiều nơi rửa tội rất đông, nhưng số người giữ đạo chẳng có bao nhiêu. Chúng ta không ngừng mang Lời Chúa đến cho anh chị em chưa nhận biết Chúa để giúp họ nhận ra Chúa, nhưng chúng ta cũng không quên nâng đỡ họ để đời sống đức tin của họ ngày trưởng thành hơn.
- Kết quả: Sau lời rao giảng của Giôna, dân thành Ninivê đã tin lời ông và đã thay đổi cuộc sống. Họ ăn năn, thú tội, xin Chúa tha thứ: "Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến tẻ nhỏ" (3, 5). Họ cầu nguyện, kêu cầu cùng Thiên Chúa Giavê: "Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Cha" (3, 8). Họ quyết định từ bỏ nếp sống cũ: "Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình" (3, 8). Họ tin vào sự thương xót của Thiên Chúa: "Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết" (3, 9). Kết quả: "Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa" (3, 10).
4. Suy nghĩ
Tôi đang là loại chứng nhân nào? Vâng phục, không vâng phục, miễn cưỡng, sợ hãi? Tôi đang làm chứng cho Chúa:
- Nơi chốn: Môi trường của tôi là gì? Trường học, bệnh viện, họ đạo…
- Khởi đầu: Tôi đã bắt đầu chưa?
- Chiều rộng: Tôi có luôn rao giảng và làm chứng khi có cơ hội? Có làm chứng cho mọi hạng người? Sẵn sàng làm chứng bất cứ nơi đâu?
- Chiều sâu: Tôi có quan tâm đến việc giúp cho ai đó mỗi ngày trưởng thành hơn trong đức tin không?
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 83-89.