Khi một người vâng lời để loan báo Lời Chúa cho người khác không có nghĩa là người đó trở thành chứng nhân tuyệt vời. Đó là trường hợp của Giôna. Ông đã đổi thay và vâng lời Thiên Chúa để đến Ninivê và rao giảng tại đây. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông trở thành một chứng nhân hoàn hảo. Ông đã vâng phục Chúa về mặt này nhưng lại chưa vâng phục về mặt khác. Chúng ta đã nói Giôna là một chứng nhân không vâng phục; sau đó trở thành chứng nhân vâng phục; bây giờ lại trở thành chứng nhân bất mãn hay không bằng lòng. Sứ điệp ông loan báo đã thành công nhưng bản thân ông lại thất bại vì ông còn những bất toàn. Chương 4 của sách Giôna cho chúng ta thấy những bất toàn của ông.
1. Bất toàn trong mối tương quan với dân Ninivê
- Không cùng chung với họ: Giôna đến rao giảng sứ điệp cho dân Ninivê. Ông vạch ra tội lỗi của họ, chỉ cho họ con đường để sống. Nhưng hình như ông không có sự hiệp thông với họ, không cầu nguyện cho họ và cũng chẳng cùng họ cầu nguyện để xin Chúa tha thứ.
Chứng nhân phải là người cầu thay cho tội nhân. Hãy nhìn vào gương của Abraham khi ông cầu nguyện cho dân thành Sôđôma. Năm lần liên tiếp ông trả giá với Chúa để mong Chúa tha cho dân thành này. Chẳng những ông cầu thay cho người thân của ông là Lót mà còn cầu xin cho dân thành Sôđôma mặc dù họ từng là kẻ thù của ông (x. St 18,23-33).
Chứng nhân mà không đồng hành với anh em mới tin Chúa trong bước đường đầu tiên theo Chúa thì thật là một chứng nhân nửa vời. Chứng nhân mà bỏ mặc anh chị em trước những khó khăn trong đời sống đức tin thì thật là đáng trách.
- Không muốn họ được cứu: Ông Giôna giúp dân Ninivê thay đổi thái độ của họ đối với Thiên Chúa, nhưng ông lại không muốn số phận của họ được thay đổi. Vì vậy ông không vui khi thấy Thiên Chúa đổi lòng mà tha cho dân thành này. Hình như trong mắt của ông, họ luôn là kẻ thù của ông. Trước đây vì coi họ là kẻ thù nên ông không vâng lệnh Chúa; ông bỏ trốn đến Tácsít. Khi vâng lệnh Chúa đến Ninivê rao giảng, ông vẫn coi họ là kẻ thù. Rồi khi họ ăn năn thống hối và được Chúa tha thứ, ông vẫn coi họ là kẻ thù. Hãy tặng cho Giôna danh hiệu: "nhà truyền giáo thù ghét cực đoan".
Giôna rao giảng, muốn cho dân Ninivê nhận biết tội lỗi của họ, biết án phạt đang chờ họ. Ông rất vui vì lời rao giảng của mình được đón nhận, nhưng lại không vui vì họ được tha thứ. Ông vẫn muốn họ bị trừng phạt. Lời rao giảng của ông chỉ đem lại sự giao hòa giữa Thiên Chúa và dân Ninivê, nhưng mối tương giao giữa ông và họ vẫn không thay đổi. Có lẽ, không chỉ dân Ninivê cần phải sám hối mà cả Giôna nữa.
2. Bất toàn trong mối tương giao với Chúa
- Chỉ quan tâm đến mình: Thiên Chúa phán với Giôna: "Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi" (3,1). Ông vâng lệnh và đi rao giảng như ý Chúa. Nhưng khi đến Ninivê và rao giảng thành công, thì Giôna lại không vui. Ông không vui vì thấy Chúa tha thứ cho dân Ninivê mà không trừng phạt họ. Phải chăng vì Chúa không trừng phạt Ninivê theo như lời rao giảng của ông làm cho ông cảm thấy mất mặt chăng? Thiên Chúa không sợ "mất mặt" dù trước kia Ngài tuyên án rằng sẽ phạt nhưng sau đó Ngài đổi ý vì lòng sám hối của dân thành Ninivê. Vậy mà Giôna cảm thấy mất mặt vì vâng lời Chúa rao giảng án phạt mà sau đó lại chứng kiến sự tha thứ. Đúng ra, là tiên tri của Chúa, Giôna phải quan tâm điều Thiên Chúa muốn, đó là con người sám hối, ăn năn và được tha thứ. Nhưng ông lại quan tâm đến chính mình, quan tâm đến ý muốn của mình. Ông muốn đổi ý Chúa thành ý của mình, muốn Chúa phải chiều theo ý của mình. Và vì chỉ quan tâm đến mình nên ông trở nên bất mãn với Thiên Chúa. Và khi chỉ nhắm vào chính mình, Giôna chẳng quan tâm đến mục tiêu chính của chứng nhân là giúp cho tội nhân tìm thấy con đường sống. Đó cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa.
- Muốn là chủ nhân chứ không phải chứng nhân: Giôna bất mãn với Chúa theo lập luận "sao Chúa nói một đàng làm một nẻo? Sao Chúa phán hủy diệt mà bây giờ lại tha thứ?". Ông chỉ muốn rao giảng phần đầu của sứ điệp là rao giảng án phạt chứ không muốn rao giảng phần thứ hai là sự tha thứ của Thiên Chúa. Giôna quên rằng chứng nhân chẳng những rao giảng sự công bình của Thiên Chúa mà còn làm chứng cho Chúa là Đấng giàu lòng yêu thương.
Thái độ bất mãn của Giôna chứng tỏ ông muốn chiếm chỗ của Chúa. Ông quên rằng ông chỉ là chứng nhân chứ không phải chủ nhân. Ông quên ông là ai mà khiến ông phán xét Chúa và tha nhân. Ông chỉ muốn cho Ninivê bị tiêu diệt chứ không phải được cứu sống. Thậm chí, sự bất mãn của Giôna được biểu lộ qua việc ba lần ông đòi chết.
Lần thứ nhất: "Giờ đây, lạy Ðức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!" (4,3). Ý của Giôna là nếu cho bọn Ninivê sống thì ông thà chết còn hơn. Ông bất bình với bản tính nhân lành của Thiên Chúa.
Lần thứ hai: "Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giôna; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: "Thà tôi chết còn hơn là sống" (4,8). Giôna muốn chết vì hoàn cảnh không như ý muốn. Khi thấy hoàn cảnh như ý muốn thì vui vẻ, thấy đời đáng sống, nhưng khi hoàn cảnh không như ý mình, trở ngại khó khăn thì than vãn và bất mãn.
Lần thứ ba: "Thiên Chúa hỏi ông Giôna: 'Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?’ Ông trả lời: ‘Con có lý để nổi giận đến chết được!’ " (4,9). Ông nổi giận và muốn chết khi thấy lợi ích của mình bị mất đi.
Tóm lại, Giôna giận Chúa, rồi giận hoàn cảnh không như ý mình muốn, giận vì lợi ích của mình bị mất đi. Một khi rơi vào tâm trạng bất mãn, người ta rất dễ nổi giận: cách nào cũng giận, cảnh nào cũng giận, cái gì cũng có thể làm cho người ta giận.
3. Suy nghĩ
Khi không vâng lời Chúa, Giôna thể hiện cách rõ ràng là đi trốn. Khi bất mãn, ông cũng biểu lộ cách rõ ràng là giận dữ, rời thành Ninivê. Còn chúng ta thì không dám đi trốn. Chúng ta luôn có mặt trên từng cây số, mọi lúc và mọi nơi, nhưng lại không chịu vâng lời Chúa. Bất mãn, buồn giận nhưng cố che đậy, vẫn cười nói như không có chuyện gì xảy ra. Hãy cố gắng chữa trị căn bệnh bất mãn này, nếu không chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân bê bối hoặc chứng nhân bết bát.
Đứng trước Ninivê mà Chúa trao cho chúng ta, nhiều khi chúng ta không quan tâm đến điều Chúa muốn mà chỉ quan tâm đến chính bản thân mình. Chúng ta cũng hăng say làm việc nhưng không phải lợi ích cho tha nhân cho bằng vì bản thân. Cố tạo uy danh cho mình. Một khi làm chứng mà chúng ta chỉ muốn tạo uy danh cho mình thì chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân giận dỗi và bất mãn với Chúa. Thay vì quan tâm đến chính mình, chúng ta cần phải:
- Quan tâm đến điều Chúa quan tâm.
- Quan tâm đến đối tượng Chúa quan tâm.
- Quan tâm đến đường lối Chúa quan tâm. Lm. Phêrô Lê Tấn Lợi, ĐCV Thánh Qúy Cần Thơ
ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 18 tháng Năm 2018, tr. 140-144