Xin cầu cho các linh hồn
Chủ nhật - 08/11/2015 15:40
2945
Cứ đến tháng 11 về, Giáo hội Công giáo dành trọn cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn còn ở Luyện ngục vì chưa đủ “thủ tục” gia nhập “Quốc tịch Nước Trời”. Đặc biệt từ ngày 1-8 tháng 11 Giáo hội ban ơn Đại xá cho các tín hữu thành kính đi viếng ngĩa địa với những điều kiện theo thường lệ (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) nhưng phải nhường lại cho các linh hồn. Hiệp với Giáo hội, Thiếu nhi Thánh Thể Giáo xứ Trung Linh được các Dì phụ trách hướng dẫn đã cùng nhau ra viếng nghĩa địa mỗi buổi trưa trong những ngày này để cầu cho các linh hồn.
Một hôm, sau Thánh lễ có một em thiếu nhi đang học khối Thánh Thể tới hỏi tôi: Dì ơi! tại sao mình phải cầu nguyện cho các linh hồn ạ? ý thức được bổn phận là giúp cho các em biết nguyên nhân tại sao, đồng thời biết cách cầu thay nguyện giúp cho các linh hồn như thế nào nữa, tôi đã trả lời em.
Trước tiên, đây là nhiệm vụ của chúng ta những người công dân của Nước Trời, những chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô (mầu nhiệm hiệp thông của ba Giáo hội: Giáo hội Khải hoàn, Giáo hội Thanh luyện, Giáo hội Lữ hành). Đây cũng là bổn phận hiếu thảo đối với các bậc tiền nhân, vì ai cũng có tổ tiên, ông bà, thân nhân và bạn hữu đã “ra đi” trước. Bởi vì con người “nhân vô thập toàn” chẳng ai là hoàn thiện, khi còn sống họ cũng mang xác thịt yếu đuối, rất dễ sa ngã và chủ quan. Như chúng ta được biết giáo lý về Giáo hội Thanh luyện, biết Kinh Thánh về sự sa ngã của con người. Không có tình yêu Chúa, không có lòng thương xót của Người, không ai được tha thứ, không ai được xứng đáng vào Nước trời. Thứ đến là khi chết các linh hồn không thể tự làm gì được cho mình mà phải nhờ sự giúp đỡ của những người còn sống là chúng ta. Thế nên, ta phải giúp các linh hồn: nhưng bằng cách nào? Có rất nhiều cách như: tham dự Thánh lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi, làm việc bác ái, âm thầm giúp đỡ người khác, hy sinh, nhịn nhục, khiêm nhường và biết tha thứ… dâng lên Chúa những cố gắng đó có ý cứu các linh hồn thì kho tàng hồng ân Thiên Chúa được mở ra cho họ.
Và trong một lần đi viếng nghĩa địa như thường lệ, sau khi đọc kinh cầu cho các linh hồn. Tôi dẫn các em đi thăm một số ngôi mộ, có một em chạy lại gần bên và hỏi: “Dì ơi! Sao trên bia mộ lại viết chữ “RIP” nghĩa là gì ạ? Em khác cũng nói: con cũng không biết Dì giải thích cho chúng con đi” Tôi biết là có nhiều em không biết nên tôi trả lời luôn cho các em.
RIP là chữ viết tắt của tiếng Latinh: “Requiescat in Pace”, có nghĩa là “An nghỉ” đây là lời cầu nguyện cho người quá cố mau được hưởng tôn nhan Thiên Chúa, và cũng là lời chúc cho họ “lên đường” về cõi vô biên vĩnh hằng.
Một câu hỏi đơn sơ của các em thế nhưng đã làm tôi suy nghĩ: Một ngày nào đó khi kết thúc cuộc đời, tôi cũng nằm dưới ngôi mộ như thế này, có thể cũng được khắc trên bia mộ mình một từ quen thuộc với người Công giáo “RIP”. Nhưng tôi sẽ ra sao sau tiếng chuông cuối cùng cuộc đời vang lên. Có lẽ tôi phải tự hỏi: hôm nay, tôi đã sống thế nào với Thiên Chúa và tha nhân, tôi đã làm được gì giúp ích cho người và cho đời. Bởi lẽ, mỗi ngày qua đi sẽ không hẹn trở lại, mỗi giờ phút qua đi cũng không nói lời từ biệt. Tôi không thể lấy lại ngày hôm qua, không thể sống thử ngày mai. Ai cũng chỉ sống một lần và chết một lần. Cuộc sống của tôi hôm nay sẽ là lời đáp cho cuộc sống mai sau của mình. Vì thế, hãy can đảm nhìn nhận những yếu đuối, giới hạn, những thiếu sót và cả thất vọng khi tôi chưa cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Hãy bắt tay làm lại cuộc đời khi chưa muộn, để khi kết thúc cuộc đời tôi sẽ được “sống lại trong ngày sau hết” (x. Ga 6,40) cũng như Gióp tin tưởng: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (G 19,26).
M. Anthony Vũ Ga, fmsr