Tình mẫu tử
Thứ tư - 02/09/2015 05:18
4072
“Phải chi tôi có một người mẹ!”. Đó là ước mơ của một thanh niên trẻ tuổi đang sống trong trại tù khổ sai ở U.S.A. Em này đã viết hàng chữ trên vào mảnh giấy có vẽ hình một trái tim và một bông hoa hồng, em đó để trong căn phòng của mình. Mỗi ngày em nhìn vào tờ giấy đó và thầm khấn nguyện cho ước mở của mình trở thành hiện thực.
Nói tới người mẹ, nói đến tình mẫu tử là nói đến một điều gì rung cảm nhất, cụ thể nhất và sâu đậm nhất. Bất cứ ai cũng cần đến một người mẹ dù dưới bất cứ hình thức nào.
Giáo sư Jambetti viết một tập sách ca tụng “Vai trò của người mẹ”, trong đó có đoạn viết như sau: ‘Mẹ là vị thầy cao cả nhất của đời tôi, tất cả những gì tôi là và tôi có đều là do công khó của mẹ tôi. Mẹ luôn hiện diện bên tôi với những lời lẽ khôn ngoan. Tôi không làm gì mà không hỏi ý kiến mẹ. Mẹ như động cơ cổ võ cho những sinh hoạt tốt đẹp trong gia đình…’
Vâng, sứ mạng người mẹ thật cao cả !!! Chính Thiên Chúa cũng đã chọn một người mẹ để sinh ra làm người. Vậy, nếu sinh ra đời, mỗi người đều cần có một người mẹ để lớn lên trong thân xác, thì để lớn lên trong đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa cũng ban tặng cho mỗi kitô hữu chúng ta một người Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Ta có thể khẳng định: đời sống đức tin của người kitô hữu sẽ trở thành khô cằn và yếu ớt nếu thiếu hơi ấm của tình Mẹ.
Khi có dịp giở lại tiểu sử của các vị thánh, ta luôn thấy Mẹ Maria có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống các ngài, bởi vì theo truyền thống Giáo Hội, lòng sùng kính Mẹ Maria là một phương thế hữu hiệu giúp người tín hữu trên đường thánh thiện, là niềm an ủi trong thử thách, là nghị lực trong công tác tông đồ.
Cách riêng trong đời tu, muốn sống trọn vẹn hành trình hiến dâng, tu sĩ rất cần có một người mẹ để hướng dẫn, nâng đỡ và yêu thương. Tin Mừng Gioan ghi lại những lời sau cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: Trong lúc hấp hối, qua người môn đệ yêu dấu, Chúa đã trối Đức Mẹ cho Gioan và trối Gioan cho Đức Mẹ. Thánh ĐTC Gioan Phaolô II đã diễn giải cách rõ ràng: ‘Những lời nói của Chúa Giêsu đang hấp hối, trên thực tế biểu lộ rằng ý muốn đầu tiên của Người không phải là trao phó Mẹ của mình cho Gioan, nhưng là trao phó người môn đệ cho Đức Maria và giao phó cho Mẹ một sứ mạng mới có tính mẫu tử.’ Sứ mạng mới có tính mẫu tử không bởi Đức Maria nhưng bởi Lời Chúa, không dựa trên công phúc nhưng dựa trên ân sủng. Nơi đây, mẫu tính của Đức Maria đối với các môn đệ không phải là mẫu tính thể lý nhưng là mẫu tính tinh thần. Gioan đã thay mặt các môn đệ đón nhận Đức Maria làm mẹ của mình (Ga 19, 28). “Gioan đón Mẹ về nhà mình”, một câu ngắn ngủi nhưng bao hàm ý nghĩa phong phú. Gioan không chỉ nhận Đức Maria làm Mẹ nhưng còn biểu lộ tấm lòng hiếu thảo bằng sự phụng dưỡng cụ thể. Và những năm tháng còn lại sống bên các tông đồ, Mẹ Maria đã cùng sống, cùng cầu nguyện và cùng lãnh nhận Chúa Thánh Thần với các tông đồ. Đây là thời gian chứng minh cụ thể và có giá trị tình mẹ _ con giữa Đức Maria và các tông đồ.
Khi bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến, người tu sĩ sẽ khó đạt tới đời sống thiêng liêng hoàn hảo nếu không lưu ý tới lời trăn trối của Chúa Giêsu trên Thánh Giá.[1] Bởi vì khi lưu ý tới lời trối này, người tu sĩ sẽ đưa mẹ về căn nhà nội tâm của mình và sống niềm tín thác vào Mẹ với tình con thảo (bằng việc noi gương Mẹ lắng nghe + thực thi Lời Chúa và sống mầu nhiệm tình yêu).
Khi đón rước Mẹ Maria về nhà nội tâm của mình thì người tu sĩ thực hiện lời trăn trối của Đức Giêsu. Lời trăn trối này có một giá trị tượng trưng cho mỗi người tu sĩ, nó đòi hỏi người tu sĩ phải dành một chỗ cho Mẹ Maria trong cuộc sống của mình. ‘Chúng ta hãy để Mẹ Maria có toàn quyền trong nhà của đời sống chúng ta, và nhìn nhận vai trò từ mẫu của Mẹ, nghĩa là, nhiệm vụ của Mẹ như người hướng dẫn - khích lệ - và ngay cả như một sự hiện diện trong thinh lặng mà vẫn có thể giúp chúng ta can đảm mà vượt thắng những khó khăn’.[2]
Tin Mừng Gioan 2, 1- 11, cũng kể lại việc Mẹ đi dự tiệc cưới Cana. Nơi đây, Mẹ đã đóng trọn vai trò từ mẫu của Mẹ qua hai thái độ đối với con người và đối với Chúa Giêsu. Nhưng thực ra, Chúa đã làm phép lạ và phép lạ ngày hôm đó chính là lời đáp trả của Chúa Giêsu cho tình mẫu tử của Mẹ Maria, cho tình huynh đệ đối với các tông đồ và khách dự tiệc. Chắc chắn rằng Mẹ Maria hiểu được ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa nói, việc Chúa làm, và Mẹ đã sống tình mẫu tử đó cách hoàn hảo. Khi đóng vai trò hiền mẫu của Chúa Giêsu, Mẹ cũng là hiền mẫu của con người, vì con người đã trở thành anh em với Chúa Giêsu qua việc lắng nghe và thi hành ý Chúa.
Ngày nay, Mẹ Maria vẫn đang tiếp tục đóng vai trò Hiền Mẫu trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Mẹ luôn hiện diện bên chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Mẹ vẫn tiếp tục mang Chúa Giêsu – niềm vui và sự bình an đến cho chúng ta, và Mẹ vẫn mở cho chúng ta con đường đến với Chúa Giêsu, đồng thời hướng dẫn chúng ta đi trên con đường ấy.
Với tâm tình con thảo, chúng ta bước theo chân Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi hàng ngày và xin Mẹ giúp chúng ta nhận ra phẩm giá cao đẹp nơi mỗi người là được làm con yêu dấu của Mẹ và được Mẹ giúp chúng ta sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
M. Lucia Trần Huyền, fmsr
[1] Thánh Bộ Giáo Sĩ – Kim chỉ nam cho Thừa tác vụ và đời sống linh mục – 1994; số 68. [2] Thánh Gioan Phaolô II, Huấn từ với các linh mục thuộc phong trào Focolare, 1982.