Ngoại tình

Thứ ba - 15/12/2015 13:55  2815
Ý niệm “ngoại tình”[1] chỉ có trong tình yêu đôi lứa. Ngoại tình đối lại với tình yêu chung thủy. Một mối tình trong sáng và thủy chung son sắt không có chỗ đứng cho ngoại tình, và khi ngoại tình xuất hiện thì tình yêu sẽ bị tổn thương, mất đi ý nghĩa đích thực và giá trị của nó. Ý niệm ghen tuông cũng từ đó phát sinh ra và giống như bức tường lửa ngăn chặn con vi-rút ngoại tình lẻn vào. Ghen tuông cần thiết cho một mối tình chung thủy và bền vững, tuy nhiên ghen tuông cần phải dừng lại ở một giới hạn nhất định như chút gia vị cay của bột tiêu làm cho bàn tiệc cuộc tình thêm đậm đà và sinh động. Ghen tuông còn được ví như thước đo chiều dài, cao và sâu của tình yêu.
 
Mối tình này được diễn tả rất rõ nét giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thiên Chúa đã không ngừng âu yếm và yêu thương con người giống như mối tình của đôi uyên ương. Trải dài suốt hành trình lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã biểu lộ một mối tình chung thủy đối với con người, ngược lại nhân loại hết lần này đến lần khác bỏ rơi Thiên Chúa mà “ngoại tình” (x. Hs 2, 7) với đủ thứ tà thần ô uế, cố lẩn trốn tình yêu và coi thường mối tình sắt son của Ngài. Hành trình lịch sử cứu độ là một vòng tròn: Tội – Phạt – Hối – Cứu. Con người bỏ rơi Thiên Chúa mà đi ngoại tình với thần ngoại, nhưng vì tình yêu Thiên Chúa không thể đứng nhìn, Thiên Chúa đã “đánh ghen” (x. Hs 2, 8-15) và đưa nhân loại trở về với Ngài để cùng sống chung thủy như xưa, khi con người biết ăn năn hối lỗi.
 
Có lẽ, do nguyên tội đã nhập vào nhân loại và tràn lan trên mặt đất nên con người luôn hướng chiều theo đam mê dục vọng mà thèm thuồng “củ hành củ tỏi bên Ai-Cập” (x. Ds 11, 4b-6). Con người trách móc Thiên Chúa sao không để mình được thỏa sức “ngoại tình” với những thứ thần hấp dẫn đó! Từ tình yêu nảy sinh ra hận thù, con người tìm mọi cách để khước từ Thiên Chúa, không muốn Thiên Chúa can thiệp vào đời mình qua việc sát hại các sứ giả của Ngài (x. Cựu Ước - các Ngôn sứ). Con người cố xuyên tạc và bóp méo Dung mạo đích thực của Thiên Chúa! Ngài không thể đứng nhìn khi con người phản lại “hôn ước” (x. Xh 19, 4-6; Hs 2, 21-22) mà không còn chung thủy với mình.  Thiên Chúa ắt phải “đánh ghen” khi hiền thê của mình bỏ đi “ngoại tình” với các tình nhân khác (x. Hs 2, 7). Vì tình yêu nhân loại đến si mê, nên Thiên Chúa không thể rời xa con người, Ngài hằng nhớ nhung vì con người đã bỏ Thiên Chúa mà đi theo tà thần; Thiên Chúa không còn trò chuyện thân tình với con người như xưa trong vườn Địa đàng nữa, vì mối dây liên kết thân tình đã bị con người đánh đứt (x. St 3).
 
Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn sự ích kỷ và đố kỵ của nhân loại, Ngài đã tìm mọi cách đưa con người tách riêng ra khỏi mọi thứ tình nhân hấp dẫn để “quyến rũ”“thổ lộ tâm tình” (x. Hs 2, 16). Thiên Chúa đã không ngừng kiên nhẫn chờ đợi con người trở về sau khi đã thỏa sức đi “ngoại tình” và trác táng hết nén bạc đời mình (x. Lc 15, 1-3.11-32: Dụ ngôn người cha nhân hậu; Mt 25, 14-30: Dụ ngôn nén bạc; Lc 23, 39-43: Tên trộm lành). Ngài sẵn sàng đi tìm và gặp thấy “con điếm nhân loại giữa miền hoang địa, giữa cảnh hỗn mang đầy tiếng hú rợn rùng..” (x. Đnl 32, 10-11); Thiên Chúa đã mở rộng vòng tay tha thứ  và cưới nó về (x. Hs 16-23). Thế rồi chứng nào tật nấy, con người vẫn nhớ nhung “mùi tình hấp dẫn” từ bên ngoài cám dỗ mà bỏ rơi Người chồng chung thủy với mình. Nhưng với sức mạnh của tình yêu, Thiên Chúa đã đích thân đến hiện diện giữa gian trần để đồng cảm, chữa lành và đặc biệt là để yêu con người. Được nước lấn tới, sự dâm đãng nơi nhân loại lên đến cao trào và sẵn sàng loại bỏ cả Đấng từ trời xuống để thỏa sức vui hưởng đam mê của mình. Con điếm nhân loại đã “sát chồng”(x. Mc 12, 1-12) để chạy theo các nhân tình phù phiếm!
 
Tình yêu quả thật cao cả và là một huyền nhiệm mà con người luôn phải khám phá và đào sâu sự mới mẻ của nó. Tình yêu đích thực phải là một tình yêu trao hiến, một tình yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu. Thiên Chúa đã yêu nhân loại đến quên mình, hy sinh cả mạng sống để hòa tan chính mình Ngài vào trong con người – bạn tình của mình; Thiên Chúa đã hiến mạng sống mình để trở nên dưỡng chất nuôi con người là Thịt và Máu Ngài. Ngài đã lấy chính Thân mình để định nghĩa cho nhân loại biết thế nào là tình yêu, vì Ngài chính là Tình Yêu (1Ga 4, 16). Tình yêu thật nhiệm màu, vì yêu mà Thiên Chúa đã hiến mạng sống mình cho nhân loại, và cũng vì yêu mà Ngài đã không thể không thương xót con người. Thiên Chúa đang trao ban Thân mình làm của nuôi linh hồn trong các Bữa tiệc Thánh Thể diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới. Nội dung của tình yêu là hiến mình và xót thương không tính toán. Tình Yêu đã biểu lộ mình cho nhân loại để con người hiểu được thế nào là Tình Yêu!

 
Nhân dịp Năm Lòng Thương Xót Chúa!
Nhựa Sống
 

[1] (Người viết muốn dùng phương pháp phản đề và sử dụng những từ ngữ mạnh để làm nổi bật tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại).
 

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay37,686
  • Tháng hiện tại203,971
  • Tổng lượt truy cập79,435,809
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây