Hiệu ứng « Hội chứng tu xuất »

Thứ tư - 16/12/2015 11:59  1822
Bùi Chu, 16/12/2015 (gpbuichu.org) – Sau khi phổ biến vừa được hai ngày, bài « Hội chứng tu xuất » đã thu hút hơn 6700 lượt truy cập. Điều này phản ánh mối quan tâm cách riêng của giới độc giả về chủ đề đặc biệt này. Ngoài ra, Ban Biên Tập cũng nhận được một thư góp ý rất chân thành của một độc giả. Một mặt, vị độc giả này « rất tán thành và đồng ý với mục đích cao đẹp » của tác giả « Hội chứng tu xuất » trong việc xóa đi cái nhìn thành kiến đối với các « tín hữu đặc biệt này » ; mặt khác còn nêu thêm « vài quan điểm cá nhân » của mình « trong tinh thần huynh đệ và bác ái ». Ban Biên Tập xin đăng lại nguyên văn lá thư này để quý độc giả được tường.
 
Kính gửi Quý phụ trách Ban Truyền Thông giáo phận Bùi Chu,
 
Con là một tín hữu trẻ vô tình được đọc bài viết "Hội chứng tu xuất" trên trang web của giáo phận : http://gpbuichu.org/news/Chuyen-de/Hoi-chung-tu-xuat-2287.html do bạn con chia sẻ trên Facebook. Con rất vui mừng khi thấy có một bài viết nhằm nâng đỡ những anh chị em tín hữu không phù hợp ơn gọi tu sĩ, và nhằm thay đổi định kiến của số đông giáo dân Việt Nam về những người tín hữu "đặc biệt" này (như lời bài viết). Con rất tán thành và đồng ý với mục đích cao đẹp này.
 
Trong tinh thần huynh đệ và bác ái, nếu được góp ý thêm cho bài viết, con xin nêu lên vài quan điểm cá nhân như sau: 
 
1/ Theo con hiểu về 2 chữ "Ơn gọi" thì có các ơn gọi như : ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa, ơn gọi là người nam, ơn gọi là người nữ, ơn gọi đời sống hôn nhân, ơn gọi đời sống tu trì
 
Có chăng trong cái nhìn của Giáo Hội thì những bậc tu trì đáng kính hơn 1 chút so với ơn gọi đời sống hôn nhân vì họ là người dám từ bỏ tất cả dang hiến cuộc đời mình cho Chúa. Nhưng con xin nhấn mạnh rằng ơn gọi nào cũng nhằm mục đích đưa người tín hữu đến một cuộc sống hạnh phúc tại trần thế. Từ đó, với cái nhìn của con, và con tin là Giáo Hội hoàn vũ cũng có cái nhìn tương tự rằng: 
 
Sau thời gian tìm hiểu, sống, và suy xét kỹ trong chủng viện hoặc các dòng tu thì họ - những người tín hữu "đặc biệt"- cảm thấy rằng ơn gọi này không dành cho họ (Con muốn đề cập đến số đông tự quyết định cùng với người đồng hành thiêng liêng, số ít trường hợp đặc biệt như là vướng vào ham muốn xác thịt hoặc tiền bạc,… con xin không xét đến) nên họ từ bỏ và đến với ơn gọi khác. Điều này rất đỗi bình thường và rất con người.
 
2/ Trong bài viết có viết rằng : "Nhưng rồi, cuộc đời có trăm ngàn lối đi khiến họ không còn giữ được nét trinh trong và nhiệt huyết thuở ban đầu". Con chưa hiểu lắm về 2 từ " trinh trong" và "nhiệt huyết" mà bài viết nói đến. Năm nay Giáo hội hoàn vụ hân hoan đón nhận thêm 2 vị Thánh mới đó là đôi vợ chồng Louis Martin và Marie Zélie Guérin. Họ cũng từng cố gắng muốn sống đời tu sĩ nhưng dường như qua các biến cố Chúa muốn nói rằng ơn gọi tu sĩ thì không phù hợp với họ nhưng ơn gọi gia đình thì tốt hơn. Và kết quả là họ sống rất hạnh phúc trong ơn gọi sống đòi gia đình và hoa trái họ có được là những người con đáng quý, đặc biệt nhất là 1 thánh nhân vĩ đại của Hội Thánh là Thánh nữ Têrêsa hài đông Giêsu. Chắc hẳn không ai dám nói họ là "không giữ được nét trinh trong" và "nhiệt huyết thuở ban đầu" khi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi lễ phong Thánh rằng : 

"Hai vị thánh phối ngẫu Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã sống việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đầy tin yêu, và trong bầu không khí đó đã nảy mầm những ơn gọi của các con, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu" 
 
(dẫn nguồn :
http://vi.radiovaticana.va/news/2015/10/18/gi%C3%A1o_h%E1%BB%99i_c%C3%B3_th%C3%AAm_4_v%E1%BB%8B_hi%E1%BB%83n_th%C3%A1nh_m%E1%BB%9Bi/1180164 )

 
Và câu hỏi bất cứ ai có thể đặt ra dựa trên bài viết "Hội chứng tu xuất" là : vậy chăng suy ngược lại rằng những người không phải là "tu xuất" thì là những người giữ được "trinh trong" và "nhiệt huyết" ?
 
3/ Với câu : "...có những người can đảm tiếp tục rong ruổi dấn thân trên hành trình dâng hiến đầy cát bụi."
 
Với cái nhìn của con thì hết thảy họ đều can đảm (vẫn là những đối tượng con muốn nói đến như trên) ngay từ lúc quyết định tìm hiểu và đến với ơn gọi khác, tức là với tư thế chủ động, một sự can đảm chủ động. Chứ không phải là bất đắc dĩ rồi phải gồng mình chống đỡ một cách vô vọng  Vì dưới áp lực của gia đình, người thân, xóm giềng xã hội mà họ vẫn quyết định đến với ơn gọi khác thì không phải là chuyện đơn giản. 
 
Con có một người bạn, và chú của bạn đó làm linh mục, sau đó thì quyết định dừng ơn gọi linh mục để lập gia đình. Thay vì kể với một sự hổ thẹn như bao người nghĩ, thì bạn kể với con với giọng đầy cảm thông và có phần khá nhẹ nhõm khi thấy chú bạn đó đã dám can đảm quyết định như vậy và đang sống rất hạnh phúc. Vì từ nhỏ cha mẹ của chú gửi vào tiểu chủng viện rồi đại chủng viện với mong muốn con mình đi tu mà không cho chú đó một lối thoát và lựa chọn khác. Như vậy, chú đó không hề có tự do, dù rằng sau 1 quá trình rất dài tìm hiểu và phân định. Nhưng trong trường hợp này không ai dám chắc rằng sự phân định này hoàn toàn trong sự tự do. Do đó đến một lúc nào đó dường như chú nhận ra được ơn gọi đích thực của mình rồi dám từ bỏ, và con tin là lần từ bỏ này mới là sự từ bỏ thực sự khi chú cảm thấy rằng thiên chức linh mục không dành cho mình và đi đến với hạnh phúc đích thực là ơn gọi gia đình. 
 
Nói đến đây, con cần phải nói thêm rằng con không cổ súy cho việc bỏ ngang ơn gọi tu trì một cách tùy ý tùy thích. Ngay cả trong ơn gọi gia đình cũng vậy, sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly. Vậy nên, trong tâm con vẫn luôn ước ao Giáo Hội có những con người thành tâm dấn thân cách trọn vẹn và Tự Do cho Chúa, cho tha nhân.
 
4/ Với câu :"Hơn thế nữa, nhiều người xuất tu mang theo suốt cuộc đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa"
 
Về câu này, con xin lưu ý 2 chữ "tội lỗi và "ơn Chúa". Về chữ tội lỗi, với chút kiến thức ít ỏi của con hiểu thì những trường hợp đang là tu sĩ thuộc các dòng hoặc chủng sinh trong chủng viện khi ngừng theo ơn gọi tu trì sau khi phân định cùng bề trên thì sao được gọi là tội lỗi được ?
 
Con chưa nghe như vậy bao giờ, nếu có thì trong trường hợp nào, và luật giáo hội quy định như thế nào xin quý tác giả hướng dẫn thêm cho con được rõ. Vì thật sự con hơi khó hiểu khi đọc đến câu trên. 
 
Về chữ "ơn Chúa" thì, với các nhìn tích cực thì con thấy Chúa đã soi sáng và ban ơn cho họ để họ thấy rằng ơn gọi tu trì không dành cho họ. (Và việc họ chọn ơn gọi khác sau này có hạnh phúc hay không thì còn do ở họ nữa, chứ không thể nào nói rằng khi  thấy không hợp với một ơn gọi này thì thì theo ơn gọi khác chắn chắn sẽ hạnh phúc)
 
Hay là cố chấp theo đến cùng bậc tu trì khi không thể, để được người khác gọi là cha, là thầy là sơ thì là ơn Chúa ? Không thể phủ nhận rằng có thể theo đến cùng trong mỗi một ơn gọi trong niềm vui và hạnh phúc là ơn Chúa. Nhưng khi không thấy niềm vui, không thấy phù hợp và nhất là không sống trong hạnh phúc mà Thiên Chúa luôn muốn ban cho mỗi người thì có nên tiếp tục chăng ? Vậy có nên gọi họ là những người tự "phá hỏng ơn Chúa" ?
 
Một lần nữa, con xin khẳng định lại như trên rằng con không cổ xúy cho việc bỏ ngang một ơn gọi tùy ý. Nhưng con luôn ước ao được nhìn thấy mỗi người tín hữu sống hạnh phúc với ơn gọi của mình, và con tin đó cũng là điều Chúa muốn.
 
5/ Về 2 từ "bao che, dung dưỡng" : Tương tự như ý trên, với con thì họ không làm gì sai quấy và quá đáng. (Con vẫn đang muốn nói đến những tín hữu "đặc biệt" can đảm, không đề cập đến những trước hợp số ít đã kể ở trên) Họ đang trên con đường đi tìm hạnh phúc như bao tín hữu khác. Họ có khao khát cháy bỏng, lòng họ luôn khắc khoải nên luôn tìm điều gì tốt nhất và hạnh phúc vĩnh cữu. Và Chúa biết điều gì tốt nhất cho họ. Còn chúng ta thì chỉ cần không phán xét là đủ. Và con nghĩ họ cũng không cần cảm thông nhưng họ cần 2 chữ rất đẹp mà tác giả nói đến đó là "trân trọng". Vâng ! Họ đáng đáng được trân trọng như bao người khác. 
 
Như vậy cấn nhấn mạnh hơn nữa rằng, những người tín hữu "đặc biệt" này, họ đáng được nhận cái nhìn trân trọng nhưng không phải là sự thương hại vì họ đang tìm kiếm hạnh phúc đích thực mà Chúa ban cho nơi mỗi người chứ họ không xin xỏ gì nơi người khác.
 
Họ là những tín hữu công giáo như bao người. Đừng giết chết họ bởi sự dị nghị, xét đoán, chì chiết. Và khi đó ma quỷ sẽ cười thật to khi thấy 1 Giáo Hội rạn nứt, tự cấu xé nhau. Và đừng làm cho Chúa buồn bởi những điều này.
 
Con xin không nói gì thêm nữa, con rất thích kết luận cuối như lời cầu mong của tác giả bài viết. Con chỉ xin được thêm vài chữ để là : 
 
"Ước mong sao dù cho bao khó khăn, thử thách, chúng ta cũng hãy luôn trung thành với Chúa đến cùng trong mọi ơn gọi với hết tình yêu."
 
Trên đây là một số ý kiển chủ quan của con. Với lòng yêu mến Hội Thánh hoàn vũ và đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam, con - một tín hữu công giáo bé nhỏ- xin góp ý trong tình huynh đệ, trong tinh thần xây dựng để cùng chung xây một Giáo Hội hoàn hảo thánh thiện như Chúa mong muốn.
 
Một lần nữa con rất xin cám ơn quý Ban Truyền Thông đã tích cực truyền rao Tin Mừng cho giáo phận Bùi Chu nói riêng và Giáo Hội Việt Nam nói chung. Ước mong Chúa Thánh Thần tiếp tục sáng soi bổ sức trên các vị để các vị luôn hăng say trong công việc thánh thiện này.
 
Tất cả là để sáng danh Chúa hơn.
 
Con Chúa, Giuse Tài
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập393
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm333
  • Hôm nay18,970
  • Tháng hiện tại996,357
  • Tổng lượt truy cập78,999,808
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây