Cảm nghiệm đức tin
Thứ hai - 09/11/2015 14:32
1779
Mầu nhiệm Vượt Qua hay còn gọi là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu là đỉnh cao trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Theo tác giả Tin mừng Luca cho biết: “nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”(Lc 24,26). Tuy nhiên, trước khi bước vào cuộc khổ nạn để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất, Đức Giêsu đã để lại Bí tích Thánh thể là Bí tích Tình yêu cho nhân loại. Chính vì vậy, Hội thánh không ngừng cử hành Bí tích này hầu làm cho mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu được tiếp tục cho đến tận thế.
Ngược dòng lịch sử cứu độ chúng ta thấy vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa để con người được sống hạnh phúc với Người… Thế nhưng, con người đã lạm dụng tự do mà Thiên Chúa ban để hết lần này đến lần khác làm mất lòng Chúa. Con người phạm đủ thứ tội, nhất là chối bỏ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn hết tình yêu thương con người. Bằng chứng là Thiên Chúa đã không ngừng giúp đỡ, bảo vệ và ở với dân Ngài là Itraen, dân riêng Thiên Chúa tuyển chọn trong Cựu Ước. Tình thương đó được thể hiện cách trọn vẹn nơi chính Con Một Ngài là Đức Giêsu, mà đỉnh cao là cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Người. Điều này đã được thánh Gioan tông đồ khẳng định: “Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”(1Ga 4,10). Như vậy, nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu mà chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, đồng thời là dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh, một tình yêu muốn cứu độ mọi người.
Quả thật, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu sẽ trở nên vô nghĩa, đồng thời niềm tin của chúng ta vào tình yêu thần linh của Ngài cũng thành ra mù quáng nếu Ngài không sống lại (x. 1Cr 15,14). Đức Giêsu phục sinh chứng tỏ cho chúng ta thấy Ngài đã chiến thắng sự chết. Chính Ngài, Đấng chịu đóng đinh là Đấng Hằng Hữu, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Đức Giêsu khẳng định: “khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”(Ga 8,24). Chính sự phục sinh của Đức Giêsu mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới: đó là chiến thắng sự chết mà tội lỗi đã gây ra. Nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta được thông phần vào ơn thánh và là niềm hy vọng cho chúng ta ngày sau được sống lại.
Hơn nữa, mầu nhiệm Vượt Qua làm cho chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa, giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Chính qua mầu nhiệm này mà tình yêu Thiên Chúa đối với con người được thể hiện trọn vẹn nhất, như thánh Gioan, tác giả Tin mừng thứ tư viết: “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga 15,13).
Chúng ta thấy, trước khi bước vào cuộc khổ nạn để hoàn tất công trình cứu độ, Đức Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể là chính Mình và Máu Ngài để Ngài ở lại với chúng ta cho đến tận thế. Cho nên, Bí tích Thánh Thể là để tưởng niệm hy tế thập giá của Ngài và để ban Mình Máu Ngài làm của ăn nuôi sống chúng ta. Hay Bí tích Thánh Thể còn gọi là lễ Tạ ơn, là lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Chính vì vậy, khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội thánh tiến dâng bánh rượu là hoa màu ruộng đất và công lao của con người để không chỉ nhớ lại mà còn làm cho hiện diện và hiện tại hoá hy tế thập giá được Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha một lần thay cho tất cả, đồng thời mời gọi chúng ta hãy đến với Bí tích Thánh Thể. Bởi vì ở đó, chúng ta sẽ gặp được một kho tàng vô cùng quý giá. Nhờ đó chúng ta sẽ thấy cuộc sống của mình có giá trị hơn qua việc cảm nghiệm tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta nơi Bí tích Tình yêu này.
Do vậy, tôi thật tự hào và hãnh diện vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo, được trưởng thành dưới sự dìu dắt chở che của Hội Thánh là cộng đoàn giáo xứ đạo. Tuy đã nhiều lần được học biết về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu nên tôi cũng đã phần nào hiểu được tình yêu cao cả khôn sánh của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Tôi còn nhớ lần đầu được rước Chúa vào lòng hay những lần viếng Thánh Thể riêng tư, những lần chầu Mình Thánh Chúa trọng thể, tôi đều cảm nếm được sâu xa hơn tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với nhân loại, đặc biệt là chính con người tội lỗi của tôi.
Có nhiều lúc tôi gặp những khó khăn đau khổ, những bất công… Những lúc đó, con tim tôi dường như trở nên vô cảm, trơ lỳ. Nhưng khi đến với Thánh Thể, được mời gọi chiêm ngắm về tình yêu của Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn phục sinh và qua chính Bí tích Tình yêu là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô thì những rạn nứt, những sự khô khan nguội lạnh, tội lỗi trong tôi đã được biến đổi và chữa lành. Vì thế, trước những biến cố của cuộc sống dù là vui hay buồn, tôi đều chạy đến với Chúa qua Thánh Thể là nơi mà Chúa luôn luôn hiện diện với con người, để nhờ đó, tôi được Chúa ở cùng và giúp đỡ tôi, bổ sức cho tôi trong cuộc lữ hành trần thế này.
Qua mầu nhiệm Vượt Qua, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ của Người và làm cho con người được nên công chính. Con người được trở nên tốt đẹp như thuở ban đầu. Qua bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Vượt Qua được tiếp tục và còn kéo dài mãi cho đến tận thế để trao ban ân sủng cho chúng ta. Chính Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta mọi ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa, liên kết chúng ta với Đức Kitô và Hội thánh trên trời bằng việc chúng ta rước lấy Mình Máu Thánh Người để cảm nếm sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa và được kết hợp mật thiết với chính Đức Giêsu.
Có thể nói, chính mầu nhiệm Vượt Qua và Bí tích Thánh Thể đã diễn tả rõ ràng nhất về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nếu mầu nhiệm tử nạn, phục sinh của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu một cách trọn vẹn hoàn hảo nhất thì Bí tích Thánh Thể lại làm cho tình yêu đó được kéo dài mãi cho đến tận thế để trao ban ân sủng, đồng thời là sức mạnh để thánh hoá con người.
Antôn Trần Đình Đại