Sự sống đời sau cần phải đặt lại ?
Thứ ba - 27/10/2015 14:51
2845
Dù cho triết gia Descartes “quả quyết phương pháp mà ông đã tìm sẽ dẫn con người tới chỗ đạt được khoa y học khả dĩ mang lại cho con người không những đủ tiện nghi, mà còn tránh cho con người các bệnh tật và cả sự già yếu nữa”[1], nhưng kết cục ông vẫn đành bất lực trước cái chết. Sự sống và cái chết vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại cùng với bao câu hỏi được đặt ra: chết rồi con người đi về đâu? Chết có phải là đã hết? Tác giả bài viết này thử tập hợp một vài quan điểm về chủ đề này theo một số tôn giáo và triết lý đồng thời muốn chỉ ra tầm quan trọng về niềm tin có đời sau đối với con người ở vào mọi thời đại.
Trước tiên trong Phật giáo, với quan niệm về chuỗi “liên tồn”, sự sinh diệt được lập lại lập lại. Theo đó, sự chết là một cánh cửa mở ra một hình thức sinh ra khác. Sự hiện hữu (đời sống) được nối lại bởi cái thức tái sinh (patisandhi-vinâna) (Cn, Mn, 106 ; An, I, 224) được tạo ra bởi cái ý tưởng ngay trước khi chết và tái xuất hiện vào lúc thụ thai tức là với sự hình thành một sự sống mới trong người mẹ[2].
Tiếp đến là sinh và tử trong Nho giáo. Khổng Tử đã nhận định cái chết như là luật tự nhiên của trời đất. Thế nên theo thiên mệnh hay thi hành thiên đạo đòi hỏi chúng ta không được tự phép nắm quyền sát sinh. Chính vì vậy, Ông phản đối bất cứ hình thức nào ngược lại với cái chết tự nhiên. Khổng Tử cũng gạt bỏ bất cứ lý do gì, ngay cả lý do đạo đức, để giết người (Gs Trần Văn Đoàn, ĐHQG Đài Loan).
Trong văn học Việt Nam thế kỷ 17-18 cũng đã thấy xuất hiện ở một số tác phẩm quan niệm về cuộc sống mai hậu, chẳng hạn :
“Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Cây Thông - Nguyễn Công Trứ).
Những gian nan thử thách quẩn quanh trải dài suốt một cuộc đời là điều không thể phủ nhận. Chính vì thế thi sĩ Nguyễn Công Trứ mới khao khát cho mình sao cho có được tư thế đứng giữa trời đầy hiên ngang trước giông tố của thời cuộc.
Về phần mình, thi hào Nguyễn Du luôn xác tín rằng chết là một thực tại không trách khỏi đối với kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, chết vẫn không phải là hết đối với con người nhưng nơi họ vẫn còn hồn thiêng mà thi sĩ mang bút hiệu Tố Như gọi là tinh anh thì bất tử trước tất cả những thứ trên đời vốn tạm bợ nay còn mai mất :
“Kiều rằng những đấng tài hoa/Thác là thể phách còn là tinh anh” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Tuy nhiên, Nguyễn Du không thể lý giải tận căn về kiếp người sau cái chết. Chính bản thân ông cũng không hề biết hồn thiêng bất tử nơi mỗi người có mối quan hệ thế nào với nhau, sẽ được quy tụ tại nơi chốn nào và sẽ có một đời sống mới ra sao…
Sau cùng Đức tin Kitô giáo dạy rằng sau cái chết thể lý có sự sống đời đời. Điều này đã được Đức Giêsu đề cập đến trong cuộc đối thoại với nhóm Xađốc vốn không tin có sự sống lại. Họ đưa ra trường hợp của một phụ nữ lần lượt lấy bảy anh em trai trong một gia đình sau mỗi lần một trong số họ qua đời, vì theo luật quy định người em trai phải lấy vợ góa của anh mình để có con nối dõi và xin Đức Giêsu cho biết khi sống lại người vợ ấy thuộc về ai trong số bảy người này (x. Mt 22, 23-30).
Khi khác, chính Đức Giêsu cũng khẳng định Ngài « là sự sống lại và là sự sống » (Ga 11, 25). Tin vào Đức Giêsu chịu khổ hình, chịu chết và sống lại hiển vinh, thánh Phaolô Tông Đồ khích lệ mỗi tín hữu chúng ta để không phải thất vọng khi đối diện với cái chết: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1Tx 4,13-14).
Từ những liệt kê trên đây, người viết nhận thấy rằng tin có sự sống đời sau rất quan trọng đối với đời sống nhân loại nhất là đối với giới trẻ ngày nay. Những ảnh hưởng từ phim ảnh độc hại, hay những trò chơi với những pha chém giết rùng rợn đã đầu độc thế hệ trẻ. Điều đó lý giải vì sao hiện nay đạo đức bị xuống cấp trầm trọng và chúng ta thấy không ít những chuyện như trò đánh thầy, con dám kề dao giết cha mẹ…thật thương tâm.
Hướng bạn trẻ ngày nay có một cái nhìn hướng nội, ý thức được hậu quả về hành vi của mình, biết tôn trọng nhân vị người khác quả là một thách đố của thời nay. Trước khó khăn ấy, thiết nghĩ người tu trì ngoài niềm tin kitô giáo của mình còn phải có cái nhìn phổ quát về nhiều phương diện của cuộc sống để có thể đồng hành và lắng nghe được tâm tư người trẻ và giúp họ ý thức rằng trau dồi cho mình có được những đức tính nhân bản tốt lành và một lương tâm trong sáng cũng như một đức tin vững mạnh còn quý hơn nhiều cuộc chạy đua liên quan đến kỹ xảo, công nghệ hay tri thức như là đích điểm cần đạt được bằng mọi giá.
Để kết thúc, thiết nghĩ lời nhận định của Đức Phaolô VI : “Ngày nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy” rất đáng để cho chúng ta suy gẫm. Với thời đại nghiêng về chủ nghĩa thực dụng, hơn bao giờ hết bậc tu trì càng cần sống đức tin và sống hy vọng để chỉ cho thấy cuộc đời này đầy ý nghĩa và ngay cả khi phải đối diện với những thử thách và ngưỡng của cái chết, một chân trời tràn trề hy vọng vẫn đang chờ ở phía trước.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu
[1] Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, nxb Văn Học 2005, tr.91 [2] x. Thích Thiện Châu, Sự sống và sự chết theo Phật Giáo