Để vầng trăng sáng mãi
Thứ hai - 28/09/2015 05:20
3235
Trung thu từ lâu đã trở thành một lễ hội của Thiếu nhi. Tuy không to bằng Tết Cổ truyền dân tộc, nhưng Trung thu cũng là một ngày quan trọng của năm. Những tiệm bánh kẹo, đồ chơi đủ mẫu mã, màu sắc sặc sỡ, bày bán để phục vụ các “thượng đế” nhí. Các tụ điểm như công viên, nhà văn hóa, rạp hát có nhiều tiết mục văn nghệ khiến các khán giả nhỏ cười tít mắt trong vòng tay bố mẹ. Em nào cũng được mua cho một chiếc bánh trung thu hay đèn sao, đèn cá chép…
Niềm vui của con trẻ thật đơn sơ, có khi chỉ đơn giản là được đi chơi cùng bố mẹ, vì thường nhật bố mẹ mải mê làm ăn, buôn bán, chạy chợ nên thường vắng nhà. Nhìn những em bé được chăm sóc nâng niu trong vòng tay cha mẹ khiến tôi thấy vui lây cái vui của con trẻ, vì “Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai”.
Ngước mắt nhìn lên trời, Ông trăng hôm nay to hơn bình thường, to bằng vành mũ so với chiếc bát úp. Miên man làm sao tôi chợt nghĩ không biết trăng đêm nay có chiếu sáng được tới tất cả mọi nơi, mọi trẻ em không?
Vầng trăng được Thiên Chúa thắp lên bầu trời để chiếu soi cho hết mọi người. Ai cũng được quyền thưởng thức quà tặng kỳ diệu của Ngài, nhưng có những em mồ côi lại không được hưởng điều giản dị này. Không phải ai khác, có khi chính cha mẹ đã tước đoạt quyền ấy của các em.
Nói vậy có lẽ nhiều người không đồng ý vì cho rằng tại hoàn cảnh, tại các em xấu số, sinh ra đã mồ côi, chịu kiếp nghèo, bơ vơ là phải. Cũng đúng, mồ côi đương nhiên là phải bơ vơ, không có người chăm sóc tất nhiên là xấu rồi, nhưng có bao nhiêu người hữu trách nghĩ sâu hơn về nguyên nhân về nguồn gốc của chúng? Chẳng lẽ chúng từ bụi chuối hay gốc cây nào đó chui lên?
Vì muốn giũ bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, nhiều người đã nhẫn tâm bỏ con trẻ ở xó đường, cổng chùa, sân nhà thờ hay ngõ một gia đình nào đó. Họ giũ bỏ con mình như giũ bỏ bụi áo, để được nhẹ trách nhiệm. Có những em được phát hiện sớm, kịp thời đưa về trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, có những em khi được cứu thì đã bị kiến bu khắp mình, chuột gặm mất tay hoặc chân… Năm tháng rồi em cũng sẽ lớn lên, vết thương nơi thể xác có lẽ sẽ lành, nhưng vết thương tâm hồn em, thay vì sáng như vầng trăng lại bị đám mây đen của ngày bỏ rơi che khuất, suốt đời không thể quên.
Có những em do mẹ mất sớm, bố nghiện rượu chè cờ bạc, sáng xỉn, chiều say, hành hạ, đánh đập đến nỗi nhiều em chịu không nổi bỏ nhà ra đi. Những đứa trẻ ấy biết đi đâu, ngoài việc lập bè kết đảng với những đứa có hoàn cảnh tương tự để có thể sinh tồn được.
Nhiều em lại rơi vào một hoàn cảnh tốt hơn, gặp bố mẹ “Mìn” đưa về nuôi. Cho một chỗ trú thân, bữa no bữa đói để gầy còm, tiều tụy, mới 6 – 7 tuổi ngày ngày phải lang thang những nơi đông người để ăn xin tối về nộp tiền cho bố mẹ “Mìn”. Các em rơi vào hoàn cảnh này bị biến thành công cụ kiếm tiền để phục vụ thói quen hưởng thụ của người lớn.
Những em nhỏ ấy, mỗi ngày cũng nhìn thấy những đứa trẻ khác được bố mẹ đưa đón đi học, lúc khóc được người lớn dỗ dành bằng bánh kẹo với những lời ngon ngọt vỗ về, không khỏi mủi lòng. Chứng kiến những hình ảnh hạnh phúc ấy, ước mơ được bố mẹ ôm ấp như vậy chắc sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nơi tâm hồn thơ trẻ của các em. Tuy nhiên, với các em, hạnh phúc ấy chỉ có trong mơ:
“Trong đêm khuya em giật hét
Gọi mẹ gọi cha ai biết ai nghe?
Miệng em cười tiếng em sẽ (gọi)
Giữa mơ đêm em thấy mẹ cha về”.
Có lẽ quanh ta còn biết bao nghịch cảnh, những số phận lạc lõng cô đơn mà người đời thường đổ lỗi cho Trời, mà quên rằng trời ở ngay trong tâm mỗi người. Nếu các bậc làm cha, làm mẹ bớt đi ích kỷ, bớt đi một lần hưởng thụ vô trách nhiệm, những người giàu bớt đi một miếng cơm manh áo… thì tâm hồn của những em bé mồ côi không còn bị che khuất bởi bóng tối vô tâm, rồi sẽ tỏa sáng như vầng trăng đêm rằm.
Tác giả: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu