Đạo đức truyền thông

Chủ nhật - 15/11/2015 15:14  9992
Ngày nay, trong bất cứ lãnh vực nào, người ta thường hay đặt vấn đề đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Bởi lẽ, nếu không có đạo đức trong công việc thì khoảng cách giữa việc hành nghề chính đáng với việc lợi dụng nghề để trục lợi cũng chỉ như sợi tóc mong manh. Trong lãnh vực truyền thông, câu chuyện về đạo đức lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Thực vậy, để truyền thông thực sự đạt được kết quả đòi hỏi rất nhiều từ phía người làm truyền thông và phía người tiếp nhận thông tin. Chúng ta dành ít phút để chia sẻ đôi điều về khía cạnh này.
 
Về phía người làm truyền thông
 
Người làm truyền thông phải viết sao cho vừa đơn sơ, chân thực, khách quan lại vừa có chiều sâu và mang đậm tính nhân văn. Có thể nói: sự thành thật chính là chương đầu tiên của cuốn sách làm người. Do đó, tiêu chuẩn tối hậu của người làm truyền thông là phải viết thật, viết thật nhưng không được thô cứng, viết chau truốt ngôn từ nhưng không được sáo rỗng. Một thông tin sai lệch hoặc méo mó, thì hậu quả thật khôn lường. Ngược lại, một thông tin kịp thời, chính xác và trung thực sẽ có sức lan tỏa và tác động tích cực cho đời sống con người và xã hội. Ngôn ngữ ấy phải được chắt lọc sao cho thích hợp với mọi tầng lớp công chúng, làm sao để người tri thức cũng hiểu mà kẻ thường dân cũng hay. Chúng ta cần học cách viết trung dung nhất để bậc tiến sĩ, giáo sư không cảm thấy vô vị, nhạt nhẽo, mà người bình dân cũng có thể thấu hiểu, am tường. Ngòi bút của người làm truyền thông phải như nguồn sáng dẫn đường, để mọi người cùng hướng về đỉnh cao của Chân – Thiện – Mỹ. Do đó, những ai dấn thân trong công việc này luôn phải trau dồi cho mình những kỹ năng và tri thức cần thiết, nhằm mang lại lợi ích cho độc giả. Thật không dễ dàng để có thể vừa viết đúng vừa viết hay, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
 
Câu khẩu hiệu của đài BBC có lẽ sẽ làm chúng ta phải suy nghĩ ít nhiều: “We dont just report the news but we live it” (Chúng tôi không chỉ đưa tin nhưng chúng tôi còn sống bản tin ấy). Ở khía cạnh này, đạo đức truyền thông không chỉ là việc đi đến tận cùng nỗi oan khiên, hầu tìm ra lẽ công bằng cho người yếu thế, nhưng họ phải dùng chính ngòi bút của mình, với sự trung thực và tinh thần trách nhiệm. Khi viết về những đau khổ của con người, đồng nghĩa với việc chúng ta mang lấy những đau khổ của thế nhân vào thân mình, để thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia với họ. Đó là cách người truyền thông sống bản tin mà họ đã viết, đồng thời làm cho bản tin ấy sống mãi với thời gian. Vì thế, vấn đề đạo đức của người làm truyền thông luôn luôn là câu chuyện được coi trọng, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
 
Đạo đức của người làm truyền thông không chỉ là sự dũng cảm, dám xông vào những nơi nguy hiểm nhất để phanh phui những mặt trái của xã hội, nhưng là một khi viết cái gì thì họ dám can đảm chịu trách nhiệm về những gì mình đã viết. Chuyện bình luận, khen chê, đồng tình hay phản đối là lẽ thường tình mà người làm truyền thông cần phải đón nhận. Chúng ta cần xác định tư tưởng vững vàng để ai khen cũng không vội tự hào hãnh diện, nhưng coi đó là động lực để tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện mình;  ai chê cũng không vội nản chí, sờn lòng, nhưng là cơ hội để nhìn lại mình, nhìn lại cách viết, cách nhận xét, cách đánh giá vấn đề sao cho khách quan và chân thực hơn. Bởi lẽ chỉ khi nhìn lại chính mình, chúng ta mới biết mình vẫn là con người đầy bất toàn, tri thức còn hạn hẹp, cần phải phấn đấu để thăng tiến bản thân mỗi ngày. Can đảm đối đầu với dư luận để hoàn thiện bản thân chính là phẩm tính cần có của người làm truyền thông. Phẩm tính ấy thể hiện cho một con người được huấn luyện một cách trưởng thành.
 
Viết là một nghệ thuật được gọt giũa và rèn luyện lâu dài, chứ không phải ngày một ngày hai mà có được. Chúng ta phải viết làm sao để viết ngắn gọn nhưng không thiếu, viết dài dòng nhưng không thừa. Người làm truyền thông cần chọn cho mình một phong cách viết độc đáo để người đọc cảm thấy dễ hiểu và có sức thu hút. Ta phải viết làm sao để khen mà như không khen, khen mà không phải là tâng bốc, nịnh bợ; chê mà như không chê, chê mà không phải là hạ bệ, sỉ nhục hay lên mặt dạy đời. Ta viết làm sao để người được khen không tự mãn, kẻ bị chê không mặc cảm, tự ti. Ta phải viết làm sao để khi ai đó đọc bài viết của mình, người ta như được bồi thêm nhựa sống, được gia tăng niềm vui và hân hoan trong niềm hy vọng, chứ không phải chán nản, thất vọng. Chúng ta viết bài, đưa tin không phải để mong người ta tán thưởng, cũng chẳng phải để khẳng định tên tuổi của mình, lại càng không phải để ai đó thần tượng mình… nhưng là viết với tất cả tinh thần trách nhiệm, bằng cả con tim và khối lòng. Chỉ khi bạn làm được điều đó, bạn mới là người thành công.
 
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, những ai làm công tác truyền thông bên ngoài xã hội đã cảm thấy khó khăn, huống chi những người đang thi hành sứ vụ truyền thông Tin Mừng càng gặp khó khăn gấp bội. Họ phải đối diện với những cơ hội và thách đố của thời đại. Do đó, các bài viết, các mẩu tin, các phóng sự hay những thước phim về các sự kiện, các sinh hoạt đạo đức, phải chuyển tải sứ điệp của Tin Mừng, giúp độc giả nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Chúng ta phải viết làm sao để đem Chúa đến cho mọi người bằng mọi cách thức. Viết làm sao để không phải khuân cả một đoạn Lời Chúa, nhưng dù chỉ một câu thôi mà người ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, thì đó cũng là một thành công rồi.
 
Người làm truyền thông  phải trau dồi và củng cố cho mình đức tin mạnh mẽ, để không khi nào làm nô lệ cho dư luận. Khi có Chúa, họ sẽ không bao giờ lên cân, xuống ký bởi dư luận đôi co, phẩm bình. Kiểu sống lụy dư luận là hậu quả của thói tìm vinh danh mình, của ước muốn phục vụ lợi ích cá nhân. Chúng ta hay sống theo kiểu đoàn lũ, muốn ẩn mình giữa đám đông để được an toàn. Người làm truyền thông phải đặc biệt xa tránh điều này. Một khi có Chúa, họ sẽ có phản ứng của Ngài, sẽ có đủ khiêm nhường để đón nhận thử thách, sẽ có đủ kiên nhẫn để làm điều thuộc về Chúa, sẽ có đủ liêm chính để đứng về phía công lý và sự thật.

Truyền thông Tin Mừng là một công việc đầy những áp lực, vì người thi hành sứ vụ phải luôn phục vụ cách vô vị lợi, phải dấn thân với tinh thần Tông đồ. Đồng thời, họ còn phải biết thích ứng với mọi hoàn cảnh của thời đại để có thể gần gũi với độc giả và mang đến cho họ những thông điệp Lời Chúa bổ ích. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, người làm truyền thông phải luôn “cháy hết mình” cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, hầu mọi người có gặp gỡ Thiên Chúa trong tình yêu. Truyền thông ngày nay đã thực sự trở thành một phương tiện truyền giáo hữu hiệu. Do đó, người làm truyền thông Công giáo còn phải làm cho những mẩu tin viết ra đượm tính nhân văn và thấm nhuần tinh thần bác ái. Đó mới là sứ mạng và căn tính đích thực của người Tông đồ trong thế giới hôm nay.
 
Về phía độc giả
 
Nếu như người viết cần có đạo đức thế nào thì độc giả cũng cần phải có đức tính này như vậy. Bởi lẽ, viết được một bài viết sâu sắc và có giá trị đã là một công trình tuyệt vời, thì việc biết đọc, biết suy tư và cảm nhận từ những gì đã đọc được còn khó khăn biết mấy. Ta phải chọn lựa thông tin nào để đọc? ta đọc thông tin ấy như thế nào? và tiêu hóa chúng ra sao cũng là một trở ngại. Ngày nay, “văn hóa đọc” ngày càng được người ta chú trọng, nhất là trên internet ngày nay có triệu triệu cái để đọc. Điều này buộc người đọc phải có sự tỉnh táo, phải sáng suốt cân nhắc trước sau. Đọc bài không phải chỉ là đọc cho vui, cho đỡ sầu hay giết thời gian, nhưng sau khi đọc ta rút ra được bài học gì, tác giả bài viết muốn gửi gắm đến ta thông điệp gì? Đó là nghệ thuật.
 
Nhà thần học Lonergen đã đưa ra một nguyên tắc giúp người đọc tránh rơi vào sự chủ quan: “Sự việc nó quan trọng vì tự thân nó chứ không phải quan trọng vì tôi” (The importance in itself and importance for me). Vì thế, khi đánh giá một con người, một sự kiện, chúng ta không chỉ dựa trên tình trạng tình cảm của mình, mà phải cố gắng dựa trên tính khách quan của sự việc. Không nên giảm thiểu một con người trong một câu nói, hay đánh giá một sự kiện chỉ dựa trên một khía cạnh tiêu cực mà thôi. Trước những vấn đề lớn và phức tạp cần tránh những kết luận phiếm diện, chủ quan một chiều. Chúng ta cần phải thoát ra những não trạng sự ấu trĩ của tri thức và phán đoán để lớn lên, để xây dựng bộ mặt truyền thông Công giáo ngày càng thăng tiến hơn. Người đọc cần thiết phải có một thái độ cảm thông và trân trọng những gì người khác viết ra, chứ không nên đọc một cách hời hợt, vội vàng để rồi phán xét một cách lệch lạc, phiến diện. Nếu là người có tâm huyết với truyền thông, chúng ta sẽ có cách hành xử “văn hóa” khi tiếp nhận thông tin. Là người có văn hóa, chúng ta có nhiều cách để góp ý cho người viết bằng tất cả con tim chân thành và thiện chí xây dựng. Chúng ta cần trân trọng thành quả lao động của người khác, vì đó là kết tinh của bao bao ưu tư, chiêm niệm của họ về cuộc sống và con người. Vì thế, nếu có một con tim nhân ái và bao dung, chúng ta sẽ có một cái nhìn tích cực hơn, thay vì chỉ trích, lăng mạ.
 
Như vậy, với quyền tự do ngôn luận, ai cũng có thể viết bài, có quyền phát biểu ý kiến, quan điểm của mình, nhưng đồng thời cần phải ý thức trách nhiệm về những gì mình đọc, mình viết, mình nói. Chúng ta hãy ý thức mình là một người Công giáo, một Tông đồ nhiệt thành của Đức Kitô, một Ngôn sứ làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng đời. Vì vậy, mỗi người khi thi hành sứ vụ truyền thông, hãy cố gắng “đưa vào mạng xã hội Lời Ngài dù một câu cũng vừa”. Đó là tinh thần và đạo đức của nhà truyền thông Công giáo hôm nay.
 
Tâm Thành
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại917,010
  • Tổng lượt truy cập78,920,461
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây