Cộng tác để loan báo Tin mừng

Thứ năm - 15/10/2020 21:31  1860
untitled6Dẫn nhập
Câu chuyện mở đầu 1: Có ba con chuột cùng nhau đi ăn trộm mỡ nhưng chum thì quá sâu mà mỡ lại tận dưới đáy, nên chúng chỉ có thể ngửi thấy mùi thơm của mỡ. Chỉ ngửi mà không được ăn khiến chúng vô cùng thèm muốn. Càng thèm muốn, chúng lại càng cảm thấy bực tức, nhưng càng bực tức bao nhiêu chúng lại bế tắc bấy nhiêu.

Cuối cùng, chúng đã bàn tính và nghĩ ra một cách rất hay là con này ngậm đuôi con kia, thay phiên nhau xuống đáy chum ăn mỡ. Chúng thống nhất với nhau rằng: sẽ thay phiên nhau ăn mỡ chứ không được ích kỷ, chơi xấu, nhả đuôi nhau ra. Con thứ nhất được đưa xuống ăn đầu tiên. Nó nhìn thấy chum mỡ còn ít nên tự nhủ: “Mỡ chỉ có một tí như thế này mà chia làm ba thì chả bõ, nên mình phải ăn thật mau cho no bụng, mặc kệ mấy con kia. Con thứ hai thấy số mỡ chẳng còn bao nhiêu mà con thứ nhất cứ ăn quên chết như vậy đâm ra bực tức. Nó nhả đuôi con thứ nhất và trách móc con kia. Con thứ ba cũng sốt ruột không kém khi thấy con thứ nhất cứ ung dung liếm mỡ, trong khi đó mỡ trong chum chẳng còn bao nhiêu. Nó liền nhả đuôi con thứ hai và cũng nhào xuống. Thế là cả ba con tha hồ ăn mỡ.

Sau một hồi ăn no nê, chúng mới phát hiện ra đôi chân của chúng trơn trượt vì dính đầy mỡ, nên không thể trèo lên để thoát khỏi chum mỡ. Thế là chúng phải bỏ xác nơi chum mỡ thơm béo này.

Câu chuyện mở đầu 2: Một nhà khoa học rất nổi tiếng có biệt tài “chế” ra nhiều người khác giống nhau đến nỗi không thể phân biệt được ai là người thật, ai là người giả. Một hôm, ông được thiên thần báo tin sẽ đến gọi ông về chầu trời. Vì chưa sẵn sàng chết, nên ông liền chế ra 12 người khác giống hệt như ông để thiên thần không biết đâu mà gọi. Quả thật, thiên thần không tài nào nhận ra ông nên đành tay không quay về.

Sau một thời gian có thêm nhiều kinh nghiệm, thiên thần trở lại đứng trước 13 người giống hệt nhau và nói: “Tôi rất khâm phục tài chế tác tuyệt vời của nhà khoa học. Tuy nhiên, còn một chi tiết rất nhỏ cần sửa chữa cho hoàn chỉnh hơn...” Vừa nghe nói thế, nhà khoa học lập tức phản ứng một cách kiêu hãnh: “Tầm bậy! Tôi không tin còn chi tiết nào thiếu sót, vì tôi đã làm rất kỹ! Yêu cầu ngài cho biết thiếu sót chỗ nào!” Vừa nghe nhà khoa học phản ứng, tức khắc thiên thần đưa ông về…!

Các câu chuyện trên đều là hư cấu nhưng muốn nói về lợi ích và tầm quan trọng của sự cộng tác trong mọi công việc và tương quan giữa con người với nhau; đồng thời cũng cho thấy tác hại và thất bại do tính ích kỷ và kiêu hãnh gây ra. Thật vậy, không cần phải nói nhiều, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về vấn đề này.

Nếu sự cộng tác trong xã hội là quan trọng và cần thiết, thì sự cộng tác trong Giáo hội còn quan trọng và cần thiết hơn, vì đó là đòi hỏi của Tin mừng và là cách diễn tả đời sống đức Tin. Chính vì tầm quan trọng đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đề tài: Cộng tác để loan báo Tin mừng trong viễn tượng đức Tin. Có thể diễn tả đề tài bằng kiểu nói khác: Chiều kích đức Tin của sự cộng tác để loan báo Tin mừng. Nội dung đề tài được chia thành hai phần. Phần thứ nhất, mang tính giáo thuyết nền tảng, chúng ta sẽ suy tư ba điểm chính: 1) Sự cộng tác trong Thiên Chúa và cộng tác từ Thiên Chúa; 2) Giáo hội, kết quả sự cộng tác của Thiên Chúa; 3) Tương quan giữa cộng tác và sứ vụ loan báo Tin mừng. Phần thứ hai, mang tính thực tế, chúng ta điểm một vài nét về vấn đề cộng tác trong lòng Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Trước khi vào từng phần, cần xác định một số khái niệm có liên quan đến đề tài.


Cộng tác” hay “hợp tác” là hai từ tiếng Việt được dùng để dịch các từ: collaboration hoặc cooperation trong tiếng Anh (gốc từ tiếng Latin), có nghĩa là “làm việc cùng nhau.” “Cộng tác” được hiểu là “cùng làm chung một công việc nhưng trách nhiệm khác nhau.” “Hợp tác là “chung sức, trợ giúp qua lại với nhau.” Chúng ta sẽ không đi sâu về khía cạnh chuyên môn của những từ ngữ này, vì mỗi từ có những nghĩa sâu xa khác nhau nhưng cả hai đều chung một nghĩa: “làm việc chung với nhau”. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về từ cộng tác hơn, vì nó diễn tả khá đầy đủ mục đích và phương thức trong công cuộc loan báo Tin mừng. Tất cả chúng ta, trên bình diện cá nhân, mỗi người mỗi trách nhiệm (giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân) và trên bình diện tập thể, mỗi đơn vị/tổ chức/hội dòng có đặc sủng riêng (giảng thuyết, giáo dục, y tế, phục vụ người nghèo…), đều chung một sứ vụ.

Giáo hội, tự bản chất là loan báo Tin mừng (AG 2), vì thế, tất cả mọi hoạt động của Giáo hội và sự cộng tác của tín hữu nhằm mục đích loan báo Tin mừng. Điều này làm nên sự khác biệt giữa cộng tác Giáo hội (ecclesial collaboration) với cộng tác xã hội (social collaboration). Sự “cộng tác xã hội” nhắm đến những mục tiêu khác nhau như kinh tế, chính trị, quân sự, lợi ích nhóm…; còn “cộng tác Giáo hội” nhắm tới mục tiêu Tin mừng: cộng tác để loan báo Tin mừng hầu tất cả mọi người tin vào Thiên Chúa. Thật vậy, Giáo hội không phải là một “tổ chức phi chính phủ”, “tổng công ty” hay “tập đoàn đa quốc gia”, mà là một cộng đoàn bao gồm những người cùng đón nhận một phép Rửa và cùng tuyên xưng một đức Tin, do đó, sự cộng tác trong Giáo hội mang chiều kích đức Tin. Nói cách khác, cộng tác để loan báo Tin mừng là hành động đức Tin và nhằm đến đức Tin.

A. Nguyên lý nền tảng của cộng tác
Trong phần này chúng ta bàn về ba điểm chính: thứ nhất, cộng tác trong Thiên Chúa và cộng tác từ Thiên Chúa. Thứ hai, Giáo hội, kết quả sự cộng tác của Thiên Chúa và thứ ba, tương quan giữa cộng tác và sứ vụ loan báo Tin mừng.

1. Sự cộng tác trong Thiên Chúa và cộng tác từ Thiên Chúa
a. Cộng tác trong Thiên Chúa

Nói về sự cộng tác trong Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta “đi vào” Ba Ngôi nội tại (ad intra) để chiêm ngắm và xác tín rõ hơn Thiên Chúa của chúng ta là “Thiên Chúa cộng tác,” vì Ngài là Duy nhất-Ba Ngôi.

Một mặt, niềm tin Thiên Chúa duy nhất đã rõ ràng trong Cựu ước, qua lời tuyên xưng mỗi sáng của dân Do thái, được trích trong sách Đệ Nhị Luật: “Nghe đây, hỡi Israel! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng” (Đnl 6, 4-6). Lời tuyên xưng này được dân Do Thái thực hành hằng trăm năm trước biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh. Trong khi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã lặp lại khi trả lời chất vấn của một luật về điều răn quan trọng nhất: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Mc 12,29-30).

Mặt khác, mặc khải “Thiên Chúa Tình yêu” diễn tả trọn vẹn thuộc tính Duy nhất-Ba Ngôi của Ngài. Cụm từ này có ý nghĩa vô cùng sâu xa và rất quen thuộc với chúng ta đến nỗi không một Kitô hữu nào không biết. Tuy nhiên, vì quá quen thuộc, nên nhiều khi chiều kích sâu xa và sự kỳ diệu của cụm từ này lại bị lãng quên. Thông thường, cụm từ này hay được dùng để nói về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nhưng ý nghĩa thực của nó còn sâu hơn rất nhiều. “Thiên Chúa là Tình yêu” mạc khải thuộc tính vĩnh hằng của Ngài luôn luônmãi mãi là Tình yêu, không bao giờ thay đổi. Thiên Chúa là Tình yêu trước khi có vũ trụ và con người cũng như các thụ tạo khác; do đó, Ngài không thể chỉ là tình yêu trong tương quan với con người hay các thụ tạo, nhưng trước hết, là tình yêu trong tương quan nội tại của các Ngôi vị. Nhưng làm sao Thiên Chúa có thể là tình yêu nếu không phải là cộng đoàn? Nói cách khác, làm sao Thiên Chúa có thể là tình yêu nếu không có các Ngôi vị? Và làm sao Thiên Chúa có thể là tình yêu nếu không có interconnectedness (sự nối kết nội tại) giữa các Ngôi vị? Như thế, cụm từ “Thiên Chúa Tình yêu” mặc khải bản chất cộng tác trong Thiên Chúa Duy nhất-Ba Ngôi Ba Ngôi-Duy nhất. Đây là Chân Lý đức Tin.

b. Cộng tác từ Thiên Chúa
Từ Ba Ngôi nội tại, chúng ta đã chiêm ngắm Thiên Chúa Duy nhất-Ba Ngôi (và Ba Ngôi-Duy nhất) là Tình yêu, đồng thời xác tín sự cộng tác là thuộc tính của Thiên Chúa. Bây giờ, chúng ta “đi ra” Ba Ngôi ngoại tại (ad extra) để thấy rõ hơn sự cộng tác này.

Trước hết, sự cộng tác nội tại của Thiên Chúa được biểu lộ cách rõ ràng ra bên ngoài qua công trình tạo dựng và công trình cứu độ. Các câu truyện trong Kinh Thánh khi được đọc dưới lăng kính Triune Interconnectedness (sự nối kết nội tại của Ba Ngôi), cho thấy màu sắc và âm thanh sống động trong từng sự kiện. Từ khởi sự công trình tạo dựng cho đến lúc hoàn thành, luôn có sự cộng tác ấy: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’, liền có ánh sáng” (St 1,1-3). Và khi tạo dựng con người, Ba Ngôi Thiên Chúa ‘bàn tính với nhau’: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Thánh Augustinô, chiêm ngắm công trình tạo dựng, đã nói rằng: “Thế giới được tạo nên bởi Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi vị để lại dấu ấn riêng của mình nơi từng thụ tạo. Đó là lý do tại sao sự sáng tạo rất phong phú, bởi vì đằng sau nó và bên trong nó ẩn chứa sự giàu có của mỗi Ngôi vị siêu phàm, vì các Ngôi vị đó luôn khác biệt và luôn luôn hiệp thông.[1]

Sau đó, đứng trước sự đổ vỡ của con người (St 3,1-21), các Ngôi Vị Thiên Chúa lại “bàn tính” để lên kế hoạch cứu độ và, cuối cùng, Chúa Con được sai đến thế gian (x. Ga 3,16; 5, 24.38; 17,8.21. 23.25). Thật vậy, không thể “sai đi” nếu không có đồng ý và không thể đồng ý nếu không đối thoại. Như thế, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa Duy nhất-Ba Ngôi chắc chắn đã được diễn ra, bởi vì “Cha ở trong con và con ở trong ChaChúng ta là một” (Ga 17, 21-22). Hơn nữa, khi thực hiện kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa mời con người cùng cộng tác. Ngài đã chọn Abraham, Môsê, các Vua, các Tiên tri, Đức Maria… (x. St 12,1-4; Xh 2, 1-10; 1V, 2V, Lc 1, 26-38…). Đến thời Đức Giêsu, sự cộng tác ấy vẫn tiếp tục qua sự chọn gọi các Tông đồ để cộng tác với Ngài thực hiện chương trình cứu độ. Và đến hôm nay, sự cộng tác đó vẫn tiếp tục diễn ra trong lòng Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần (x Mt 10, 1-4; Mc 3, 13-19; Lc 6, 12-16…). Tóm lại, sự cộng tác của Ba Ngôi nội tại tiếp tục được diễn tả trong công cuộc sáng tạo, cứu độ và thánh hóa cùng với sự tham gia của Giáo hội.

2. Giáo hội, kết quả sự cộng tác của (trong-từ) Thiên Chúa
Giáo hội chính là kết quả sự cộng tác của Thiên Chúa, bởi vì Giáo Hội được khởi nguồn từ ý định cứu độ phổ quát của Chúa Cha, sứ vụ của Chúa Con và công việc thánh hóa của Thánh Thần. Giáo hội xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Với tư cách là một dân tộc hiệp nhất, Giáo hội được nhìn như là thực tại mang tính hiệp thông và sứ vụ (communion and mission). Trước hết, là thực tại mang tính hiệp thông, Giáo hội là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Sự hiệp thông, “luôn luôn hàm ngụ một chiều kích song đôi: chiều kích hướng dọc (hiệp thông với Thiên Chúa) và chiều kích hướng ngang (hiệp thông giữa loài người).”[2] Do đó, Giáo hội có tương quan với thế giới, các Kitô hữu khác và những người ngoài Kitô giáo. Kế đến là thực tại mang tính sứ vụ, Giáo hội được thiết lập vì sứ vụ chứ không phải sứ vụ vì Giáo hội, bởi vì sứ vụ thuộc về Thiên Chúa (God’s mission). Nói cách khác, không phải là Giáo hội sứ vụ loan báo Tin mừng nhưng là sứ vụ một Giáo hội. Với chiều hướng này, chúng ta tìm hiểu sự cộng tác của Giáo hội trong sứ vụ và sứ vụ.

a. Cộng tác trong sứ vụ (ad intra)
Trước hết, Giáo hội không phải là “phần phụ lục” được thêm vào trong sứ vụ của Thiên Chúa nhưng là sự tiếp nối mang tính bản thể, hữu cơmiên trường với sứ vụ ấy. Hơn nữa, Giáo hội không phải là một “tổng công ty” hay là một “tập đoàn đa quốc gia” nhưng là một cộng đoàn đức Tin, bao gồm những con người cùng tuyên xưng một niềm Tin và cùng lãnh nhận một phép Rửa. Do đó, sự cộng tác của các tín hữu trong Giáo hội, tự bản chất, là hành động đức Tin chứ không phải hành động xã hội. Hành động này xuất phát từ mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông “được thiết lập trong Đức Kitô và được thông ban qua các bí tích, mối tương quan mới giữa con người với Thiên Chúa cũng được nối dài thêm bằng một mối tương quan mới giữa con người với con người.” Sự cộng tác trong Giáo hội cũng phát xuất và quy về Bí tích Thánh Thể và làm nên Thân Thể Đức Kitô.Chúa dùng Bí tích Thánh Thể để ban cho chúng ta Thân Thể Ngài, và để biến hóa chúng ta thành một Thân Thể duy nhất, là chính bí tích qua đó Giáo Hội biểu hiện một cách thường xuyên, trong hình thái chủ yếu nhất của mình, tức là hiện diện ở mọi nơi, mà vẫn chỉ là một, như Đức Kitô là một.”[3]

Kế đến, sự hiệp thông trong Giáo hội vừa mang chiều kích vô hình vừa mang chiều kích hữu hình, do đó sự cộng tác trong Giáo hội cũng chứa đựng hai chiều kích nói trên và, dĩ nhiên, hai chiều kích này tương quan mt thiết với nhau đến nỗi chỉ phân biệt chứ không thể tách biệt. Với chiều kích vô hình, hiệp thông được hiểu là tương quan giữa từng người với Thiên Chúa Cha, qua Đức Kitô, và trong Thánh Thần, cũng như với những người khác, là những kẻ cùng tham dự vào bản tính thần linh, trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô, trong cùng một niềm tin, và cùng một tinh thần.”[4] Chiều kích hữu hình cụ thể hóa sự hiệp thông vô hình của từng tín hữu nơi những cộng đoàn Giáo hội mà họ đang hiện diện để làm nên Nhiệm Thể sống động trong Đức Kitô. Nơi đó, họ cùng nhau thi hành chức năng tiên tri, tư tế và vương giả của bí tích Rửa tội ngay giữa dòng lịch sử. “Chính mối tương quan giữa những yếu tố vô hình và hữu hình của niềm hiệp thông trong Giáo hội đã làm cho Giáo Hội trở nên Bí Tích Cứu Độ.” Vì thế, Giáo hội không hiện diện như một thực tại đóng kín chính mình nhưng luôn mở ra cộng tác với tất cả mọi người. “Giáo Hội được sai vào trong thế giới để loan báo và làm chứng, để hiện thực hóa và rao truyền mầu nhiệm hiệp thông là chính mầu nhiệm làm nên Giáo Hội: quy tụ mọi sự và mọi người lại trong Đức Kitô; làm ‘bí tích hiệp nhất keo sơn’ nối kết mọi người.[5]

b. Cộng tác vì sứ vụ (ad extra)
Trước hết, như đã nói trên, Giáo hội hiện diện để phục vụ sứ vụ loan báo Tin mừng chứ không ngược lại. Như thế, sứ vụ truyền giáo là nhiệm vụ duy nhất của Giáo hội cũng như mỗi tín hữu chứ không phải “nhiệm vụ hàng đầu” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều đó có nghĩa là nếu sự hiện diện của Giáo hội, tại không gian và thời gian nhất định nào đó, mà không chuyển tải được sứ điệp Tin mừng thì sự hiện diện ấy không còn giá trị. Martin Kähler, nhà Truyền giáo học người Đức đầu thế kỷ XX, xem truyền giáo như là “mẹ” của thần học. Đúng vậy, truyền giáo là “mẹ” của Giáo hội, vì Giáo hội được sinh ra vì sứ vụ truyền giáo.

Kế đến, sứ vụ của Giáo hội được khởi đi từ sứ vụ của Ba Ngôi, do đó, tự bản chất, sứ vụ có đặc tính cộng tác. Nói cách khác, không có “sứ vụ cục bộ” hay “sứ vụ độc tài” mà chỉ có người môn đệ có lối làm việc cục bộ và độc tài. Chắc chắn đây không phải là điều Thiên Chúa muốn, bởi vì chúng ta không tìm thấy dấu vết nào trong mặc khải cho thấy Thiên Chúa khích lệ lối làm việc ấy. Trái lại, Kinh Thánh luôn luôn khích lệ sự cộng tác, ví dụ: cộng tác để ngăn ngừa sự mệt mỏi và kiệt sức (x. Xh 18,14-23), cộng tác để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ được giao (Nkm 4,12-18), cộng tác để liên kết nguồn lực cá nhân thành nhóm (Mc 6,7-13; Lc 10,1-4), cộng tác để nhân rộng nguồn nhân sự (Cv 6,1-6). Giáo hội cũng luôn cảnh giác và kêu gọi người môn đệ tránh lối làm việc cục bộ và độc tài này. Ví dụ trong Tông Thư Maximum Illud, ở số 12, Đức Thánh Cha Benedict XV viết: “Tôi không thể khen ngợi người nào lấy mảnh vườn Chúa đã giao cho mình chăm sóc rồi bắt đầu coi nó như là tài sản riêng của mình, một lãnh địa mà không một người ngoài nào được đụng tay vào.

3. Tương quan giữa Cộng tác và sứ vụ
Giữa sự cộng tác và sứ vụ loan báo Tin mừng có mối tương quan bản thể, hữu cơmiên trường. Tương quan bản thể (essential) có nghĩa là mối tương quan quyết định cho một hữu thể nào đó tồn tại. Một cách tổng quát, mỗi một hữu thể có nhiều mối tương quan với các hữu thể khác nhưng trong đó chỉ có duy nhất một mối tương quan bản thể với một hữu thể duy nhất, còn những mối tương quan khác được gọi là “tương quan chức năng” (functional interrelate). Ví dụ, một người (hữu thể) tên A hiện nay đang đảm nhận một số trách vụ như: nhà khoa học, bác sĩ, giáo sư…. Trong mỗi trách vụ nói trên, A có nhiều mối tương quan với nhiều người (hữu thể) khác. Tuy vậy, trong các mối tương quan ấy, A chỉ có tương quan bản thể duy nhất với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành, bởi vì nếu không có Ngài thì không có A; không có A thì không có các mối tương quan giữa A với các hữu thể khác. Tương tự như vậy, sự cộng tác cũng có nhiều mục đích khác nhau nhưng cộng tác để loan báo Tin mừng là mục đích tối hậu và duy nhất của Kitô hữu. Chính mục đích này làm nên sự khác biệt giữa ecclesial collaboration social collaboration như nói trên. Ecclesial collaboration có tương quan bản thể với sứ vụ loan báo Tin mừng, bởi vì Giáo hội được sinh ra từ sứ vụ của Ba Ngôi và để phục vụ sứ vụ ấy. Mối tương quan này được diễn tả qua hình ảnh men, muốiánh sáng trong Tin mừng (x. Mt 5,13-16).

Tương quan hữu cơ (organic) là mối tương qua lại giữa hai thực tại sống động, tương tác lẫn nhau và, từ sự tương tác đó, tạo nên sự sống mới; nó được ví như cây xanh đang tương tác với đất, hút chất từ đất để đơm bông kết trái. Ngược lại, tương quan vô cơ là một trong hai thực tại đã “chết” nên không thể tương tác qua lại và không còn khả năng làm nảy sinh sự sống (ví dụ cây cột đèn cắm trong đất). Tương quan giữa cộng tác và sứ vụ loan báo Tin mừng là tương quan hữu cơ, nghĩa là mối tương quan này có sức sống Tin mừng và làm nảy sinh hoa trái đức Tin. Mối tương quan này được diễn tả qua hình ảnh cành nho liên kết với cây nho (x. Ga 15,1-8). Có một điều rất cần lưu ý là: “cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho(Ga 15,4) và khi cành nho lìa khỏi cây nho thì “người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6), còn cây nho vẫn tươi tốt. Cũng vậy, nếu người tín hữu bước ra khỏi sứ vụ loan báo Tin mừng (Giáo hội) thì sự cộng tác của họ trở nên vô nghĩa và vô dụng, còn sứ vụ vẫn không bị ảnh hưởng!

Tương quan miên trường (continuity) là mối tương quan “đậm đặc” liên tục, không ngơi nghỉ. Sự liên tục này không giống như sợi dây dài do những đoạn ngắn nối lại, nhưng được ví như dòng nước khởi đi từ ngồn cội và cứ chảy mãi không ngơi. Nói cách khác, mối tương quan miên trường là tương quan “không khoảng cách” giữa hai hữu thể. Tương quan giữa sự cộng tác và sứ vụ là miên trường bởi vì cả hai cùng khởi đi từ trong interconnectedness của Ba Ngôi. Như nước trong ly được đổ xuống dòng sông, ngay lập tức không còn phân biệt được nước nào là nước của ly và nước nào là nước của dòng sông vì cả hai đã hòa nên một. Trong công cuộc loan báo Tin mừng cũng vậy, không có dấu ấn của cái Tôi/Chúng tôi (phe nhóm), bởi vì tất cả đều được xóa nhòa và hợp lại với nhau để làm nên cái Chúng ta (Giáo hội) trong Thánh Thần. Trái lại, nếu cái Tôi/Chúng tôi lớn hơn và lấn át cái Chúng ta thì sự cộng tác bị đổ vỡ.

B. Sự cộng tác trong Giáo Hội Việt Nam hôm nay
Chúng ta phải lấy làm vinh dự và nhiệt thành, hăng hái cộng tác vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Như đã nói trong phần I, sứ mạng này trước tiên là của Thiên Chúa (Missio Dei). Thiên Chúa dựng nên con người và muốn cho họ được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Ngài. Nhưng con người đã sa ngã và bị tước mất hạnh phúc đó. Chúa vẫn yêu thương và hoạch định công cuộc cứu độ con người khỏi bị trầm luân để được sống đời đời. Chúa không tự một mình cứu rỗi con người mà muốn họ cộng tác với Ngài, như lời cầu nguyện của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần con, nhưng Chúa không thể cứu rỗi con nếu không có con”. Sứ mạng cứu độ là của Thiên Chúa, và con người được mời gọi tham gia, cộng tác vào sứ mạng đó.

Đó cũng là sứ mạng của Chúa Kitô (Missio Christi). Ngài được Chúa Cha sai vào trần gian với sứ mạng nói cho con người biết về Thiên Chúa cũng như kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúa Giêsu chỉ thi hành sứ mạng này trong 3 năm vắn vỏi, rồi trao lại cho các tông đồ tiếp tục. Trong lòng Giáo Hội, chúng ta được mời gọi cộng tác với Chúa Ki-tô thi hành sứ mạng cứu rỗi.

Đây còn là sứ mạng của Giáo Hội (Missio Ecclesiae) mà hết mọi tín hữu đã chịu phép rửa tội đều được kêu gọi cộng tác. Tháng 10 năm 2019 được đặt làm ‘Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường’ với sứ điệp mang tên “Được rửa tội và được sai đi” (Baptized and Sent), nhằm thúc đẩy mọi giáo dân ý thức tham gia vào sứ mạng cao cả này của Giáo Hội.

Giáo Hội chú trọng nhiều đến sự cộng tác giữa mọi thành phần trong Giáo Hội vào các hoạt động của sứ mạng này. Cũng năm 2019 vừa qua, Giáo Hội kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud. Tông thư này đặc biệt lưu ý đến sự cộng tác chung trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các chủ chăn cao cấp (mà Tông thư gọi là ‘bề trên truyền giáo’) phải ưu tư mời gọi sự tham gia, cộng tác của các linh mục, tu sĩ từ các nơi khác: “Nếu các vị (Đại diện Tông Tòa) thấy dòng tu hay tu hội của mình không cung cấp đủ nhân sự cho công việc, họ hoàn toàn sẵn sàng mời gọi sự giúp đỡ từ các dòng tu hay tu hội khác” (số 11).

(Tôi không thể khen ngợi…) một cộng đoàn tín hữu khá nhỏ ở giữa một đám đông bao la những người ngoại đạo mà bề trên truyền giáo không thể dạy giáo lý cho họ vì không có đủ người lo việc này, nhưng lại từ chối sự giúp đỡ của những người khác. Người được giao việc truyền giáo của Công giáo, nếu biết toàn tâm toàn ý lo cho vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, thì sẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào cần thiết và tìm kiếm ở bất cứ đâu những người trợ giúp cho sứ vụ thánh thiện của mình; người ấy không bận tâm chuyện những tu sĩ ấy thuộc dòng này hay dòng khác, thuộc quốc tịch này hay quốc tịch khác, “miễn là bằng mọi cách… Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18). Và cũng không chỉ đón nhận các nam tu sĩ. Họ sẽ đón nhận các nữ tu để giúp mở trường học, cô nhi viện, và bệnh viện, mở các lưu xá và thiết lập các cơ sở từ thiện khác. Họ vui mừng và hăng hái làm điều này, vì họ hiểu rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, những công việc loại này sẽ góp phần tuyệt vời biết bao để làm cho đức tin được lan truyền rộng rãi” (số 12).

Trong khi theo đuổi các mục tiêu của mình, một bề trên truyền giáo tận tâm cũng sẽ không được hạn hẹp các mối quan tâm của mình vào các ranh giới của giáo điểm mình, cũng không được coi mọi chuyện xảy ra ở nơi khác như không hề liên quan đến mình. Cháy bỏng lòng yêu mến Chúa Kitô, họ cảm thấy rằng những gì chạm đến vinh quang Đức Kitô thì cũng chạm đến chính mình, nên họ làm hết sức mình để phát triển các mối quan hệ gần gũi và thân thiết với các đồng nghiệp của mình tại các vùng lân cận. Bởi vì, thường xuyên xuất hiện các hoàn cảnh ảnh hưởng tới tất cả các khu vực truyền giáo trong một vùng nào đó, và điều này đòi hỏi phải có hành động liên hợp thì mới thành công được. Nhưng ngoài trường hợp này ra, Hội Thánh vẫn có thể được lợi ích rất lớn nếu các vị hữu trách truyền giáo gặp gỡ nhau thường xuyên bao nhiêu có thể để trao đổi và khích lệ lẫn nhau (số 13).

Năm 2016, UBLBTM đã tổ chức cuộc hội thảo mang chủ đề “Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi” tại TTMV Sài Gòn với các dòng tu đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm khuyến khích các Hội dòng cộng tác với nhau để hoạt động loan báo Tin Mừng đem lại nhiều hiệu quả hơn. Tại Việt Nam xưa nay, mỗi dòng tu đều có những hoạt động Loan báo Tin Mừng, nhiều hoạt động rất khởi sắc và mang lại kết quả, tuy nhiên đó đều là những hoạt động riêng của hội dòng. Ngày nay người ta có khuynh hướng hợp tác đa phương, đa quốc gia, ví dụ một công ty chế tạo máy bay Boeing có đến hàng chục công ty vệ tinh ở nhiều nơi, thậm chí nhiều nước, hợp tác sản xuất và lắp ráp các phụ kiện cho công ty mẹ…. Trong khi đó, sứ mạng loan báo Tin Mừng vốn là sứ mạng chung của toàn Giáo Hội lại chỉ được làm rời rạc, không có hoặc ít có những hoạt động chung. Người Việt vốn thông minh và thành công trong lãnh vực cá nhân, nhưng lại khó hợp tác với nhau. Trong giáo phận, đường hướng chung ít được quan tâm, mỗi cha làm mục vụ mỗi cách. Có câu thơ trào phúng: “A-di-đà-Phật, mỗi thầy một tật; Al-lê-lu-ia, mỗi cha một phách!” Đức hồng y Phạm Minh Mẫn, từ năm 2004, đã thiết lập một mô hình cộng tác giữa các dòng tu, qua việc hình thành Cộng đoàn Mai Linh gồm các tu sĩ đến từ nhiều dòng tu và tu đoàn khác nhau thuộc Tgp Sài Gòn và Nha Trang, để chăm sóc bệnh nhân HIV-AIDS giai đoạn cuối tại bệnh viện Nhân Ái tỉnh Bình Phước. Nghe kể lại rằng trong 10 năm đầu việc cộng tác hoạt động rất tốt, nhưng rồi thời gian sau nảy sinh nhiều bất đồng quan điểm và nhiều dòng rút tu sĩ về. Một mô hình khác là lập phòng khám bệnh với sự tham gia của vài dòng trong giáo phận, nhưng một thời gian sau các dòng bắt đầu rút lui…, chấm dứt cộng tác! Thiết tưởng với xu hướng xã hội hiện nay, mọi thành phần trong Giáo Hội cần chung tay thi hành sứ vụ để có nhiều kết quả khả quan hơn.

Đối với giáo dân, Giáo Hội khuyến khích sự cộng tác của họ vào sứ mạng của Giáo Hội. Bộ Giáo Luật 1983 nói như sau: “Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Đức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người” (c. 298); “Vì được tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, tất cả các tín hữu có quyền cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng sáng kiến riêng, tùy theo tình trạng và điều kiện của họ…” (c. 216).

Người giáo dân có nhiều cách để cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin mừng, như Tông thư Maximum Illud từ 100 năm trước đã nêu lên 3 cách sau đây: 1) Cầu nguyện, 2) Nuôi dưỡng các ơn gọi thừa sai, và 3) Đóng góp vật chất cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Đấy mới chỉ là sự cộng tác gián tiếp, mang tính cách thụ động, trong khi người tín hữu có quyền lẫn nghĩa vụ cộng tác cách tích cực vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Cho đến nay, phải nói là Giáo Hội Việt Nam chúng ta đã lãng phí một nguồn nhân lực dồi dào cho sứ mạng này là giáo dân. Chúng ta cần thúc đẩy, khích lệ, tạo điều kiện cho giáo dân tham gia vào sứ mạng khẩn thiết này, đừng để họ ở mãi trong tình trạng chỉ lo cho mình được rỗi mà không quan tâm đến bao anh chị em chưa hề biết Thiên Chúa. Hãy bắt chước anh em Tin Lành, tất cả các tín hữu luôn ý thức, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho người khác và đem lại nhiều hoa trái tốt đẹp. Hãy bắt chước Giáo Hội Hàn Quốc, người tín hữu nước đó dấn thân năng động trong sứ mạng này lắm, và phương cách làm việc tông đồ của họ mang tính tập thể. Tháng 8 năm 2016, UBLBTM tổ chức một cuộc hội thảo tại Tòa giám mục Xuân Lộc cho các hội đoàn Công giáo Tiến hành với mục đích khích lệ họ dấn thân vào công cuộc truyền giáo. Được biết tại Kontum có tổ chức Yao Phu huấn luyện các tông đồ giáo dân để truyền giáo cho anh em dân tộc Tây Nguyên; tại Xuân Lộc từ nhiều năm qua, cha Trần Xuân Thảo huấn luyện các Tác Viên Tin Mừng, Tác Viên Ba-lô là những giáo dân tham gia trực tiếp vào sứ mạng này. Cần nhân rộng các mô hình giáo dân tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng. 
       

Hiện nay, Giáo Hội đang quan tâm đến tính “đồng nghị” (synodality). Ủy ban Thần học Quốc tế từ mấy năm nay đã suy tư về tính đồng nghị này, đó là “một cách sống và hành động (modus vivendi et operandi) chuyên biệt của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa; nó tỏ lộ và đem lại cho hữu thể Giáo Hội bản thể hiệp thông khi mọi chi thể của Giáo Hội cùng hành trình với nhau, tụ họp thành cộng đoàn và tích cực tham gia sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội[6]. THĐGMTG nhóm họp vào năm 2022 sẽ thảo luận đề tài: “Vì một Giáo Hội đồng nghị [synodal Church]: hiệp thông, tham gia và sứ vụ truyền giáo.”

Kết luận
Đề tài cộng tác để loan báo Tin mừng trong viễn tượng đức Tin giúp chúng ta nhận ra nguồn gốc, bản chất và tương quan nội tại của sự cộng tác trong Giáo hội (ecclesial collaboration) với sứ vụ loan báo Tin mừng. Sự cộng tác này xuất phát trong-từ Ba Ngôi nội tại và biểu lộ qua công trình: tạo dựng, cứu độ và thánh hóa. Giáo hội được sinh ra từ sự hiệp thông sâu xa của Ba Ngôi (triune interconnectedness) và Sứ mạng của Ngài (Missio Dei) để phục vụ Sứ mạng ấy dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Như thế, sự hiệp thông trong Giáo hội có mối tương quan bản thể, hữu cơmiên trường với sứ vụ. Tóm lại, trong viễn tượng đức Tin, sự cộng tác trong Giáo hội là hành động của đức Tin chứ không phải hành động xã hội, có tính là toàn diệnvững bền. Và chắc chắn rằng hành động này có sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, vì “ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18,20).

[1] Chúng ta vẫn quen với cách phân công giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong các công cuộc của Ngài: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nhưng không phải mỗi ngôi làm công việc đó một mình, mà cả Ba Ngôi đều tham gia vào các công cuộc đó. Sách GLHTCG số 258 và 259 viết về vấn đề này như sau:

258. “Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt động. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ tạo nhưng là một nguyên lý duy nhất. Tuy nhiên mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi. Cho nên, theo sau Tân Ước, Hội Thánh tuyên xưng: “Một Thiên Chúa là Cha, mọi sự đều bởi Ngài; Một Chúa Giê-su Ki-tô, mọi sự đều nhờ Người; và một Chúa Thánh Thần, mọi sự đều trong Ngài” (Công đồng Constantinôpôli II (năm 533) Anathematismi de tribus Capitulis, I: DS 421).

259. “Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình vừa có tính chung, vừa có tính riêng, nên vừa cho thấy đặc trưng của từng Ngôi Vị Thiên Chúa vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Toàn bộ đời sống Ki-tô hữu cũng là sự hiệp thông với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Ki-tô, là làm điều đó vì Chúa Cha lôi kéo người ấy và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy” (x. Ro 8,14).

 
[2] Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on some Aspects of the Church Understood as Communion. Thư của Bộ Giáo lý Đức Tin gửi các Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo, bàn về một số Khía cạnh của Giáo hội được hiểu như là hiệp thông (Vatican 28/12/1992), 3.
[3] Ibid.
[4] Ibid., 4.
[5] Ibid.

Tác giả: Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập415
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm391
  • Hôm nay44,301
  • Tháng hiện tại904,662
  • Tổng lượt truy cập78,908,113
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây