Để ngày 20 -11 đẹp mãi
Thứ sáu - 20/11/2020 04:30
1519
Ngày 20 -11 là ngày cả nước Việt Nam dành riêng để tôn vinh và tri ân những nhà giáo dục. Đây là dịp để mỗi người mượn ý nghĩa của ngày đặc biệt này, bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với những người Thầy đã, đang hướng dẫn và góp phần tạo nên nhân cách của một cuộc đời.
Nhớ ngày còn bé, mấy đứa con nít trường làng đi chiếc xe đạp rách, cầm trên tay bông hoa đơn sơ tới thập thò trước cổng nhà cô giáo, tặng cô bông hoa và được cô ra vườn hái cho quả ổi, trái khế, ngồi ăn ngon lành. Có những năm vì không biết đường đến nhà Thầy, vừa đi vừa hỏi thăm đến nơi đã là giờ trưa: Tặng thầy một bông hoa, ăn mất của nhà Thầy một bữa cơm, thế nhưng cả Thầy lẫn trò đều không thấy bị thiệt thòi trái lại còn hồ hởi và vui tươi.
Ngày nay, cái đơn sơ, gần gũi ngày nào đã bớt đi. Ngày 20 -11 thời nay, khác nhiều lắm: Thầy khác và trò cũng khác. Ý nghĩa thì còn nguyên vẹn, nhưng người đi tặng và người được tặng nhiều khi kèm vào đó một ý nghĩa vắng dần vẻ nguyên tuyền. Vẫn đến nhà Thầy, nhưng một phần để biết ơn, nhưng phần khác là để được “quan tâm cách đặc biệt”. Gia đình càng có điều kiện lại càng không cần đi theo tập thể. Đi riêng để “dễ bề ăn nói”…
Qua sông nhớ bến là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Thế nhưng, phải chăng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã làm tâm hồn một số thầy cô nhuốm mầu lợi ích hay vì lòng tham làm mờ đi nhân phẩm nhà giáo nơi một số người???
Ý nghĩa của ngày 20 -11 rất thiêng liêng, xin đừng để ngày hôm nay nhuốm màu “lợi danh”. Xin đừng biến ngày này trở thành dịp cho học trò giàu thể hiện “chút tấm lòng” bằng “bó hoa đồng tiền” lấp lánh. Xin đừng khiến ngày hôm nay trở nên nỗi “thẹn thùng” của người học trò nghèo khi trong tay chỉ có đóa hoa đồng nội khiêm tốn.
…
Có người nói rằng, nhà giáo dục là người “âm thầm như hạnh phúc và lặng lẽ như tình yêu”. Và quả thật đã có một vị Thầy vĩ đại như thế. Vị Thầy này đã chấp nhận lấy tình gian nan là niềm vui Phục sinh,lấy tình khổ giá là bình minh núi sọ và nhận tình chịu nạn là sự yêu thương vô vàn. Vị Thầy ấy mang tên Giêsu. Bài giảng đầu tiên Thầy dạy là chỉ cho các học trò biết “Dấu hiệu của các con là tình yêu” mà tình yêu thì thinh lặng- tình yêu thì im vắng. Thầy cũng đã chứng minh cho học trò thấy được tình yêu đó khi chính Thầy sẵn sàng chịu đóng đinh trên cây Thập tự vì tình yêu nhân loại.
Ước mong các nhà giáo dục học nơi vị thầy Chí Thánh. Để hành trang thầy cô truyền lại cho hậu sinh không chỉ là kiến thức nhưng là chứng từ sống động về tình yêu và lòng nhân ái.