Người nghèo của tương lai
Thứ hai - 01/11/2021 04:30
1342
Thế giới đầy rẫy những người nghèo. Họ được xem là những người thiếu thốn về của cải vật chất, làm không đủ ăn, lo không đủ sống. Nghèo có lẽ cũng được chia thành nhiều cấp độ, có người nghèo ít, có người nghèo nhiều, có người nghèo vừa vừa. Trong đó, thảm thương nhất có lẽ là những người chẳng thể làm được gì cho mình mà chỉ có thể ăn bám, ăn xin lòng thương xót của người khác.
Tương lai là một mầu nhiệm mà chẳng ai biết trước điều gì có thể xảy ra. Vậy ai sẽ là người nghèo của tương lai? Làm sao ta trả lời chắc chắn được khi rõ ràng không ai biết trước được tương lai. Nhưng không, nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ có câu trả lời. Không ai khác đó là chính chúng ta. Tại sao? Bởi dù ta có là ai, ta có như thế nào thì trong tương lai, một ngày kia ta cũng sẽ phải chết. Lúc đó, trừ khi ta là một vị thánh hay thực sự công chính, còn nếu không ta trở thành những người nghèo, những người nghèo thực sự, chẳng thể tự làm gì cho mình được nữa mà chỉ còn biết chờ đợi lòng thương xót của Thiên Chúa và sự rủ thương của những người còn sống.
Cái chết thì không thể tránh, cái nghèo cũng khó có thể tránh khỏi, nhưng nghèo thì cũng có nhiều mức độ. Người nghèo nhiều thì cần nhiều thời gian để thanh luyện. Người nghèo ít thì cần ít giờ hơn. Nghèo ít hay nhiều thì ta có thể quyết định được. Nó hệ tại ở việc ta sống cuộc đời hiện tại như thế nào. Đến ngày phán xét chung, Chúa Giêsu sẽ chỉ hỏi ta về cách ta thực hiện lòng bác ái yêu thương mà thôi ( Mt 25, 31-46 ). Lòng bác ái không chỉ được tính khi ta làm việc tốt cho những người sống bên cạnh mà còn cả cho những ai đã qua đời.
Bác ái với các linh hồn không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của thế hệ con cháu đối với tổ tiên, với những người đã ra đi trước, mà còn là sự đầu tư đầy khôn ngoan cho tương lai của chính mình. Bởi trong mầu nhiệm các Thánh cùng thông công, ngày nào đó khi các linh hồn được về hưởng thánh nhan Chúa, họ sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa cho ta vì những việc bác ái ta đã làm cho họ. Ta cũng đừng quên lòng bác ái với các linh hồn không phải là cử chỉ nhất thời chỉ trong tháng mười một mà còn là sự liên lỉ kéo dài từng ngày trong suốt cuộc đời ta. Dù có bận thế nào thì xin mỗi ngày ít nhất ta cũng đọc được cho họ, cho tương lai của chính mình một lời nguyện tắt: “Giêsu, Maria, Giuse. Con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn."
Tác giả: Giuse Nguyễn Hùng Cường