Giới trẻ: kẻ xa lạ hay người nhà của Thiên Chúa?

Thứ bảy - 05/04/2025 05:13  33
Phần 2: Giới trẻ: Người nhà của Thiên Chúa
Trong phần 1 của bài viết, người viết đã phác họa hình ảnh người trẻ trong một thế giới xa lạ[1], một thế giới chỉ là nơi tạm trú của không ít bạn trẻ trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, dù vẫn còn đó những vấn nạn hiện sinh, nhưng bên cạnh một số người trẻ đang mất phương hướng, hoặc đang loay hoay không lối thoát, thậm chí đang tự “bức tử mình”, thì vẫn còn đó biết bao tâm hồn trẻ vẫn còn nguyên khát vọng về Chân lý, ước mơ được trưởng thành và đóng góp cho con người và xã hội; vẫn còn đó những tâm hồn thật sự khát khao Thiên Chúa, vẫn còn đó bao người trẻ mong ước được kết nối, được gặp gỡ, chia sẻ để trở thành người nhà của Thiên Chúa, người bạn của thiên nhiên và anh em của nhau. Nhờ đó, thế giới này vẫn là nơi đáng sống nhất và Giáo hội vẫn là ngôi nhà tuyệt vời, mà nơi đó người trẻ có thể kín múc sự sống và hạnh phúc đích thực và trở thành người nhà của Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8).

image 5Giới trẻ: Người nhà của Thiên Chúa

Nhờ Phép Rửa, chúng ta đã được tháp nhập vào trong Giáo hội, trở nên người nhà của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mà có lẽ đôi khi nhiều Ki-tô hữu trẻ rời xa Thiên Chúa, lãng quên và trở nên xa lạ với Ngài. Chính vì thế, những Thánh Lễ, các buổi hội họp, những sinh hoạt Công giáo luôn là một dịp để người trẻ tìm lại chính mình, làm mới lại tương quan với Thiên Chúa, cũng như đào sâu niềm tin vào Ngài. Để rồi, khi trở thành người nhà của Chúa, mà quả thật chúng ta luôn là người nhà của Thiên Chúa (x. Ep 2,19), người trẻ luôn ý thức mình thuộc về Chúa, thuộc về Giáo hội và đang được sống trong nhà Chúa. Khi ấy, người trẻ không ngừng thể hiện chính mình và nỗ lực để trở nên những con người năng động, có ích và dấn thân phục vụ Nhà Chúa qua những công việc và những hoạt động phù hợp với khả năng và vị trí của mỗi người trong đời sống đức tin cũng như đời sống hằng ngày.

Quả thật, ngay cho đến hôm nay, ngay trong cái thời mà khắp nơi râm ran về “cái chết của Chúa”, câu hỏi về Thiên Chúa vẫn giữ nguyên sức cuốn hút mãnh liệt của nó[2], nhất là với người trẻ. Cũng vậy, chính sự khốn cùng của kiếp người hay sự sung mãn của cuộc sống đều có thể hướng họ về Thiên Chúa. Ở đâu con người cảm nhận được sự phong phú, tràn đầy, cao đẹp và vĩ đại của cuộc sống, ở đó họ có thể hiểu ra rằng cuộc đời như thể là quà tặng, một quà tặng lớn lao và tốt đẹp không do mình đem lại, nhưng như hồng ân mà mình đã lãnh nhận cách nhưng không.[3] Chính vì thế, Chúng ta, những người mang danh Ki-tô hữu, có nhiệm vụ làm cho “Thiên Chúa hiện diện trở lại trong xã hội của chúng ta… và chúng ta không được sống như thể chúng ta là chủ, có quyền sáng chế ra ý nghĩa của tự do và sự sống. Trái lại, chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta là những thụ tạo, với ý thức rằng có một Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, và việc sống theo ý Ngài không phải sự lệ thuốc nhưng là món quà tình yêu làm cho chúng ta được sống…[4]

Vì thế, dù trong một thế giới đầy biến động và nhiều thách đố, vẫn còn đó “nơi một số người trẻ một khát vọng về Thiên Chúa, dù không phải là tất cả những phác họa về Thiên Chúa đã được mặc khải”[5]. Đó là những dấu hiệu đáng mừng, để rồi Giáo hội, trong sứ mạng lan tỏa hình ảnh Đức Ki-tô cho con người trong thế giới hôm nay, luôn biết nỗ lực dấn thân giúp con cái mình, cách riêng các bạn trẻ Công Giáo có cơ hội gặp gỡ chính Thiên Chúa, để khám phá và nên bạn hữu của Ngài – người nhà của Thiên Chúa. Nhờ đó, các bạn có thể làm mới lại tương quan với Đấng mà các bạn tin thờ, cũng như đào sâu hơn đức tin và sứ mạng của mình trong Giáo hội và thế giới hôm nay…

image 4Giới trẻ: Anh em của nhau

Gặp gỡ hay tương quan là nhu cầu sống còn của con người, chính vì thế khi ngắt kết nối, dứt tương quan, con người trở nên xa lạ với nhau, cũng như trở thành một thực thể ứ đọng, một hòn đảo lạc lõng giữa đại dương mênh mông. Đó là tình trạng của không ít người trẻ trong thế giới hôm nay, khi người trẻ “thích kết nối ảo, nhưng ngắt kết nối thật” với nhau. Thực tế cho thấy khắp nơi nhan nhản hiện tượng các nhóm trẻ ngồi cạnh nhau nhưng không nói chuyện hay tương quan với nhau, vì họ đang thả mình trong thế giới ảo với chiếc Smartphone trên tay. Cũng vậy, đôi khi, nhiều người trẻ ở cùng nhau, đi cùng nhau, làm việc với nhau, dù rất gần, nhưng áp lực công việc và vòng xoáy của kim tiến khiến mối tương quan của người trẻ với con người chỉ là những kẻ qua đường hay xa lạ dửng dưng… Vì thế, Giáo hội mời gọi các bạn trẻ Công giáo hãy can đảm ngắt kết nối, dành ra những khoảng lặng, tạm chia tay với không gian ảo, để có thể tái kết nối trong gặp gỡ, quan tâm, trò chuyện, đối thoại với nhau, nhất là với bạn trẻ Giê-su trong cầu nguyện, trong Phụng vụ hay trong thinh lặng chiêm ngắm. Nhờ đó, các bạn nhận ra chúng ta là anh em của nhau trong ngôi nhà của Thiên Chúa, nhất là trong thế giới bị phân mảnh đang muốn nuốt chửng, và biến người trẻ trở thành những ốc đảo xa lạ trong một nền văn hóa dửng dưng vô cảm.

Thật vậy, trong bối cảnh của thế giới không ngừng biến chuyển cách sâu rộng, vai trò của người trẻ, với đầy đủ sức sống và sự sáng tạo, lại càng trở nên quan trọng và mang tính quyết định trong thế giới hôm nay, để góp phần đưa nhân lọai vươn lên những đỉnh cao đáng kinh ngạc. Một xã hội, một quốc gia hay một tổ chức không có người trẻ nhiệt huyết hay không quan tâm đến người trẻ sẽ là một thực thể ứ đọng và chết dần bởi sự thụ động và già nua của mình. Do đó, các bạn trẻ Công Giáo cũng luôn được mời gọi thể hiện tình bằng hữu giữa những người cùng niềm tin, cùng ước mơ và cùng một Thần Tượng là Giê-su. Để rồi, nhờ Giáo hội và qua Giáo hội của Chúa, các bạn có cơ hội để kín múc nguồn nghị lực từ chính Chúa để “có thể vượt ra ngoài các nhóm thân hữu và xây dựng tình bằng hữu trong xã hội, tìm kiếm thiện ích chung,”[6] đúng như câu ngạn ngữ: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với người khác. Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp mất tình huynh đệ…[7]

Không những thế, trong một bối cảnh mới, khi“tâm trí con người như đang nới rộng phạm vi chế ngự trên cả thời gian… những khoa học đang tiến bộ như sinh vật học, tâm lý học, xã hội, không những giúp con người hiểu biết chính mình, mà còn giúp con người biết lợi dụng những phương pháp kĩ thuật để trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống các xã hội…”[8], thì vai trò của người trẻ trong Giáo hội và trong thế giới càng trở nên quan trọng và đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của trái đất. Để được như thế, người trẻ phải đi cùng nhau, không để mình bị cô lập và chết chìm trong những đam mê xấu, những trào lưu lệch lạc, cũng như làm chủ  chính mình, không để bị tuyên truyền, hay sa vào những thú vui. Trái lại, người trẻ phải học cách cộng tác với nhau, đi cùng nhau và trở thành anh em của nhau trong mọi công việc và mọi hoạt động để từng ngày, tận dụng mọi cơ hội thăng tiến bản thân, cũng góp phần làm cho Giáo hội và thế giới ngày một văn minh hơn, bác ái hơn, bình an hơn và công bằng hơn…

Giới trẻ: Người bạn của thiên nhiên

Nhịp sống bộn bề, vòng xoáy công việc, nhất là trong thời đại mà người trẻ bị chi phối quá nhiều bởi những tham vọng hay những trò tiêu khiển, hoặc bị chế ngự, thao túng và đánh lạc hướng bởi mặt tối của thế giới ảo, thế giới xung quanh vô hình trung trở nên xa lạ khi người trẻ quên mất cảm giác thuộc về thế giới, thuộc về thiên nhiên, thuộc về vũ trụ đáng yêu này. Trong một nhịp sống như ngày hôm nay, hiếm khi người trẻ còn đủ thời gian, không gian và cảm thức buông mình cho thiên nhiên để lắng nghe thiên nhiên, nhất là những lời thì thầm tâm sự, hay những tiếng kêu cứu quặn đắng của thiên nhiên. Nhờ những giây phút ấy mà chúng ta có thể lắng nghe được tiếng Chúa và nhận ra sứ mạng của mình với công trình của Ngài.

Vì thế, khi và chỉ khi người trẻ sẵn sàng rời bỏ thế giới quen thuộc, cách riêng của không gian mạng, để ra đi để gặp gỡ nhau, để chơi cùng nhau trong một không gian thật, dù không rộng lớn và vô tận như thế giới ảo, nhưng có cỏ cây, hoa lá, có bầu khí của thiên nhiên sống động, người trẻ mới nhận ra vẻ đẹp, lung linh, huyền diệu và sự kì vĩ của thiên nhiên, cũng như thức tỉnh trước những thực trạng đau lòng đáng báo động mà chính chúng ta là thủ phạm. Cách riêng, qua những buổi sinh hoạt, cắm trại, trải nghiệm mang tính tôn giáo của Giáo hội, nhất là các buổi thiện nguyện, người trẻ không chỉ được hòa mình vào những không gian linh thánh, hay hòa quyện vào những mối tương quan thật đậm tình Chúa, đẫm tình anh em, nhưng nơi đây, các bạn còn được hòa quyện và cảm nhận hơi thở của thiên nhiên, nhận ra vẻ đẹp của vũ trụ cũng như con người, để rồi có thể trở nên bạn của thiên nhiên, đặc biệt phản tỉnh, ý thức vai trò người bảo vệ trái đất này. Bởi vì, chỉ khi trở thành người bạn của thiên nhiên, người bảo vệ thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ chung sống hài hòa với chúng ta.

“Trái đất này là của chúng mình”, nhưng trái đất này chỉ là bạn của chúng ta khi chúng ta biết xây dựng tình bạn với nó, chứ không phải nhìn trái đât với ánh mắt đầy thèm thuồng của kẻ khát máu, chỉ muốn lạm dụng, khai thác và nô lệ hóa thiên nhiên. Trong chiều hướng đó, người trẻ phải có ý thức tương lai là của các bạn, nhưng tương lai ấy phải song hành cùng tương lai của vũ trụ này, mà tương lai của trái đất này, của môi trường sinh thái mà các bạn đang sống phụ thuộc vào các bạn. Do đó, trong cuộc sống, khi các bạn được cùng nhau chung sống với thiên nhiên, cũng là cơ hội để hun đúc tinh thần bảo vệ môi trường và chung tay để chữa lành hệ sinh thái, cứu môi sinh. Điều đó được cụ thể hóa không chỉ qua việc trình bày những ý tưởng, nhưng hơn nữa bằng những hành động nhân văn bảo vệ môi trường chính nơi mà các bạn đã hay đang đóng vai trò là “người quản gia trung tín hay bất lương” (x. Lc 19, 11-27). Qua đó, người trẻ sẽ nhận ra chúng ta có một người bạn là thiên nhiên và chỉ khi sống hài hòa tôn trọng người bạn ấy, con người mới có thể hít thở bầu khí hòa bình, trong lành, cũng như được người bạn ấy tiếp tục ban tặng những hoa trái dồi dào…

Giới trẻ: Tương lai của Giáo hội

 Ý thức vai trò quan trọng của giới trẻ trong sứ mạng trần thế của mình, Thánh công đồng khẳng định:“Giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội.”[9] Cũng theo thánh Công đồng, “trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng… Hơn nữa vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng…”[10] Theo đó, “trọng trách của họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô và được thúc đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo hội thì có thể hy vọng nơi họ những thành quả phong phú. Người trẻ phải trẻ nên những tông đồ đầu tiên và trức tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ tùy theo môi trường xã hội họ đang sống.”[11] Từ đó, Giáo hội luôn kêu mời người trẻ nên thánh qua việc nên chứng tá trong chính bậc sống, trong tài năng và trong môi trường mà họ sinh sống và làm việc hằng ngày…

Nhận thức được điều đó, Giáo hội luôn bên cạnh người trẻ, như chính Chúa Giê-su luôn ở bên Giáo hội. Chúa Giê-su, qua Giáo hội, vẫn miệt mài, kiên nhẫn ghé tai và ngỏ lời với từng người trẻ “đừng sợ” vì “Ta ở với con”. Hơn lúc nào hết, người trẻ phải bám lấy Chúa và Giáo hội, không để nỗi sợ nhấn chìm đức tin, hoài bão và tương lai của mình, nhất là lãng quên sứ mạng của mình là nên muối men và ánh sáng chiếu tỏa để đẩy lui đi bóng đêm của nền văn hóa sự chết đang ngày càng thấm nhiễm và ăn mòn lương tâm nhân loại. Dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người trẻ vẫn luôn là trung tâm và là mối bận tâm hàng đầu của Chúa và Giáo hội.

Tạm kết

Khi còn là một đứa trẻ, nhìn về tương lai, không ít người trong chúng ta sẽ mong lớn thật nhanh để “không ai gọi trẻ con”[12], nhưng thành người lớn để quyết định tất cả; cũng vậy, khi đã qua rồi những năm tháng tuổi trẻ, nhất là khi về già, vọng lại quá khứ, có lẽ chúng ta cũng không ít lần tự vấn, sụt sùi thở dài tiếc nuối những năm tháng đã qua, cũng như ước gì mình còn trẻ để làm điều nọ việc kia. Quả vậy, tuổi trẻ là tuổi mà con người ta dồi dào sinh lực nhất và có thể nói làm được nhiều việc nhất. Bao ước mơ của thời niên thiếu cũng chỉ đợi cho đến khi trưởng thành để được hiện thực hóa. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của một đời người và có lẽ ai cũng muốn mình được trẻ mãi, chí ít cũng là trong tâm hồn. Tuổi trẻ là tuổi của mộng mơ, nhưng cũng là tuổi thực tế nhất, tuổi của trưởng thành, của khám phá, của thành công nhưng cũng là tuổi mong manh, dễ vỡ và nhiều khủng hoảng nhất, tuổi để tạo lập thành công, nhưng cũng dễ thất bại nhất… Nhưng dù sao, tuổi trẻ vẫn luôn là tuổi đáng sống nhất, và dù thế nào người trẻ vẫn là hiện tại và tương lai của xã hội và Giáo hội.

Cuối cùng, để thay cho lời kết, người viết xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, khi mở đầu Tông huấn Đức Ki-tô đang sống như một lời nhắn gửi cho người trẻ, cách riêng cho những bạn trẻ đang khát khao, đang nỗ lực để trở thành người nhà của Thiên Chúa trong suốt hành trình đức tin và cả cuộc đời:“Chúa Ki-tô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Ki-tô hữu trẻ là: Đức Ki-tô đang sống và Người muốn chúng ta cũng được sống”[13]

[1] Xem Phần 1: Giới trẻ trong một thế giới xa lạ
[2] Cf. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn nhập đức tin Ki-tô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr. 139-140
[3] Cf. Ibid., tr. 142
[4] Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Thiên Chúa luôn mới, Nxb Đồng Nai, tr. 53
[5] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 84
[6] Ibid., số 169
[7] Ibid., số 167
[8] Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay., số 5
[9]  Thánh Công đồng Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo dục, số 2
[10] Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 12
[11] Ibid., số 12
[12] Bài hát Ai cũng có tuổi thơ của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh
[13] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 1
 

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập326
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm223
  • Hôm nay44,909
  • Tháng hiện tại263,629
  • Tổng lượt truy cập85,515,358
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây