Đến với Phạm Pháo là đến với một mảnh đất có nhiều điều độc đáo, ngay với hai chữ Phạm Pháo đã mang một ý nghĩa đặc biệt rồi. Qua tìm hiểu, tôi được biết xưa kia ngôi làng này được bốn cụ tổ gầy dựng; trong bốn cụ thì ba cụ mang họ Phạm nên chữ đầu tiên của ngôi làng này mang danh họ Phạm kể từ hồi đó. Hình thù của mảnh đất lại rất giống với một khẩu pháo, nên các cụ đã ghép hai chữ này lại và đặt tên cho mảnh đất này là Phạm Pháo. Hai chữ Phạm Pháo thật ý nghĩa: tình người và đất (Phạm – Pháo) đã hòa quyện vào nhau để làm nên mảnh đất trù phú này!
Tôi đã được nghe danh dải đất Phạm Pháo này từ rất lâu, nhưng hôm nay được bước chân đến trong dịp Lễ Truyền dầu thì những tiếng vang đó không còn là hình ảnh nữa mà đang hiển hiện trước mắt tôi với bao điều độc đáo: Phạm Pháo – mảnh đất trù phú với nhiều ngôi nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên giống như những khẩu pháo, thật xứng với danh xưng của ngôi làng. Có lẽ nhờ ngôi làng có “Pháo” nên mảnh đất nơi đây “nổ” rất mạnh qua những ngành nghề đa dạng. Nói đến làng Phạm Pháo là phải nói đến đồ gỗ mỹ nghệ, cũng như còn nhiều ngành nghề nổi trội khác nữa.
Phạm Pháo còn có những điều độc đáo khác nữa, như hội kèn với số lượng đông nổi tiếng cả nước (hiện tại hội kèn miền Phạm Pháo có khoảng 800 thành viên). Các đoàn hội nơi đây cũng rất đông đảo và nhiệt thành trong công việc Nhà Chúa. Qua quan sát, tôi muốn dành cho họ hai chữ “chuyên nghiệp” chắc không quá, vì họ đã thể hiện hết mình, đã biết thổi hồn mình vào những bài hát, bài kèn hay bài trống mà tôi chưa biết tìm điểm nào để chê. Quả thật, họ đã góp phần không nhỏ vào việc làm nên thành công của Thánh lễ Truyền dầu năm nay.
Bước vào nhà thờ, tôi nhận thấy vẻ cổ kính và uy nghi của từng chi tiết nhỏ. Vẻ cổ kính nói lên truyền thống đã có từ lâu mà dải đất Quần Anh này ghi vào lòng người. Ngôi nhà thờ còn toát lên lòng đạo của các bậc cha ông đã khuất: nhờ các ngài dày công gầy dựng với bao mồ hôi nước mắt mà con cháu ngày nay mới có được cơ nghiệp lớn lao như vậy. Hướng nhìn lên, tôi thấy những “chú rồng” nằm vắt ngang những cây cột to lớn đang uốn mình hướng đầu chầu về Cung thánh càng làm nổi bật thêm lòng đạo nơi đây.
Từ những nét đẹp truyền thống hướng tôi đến lễ đài lộng lẫy về vẻ đẹp và rộng lớn về kích cỡ. Một màu đỏ phủ kín lễ đài nói lên ý nghĩa: Con Chúa hiến mình vì nhân thế qua việc Chúa Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc ly – bữa tiệc sau cùng trước khi Ngài trở về cùng Thiên Chúa Cha. Trong Bữa Tiệc biệt ly này, Chúa Giê-su còn thiết lập Bí tích Truyền chức Thánh hầu các linh mục tiếp tục cánh tay nối dài của Ngài, đồng thời là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa nơi nhân trần. Màu đỏ của Bí tích Thánh Thể nơi lễ đài hòa quyện với dải màu trắng áo lễ các linh mục đồng tế nói lên sự trung thành và lòng sắt son với Thầy mình.
Lễ đài đã đông kín người, con dân Bùi từ khắp nẻo đường đều quy tụ về nơi đây, về bên người cha chung của Giáo phận để dự Thánh lễ Dầu trọng thể. Lễ đài đang đón đợi và chỉ chờ cho đồng hồ điểm đúng 9 giờ là đoàn lễ nghi xuất phát. Màn trời đổ mưa như đang đổ hồng ân Thiên Chúa thương ban, trời đổ mưa còn để cảm thương Con Chúa chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn. Mưa hồng ân đang đổ xuống trên từng người con trong giáo phận! Thánh lễ Dầu còn được coi là Thánh lễ dành cho giám mục và linh mục, vì từ Bí tích Truyền chức Chúa Giê-su thiết lập mà Thánh lễ được hiện tại hóa và nối tiếp đến mọi thế hệ hầu đem ơn cứu độ đến cho con người.
Linh mục, ngài là ai? Thưa: “ngài là hình bóng Chúa trong kiếp người, tham dự vào chức thánh Con Chúa Trời... là muối ướp cõi trần ai, là tinh hoa của Giáo hội, ngọn hải đăng thắp trên gian trần..”. Con dân Bùi quy tụ về nơi đây để cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức cha và quý cha trong giáo phận, họ đến để cầu nguyện cho cha xứ của mình luôn “tràn đầy tình mến, không bao giờ lịm tắt, nghèo khó trong trái tim thanh thoát tuyệt vời, và phản chiếu đức tin thành của Chúa..”. Mọi người hiện diện nơi đây còn để hiệp ý với các linh mục tạ ơn Thiên Chúa đã ban hồng ân lớn lao cho các ngài nói riêng, và con dân Bùi nói chung.
Quả Pháo đã nổ giữa trời mưa! Pháo nổ vì thể hiện một niềm tin mạnh mẽ của người dân Bùi, vì cho dù thời tiết không ưu ái nhưng tinh thần đạo nơi đây vẫn còn vững mạnh. Pháo nổ vì từng người con Phạm Pháo đã cống hiến hết mình vào thành công của Thánh lễ trọng thể này. Họ đã không quản ngại với khả năng của mình cộng tác vào mọi công việc ngay từ những tuần chuẩn bị trước đó, và cho đến Lễ Dầu trang trọng hôm nay họ đã thực hiện cách rất chu đáo và nhiệt thành. Quả Pháo đã nổ vang trời với tiếng hát, tiếng kèn, tiếng trống làm thành bản hòa ca tạ ơn Chúa đã thương ban muôn hồng ân cho giáo phận cuối Thánh lễ. Quả Pháo đã âm ỉ trong nhiều tháng qua chuẩn bị và hôm nay đã nổ vang cả một vùng trời!