Thương về Miền Trung

Thứ hai - 17/10/2016 07:07  3444
Quê hương là gì hở mẹ 
Mà cô giáo dạy phải yêu 
Quê hương là gì hở mẹ 
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
                                                                                             (Đỗ Trung Quân)
Được sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung, tôi biết rằng đây không phải là một nơi lý tưởng đối với nhiều người. Không lý tưởng bởi vì sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông gió rét thấu xương. Không lý tưởng bởi vì sự khô cằn của đất đai, đến nổi cha ông cũng phải thốt lên miền Trung là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Không lý tưởng bởi vì năm nào cũng bị lũ lụt. Ôi Miền Trung là vậy đó. Miền Trung khó khăn là vậy đó. Ấy thế mà đối với tôi, quê hương miền Trung vẫn là nơi lý tưởng nhất, nơi tuyệt vời nhất để tôi tìm về. Nơi đó tôi thấy được sự bình an. Tôi thấy được hạnh phúc qua những điều bình dị. Và hơn hết nơi đó tôi thấy được tình người chan chứa.

 
 
Miền Trung ơi! Người vẫn luôn là một phần khúc ruột của tôi. Miền Trung đau tôi cũng đau. Miền Trung vui tôi cũng vui. Nhưng tôi tìm thấy niềm vui với quê hương Miền Trung đâu được khi mọi tai hoạ cứ ập đến bủa vây Miền Trung. Trong khi đang phải oằn mình gánh chịu thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển bởi Fomosa thì giờ đây Miền Trung lại phải quặn lòng hứng chịu những trận bão lụt. Tôi biết rằng bão lụt cứ như là một cái gì đó quen thuộc với Miền Trung nhưng cứ mỗi lần chứng kiến cảnh quê hương bị bão lụt, con tim tôi lại nhói đau. Tôi thương cho cảnh màn trời chiếu đất của người dân Miền Trung quê tôi. Tôi thương cho cảnh người dân phải lo từng bữa chưa xong giờ lại phải ngong ngóng từng giờ. Hình ảnh các em nhỏ vui đùa với đám bạn như những đứa trẻ cùng trang lứa giờ này còn đâu khi đang phải chống chọi lại với con nước, với cái đói và với cái rét. Ánh mắt hồn nhiên của các em còn đâu khi thẳm sâu trong đó hằn lên một nỗi sợ hãi. Còn đó cảnh những ông bà già phải chạy trốn dòng nước lũ. Cả cuộc đời các cụ đã phải lam lũ vất vả để mong cuối đời được yên phận. Thế mà cuối đời các cụ còn phải vật lộn với dòng nước lũ, phải chứng kiến những thảm hoạ do thiên tai và nhân tai. Không biết mai đây tương lai của người dân, của những đứa trẻ miền Trung quê tôi sẽ như thế nào?
 
Nhiều lần tôi tự hỏi “Cuộc đời có bất công lắm không? Tại sao miền Trung quê tôi đã nghèo lại còn gặp cái eo?”. Thôi thì tại vì miền Trung quê tôi là cái eo trên bản đồ của đất nước vậy. Chính vì được sinh ra trong cái khổ, cái vất vả đó mà người miền Trung quê tôi được tôi luyện tính chịu khó, luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh để sống, để làm những việc có ích cho xã hội. Cái nóng gió Lào vào mùa hè, cái rét thấu xương vào mùa đông đã làm cho giọng nói miền Trung quê tôi mặn như muối biển, nhưng ẩn sau giọng nói đó là tình người mặn nồng. Cầu mong rằng người miền Trung quê tôi sẽ vượt qua được những đại hoạ  này.
 
Có người hỏi tôi “Có còn muốn sống ở vùng quê miền Trung sỏi đá nữa không?”. Câu hỏi càng làm tôi thương về miền Trung hơn, càng làm tôi gắn bó chặt chẽ với miền Trung hơn. Tôi với miền Trung là một. Cám ơn quê tôi miền Trung, vì đã cho tôi một tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình, người thân, bên những đứa bạn cùng nô đùa dưới ánh trăng, ngoài cát trắng. Cám ơn quê tôi miền Trung vì đã cho tôi biết quý trọng giọt mồ hôi của cha, nước mắt của mẹ, sức lao động của người nông dân. Cám ơn quê tôi miền Trung đã cho tôi biết đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Ngàn lần cám ơn quê tôi miền Trung.

Hướng lòng về miền Trung quê tôi thân yêu.
 
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay38,698
  • Tháng hiện tại899,059
  • Tổng lượt truy cập78,902,510
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây