Phan Thiết muốn có lòng thương xót môi sinh
Thứ hai - 03/10/2016 12:58
1031
Bùi Chu, 03/10/2016 (gpbuichu.org) – « Hãy có lòng thương xót môi sinh » là chủ đề của tháng Mười trong thư gửi các gia đình do Linh mục Đặc trách Ủy ban Mục vụ Gia đình của giáo phận Phan Thiết đứng tên nhằm đảm bảo « môi trường sống thật tốt để cuộc sống có thể thăng hoa cả mặt tinh thần lẫn mặt thể lý »[1].
Vấn nạn mà lá thứ này đặt ra là tình trạng báo động ô nhiễm của các loại môi trường sống khác nhau cùng với nguyên nhân cụ thể : « Môi trường văn hóa đang bị nhiễm bẩn bởi cách sống ích kỷ, vô cảm, theo chủ nghĩa cá nhân. Môi trường giáo dục cũng đang bị nhiễm bẩn bởi chủ trương giáo dục phục vụ một chính thể, một đường lối, một chủ trương duy vật chất ».
Với lập luận về sự tương quan giữa cá nhân với môi trường và cộng đồng, lá thư chỉ cho thấy «việc bảo vệ môi sinh xinh đẹp không chỉ là việc riêng của một cơ quan, của một ủy ban, nhưng là của tất cả mọi người » nói chung, nhất là đối với các kitô hữu đây còn là sự « thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng sáng tạo vũ trụ xinh đẹp này cho con người được hưởng dùng, mà còn là, thực thi lòng thương xót của chúng ta đối với các loài thụ tạo, như Cha trên trời đã thương xót mọi loài ».
Từ đó, các việc cụ thể được đề xuất thực hiện bắt đầu từ trong gia đình cho đến khu xóm cũng như giáo xứ :
- Làm sạch đẹp nhà cửa vườn tược, khuôn viên, con đường, khu vực làng xóm bằng cách hô hào nhau làm vệ sinh chung hàng tuần hằng ngày, thu lượm rác thải, sử dụng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch.
- Tránh hút thuốc lá trong gia đình, nơi đông người, không dùng nhiều rượu bia và các chất có men cồn gây hại cho sức khỏe.
- Kiên quyết không sử dụng các chất hóa học gây hại sức khỏe con người trên các loại thực phẩm vì lợi nhuận cho mình.
- Kiên quyết không để con em chúng ta mất thời giờ vô ích vào những chuyện vô bổ như xem sách báo xấu, phim ảnh xấu, bè bạn với những bạn bè có nếp sống văn hóa không lành mạnh; nhưng, ngược lại, nhắc nhở con em ý thức bảo vệ sự xinh đẹp của thiên nhiên, của nếp sống có văn hóa lành mạnh, của tâm hồn quảng đại hào hiệp nữa.
Phần cuối thư còn nêu những ước muốn tất cả mọi người cùng thực thi lòng thương xót một cách cấp bách đối với môi trường đang bị đe dọa cách nghiêm trọng để bảo vệ ngôi nhà chung, vì hết thảy đều mắc nợ trước món quà tuyệt tác là thiên nhiên nói chung, và cách riêng đối với những ai như trực tiếp là tác gây ra tình trạng hủy hoại môi sinh dưới nhiều hình thức thì đòi hỏi « phải trả món nợ bóc lột môi trường, cách sòng phẳng ».
Hội Quán