HĐGMVN góp ý dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo
Thứ ba - 13/09/2016 12:57
2617
Trong thư đề ngày 26/08/2016 gửi Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - Quốc Hội Khóa XIV, Đức Giám mục Phó Tổng thư ký Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhân danh Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) thay mặt Ban Thường vụ gửi đến Quốc Hội những nhận định và góp ý cho Dự thảo 17/8/2016 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Trước hết, Đức Cha nêu lên những điển tích cực của dự thảo luật lần này như công nhận tư cách “pháp nhân phi thương mại” của các tổ chức Tôn giáo (Đ30) Bớt từ “đăng ký” thay bằng từ “thông báo” hoặc “đề nghị”, ví dụ Đ33A: “Tổ chức Tôn giáo sau khi thực hiện việc phong chức, phong phẩm... thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước”. Vấn đề không chỉ là thay đổi từ ngữ nhưng còn là thay đổi cách nhìn và cách làm việc, thoát khỏi cơ chế xin-cho. Tự do Tôn giáo là quyền căn bản của con người, chứ không phải là ân huệ để xin và cho. Hoặc Đ62 nêu quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về tín ngưỡng, Tôn giáo hay Đ53 - các tổ chức Tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” “Đây là những quy định đúng đắn, thoát ra khỏi thái độ phân biệt đối xử trong cộng đồng dân tộc, đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức Tôn giáo tham gia vào lãnh vực giáo dục và y tế, vì lợi ích chung của toàn xã hội” - Đức Cha nhận định.
Bên cạnh đó, Đức Cha cũng nêu lên một số đề nghị
Cụ thể như việc giải thích các từ ngữ (Đ2) “Thông báo, đăng ký, đề nghị” - đơn vị thông báo không phải chờ kết quả trả lời của Nhà nước. Tuy nhiên Nhà nước có quyền yêu cầu không thực hiện hoạt động trong thông báo, yêu cầu hủy bỏ kết quả đã thông báo bằng văn bản có nói rõ lý do hoặc nêu rõ lý do nếu không đồng ý để các tổ chức Tôn giáo có thể khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo Đ62 và để tránh việc cơ quan chức năng im lặng không trả lời làm thiệt hại cho các tổ chức Tôn giáo, xin thêm chi tiết sau: “các tổ chức Tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động theo đúng những qui định trong luật này nhưng Nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn quy định mà cơ quan chức năng không trả lời thì người đề nghị, đăng ký, thông báo có quyền thực hiện theo nội dung đã đề nghị, đăng ký, thông báo”.
Sửa lại định nghĩa về sinh hoạt Tôn giáo (Đ2,K10) - thêm từ “cộng đồng” cho đủ nghĩa: “Sinh hoạt Tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin Tôn giáo, thực hành Giáo lý, Giáo luật, Lễ nghi Tôn giáo của cá nhân và cộng đồng”
Giải thích rõ hơn “phạm vi phụ trách của chức sắc” (Đ6, K5) - phạm vi phụ trách của các chức sắc là toàn bộ địa bàn mà các vị chức sắc phụ trách. Ví dụ phạm vi phụ trách của Giám mục là toàn bộ địa bàn Giáo phận.
Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, Tôn giáo (Đ3, K1,3) - thay thế từ “bảo hộ” bằng từ “bảo đảm” Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng…cơ sở tín ngưỡng, Tôn giáo.
Các hành vi bị nghiêm cấm (Đ5, K4) “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, Tôn giáo để xâm hại quốc phòng, trật tự công cộng, môi trường…” - xác định rõ và liệt kê những lý do “xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng”.
Quyền tự do tín ngưỡng, Tôn giáo của mọi người (Đ6, K5) “chức sắc, chức việc có quyền tự do thực hiện Lễ nghi Tôn giáo trong phạm vi phụ trách; giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở Tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác” - quy định rõ phạm vi phụ trách trong Đ2, giải thích từ ngữ theo hướng phạm vi phụ trách của các chức sắc là toàn bộ địa bàn mà các vị chức sắc phụ trách.
Thông báo việc sinh hoạt Tôn giáo tập trung (Đ16) - xin viết lại như sau: “Người theo Tôn giáo chưa có chỗ sinh hoạt Tôn giáo, dù thuộc các tổ chức Tôn giáo đã được hoặc chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, được tập trung để sinh hoạt Tôn giáo. Thời gian thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức sinh hoạt Tôn giáo thời hạn 10 ngày trước khi tổ chức sinh hoạt Tôn giáo tập trung, và chỉ cần thông báo một lần và sau đó tiếp tục sinh hoạt theo thông báo.
Điều kiện công nhận tổ chức Tôn giáo (Đ21, K3) - thêm từ “đã được xóa án tích: “có người đại diện tổ chức là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, Tôn giáo; không có án tích hoặc đã được xóa án tích”.
Công nhận pháp nhân đối với tổ chức Tôn giáo (Đ30, K1) - xin ghi rõ “Tổ chức Tôn giáo được công nhận là pháp nhân phi thương mại theo Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13”.
Người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử (Đ33) - chỉ cần thông báo.
Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo Tôn giáo (Đ36, K3) - bỏ câu “trong đó có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam” vì các tu sinh theo học tại các cơ sở đào tạo của Công giáo (Chủng viện, Học viện) đều đã tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng, nên đã được học về lịch sử và pháp luật Việt Nam trước đó.
Hoạt động của cơ sở đào tạo Tôn giáo (Đ38, K1) “Trong thời hạn 20 ngày trước khi hoạt động đào tạo, người đại diện cơ sở đào tạo gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước…” - chỉ cần thông báo về thời gian bắt đầu hoạt động kèm theo quyết định thành lập cơ sở đào tạo Tôn giáo.
Đ38, K4 “Cơ sở đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả đào tạo của từng khóa học với cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, Tôn giáo ở Trung ương trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có kết quả” - bỏ điều này vì đã can thiệp quá sâu vào sinh hoạt nội bộ của các tổ chức Tôn giáo.
Mở lớp bồi dưỡng về Tôn giáo (Đ40) - chỉ cần thông báo cho UBND cấp xã trước 7 ngày là hợp lý, không phải đăng ký.
Thông báo hoạt động Tôn giáo ngoài chương trình (Đ41, K3) - rút ngắn thời gian thông báo xuống còn bằng hoặc dưới 7 ngày vì hoạt động ngoài chương trình thường là những hoạt động đột xuất mà phải báo trước đến 20 ngày thì bất khả thi.
Hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo điều lệ (Đ42, K1) là những hoạt động thường niên và bình thường, Nhà Nước phải tôn trọng sinh hoạt nội bộ của họ - bỏ điều khoản này hoặc sửa lại cho đúng tinh thần tự do Tôn giáo. Thời gian xem xét trả lời (K2) - rút ngắn từ 45 ngày xuống 15 ngày.
Đại hội của tổ chức Tôn giáo theo điều lệ (Đ43) - là những hoạt động thường xuyên nên có thể trình bày trong thông báo hoạt động Tôn giáo hàng năm, thường chỉ được tổ chức trong khuôn viên của một cơ sở tôn giáo, không ảnh hưởng đến trật tự công cộng nên không cần phải đăng ký.
Cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở Tôn giáo, địa điểm hợp pháp (Đ44) - rút ngắn thời gian xem xét từ 25 đến 30 ngày xuống còn bằng hoặc dưới 7 ngày.
Người nước ngoài theo học tại cơ sở đào tạo Tôn giáo ở Việt Nam không khác với người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục khác, họ không phải xin phép cơ quan nào ở Trung ương mà chỉ cần đáp ứng điều kiện tuyển sinh của nhà trường vậy nên đối xử như nhau, bỏ K2,3 Đ47 và thay chữ “đề nghị” (K1) bằng chữ “được cơ sở đào tạo tôn giáo chấp thuận”.
Người Việt Nam tham gia hoạt động Tôn giáo, đào tạo Tôn giáo ở nước ngoài (Đ48) không có ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự của Việt Nam nên không phải xin phép đến tận Trung ương - bỏ điều này.
Điều khoản chuyển tiếp “để được công nhận là pháp nhân phi thương mại” (Đ66, K2) - tổ chức Tôn giáo đã được công nhận; tổ chức Tôn giáo trực thuộc đã được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định… không phải làm hồ sơ để được công nhận lại, các hồ sơ chỉ nên gồm có các tài liệu cần thiết cho việc công nhận pháp nhân, đó là các tài liệu: đơn đề nghị, quyết định thành lập, hiến chương, địa chỉ trụ sở và danh sách lãnh đạo.
Sau cùng Đức Cha nêu lên những điều chưa được quan tâm trong dự thảo. Hiện nay có những nơi trước đây không có Nhà thờ hoặc Chùa chiền vì không có người Công giáo hoặc Phật giáo. Nhưng theo đà phát triển của xã hội, nhiều người Công Giáo hoặc Phật giáo quy tụ về sinh sống và họ cần có nơi thờ phượng. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, Tôn giáo (Đ57) không nói đến việc xây dựng những cơ sở thờ phượng tại những nơi mới, vì vậy Quốc hội nên quan tâm đến nhu cầu này của người dân và đưa ra những quy định cụ thể, ví dụ, khi một nơi có 50 hoặc 100 người cùng niềm tin Tôn giáo thì được phép xây dựng nơi thờ phượng chung.
Mặt khác, khi muốn xây dựng nơi thờ phượng mới, các tổ chức Tôn giáo phải mua đất rồi làm giấy giao miếng đất đó cho Nhà nước, rồi Nhà nước mới “cấp lại” cho tổ chức Tôn giáo đó, đây là một quy trình phi lý. Nếu Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức Tôn giáo thì Quốc hội cần phải xem xét lại quy trình này và đưa ra hướng đi cụ thể.
Hoàng Đức tóm lược