ĐGM Vinh quan ngại về vụ cá chết
Thứ hai - 16/05/2016 05:01
4167
Bùi Chu, 16/05/2016 (gpbuichu.org) – Sau vụ cá biển chết hàng loạt bắt đầu xảy ra tại khu vực biển Kỳ Anh thuộc giáo phận Vinh hồi đầu tháng trước và nhanh chóng lan rộng đến các tỉnh Miền Trung khác, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh đã viết thư chung đề ngày 13/05/2016 gửi hết mọi thành phần trong Giáo phận và tất cả mọi người mà đầu đề của thư chung này ngài nêu rõ là « Về thảm họa ô nhiễm môi trường biển Miền Trung ».
Theo đó, thảm họa này đã làm cho « Hàng triệu ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, làm muối, buôn bán hải sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống và du lịch... đột nhiên rơi vào cảnh thất nghiệp và điêu đứng vì nghề nghiệp mưu sinh hoàn toàn bị đảo lộn ». Cũng theo Đức Cha Phaolô : « Hoảng loạn, bần cùng và phẫn nộ, đó là những khốn khổ mà người dân đang nếm trải ».
Hơn thế nữa, Đức Giám mục Vinh quan ngại đến hậu quả của thảm họa này gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và các thế hệ sau : « Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Khi con người tiêu thụ thủy sản, nước mắm, muối có nhiễm độc, các độc tố này sẽ xâm nhập và tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể. Đến một lúc nào đó hàm lượng độc tố này vượt ngưỡng cho phép, chúng sẽ gây bệnh tật như ung thư, tổn thương não... và có thể gây dị dạng, quái thai cho các thế hệ sau ».
Trong thư chung, Đấng bản quyền Vinh lấy làm khó hiểu về cách đối phó của giới hữu trách: « Mặc dù tầm mức nguy hiểm của thảm họa to lớn như vậy, nhưng đã hơn một tháng qua, các nhà chức trách vẫn né tránh việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa này. […] Trong khi đó, thật khó hiểu khi nhà cầm quyền lại nặng tay đàn áp những người biểu tình ôn hòa đòi trả lại môi trường trong sạch cho người dân ».
Bày tỏ thái độ và nguyên tắc hành xử
Dựa vào số 1 trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II theo đó các tín hữu được mời gọi chia sẻ niềm vui cũng như những khắc khoải của đồng loại nhất là đối với người nghèo và những ai đau khổ, đặc biệt dựa vào giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong số 53 và 59 của thông điệp Laudato Si’ liên quan đến về trách nhiệm bảo vệ môi trường thể hiện qua việc ngăn chặn những ai vì tư lợi « tác hại đến thế hệ tương lai », đồng thời đòi hỏi giới hữu trách củng cố hệ thống pháp lý chặt chẽ nhằm tránh sự lạm quyền và phát triển mô hình kinh tế để gây thiệt hại cho đất nước và làm mất công bằng xã hội, Đức Cha Phaolô « tha thiết mời gọi » các tín hữu « thể hiện căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường bằng những việc làm cụ thể » như:
1- Tôn trong môi trường sinh thái và không sản xuất thực phẩm độc hại.
2- Giúp đỡ các nạn nhân trong vụ thảm họa môi trường biển vừa rồi qua thăm viếng và, khích lệ tinh thần cũng như chia sẻ vật chất với họ.
3- Xử lý các loài cá và sinh vật biển bị chết một cách an toàn nhằm tránh sự lây lan trên diện rộng.
4- Hợp tác trong việc tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục sự cố với các cá nhân và các tổ chức thiện chí.
5- Thi hành quyền công dân một cách ôn hòa để « đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý ».
6. Đặc biệt, Đức Cha Phaolô cũng không quên mời gọi mọi người cầu nguyện cho việc bảo vệ môi sinh và nhất là: « Tin tưởng vào lời hứa của Đức Mẹ Fatima, tôi kêu gọi mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi, để nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ, chúng ta không những biết can đảm bảo vệ non sông đất nước mà còn không để lại hệ lụy cho thế hệ tương lai ».
Hội Quán