Thánh lễ phong chân phước cho một gia đình Ba Lan

Thứ ba - 12/09/2023 21:57  442
a
 
THÁNH LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO MỘT GIA ĐÌNH BA LAN 9 NGƯỜI,
GỒM MỘT THAI NHI 7 THÁNG TUỔI

Đây là một lễ phong chân phước chưa từng có khi Giáo hội tôn phong chân phước cho cả gia đình: cha mẹ và các con, bao gồm cả thai nhi 7 tháng tuổi đang ở trong bụng mẹ. Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, nói: “chưa từng thốt ra một lời, hôm nay vị chân phước nhỏ bé này kêu gọi thế giới hiện đại đón nhận, yêu thương và bảo vệ sự sống, đặc biệt là sự sống của những người không có khả năng tự vệ và bị gạt ra ngoài lề xã hội, từ lúc được thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.”

Chúa Nhật ngày 10/9/2023, thị trấn Markowa ở phía đông nam Ba Lan tràn ngập các tín hữu và ánh mặt trời tháng 9, nơi mọi thứ đều tỏa sáng hơn. Hàng ngàn người đến từ khắp Ba Lan để cử hành và vui mừng trong lễ phong chân phước cho ông bà Jozef và Wiktoria Ulma và bảy người con của họ, “những người Samaria nhân hậu ở Markowa”, một gia đình có khả năng biến ngôi nhà của họ thành nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “sự thánh thiện ở ngay bên cạnh”.

 
b

Gia đình Ulma

Câu chuyện tử đạo của gia đình Ulma

Sẽ không thể hiểu hết câu chuyện về gia đình Ulma nếu không hiểu bối cảnh cuộc tử đạo của họ. Nằm ở phía đông nam Ba Lan, đặc trưng bởi nhiều ngôi làng nhỏ và các gia đình làm nông nghiệp, thị trấn Markowa không giàu của cải nhưng nuôi dưỡng một xã hội sống động cùng chung sống với người Do Thái như bạn bè, hàng xóm và đôi khi là họ hàng.
Thị trấn Markowa cũng đã hòa nhập nhiều người Do Thái vào cơ cấu xã hội của nó, bằng chứng là những bức ảnh, tài liệu và hiện vật hiện được trưng bày trong Bảo tàng Ulma, một bảo tàng vinh danh tất cả những người Ba Lan đã bảo vệ và hỗ trợ người Do Thái thoát khỏi sự tàn bạo của Đức Quốc xã.

Lịch sử đó đã để lại một di sản không thể xóa nhòa được viết bằng máu của nhiều gia đình Ba Lan, những người đã phải trả cái giá đắt nhất khi đứng về phía người Do Thái bằng cách giấu họ trên gác xép, hầm rượu hoặc những địa điểm bí mật khác.

Ở Markowa, trong số 120 cư dân Do Thái trong Thế chiến thứ hai, 21 người đã sống sót sau cuộc tiêu diệt nhờ lòng hảo tâm này. Số phận bi thảm của những cư dân Do Thái khác trong thị trấn là một phần không thể thiếu trong lịch sử đau khổ lớn hơn của người Do Thái. Tuy nhiên, lòng dũng cảm của nhiều người Ba Lan đã bất chấp sự kinh hoàng do luật pháp được Đức Quốc xã áp đặt vào tháng 10/1941, theo đó bất kỳ ai giúp đỡ người Do Thái sẽ phải đối mặt với án tử.

Sau một trong những vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất ở Markowa vào nửa cuối năm 1942, gia đình Do Thái Goldman và Szall đã tìm nơi ẩn náu tại gia đình người Ba Lan Ulma. Và kết quả là quân Đức đã phát hiện việc họ che dấu những người Do Thái. Quân Đức quốc xã đã bắn chết 8 người Do Thái trước khi sát hại cả gia đình Ulma.


 
d

Các tín hữu viếng mộ của gia đình Ulma

Một lễ tuyên phong chân phước chưa từng có

Thị trấn Markowa vào Chúa Nhật ngày 10/9/2023 dường như là trung tâm của thế giới mà Giáo hội hoàn vũ hướng tới bằng cách tôn vinh 9 người dân của thị trấn: ông Józef 44 tuổi, một nông dân, một nhà hoạt động Công giáo và nhiếp ảnh gia nghiệp dư, người đã ghi lại các hình ảnh của gia đình và ngôi làng Markowa; bà Wiktoria 31 tuổi; các con: Stanisława 7 tuổi, Barbara 6, Władysław 5, Franciszek 3, Antoni 2, Maria 18 tháng, và người con bé nhất, thai nhi 7 tháng tuổi, đã chào đời vào thời điểm người mẹ tử đạo.

Đây là một lễ phong chân phước chưa từng có khi Giáo hội tôn phong chân phước cho cả gia đình: cha mẹ và các con, bao gồm cả thai nhi 7 tháng tuổi đang ở trong bụng mẹ. Trong cuộc phỏng vấn được ghi trong cuốn sách “Họ cũng đã giết các trẻ em”, Đức Hồng Y Semeraro cho biết rằng lời thỉnh cầu tuyên phong chân phước được trình lên Đức Thánh Cha bao gồm cả thai nhi trong bụng mẹ; có lẽ người mẹ đã bắt đầu chuyển dạ sinh con vì sợ hãi trong cuộc tàn sát của Đức quốc xã. Trong ngôi mộ tập thể sau vụ thảm sát, đầu và một phần cơ thể của hài nhi đã “chào đời”). Cả hài nhi này cũng xứng đáng được xem là đã tử đạo.
“Được rửa tội bằng máu”
Làm thế nào hài nhi chưa được rửa tội, được tuyên phong chân phước? Trong một thông cáo hôm 5/9 vừa qua, Đức Hồng Y Semeraro đã giải thích rằng hài nhi thực sự được sinh ra trong thời điểm kinh hoàng của vụ tàn sát và đã được “rửa tội bằng máu” của người mẹ tử đạo của em.

Cha Robert Gahl, một giáo sư về luân lý ở Đại học Công giáo Hoa Kỳ và Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Roma, nhận xét rằng việc tuyên phong chân phước cho gia đình Ulma đưa ra một số khái niệm thần học mới của Giáo hội Công giáo về các thánh và các vị tử đạo. Những quan niệm này cũng có ý nghĩa đối với phong trào chống phá thai vì những trẻ em còn trong bụng mẹ. Theo cha, khi Vatican tuyên bố rằng em bé được “sinh ra” vào thời điểm người mẹ bị hành quyết, Vatican cũng khẳng định rằng những kẻ giết người có ý định giết đứa trẻ vì lòng căm thù đức tin, và đây là một yếu tố để tuyên bố em tử đạo và được tuyên phong chân phước.

 
f

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, chủ sự Thánh lễ tuyên phong chân phước

Rèn luyện tâm hồn bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự Thánh lễ tuyên phong chân phước vào sáng ngày 10/9, với 7 Hồng y, khoảng 80 Giám mục và 1.000 linh mục đồng tế đến từ khắp Ba Lan và nước ngoài, trước sự hiện diện của 32.000 tín hữu đăng ký.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Semeraro nhận xét rằng ông bà Jozef và Wiktoria, tuy khác nhau về tính cách nhưng có một quan điểm chung, rèn luyện trái tim họ và con cái họ bằng cách suy niệm hàng ngày, cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa. “Họ đã sống một sự thánh thiện không chỉ trong chiều kích hôn nhân mà hoàn toàn có tính gia đình”, được soi sáng và hỗ trợ bởi ân sủng thánh hóa của Bí tích Rửa tội, Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác. Chỉ bằng cách này “vẻ đẹp và sự cao cả của bí tích hôn nhân” mới có thể nổi bật.

Kêu gọi thế giới hiện đại đón nhận, yêu thương và bảo vệ sự sống

Nói về người trẻ nhất trong số những tân chân phước, hài nhi mà bà Wiktoria mang trong bụng và được sinh ra sau cuộc tử đạo của người mẹ, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh nói rằng, “chưa bao giờ thốt ra một lời, hôm nay vị chân phước nhỏ bé này kêu gọi thế giới hiện đại đón nhận, yêu thương và bảo vệ sự sống, đặc biệt là sự sống của những người không có khả năng tự vệ và bị gạt ra ngoài lề xã hội, từ lúc được thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Chính tiếng nói ngây thơ của ngài muốn lay chuyển lương tâm của một xã hội đang lan tràn nạn phá thai, trợ tử và coi thường sự sống như một gánh nặng chứ không phải như một món quà. Gia đình Ulma khuyến khích chúng ta phản ứng lại nền văn hóa vứt bỏ đó, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô lên án.

Trở thành những người kiến ​​tạo hòa bình

Một yếu tố khác nảy sinh từ sự thực tế của thông điệp của gia đình Ulma, gia đình đã thực hiện cử chỉ hướng tới những người đang cần giúp đỡ nhất, nhu cầu cấp bách được chào đón. Đức Hồng Y Semeraro không quên sự dấn thân đáng khâm phục của Ba Lan trong việc giúp đỡ thường dân chạy trốn chiến tranh - cuộc xâm lược của Nga ở Ucraina: “Xin cho sự chuyển cầu của các tân chân phước và chứng tá bác ái Tin Mừng của các ngài khuyến khích mọi người có thiện chí trở thành những người kiến ​​tạo hòa bình.”

Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cũng chân thành cảm ơn nhiều người Ba Lan khác đã cho người Do Thái tị nạn trong Thế chiến thứ hai và phải trả giá cho sự lựa chọn có ý thức này bằng mạng sống của họ. Ngài cũng hy vọng mạnh mẽ rằng “chứng tá tử đạo của gia đình Ulma sẽ khơi dậy trong tất cả chúng ta ước muốn chân thành được tuyên xưng và sống đức tin một cách can đảm.”

 
g

Thánh lễ phong chân phước gia đình Ulma

Gia đình Ulma là một mẫu mực của đời sống Kitô hữu cho mọi người 

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật ngày 10/9/2023, Đức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh lễ tuyên phong chân phước diễn ra cùng ngày tại Ba Lan và ca ngợi sự anh hùng của gia đình Ulma khi chấp nhận hy sinh mạng sống để cứu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao các hành động của gia đình Ulma như một mẫu mực của đời sống Kitô hữu cho mọi người noi theo. Ngài gọi gia đình này là “một hình mẫu để chúng ta bắt chước trong nỗ lực làm điều tốt và phục vụ những người đang cần giúp đỡ”. Ngài nói: “Để đáp lại sự hận thù và bạo lực đặc trưng vào thời đó, họ đã đón nhận tình yêu Tin Mừng”. Ngài nói thêm rằng gia đình Ba Lan “đại diện cho một tia sáng trong bóng tối của Thế chiến thứ hai”. Ngài kêu gọi các Kitô hữu noi gương các tân chân phước bằng cách “chống lại sức mạnh của vũ khí bằng lòng bác ái, và những lời hùng biện bạo lực bằng lời cầu nguyện kiên cường”.

 
i

Thánh lễ phong chân phước gia đình Ulma

Lòng trung thành với những giá trị 

Trước đó, trong lá thư gửi đến Cha Miroslaw Kalinowski, Viện trưởng Đại học Công giáo Lublin, nơi đã xuất bản cuốn sách “Được tử đạo và được phong chân phước cùng nhau: Câu chuyện phi thường của Gia đình Ulma”, Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng “Chớ gì sự hy sinh của gia đình Józef và Wiktoria Ulma cùng con cái của họ, những người đã không ngần ngại cống hiến mạng sống của mình để giúp đỡ 8 người gốc Do Thái, đối với chúng ta và các thế hệ tương lai, sẽ là biểu tượng của lòng trung thành với những giá trị không bao giờ bị phản bội ngay cả đứng trước sự đe dọa phải hy sinh mạng sống”.

Cuốn sách về gia đình Ulma được viết bởi Manuela Tulli, một nhà báo người Ý của hãng tin ANSA, và Cha Pawel Rytel-Andrianik, phụ trách chương trình tiếng Ba Lan của Vatican News, và phó giám đốc Trung tâm Heschel của Đại học Công giáo Lublin.

Cuốn sách khám phá cuộc đời và sự tử đạo của gia đình Ulma trong Thế chiến thứ hai và trong cuộc diệt chủng Do Thái. Nó cũng cung cấp cái nhìn thoáng qua về những người Do Thái đã thiệt mạng cùng với gia đình Ulma: Shaul Goldman và bốn người con trai của ông, Lea Dider và con gái Reszla, và Golda Grünfeld. Nó bao gồm những bức ảnh được chụp bởi ông Józef Ulma và được xuất bản bằng ba thứ tiếng.

Trong thư, suy tư về các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và hiện tại, Đức Tổng Giám mục Peña Parra cho biết Đức Thánh Cha hy vọng rằng “việc nhắc nhớ lại các sự kiện của Thế chiến II, sự kiện đã dẫn đến việc tiêu diệt hàng triệu người, bao gồm cả trẻ em vô tội và nạn diệt chủng Holocaust mà người Do Thái đã trải qua, sẽ khuyến khích việc suy tư về tình hình thế giới hiện nay.” Ngài lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên than thở rằng thế giới của chúng ta đang bị xâu xé bởi “một Thế chiến thứ ba diễn ra từng phần”.
Vatican News
 

Nguồn tin: vaticannews.va/vi

TIN BÀI KHÁC


***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm164
  • Hôm nay59,884
  • Tháng hiện tại1,152,441
  • Tổng lượt truy cập71,180,198
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây