Tha thứ, trọng tâm thực sự của lòng thương xót
Thứ sáu - 23/09/2016 03:01
974
Theo thường lệ, mỗi thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha dành thời gian dạy giáo lý và chào đón khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Thứ Tư, ngày 21 tháng 9 vừa qua, dù trời mưa nhưng vẫn có nhiều tín hữu từ khắp nơi về Vatican để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Trước buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã dành thời gian để gặp gỡ riêng các bệnh nhân, người tàng tật và trẻ em tại phòng riêng bên trong.
Lần tiếp kiến chung này, Đức Thánh Cha đã quảng diễn lòng thương xót được đề cập trong Tin mừng theo thánh Luca: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ” (Lc 6,36). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng câu: Anh em thương xót như Cha không đơn giản như khẩu hiệu trống rỗng, mà chính là sự dấn thân bằng đời sống. Đoạn Tin mừng này được Đức Thánh Cha nối kết với đoạn khác của tin mừng theo Thánh Matthêu chương 5 câu 48 nói về bài giảng trên núi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”. Đoạn Tin mừng này nói đến sự hoàn hảo chính là Tình yêu và tình yêu đem đến sự hoàn hảo chính là tình yêu xót thương. Trở nên thương xót đích thực là con đường đúng đắn để đạt tới tình yêu, tới Thiên Chúa và gần đến sự hoàn hảo của Ngài.
Đức Thánh Cha tiếp tục với câu hỏi làm người nghe phải suy nghĩ: Liệu rằng những lời của Thiên Chúa đã được thực thi? Nếu nhìn vào mặc khải của Thiên Chúa thì chúng ta nhận ra rằng mặc khải đó được thực thi bởi tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa như một người cha, người mẹ luôn yêu thương con bằng tình yêu vô ngần; đỉnh điểm là hy sinh người con duy nhất, chết trên thập giá, là Đức Giêsu Kitô. Đứng trước tình yêu đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên những chứng nhân của lòng thương xót như Cha, bằng đời sống và việc làm. Giáo Hội là bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới, chính vì vậy mà mỗi kitô hữu phải trở nên dấu chỉ của lòng thương xót. Một trái tim đầy tràn lòng thương xót là một trái tim tốt và chân thực, ngược lại, ai không có lòng xót thương thì mang trong mình một quả tim cằn cỗi, khô cứng.
Giáo hội và lòng thương xót là hai khái niệm không tách rời, được hiểu thấu đáo thông qua hai động từ: tha thứ và trao tặng. Sự tha thứ, đối với con người, nghĩa là khả năng ngừng xét đoán và kết án. Để có được mối tương quan huynh đệ với nhau thì cần biết tha thứ và nhớ đến tình yêu mà Thiên Chúa đã ghi dấu trên chúng ta. Chúng ta phải tha thứ và yêu thương bởi vì chính chúng ta đã được thứ tha và được yêu thương trước. Mỗi người chúng ta cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa và tha thứ cho tha nhân. Các tín hữu có nhiệm vụ đem lại phẩm giá làm con Cha cho người khác và đồng hành với họ hướng tới con đường trở lại. Động từ thứ hai mà Đức Thánh Cha nhắc đến chính là sự ban tặng. Thật vậy đoạn tin mừng Luca 6,38 đã khẳng định: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại”. Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn điều mà chúng ta xứng đáng, do đó, chúng ta phải quảng đại cho đi. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta lòng xót thương thì chúng ta cũng đem chia sẻ cho những người anh em bên cạnh.
Tác giả: Lm. Giuse Vũ Văn Hiếu