Thực thi công việc lòng thương xót là cách mạng lớn
Thứ sáu - 14/10/2016 10:38
1178
Đó là lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 12 tháng 10, cùng với 70 ngàn tín hữu khắp năm châu về hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.
Tiếp tục loạt bài giáo lý về năm thánh, Đức Thánh Cha khẳng định lại “Hãy thương xót như Cha” (Lc 6,36) là “một sự dấn thân chất vấn lương tâm và hành động của mỗi kitô hữu”. Không chỉ dừng lại nơi “kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa”, điều mà bất cứ ai cũng lãnh nhận, nhưng phải trở nên “dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót cho người khác”, không chỉ ở những khoảnh khắc đặc biệt mà trong mỗi giây phút tồn tại thường ngày của chúng ta.
Đức Thánh Cha đã chỉ dẫn một vài chìa khóa để giúp tín hữu trở nên những chứng tá lớn mạnh của lòng thương xót: “Chúng ta đừng nghĩ rằng nó chỉ là việc chu toàn các cố gắng lớn hay các cử chỉ siêu nhân. Thiên Chúa chỉ cho chúng ta một con đường rất đơn sơ, được làm bằng các cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng có một giá trị lớn lao trước mắt Ngài, đến độ Ngài đã nói với chúng ra rằng chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên các cử chỉ đó”.
Chính Tin mừng theo Thánh Matthêu đã chỉ dẫn cho chúng ta những “công việc thương xót phần xác”, được Đức Thánh Cha coi như “di chúc của Chúa Giêsu”, điều nói với chúng ta rằng “mỗi lần chúng ta trao tặng của ăn cho những ai đói, của uống cho những ai khát, quần áo mặc cho người trần truồng, đón tiếp khách lạ, thăm viếng người ốm đau, tù đầy, là chúng ta làm cho chính Ngài” (x Mt 25,31-46).
Theo đó, Đức Thánh Cha thêm 7 việc tinh thần của lòng thương xót, trên tất cả ngày hôm nay cần chú ý đến “những đòi hỏi quan trọng của con tim” và chạm tới “sự sâu thẳm của con người”. Việc đầu tiên được Đức Thánh Cha đề cập là sự “chịu đựng kiên nhẫn với những người quấy rầy”, vì điều này chứa đựng “tình cảm bác ái sâu xa”. Những tuần cuối của Năm Thánh, Đức Thánh Cha sẽ tiếp nối bài giáo lý với các việc còn lại.
Thật vậy, trong lịch sử đã biết bao nhiêu người thực thi những công việc của lòng thương xót, họ đã làm “chứng đích thực về đức tin”, trở nên dấu chỉ của “tình yêu Thiên Chúa đối với những người yếu đuối nhất” mà Giáo hội cần chăm sóc. Đức Thánh Cha nhấn mạnh “luôn luôn có những người thân cận với chúng ta, họ cần đến sự trợ giúp của chúng ta”, và “tốt hơn là bắt đầu với những việc đơn sơ nhất, mà Chúa chỉ cho chúng ta như là các công việc cấp thiết nhất”. Đặc biệt, trong thế giới mà sự thờ ơ, vô cảm như những virus trầm trọng thì thực thi những việc bác ái chính là phương thuốc hữu hiệu. Những cử chỉ đó cho phép chúng ta chấp nhận khuôn mặt của Đức Kitô nơi những anh em bé nhỏ nhất.
Thực thi những “cử chỉ đơn giản” hay còn gọi là những “công việc của lòng xót thương”, chúng ta có thể “hoàn thiện một cuộc cách mạng văn hóa đích thực”, điều mà rất “nhiều vị thánh được ghi nhớ không phải là do các công việc lớn lao các ngài đã thực hiện nhưng vì việc bác ái của các ngài được lưu truyền lại”. Đức Thánh Cha nhắc tới Mẹ Thánh Têrêsa mới được phong thánh như là ví dụ điển hình, Ngài nói: “chúng ta nhớ đến Mẹ Thánh không phải vì nhiều ngôi nhà được mở ra trên thế giới, mà bởi cử chỉ hạ mình cúi xuống trước mỗi con người mà Mẹ tìm gặp trên nề đường để trả lại cho họ phẩm giá”. Do đó, Ngài kêu gọi mỗi người hãy thực thi ít nhất một việc của lòng thương xót, như những chìa khóa mở ra viễn tượng tích cực cho thế giới ngày nay.
Kết thúc buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha đã khẩn cầu Chúa Thánh Thần “thắp lên trong chúng ta sự ao ước sống bằng phong cách sống này”, phong cách được linh hứng bởi các việc thể xác và tinh thần của lòng xót thương, và đem chúng ra thực hành mỗi ngày.
Lm. Giuse Vũ Văn Hiếu