Tự do không hoàn toàn

Thứ tư - 24/06/2020 04:09  850
Chuyện kể rằng có một con cá nhỏ được nuôi trong bể từ bé. Ngày ngày nó nhìn ra ngoài và tự hỏi: Ngoài kia có gì hay? Nó khao khát được khám phá thế giới ấy vì nghĩ rằng ngoài đó sẽ vui và thoải mái hơn trong này rất nhiều. Rồi một hôm, nó gặp một con cá lớn tuổi và hỏi: Chúng ta đã ở trong cái bể này quá lâu rồi. Tại sao không ra ngoài kia để có thể khám phá nhiều thứ mới mẻ và đẹp đẽ hơn?

Con cá lớn tuổi trả lời: Con à! Chúng ta chỉ nên tung tăng trong cái bể này thôi bởi nếu ra ngoài kia, con sẽ chết đấy.

Con cá nhỏ không tin những lời ấy bởi nó nghĩ: Có biết bao loài động vật khác đang tung tăng ngoài kia mà nào có chết đâu. Thế rồi bất chấp lời khuyên can, nó lấy hết sức phóng mình qua cái bể. Sau nhiều lần thất bại, rồi nó cũng thành công. Những phút giây đầu tiên ở thế giới bên ngoài làm nó hứng khởi vô cùng. Biết bao nhiêu điều mới mẻ ập vào mắt làm nó sung sướng. Nó còn quay lại chê cười sự ấu trĩ của con cá già và tự hào rằng nó đã có một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng thể kéo dài được bao lâu. Da của nó dần khô lại. Nó cứng đờ dần đi vì không thể hô hấp. Trước khi chết, nó cố gắng quay nhìn về phía cái bể đầy tiếc nuối; và nó thấy con cá già đang nhìn nó với ánh mắt buồn rượi.

Con cá nhỏ chết vì nó không biết rằng nó chỉ có thể sống được ở trong môi trường nước. Ra khỏi đó nó sẽ chết. Và nó cũng không lường được biết bao nhiêu những nguy hiểm khác đang chờ nó ở bên ngoài. Câu chuyện trên đưa chúng ta đến với những suy tư về sự tự do của mỗi người trong cuộc sống. Tự do là một trong những quà tặng mà Thượng Đế đã ưu ái ban cho con người. Nhưng sử dụng món quà ấy ra sao để cuộc sống được trở nên viên mãn lại là một thách đố cho chính người sử dụng nó. Vì gắn liền với tự do ấy là  trách nhiệm và hậu quả mà mỗi người chúng ta phải tự gánh lấy.

Có bạn trẻ thường nói với tôi rằng: “Tôi tự do nên tôi có thể làm gì tùy thích và không ai có thể cấm tôi được”. Liệu điều đó có thật sự đúng đắn?

Tôi thiết nghĩ điều bạn ấy nói phần nào có lý bởi Thiên Chúa đã ban cho con người tự do ngay từ buổi ban đầu. Trình thuật tạo dựng trong sách Sáng thế cho chúng ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho họ quyền làm bá chủ trên tất cả, để con người sử dụng chúng thế nào tùy thích.

Như vậy, tự do là cái nằm ngay trong ơn gọi làm người của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, câu hỏi được đưa ra là liệu có phải tự do ấy cho phép chúng ta làm tất cả mọi điều chúng ta muốn? Câu trả lời rõ ràng là không bởi tự do chỉ thực sự đem lại ơn ích cho người sử dụng nó nếu nó được dùng trong vòng quy tắc nhất định đã được xã hội quy chuẩn. Quay trở lại với ông bà nguyên tổ, chúng ta thấy họ được phú ban cho tự do, nhưng chính vì sử dụng tự do sai cách và trái với quy định Thiên Chúa đặt ra nên họ đã phải lãnh hậu quả là phải xa cách Thiên Chúa và vườn địa đàng mãi mãi.

Hình ảnh của Giu-đa trong Tân ước cũng là một minh chứng cho chúng ta thấy rằng, tự do cần phải được thực hiện trong khuôn khổ nếu muốn nó thực sự đem lại ích lợi thiết thực. Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly đã cảnh báo ông về việc ông sẽ phạm tội bán Người, nhưng Ngài để cho Giu-đa tự chọn lựa vì tôn trọng quyền tự do của ông. Ông bị tiền bạc trói buộc, nên tư tưởng, lời nói và việc làm của ông mất tự do. Hơn nữa khi bán Thầy mình, ông hối hận nhưng không quay về làm lại cuộc đời mà đã đi hủy diệt chính mạng sống của mình bằng cái chết.

Trong thế giới ngày nay, chúng ta thấy tự do đang biến thành một thứ axit có thể ăn mòn trái tim con người. Con người dường như đang đánh mất đi vẻ đẹp nguyên sơ và ý nghĩa đích thực của tự do. Nó vốn xuất phát từ ý định tốt lành của Đấng Tạo Hóa ngay từ buổi đầu, khiến nó chỉ còn là một công cụ để con người thỏa mãn chính mình giữa cộng đồng xã hội. Thay vì đặt để tự do như một ngưỡng cửa để tâm hồn có thể tiếp nhận thế giới, chúng ta ngày nay lại xem đó như một lý lẽ để gạt bỏ lẫn nhau, triệt hạ những gì đang cản trở mình. Lắm lúc tự do lại là một tấm áo giáp lý tưởng cho một lối sống đầy bản năng: “Vì tôi tự do nên tôi hành động theo ý tôi, theo sở thích của tôi, theo những ham muốn của tôi, theo những gì có lợi cho tôi…”

Trở lại câu nói trên của người bạn trẻ. Bạn nói bạn tự do, bạn thích đi đâu, làm gì tùy ý bạn. Điều đó không hoàn toàn sai, nhưng bạn nên nhớ rằng tự do của bạn cũng cần phải được thực hiện trong một khuôn phép nhất định. Và chính bạn, bạn cũng cần phải thực hiện tự do của mình trong sự tôn trọng tự do của người khác. Khi tham gia giao thông bạn vẫn cần phải đi đúng làn đường, vẫn phải tuân thủ luật lệ giao thông. Khi bạn “lỡ mang thai”, dù bạn có tự do chọn lựa để hay bỏ đi vì trăm ngàn lý do, nhưng bạn vẫn phải đối mặt với tòa án lương tâm của chính bạn.

Và điều cuối cùng là chúng ta đừng bao giờ lạm dụng tự do để tự ý quyết định điều này điều kia chỉ cho riêng mình. Như thế là chúng ta đang làm nô lệ và tự tạo màn che bên ngoài cho những thói quen, những bản năng thấp hèn của mình. Thánh Phê-rô căn dặn: “Anh em hãy sống như những người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như tôi tớ Thiên Chúa” (1 Pr 2,16). Thật vậy, chiều sâu của con người không phải là những cái bên ngoài nhưng mà là cái bên trong - tự do đích thực - tự do có Thần Khí Thiên Chúa vì “Ở đâu có Thần Khí, ở đó có tự do” (2 Cr 3,17).

Như vậy, tự do đích thực chính là chấp nhận để cho bản thân mình được thể hiện qua một sự lựa chọn theo lương tâm, phán đoán hợp với lý trí tự nhiên và ý muốn của Thiên Chúa. Tự nguyện đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng cách luôn chiến đấu để đạt tới “Sự tự do của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21); và tự do đích thực đó cũng cần nhiều lòng mến phải không bạn!

Tác giả: Dạ Quỳnh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập311
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm247
  • Hôm nay29,686
  • Tháng hiện tại971,903
  • Tổng lượt truy cập70,999,660
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây