Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất
Thứ tư - 14/04/2021 05:13
3843
Thánh Phaolô trong thư gửi ông Timôthê đã nói: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu. Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi” (1Tm 2, 3-6). Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy được ơn cứu độ nơi chính Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là nguồn ơn cứu độ duy nhất cho mọi người. Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật và là Đấng trung gian duy nhất Giữa Thiên Chúa và con người, là Chiên Thiên Chúa và là Đấng xoá bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29).
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, nhất là về tư tưởng của các nền triết học và các bè phái không ngừng chống đối lại niềm tin của Giáo hội, làm sai lạc đức tin tinh tuyền của các tín hữu thời Giáo hội sơ khai. Trước ảnh hưởng đó, các Giáo phụ cũng không ngừng lên tiếng bảo vệ ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, bảo vệ đức tin tinh tuyền và chân lý toàn vẹn về ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh Giáo phụ Irênê nói: “Đấng là Con Thiên Chúa, người đã cam chịu đau khổ, Đấng là Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha, đã trở thành con của loài người… Nếu không phải là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn cứu độ, thì chúng ta không lãnh nhận ơn đó một cách vững bền được… Thật vậy, làm sao ta có thể tham dự quyền được Thiên Chúa nhận làm con, nếu ta không nhờ Đấng là Con mà nhận từ Thiên Chúa ơn thông hiệp với Thiên Chúa, nếu Người không ban cho ta Ngôi Lời Nhập Thể của Người. Vậy điều cần thiết là Đấng có nhiệm vụ giết chết tội lỗi, và cứu chuộc con người đáng án tử, phải trở nên giống y con người, nghĩa là một người bị tội lỗi kéo về kiếp nô lệ và bị cái chết cầm giữ: như thế tội lỗi sẽ bị một người huỷ diệt và con người sẽ được thoát chết”.
Cứu độ chỉ có nghĩa nếu Thiên Chúa đích thân làm người và nếu Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người thật; Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (Thánh Athanasiô). Thánh Athanasiô còn nói tiếp: “Ngôi Lời vô thể của Thiên Chúa, vốn là bất hoại và vô chất đến nơi ăn chốn ở chúng ta, dù trước đó người không hề xa cách. Quả vậy, Người không để phần nào trong loài thọ tạo phải trống vắng mà không có Người hiện diện, nhưng Người cho khắp nơi sự viên mãn, Người luôn luôn ở bên cạnh Chúa Cha. Nhưng Người [muốn mình] hiện diện mà tự hạ để cứu giúp chúng ta bằng cách biểu lộ chính mình và lòng yêu thương của mình đối với nhân loại”. Thánh Gioan cũng cho chúng ta thấy Ngôi Lời là Thiên Chúa đầy đủ, chứ không phải là một người thần hoá như bè phái Ariô đã nói. Logos (Chúa Con) không phải là Thiên Chúa, Logos không chỉ kém hơn Thiên Chúa về “cấp độ” mà còn về “bản thể” nữa. Thánh Ambrôsiô thì cho rằng: “hai bản tính của Đức Giêsu Kitô đó là bản tính Thiên Chúa và bản tính con người của Ngài đều phục vụ cho công trình cứu độ”. Ngài nói tiếp: “Tiếng khóc của Người khi còn là Hài nhi oe oe giờ đây thanh tẩy tôi, những giọt lệ đó đã gột rửa tội lỗi tôi. Lạy Chúa Giêsu con nhớ ơn Chúa đã chịu nhục mạ để cứu độ con, hơn là nhớ ơn Chúa đã chịu nhục mạ để cứu độ con, hơn là nhớ ơn Chúa đã ra tay để tạo dựng con. Lợi lộc gì cho con nếu ra đời mà không được hưởng ơn cứu độ”.
Thánh Augustinô còn nhấn mạnh hơn nữa khi nói rằng chính tội lỗi đã làm cho con người phải xa cách Thiên Chúa và chúng ta cần phải có một đấng trung gian để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi: “Chúng ta đã chẳng được giải phóng, bởi Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nghĩa là bởi Đức Giêsu Kitô-con người, nếu Người không tự thân là Thiên Chúa. Khi Ađam được tạo dựng, ông không cần ai làm trung gian vì chưa mắc tội, nhưng sau khi tội lỗi đã tạo ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người điều cần thiết là cho đến khi xác phàm cần sống lại để sống vĩnh cửu, chúng ta phải được hoà giải với Thiên Chúa nhờ một Đấng Trung Gian, Đấng duy nhất đã sinh ra, đã sống và đã bị sát tế mà không phạm tội bao giờ. Đấng Trung Gian hoà giải là Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, bởi chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đó là một con người Đức Giêsu Kitô (x.1Tm 2,5). Để phá bức tường do tội lỗi dựng lên, vị trung gian thần thiêng đó đã đến và đã vừa làm thượng tế vừa làm tế vật. Ngài đã tự hiến làm của lễ toàn thiêu trên thập giá nơi Người trút hơi thở cuối cùng.
Thật vậy: Đấng cứu độ chúng ta phải là Thiên Chúa và là người đích thực đem lại sự đền bù và tình thương (Toma Aquinô). Đấng cứu độ ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Người được gọi là Đấng Trung Gian trong tư cách Người đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa, bằng cách xoá bỏ tội lỗi ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa. Nhờ cuộc khổ nạn của Người, con người mới biết Thiên Chúa yêu thương mình dường nào và từ đó được khơi dậy lòng yêu mến Người. Chính tình thương đó làm cho ơn cứu độ con người đạt tới mức thập toàn. Vì thế, Thánh Phaolô nói: “Thế mà Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta ngay sau khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).
Mặt khác, “Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ cần thiết, điều này dựa trên nền tảng là Satifactio mà sự công chính của Thiên Chúa đòi hỏi. Nhưng không được hiểu Satifactio đơn thuần theo nghĩa vật chất. Theo lối hiểu của Anselmô, tội không chỉ là vi phạm một trật tự, mà còn xúc phạm đến danh dự của Thiên Chúa và thánh ý của Người, người ta đã không giữ chữ tín phải có đối với Thiên Chúa […], chúng ta đã được tiên liệu từ lúc khởi đầu” (Anselme). Thiên Chúa đã không đòi buộc Đức Giêsu phải chết vì người không hề phạm tội, nhưng chính Người đã tự nguyện hứng chịu cái chết, không phải do một đức vâng lời Người từ bỏ mạng sống, mà vì một đức vâng lời Người phải giữ gìn sự công chính mà Người đã kiên trì noi theo đến nỗi nhận lấy cái chết để cho mọi người được hưởng ơn cứu độ.
Dựa trên nền tảng của thư gửi tín hữu Roma Công đồng Trentô khẳng định: “Trong khi chúng ta còn là thù nghịch, thì Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, với tư cách là nguyên nhân công trạng, đã lập nên công trạng, để chúng ta được công chính hoá, nhờ cuộc tử nạn rất thánh thiện của Người trên cây gỗ thập giá và đã đền bù cho Cha người vì chúng ta”. Công đồng nói tiếp: “Lòng nhân lành của Thiên Chúa đối với loài người lớn lao đến nỗi Người muốn rằng các ân sủng chính Người ban phát trở nên công trạng cho họ”.
Để chống lại lạc thuyết của Ariô, Công đồng Nicêa lên tiếng bảo vệ đức tin của Giáo hội, đồng thời kết án những cá nhân và bè rối đã đưa ra những thuyết sai lạc về Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất. Công đồng đã chấp thuận một bản tuyên xưng đức tin: “Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất…phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Công đồng Chalcedonia đưa ra một niềm xác tín rõ ràng hơn về Đức Giêsu Kitô, “Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật như chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi”. Trong hai bản tính của Người, bản tính con người và bản tính Thiên Chúa. Công đồng chỉ định rõ: “Một Đức Kitô duy nhất, Chúa Con, Đức Chúa và Con Một”, đã được biết đến trong hai bản tính này, mà không phương hại đến các đặc tính đầy đủ của hai bản tính này, các bản tính ấy nay vẫn tiếp tục hiện hữu “không trộn lẫn hoặc thay đổi, không bị phân chia hoặc phân tách, trong khi vẫn thuộc về chỉ một chứ không phải là hai “bản vị”. Như thế, cùng với sự nhấn mạnh vào sự hợp nhất của bản tính Thiên Chúa và bản tính con người trong Đức Giêsu Kitô, Công đồng đã kết án những người không tôn thờ Thiên Chúa Ngôi Lời đã thành xác phàm cùng với xác thịt của Người. Công đồng Vaticanô II cũng cho chúng ta thấy mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải qua Ngôi Lời: “Thiên Chúa, Đấng tạo dự và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x.Ga 1,3), không ngừng làm chứng về Người qua các tạo vật (x.Rm 1, 19-20). Vì muốn mở đường cứu rỗi cao trọng, nên từ đầu Ngài còn tỏ mình ra cho tổ tông chúng ta” (DV.3) và đến thời sau hết, Thiên Chúa nói với chúng ta qua chính Người Con (Dt 1, 1-2). Thực vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (Ga 1, 1-18). Bởi vậy, Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể “là người đã được sai đến với loài người”, “nói tiếng nói của Thiên Chúa” (Ga 3, 34), và đã hoàn thành công trình cứu rỗi mà Chúa Cha đã giao phó cho “Người thực hiện… Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời” (DV.4). Chúng ta biết rằng Kitô giáo không phải là một lời loan báo về một số điều kiện hoặc các dữ kiện, các thực tại luôn luôn giống nhau, nhưng là lời công bố về lịch sử cứu độ, về công trình cứu rỗi và mạc khải của Thiên Chúa cho con người và với con người. Vì hành động của Thiên Chúa nhắm thẳng đến con người như một chủ thể tự do nên cùng lúc ấy, Kitô giáo cũng là lời công bố về một lịch sử cứu rỗi.
Trong Tuyên ngôn DOMINUS JESUS, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một lần nữa khẳng định vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu Kitô: “Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, không những thiết lập Hội Thánh như một cộng đồng đơn giản gồm các môn đệ nhưng đã tạo nên một Giáo hội như một mầu nhiệm cứu rỗi; chính Người ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Người (x. Ga 3, 28; Ep 4, 15-16). Dó đó, sự viên mãn của mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô cũng thuộc Giáo hội liên kết không thể phân ly với Chúa của mình…” (số 16).
Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật đã đến trần gian để cứu độ nhân loại. Người đã thiết lập Giáo hội, đã trao lại cho Giáo hội sứ vụ đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin mừng về sự Phục sinh của Người, ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ (x. Mc 16, 15), và chính Người đã hứa ở lại với Giáo hội cho đến ngày tận thế (x. Mt 28, 20). Sự sống lại của Chúa Giêsu chính là bảo chứng niềm tin cho những ai tin vào Người sau khi chết.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin ban Chúa Thánh Linh để biến đổi mỗi người chúng con nên thụ tạo mới của Chúa, để qua cái chết và sự Phục sinh Chúa, chúng con được hưởng ơn cứu độ.
Phan Tán Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Học viện Đa Minh 2012, tr.238. Karl-Heinz-Ohlig,…Sđd, tr. 294. Karl-Heinz-Ohlig,…Sđd, tr. 314. Nguyễn Văn Khanh,Ofm, Cuộc vượt qua của Đức Giêsu Kitô, Kitô học, tập II, Nxb TP HCM, 2014, 129. Nguyễn Văn Khanh,…Sđd, tr.131. x. Phan Tấn Thành, Mầu nhiệm Thiên Chúa, Học viện Đaminh, 2012, tr.248. Gerard O’Collins, SJ, Kitô học,…Sđd, tr. 302.