Lễ thánh Đaminh 2020

Thứ sáu - 07/08/2020 05:07  5931
download 2Lễ Thánh Đa Minh 2020 có lẽ đặc biệt nhất từ trước tới giờ. Đặc biệt, vì được tổ chức “cấp giáo xứ” chứ không phải “cấp giáo phận” do hoàn cảnh đại dịch covid 19 đang hoành hành; đặc biệt vì vắng bóng nhà thờ Chính Tòa, vắng bóng những hình ảnh quen thuộc của ngày đại lễ: những đoàn hành hương, những cuộc cung nghinh, Thánh lễ Chính Tiệc… Chắc hẳn, nhiều người cũng cảm thấy tiếc nuối và buồn sầu, vì không được “trẩy hội lên đền” trong ngày lễ Đầu Dòng, một ngày lễ mà chỉ nghe nói đến cũng đã nức lòng con dân Bùi Chu khắp nơi xa gần. Tuy nhiên, vì sức khỏe cộng đồng, vì sự an toàn cho mọi người và thiện chí trong việc chung tay phòng chống dịch, thiết nghĩ đây cũng là một quyết định được mọi người tích cực đón nhận.

Dầu vậy, dưới một góc nhìn khác, việc mừng lễ Thánh Đa Minh theo cung cách ngoại thường này lại có thể giúp chúng ta lắng lòng để cảm nhận sâu hơn ý nghĩa của ngày lễ Quan Thầy đệ nhị của Giáo Phận.

Mừng lễ Đầu Dòng

Gọi là Lễ “Đầu Dòng” vì là lễ kính Thánh Tổ Phụ lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo (OP, quen gọi là Dòng Đa Minh hay Dòng Giảng Thuyết). Bà con chân quê còn phát âm là lễ “Đầu Ròng”: “sắp đến lễ Đầu Ròng rồi”, “Có đi lễ Đầu Ròng không?”…

Lễ Đầu Dòng có lẽ đã được tổ chức vào những năm 1676, khi các cha Đa Minh bắt đầu đến Bùi Chu, nhưng việc tổ chức long trọng tại Nhà thờ Chính Tòa thì mãi về sau mới có. Cuốn Sử ký Địa Phận Trung (1916) ghi lại Lễ Đầu Dòng như sau: “Ngày lễ ông thánh Duminhgô, thì các đấng giảng đạo và phần nhiều các đấng thầy cả bản cuốc, và cả Đức Thầy trong Địa phận cũng đứng đầu mà đến hội nhau tại nơi Cha Chính trị sở, và làm lễ trọng. Ngày ấy Đức Thầy làm lễ chính tiệc cách trọng thể; lễ đoạn kiệu ảnh tượng thánh Duminhgô chung quanh nhà thờ, rồi các bậc trong nhà Đức Chúa Lời, là Đức Thầy, Cha Chính và các đấng giảng đạo, các đấng thầy cả bản quốc, các thầy, các chú, các cậu ở nhà chung, hay là ở các xứ khác đã đến thông công, thì hội nhau tại nhà nguyện nhà chung, rồi Đức Thầy ngồi giữa, còn Cha Chính và các đấng thì ngồi hai bên Đức Thầy; bấy giờ các đấng thầy cả, các thầy, các chú, và các cậu cứ lượt mà lạy riêng Đức Cha và Cha Chính, cùng lạy chung các đấng thầy dòng nữa, có ý tạ ơn Đức Chúa Lời và kính trọng thể thánh Duminhgô trong con cái Người”[1].

Như vậy, ngày lễ Thánh Đa Minh là ngày lễ giúp chúng ta tìm về nguồn qua việc ôn lại công lao của các nhà thừa sai, các cha, các thầy dòng Đa Minh qua việc tôn kính Vị Đầu Dòng là Thánh Tổ Phụ lập Dòng.

Ngày lễ truyền thống

Việc tổ chức trọng thể lễ Thánh Đa Minh được thực hành trong Giáo Phận hàng năm như một truyền thống rất tốt đẹp. Lễ Đầu Dòng chính là một ký ức đức tin sâu đậm của con dân Bùi Chu. Chính vì thế, vào ngày lễ này, nhiều cha và nhiều tín hữu dù ở xa, nhất là ở Thái Bình và Hưng Yên (truớc thuộc Địa phận Trung) cũng vẫn nhớ ngày lễ mà quy tụ về mừng Cha Thánh.

Dù việc mừng lễ Đầu Dòng có lẽ đã có từ khi các Cha Đa Minh đến Bùi Chu (từ 1676 trở đi), nhưng sử liệu có được sớm nhất về lễ Đầu Dòng được tìm thấy trong Sử ký Địa phận Trung là năm 1844: “Năm 1844 Đức thầy sức làm lễ đầu dòng ở làng Nam am cách trọng thể cho bổn đạo xem mà bớt sợ, có Đức Cha và bốn Đấng, chín Cụ, non hai trăm học trò, các thầy, các chú, các cậu và nhiều bổn đạo các làng lân cận đấy”[2]. Kế tiếp, Lễ Đầu Dòng năm 1854 được ghi lại như sau: “Đức Thầy An làm lễ Đầu Dòng tại làng Lục Thuỷ Hạ (Liên Thuỷ ngày nay) cách trọng thể linh đình, có đủ các Đấng, các Cụ, nhiều anh chị em về các nhà xứ, các nhà mụ trong Địa phận, và hơn hai vạn bổn đạo đến thông công. Đức Cha lừa dịp tốt ấy để hội công đồng riêng Địa phận mà bàn luận thêm nhiều việc có ích chung”[3].

Truyền thống này được kế thừa tốt đẹp bởi Đức Cha bản quốc tiên khởi Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn. Ngay sau khi nhận Giáo phận (03/8/1935), Ngài đã cử hành long trọng Lễ Đầu Dòng tại Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu (04/8/1935)[4]. Dù từ năm 1935, Địa phận Bùi Chu không còn trực thuộc sự coi sóc của Dòng Đa Minh nữa, nhưng để ghi nhớ công ơn của Dòng, Thánh Đa Minh đã được tôn nhận là Quan Thầy Đệ Nhị của Giáo phận và tổ chức đại lễ mừng kính hàng năm tại Nhà thờ Chính Toà Bùi Chu rất long trọng.

Vào mỗi ngày lễ quan thầy, hình ảnh giáo dân Bùi Chu, nam phụ lão ấu từ khắp muôn phương, ùn ùn nô nức kéo về Nhà thờ Bùi để mừng lễ, với hành trang là cỗ tràng hạt, tấm áo mưa, củ khoai, nắm cơm… đã trở nên khá quen thuộc. Thậm chí, để dự lễ, họ đã chuẩn bị cả tháng trước và nhất là đã sốt sắng làm tuần chín ngày kính Thánh Cả Đầu Dòng.

Cơ hội đào sâu Đức Tin

Mỗi dịp lễ Đầu Dòng, con dân Bùi Chu quây quần bên Cha Thánh để được củng cố và vun trồng Cây Đức Tin của mình.

Đức tin ấy được củng cố và vun trồng nhờ tìm về nguồn. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1659-1679, Bùi Chu thuộc Địa phận Đàng Ngoài dưới quyền coi sóc của Đức Cha Françoise Pallu, đức cha Lambert de la Motte quản nhiệm thay.

Từ năm 1679, địa phận Đàng Ngoài được chia đôi, thì Bùi Chu thuộc địa phận Đông Đàng Ngoài và là trụ sở chính của Địa Phận. Trong suốt thời gian 1679-1848, Toà Giám Mục đặt tại Lục Thuỷ Hạ (nay là Liên Thuỷ), Trà Lũ (nay thuộc xứ Phú Nhai), Trung Linh và Bùi Chu. Từ năm 1677 đã có ba cha Dòng Đa Minh (Juan Ramos, Juan de Santa Cruz - Thập và Juan d’Arjona) đến phục vụ tại Bùi Chu, trụ sở tại Trung Linh. Từ đó, Dòng Đa Minh liên tiếp gửi các cha dòng Đa Minh từ Manila đến phục vụ Bùi Chu. Từ năm 1757, Toà Thánh giao cho các cha dòng Đa Minh chịu trách nhiệm hoàn toàn về Địa phận Đông (bao gồm Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng ngày nay). Từ thời này trở đi Giáo phận Bùi Chu luôn gắn liền với các giáo sĩ dòng Đa Minh.

Với sắc lệnh Apostolatus Officium, ngày 5 tháng 9 năm 1848, Địa phận Đông Đàng Ngoài chia đôi, và Bùi Chu trở thành trụ sở Địa Phận mới mang tên Địa Phận Trung, vì nằm giữa Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài, do đức cha Marti Gia coi sóc, với số tín hữu 139 ngàn, gấp 3 lần địa phận Đông. Thời này có 3 linh mục Đa Minh Tây Ban Nha, 14 linh mục Đa Minh Việt Nam, 20 nhà phước Đa Minh…

Những dấu ấn của lòng đạo Đa Minh dần dần nở rộ, như lễ kính trọng thể thánh Đa Minh, phong trào học hỏi Kinh văn Giáo lý từ thời Đức Cha Thánh An; tinh thần cầu nguyện, lần hạt, ngắm sự thương khó do Đức Cha thánh Xuyên khởi xướng; tổ chức mục vụ giáo hạt, giáo xứ, tháng Hoa, tháng Mân Côi trong thời Đức Cha Onate Thuận; thành lập nhà thương, “nhà thiên thần”, trại phong thời Đức Cha Định…

Đức tin và lòng đạo ấy được khởi sắc mỗi dịp lễ Đầu Dòng nhờ việc hành hương cầu nguyện trong Nhà Thờ Mẹ, sự cộng hưởng và hòa quyện đức tin và lời cầu của hàng vạn người, những lời giáo huấn và nhắn nhủ... Sự soi sáng của Lời Chúa, sự tác động của ơn thánh qua các Bí tích (nhất là Hòa giải và Thánh Thể), sự khích lệ của cộng đoàn và nhất là gương sáng của Thánh Nhân, giúp cho niềm tin yêu của mỗi người được thắp sáng và sưởi ấm sau mỗi lần dự lễ. Quả thật, gương sáng của Thánh Đa Minh vẫn còn rất sống động và truyền cảm hứng cho chúng ta, nhất là về đời sống cầu nguyện, tâm hồn bác ái, hy sinh, khiêm nhường, lòng yêu mến Lời Chúa, sùng kính Đức Mẹ, tinh thần truyền giáo…

Đức tin và lòng đạo Bùi Chu được nhờ khơi sáng di sản Đa Minh. Ghi nhớ dấu chân hào hùng của các Cha Thừa Sai dòng Đa Minh với những đóng góp to lớn của các Ngài cho công cuộc truyền giáo tại Bùi Chu, chúng ta nhận thấy di sản dòng Đa Minh trên đất Bùi thật phong phú. Các ngài đã thổi vào lòng giáo hữu Bùi Chu lòng yêu mến Lời Chúa, lòng hăng say truyền giáo, lòng sùng kính Đức Mẹ, lòng mộ mến Kinh Mân Côi và lòng tôn kính Cha thánh Đầu Dòng Đa Minh… Đây là những di sản, những truyền thống rất đẹp đẽ, không dì có thể phai mờ và cần được duy trì một cách sáng tạo trong thời đại chúng ta hôm nay…
******

Như vậy, việc mừng lễ Đầu Dòng hàng năm, không chỉ là một ký ức lịch sử, một truyền thống đạo đức, nhưng còn là dịp thuận tiện để con dân Bùi Chu cử hành và tỏa sáng Cây Đức Tin Bùi Chu, nhờ trở về nguồn, nhờ kín múc ân sủng nơi việc hành hương cầu nguyện và nhờ việc làm sống lại tinh thần dấn thân truyền giảng Tin Mừng của tiền nhân.

Những di sản vật thể có thể qua đi nhưng những di sản tinh thần thì mãi còn đó với thời gian để làm nên “vườn trân châu Bùi Chu muôn đời vẻ vang”! Ước mong “Cây Đức Tin đâm rễ sâu, mọc xanh tươi, dân Bùi Chu đức tin bừng sáng…”

[1] Sử ký Địa phận Trung, Phú Nhai Đường, 1916, tr. 222.
[2] Ibidem, tr. 68.
[3] Ibidem, tr. 71.
[4] Cf. Nguồn gốc lễ Đầu Dòng ở Giáo phận Bùi Chu, Lưu hành nội bộ, 2001, tr. 43-46.

Tác giả: Dominic Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập232
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm210
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại916,485
  • Tổng lượt truy cập78,919,936
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây