Con người: Sinh vật… lãng quên!
Thứ tư - 25/11/2020 20:46
1281
“Có những thực tại đáng quý trong đời ta mà chúng ta chỉ nhận ra sự hiện hữu khi nó biến mất hoặc vụt khỏi tầm tay”
“Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ có một ông vua muốn xây dựng vương quốc theo tinh thần "công bằng - bác ái". Để thể hiện điều đó, ở trong nước hay đi vi hành, ông đều ra rả nói về nào là sự bình đẳng và lòng bác ái, nào là phải thương yêu và giúp người nghèo... Tuy nhiên, trái với những gì ông nói, ông lại luôn tỏ ra là người đạo mạo, quan cách, uy nghiêm, khó gần và nhất là vô cùng độc quyền. Ông đi rất nhiều để thăm, để xin... Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, khi đối xử với những người thân cận, ông luôn là “người xa lạ” và vô cảm. Ông có thể tiếp đãi những quan lại hay những kẻ giàu có một cách vô cùng long trọng và bắt người dưới phải hầu hạ mà không một lời cám ơn. Ông đi kinh lý các lãnh địa, nơi các lãnh chúa dưới quyền và luôn dành cho mình cỗ nhất cùng với sự lạnh lùng vốn có và luôn thích có quà bỏ túi. Ông có thể tiếp đón những đoàn khách với cỗ nhất và những phòng tiện nghi nhất, trong khi những người ở cùng ông hằng ngày lại phải chôn vùi cuộc đời minh nơi những căn phòng tồi tàn và gần chuồng heo. Thế rồi, triều đại của ông phải chấp nhận một cái kết trong sự dè bỉu và lãng quên…” (Sưu tầm).
Có lẽ đâu đó hình bóng của tôi, của bạn nơi ông vua trong câu chuyện, bởi chúng ta là những con người, những sinh vật kì lạ luôn mang trong mình bản chất của sự lãng quên và vô ơn, mà nhiều khi là đối với chính những người gần ta nhất…
“Con người là một huyền nhiệm” (G.Marcel) vì luôn chứa đầy những bí ẩn mà dù cố gắng đến đâu, con nguời cũng không thể hiểu hết chính mình. Con nguời - một hữu thể phức tạp và khó hiểu nhất, nhưng cũng ẩn chứa những bí mật và những diệu kỳ. Vì con người là thụ tạo duy nhất có lý trí và tự do. Chính vì thế cuộc đời vốn dĩ đan kết và bị chi phối bởi tính hai mặt những thực tại giữa nhớ và quên, giữa biết ơn và vô ơn, hay giữa sự quan tâm và dửng dưng ... Tất cả hòa quyện làm nên một huyền nhiệm mang tên “con người”. Con người lạ lắm thay!
Cuộc đời mỗi người chúng ta hằng ngày phải đối diện với những “nhớ nhớ và quên quên”, một sự thật, dù đôi khi rất đau lòng. Bởi dẫu biết quên và nhớ, ấy là bản tính của chúng ta vì con người là một sinh vật lãng quên nhưng nhiều khi có những thứ đáng quên thì chúng ta lại rất nhớ và có nhiều thứ đáng nhớ, chúng la lại quên…
Trong cuộc đời, Chúng ta học rất nhiều, đọc rất nhiều và trải rất nhiều, nhưng những gì còn đọng lại để mà nhớ thật ít ỏi. Đó là một quy luật mang tính định mệnh hết sức bình thường của chúng ta. Chúng ta không thể nhớ tất cả và cũng chẳng thể quên tất cả. Nếu nhớ tất cả, đầu chúng ta đâu đủ sức chứa, và nếu nhớ hết, có lẽ chúng ta sẽ cạn năng lượng bởi quá hưng phấn và vui vẻ, hoặc chúng ta sẽ bị dằn vặt đến ngộp thở bởi những đau khổ và kí ức buồn. Do đó, chúng ta phải quên để mà nhớ và nhớ để mà quên, quên đi dù đó là những khoảng khắc hạnh phúc nhất, hay những nỗi đau tưởng chừng không thể nguôi ngoai. Tuy nhiên, dẫu biết con người là một sinh vật lãng quên, nhưng nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta lại quên lãng những thực tại, những con người gần và quan trọng với chúng ta nhất, phải chăng bởi “quen quá hóa nhàm”.
Cũng như ông vua trong câu chuyện, ai trong chúng ta cũng muốn giữ cho mình những kỷ niệm nơi những người mà chúng ta ta gặp gỡ, giúp đỡ hay đựơc giúp đỡ, được làm ơn, ở những nơi nọ nơi kia, nhưng đôi khi lại quên mất những con người rất gần mình. Phải chăng đúng như Jared Diamond đã viết trong một cuốn sách rằng chúng ta thường có xu hướng hào phóng với người ngoài hơn với người nhà, vì cái sĩ diện và để thu hút người khác? ...
Khi xã hội ngày một phát triển, dường như chúng ta có quá nhiều nỗi bận tâm đến mức ngày càng gần những nơi xa và xa những nơi gần. Thật đau lòng khi đây đó, biết đâu nơi chính gia đình, nơi chính cộng đoàn chúng ta, vẫn còn đó những người cha, người mẹ, đi làm ơn làm phúc nơi nọ nơi kia nhưng lãng quên chính những người ông, người bà, và con cái mình. Đâu đó những người con lãng quên chính bố mẹ mình mà vùi mình vào những cuộc vui... Và đâu đó vẫn còn những con người nhớ những thứ đáng, quên những thứ đáng nhớ. Con người thật đúng với câu nói “Có những thứ chúng ta chỉ nhận ra sự hiện hữu của nó cho đến khi nó rời tầm tay hay không còn hiện hữu”.
Cùng với đó, con người cũng là một sinh vật luôn quan tâm và biết ơn. Điều đó thật dễ nhận ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta, bởi cuộc sống sẽ thật nặng nề và vô nghĩa nếu không có sự quan tâm và lòng biết ơn. Khi nhìn lại lịch sử đời mình có lẽ chúng ta phải thốt lên hai tiếng cám ơn “cám ơn đời, biết ơn đời”. Chúng ta thường dễ biết ơn những người thật xa, thật lạ đã từng giúp đỡ chúng ta ở một giai đoạn nào đó, một thời điểm nào đó, điều thật đáng quý và phải lẽ. Thế nhưng, vẫn còn đó những người con vô ơn với cha mẹ, vẫn còn đó những người vợ, người chồng vô ơn với nhau, những người bạn vô ơn, những người trò vô ơn nơi chính gia đình, giềng xóm. Đau lòng hơn nơi chính chúng ta, những người mang tiếng là đang được đào tạo để yêu thương và phải yêu thương, lại nhiều lần vô cảm, thiếu quan tâm và vô ơn đối với bao người đã cách này hay cách khác giúp đỡ và ở rất gần ta.... Những con người thật gần và công ơn thật lớn, mà dường như vì đã quá quen vơi việc được làm ơn bởi họ mà chúng ta lại thật dễ quên và vô ơn. Chúng ta thích nói đến lòng biết ơn và thích được biết ơn, nhưng chính chúng ta nhiều khi lại sống vô ơn, sống hai mặt với những con người rất gần và cho chúng ta những thứ mà chúng ta không thể trả nổi. Nhưng có lẽ vì quen quá hóa nhàm nên chúng ta rơi vào lối sống “làm phúc nơi nao, cầu ao rách nát”. Đáng buồn thay!
Hơn nữa, một đặc tính rất con người đó là một sinh vật thương xót! Chúng ta rất nhạy bén trước những nỗi đau của đồng loại, đó là một bản tính làm nên sự khác biệt giữa con người và các sinh vật khác. Khi biết cơn bão số 5 được dự báo sẽ vào miền Trung, hầu hết mọi người đều không khỏi chạnh thương và cầu nguyện cho những anh em miền Trung. Điều này cũng được nhận ra rất rõ trong cơn đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành khi con người biết xích lại gần nhau hơn, cảm thông và thương xót nhau hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những người vô cảm, thở phào vì mình sẽ được vô sự. Cùng với lòng thương xót, một sự dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của người khác vẫn ẩn nấp đâu đó nơi này nơi kia… Chúng ta thích tỏ ra chạnh lòng thương trước những thực tại có vẻ mang tính vĩ mô, nào là những người nghèo nơi những người ngoại biên xa xăm, nào là những con người đau khổ nơi nọ nơi kia, hay thậm chí là… trong phim. Đó là một điều rất tốt nơi con người và đáng khen ngợi, bởi nó nói lên bản chất thương xót của con người. Tuy nhiên, dẫu biết thương xót là bản tính, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn chỉ dừng lại trên môi miệng, hay nơi bàn phím, hay mới chỉ dừng lại nơi nọ nơi kia, đâu đó thật xa thật ảo... mà chúng ta lại dửng dưng trước những thự tại rất gần rất thật, thân thương quen thuộc nhất. Nơi những gia đình, vẫn còn những người vợ, người chồng dửng dưng với nhau; nơi xóm giềng vãn cón đó những hàng xóm vô cảm trước nỗi đau của nhau; và vẫn còn đó rất nhiều những sự vô cảm đến dửng dưng trước những thực tại, những phận người đang sống cùng hay đang phục vụ chúng ta, một sự dửng dưng đến vô cảm mà chúng ta chỉ nhận ra giá trị của những thực tại đó khi mà chúng ta mất nó mãi mãi.
Con người vẫn là “một huyền nhiệm”, cuộc đời vẫn diễn ra, những nghịch lý, những mặt đối lập giữa nhớ và quên, giữa yêu và ghét, giữa biết ơn và vô ơn... vẫn bủa vây nó. Cuộc đời là thế và cuộc đời vẫn vậy. Thời gian chẳng chờ đợi ai, và cuộc đời cần lắm những tấm lòng biết ơn và những tâm hồn yêu thương, nhưng trước khi đến với những nơi xa vời, trước hết và trên hết mỗi người hãy nhớ, hãy quan tâm và thương xót những người rất gần và rất thật xung quanh mà nơi đó, những người cha, người mẹ, người con đang mong ngóng và chờ đợi một sự quan tâm đầy yêu thương.