Từ những ngày đầu chập chững bước vào đời tu, tôi luôn tự hỏi thánh Giuse là ai mà được cả Giáo hội hoàn vũ tôn nhận là Bổn Mạng, Hội thánh tại Việt Nam nhận làm Quan Thầy, và rất nhiều cộng đoàn hay tín hữu đặt ngài làm Đấng Bảo Trợ. Bởi vì, từ khi sinh ra cho đến khi bước theo ơn gọi thánh hiến, tôi chỉ biết về “Đấng cao trọng nhất trong các người nam bởi người nữ mà sinh ra” là thánh Gioan Baotixita. Trong ngôi làng nhỏ bé và bình yên nơi tôi sinh ra và lớn lên, dường như chẳng có ai nhận “Đấng trên trời truyền lệnh hơn là van xin” làm Quan Thầy. Chính vì thế mà thánh Giuse “âm thầm và khiêm nhường” đối với các tín hữu trong làng tôi đến độ dường như chẳng ai biết rõ về ngài.
Với thời gian, qua việc không ngừng chiêm ngắm và gẫm suy về con người và cuộc đời thánh Giuse, tôi nhận ra ngài không chỉ là “Đấng rất trung nghĩa, là mẫu mực các kẻ làm ăn, hay là Đấng rất công bằng” nhưng với tôi, ngài còn là người thợ dệt khiêm nhu và bình dị.
Lần giở lại những trang Tin Mừng đầy tin yêu và hy vọng, tôi kiếm tìm hình bóng “Cha nuôi Đấng Cứu Thế” nhưng chẳng được là bao. Ngài chỉ xuất hiện đôi lần trong quãng đời thơ ấu của Ngôi Lời Vĩnh Cửu rồi “bặt vô âm tín”. Ngài như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngang hàng chỉ. Với nhiều người, cuộc đời “dang dở” của thánh Giuse là cái kết không có hậu, là sự thiếu công bằng với những hy sinh lao nhọc của Đấng Công Chính, là dấu lặng trầm buồn trong bài thánh ca về gia đình Nazareth,… Nhưng với những ai có lòng yêu mến Thiên Chúa thì mọi sự đều sinh ích.
Thật vậy, như một người thợ dệt, thánh Giuse chăm chỉ đan kết từng sợi chỉ muôn màu muôn sắc với nhau để tạo nên một bức tranh nghệ thuật tuyệt mỹ là công trình cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả những sợi chỉ ấy được đan quyện cách nhịp nhàng mỗi ngày trên khung cửu Tình Yêu nhờ bàn tay, đôi chân, khối óc và quả tim của “Đấng kiên tâm mạnh mẽ mọi đàng”.
Đó là sợi chỉ sợ hãi. Là con người yếu đuối, vị kỷ và chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, thánh Giuse cũng run rẩy, sợ hãi: khi nghe tin người mình đính hôn mang thai, khi biết đứa con của mình đang gặp nguy nan trước lệnh tàn sát của bạo chúa Hêrôđê, khi hay tin người con yêu dấu đã lạc mất ba ngày,…
Đó là sợi chỉ vâng phục. Cuộc sống với muôn sự đổi thay, bất tất trong khi con người là thụ tạo có giới hạn, chẳng khi nào hiểu hết được mọi sự. Vì thế, trước “dòng đời vạn biến”, thánh Giuse đã đón nhận tất cả những “bất ngờ” trong sự khiêm nhu với niềm tin và hy vọng: không còn định tâm bỏ Maria cách kín đáo nữa nhưng đã đón bà về nhà mình; đã trỗi dậy ngay trong đêm để đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập sau khi Sứ Thần báo tin; đã chấp nhận giã từ gia đình, “bỏ dở” tấm vải đang dệt để “về nhà Cha”,…
3Đó là sợi chỉ vui mừng. Dẫu biết rằng “đời là bể khổ, là thung lũng đầy nước mắt” nhưng cuộc đời cũng là một mầu nhiệm trong đó chất chứa bao mừng vui, hạnh phúc và nụ cười để mời gọi mỗi người không ngừng bước tới và khám phá. Giuse – “Đấng ngay chính tận trung”, dù cuộc đời trải qua bao khó khăn thử thách nhưng cũng không thiếu những niềm vui đơn thành. Đó là niềm vui khi con trẻ Giêsu chào đời, khi cùng với người bạn trăm năm của mình dâng con vào đền thờ, khi trẻ Giêsu càng thêm tuổi càng thêm nhân đức và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và mọi người,…
Đó là sợi chỉ âm thầm. Vì mang nơi mình chiều kích xã hội nên con người luôn sống cùng và sống với, không ai là một hòn đảo giữa biển đời mênh mông. Vì thế, theo lẽ thường, đã là nam nhi đại trượng phu thì ai cũng muốn “phải có danh gì với núi sông”. Chính vì mục đích ấy mà biết bao người đã bất chấp tất cả, kể cả mạng sống và nhân phẩm, để xây dựng danh tiếng cho bản thân mình. Thế nhưng họ lại quên mất rằng: danh tiếng cũng giống như tiếng sét giữa trời đêm, vụt sáng rồi tắt lịm, chỉ còn lại bóng đêm hãi hùng; chỉ có những đám mây âm thầm trôi rồi tụ lại để đem những bóng râm cho con người giữa trưa hè oi ả, hay đem lại những cơn mưa tưới mát cho đời và mang sức sống cho muông thú, cỏ cây. Giuse, một nam nhi đại trượng phu, lại thuộc dòng dõi hoàng tộc đã bơi ngược dòng đời khi lựa chọn cho mình một cuộc sống âm thầm, bình dị tại làng quê Nazareth thay vì xây đắp cho bản thân một “đế chế”. Đây không phải là thái độ mặc cảm, tự ti, nhu nhược, nhưng là vẻ đẹp của một nhân cách cao thượng, biết lựa chọn cho mình một con đường dẫn đưa đến Chân Lý toàn vẹn.
Như thế, để thêu dệt nên tấm vải lung linh sắc màu theo thánh ý Thiên Chúa, Giuse – Người thợ dệt khiêm nhu đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để đan kết từng sợi chỉ là những phút giây trong cuộc sống với đầy đủ các cung bậc cảm xúc hỷ-nộ-ai-cụ-ái-ố-dục của bản tính con người. Chính nhờ những đan kết này mà Giuse đã xây dựng được một gia đình Nazareth “trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm” làm kiểu mẫu cho mọi gia đình.
Nhìn lại hành trình cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta cảm nhận và hình dung đó chính là cuộc đời của mỗi người sống đời thánh hiến. Nếu suy niệm tường tận và đón nhận trong từng ngày sống, ta dễ dàng nhận ra: những sợi chỉ không hề có ranh giới, không hề có sự phân chia rạch ròi qua từng giai đoạn của đời sống, nhưng mỗi sợi chỉ đan xen qua mọi biến cố thăng trầm nơi cuộc đời của người thánh hiến.
Cũng như thánh Giuse, trong quá khứ, ít nhiều ta cũng đã run rẩy, sợ hãi hay vui mừng, hạnh phúc khi nhận được một tin “bất ngờ” từ gia đình hay bạn hữu; cũng không thiếu những lúc ta thưa lời xin vâng để âm thầm phục vụ trong niềm tín thác.
Hay ngay trong phút giây hiện tại, từng khoảnh khắc của nhịp thời gian mà chúng ta sống, vẫn lại là niềm vui, sự âm thầm, nỗi sợ hãi, và đức vâng phục.
Chắc chắn, rồi đây trong cuộc sống tương lai phía trước, cũng sẽ là những sợi chỉ mà thánh Giuse đã trải qua được đan kết, được tháp nhập, được họa lại trong cuộc sống từng người.
Càng trải nghiệm cuộc đời, những sợi chỉ ấy như càng sống động, càng hiển hiện trong chính sự sống và lẽ sống của chúng ta.
Hãy noi gương thánh Giuse - Người thợ dệt khiêm nhu, mỗi người hãy đem những thăng trầm đó mà kết hợp, mà gắn chặt vào cuộc đời của Chúa Kitô, để cuộc đời từng người trở thành ánh sáng chiếu soi cho muôn dân đến với Đức Kitô.