Đừng để tuột mất cơ hội

Thứ tư - 29/12/2021 03:31  860
Cuộc đời một con người được đan kết bởi rất nhiều cơ hội – có những cơ hội bạn nắm bắt được và có những cơ hội bạn để qua đi không bao giờ quay trở lại… và cũng lại có những cơ hội ẩn chứa ngay trong thất bại của bạn.

Thánh Giuse, vị thánh mà chúng ta chiêm ngưỡng trong Ra khơi số này là một vị thánh mà người viết thiết tưởng Ngài là người luôn biết nắm lấy cơ hội không để tuột mất. Chính những cơ hội Ngài biết nắm bắt đúng lúc và kịp thời ấy đã làm cho muôn ngàn thế hệ biết đến Ngài với danh xưng “Cha nuôi Đấng Cứu Thế”. Trong phạm vi bài này, người viết mạo muội chia sẻ một chút suy tư nhỏ bé của mình, qua những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời đã trở thành cơ hội không để tuột mất của thánh Giuse:
 
Cơ hội khi sứ thần truyền tin


4Kinh thánh kể lại rằng: Khi ông Giuse hay tin Bà Maria, người phụ nữ đã thành hôn với mình mang thai trước khi hai ông bà về chung sống. Ông đã định tâm bỏ bà cách kín đáo (x. Mt 1, 18-19). Nếu đặt mình trong hoàn cảnh của thánh Giuse, chúng ta không thể nào trách được ngài, bởi vì đó là lẽ tự nhiên và “quyền” của một người được phép làm khi người đính hôn với mình lại bất ngờ có thai, mà người con ấy không phải là của mình. Đã có một cuộc giằng co trong tâm hồn Giuse: Buồn, băn khoăn, do dự nhưng cuối cùng ông không vượt qua được cái tự nhiên: Ông không thể chấp nhận việc làm mẹ một cách “kỳ lạ” của Maria. Trong hoàn cảnh như vậy, ông đã tìm lối thoát cho mình “ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác Maria –  theo tục lệ người Do Thái thời bấy giờ, phụ nữ chưa có chồng mà mang thai sẽ bị ném đá cho đến chết – nên đã định tâm “bỏ Maria cách kín đáo”. Và đang khi toan tính như vậy thì sứ thần Thiên Chúa hiện ra báo cho ông biết người con Maria đang mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 20-23; x. Lc 1, 26-27). Sau khi sứ thần báo tin, chỉ là trong giấc mơ, nhưng ở đây, ta không hề thấy còn sự do dự, cũng không hề thấy ông lên tiếng nhưng ngay lập tức ông đã không ngần ngại đón Maria về nhà mình (x. Mt 1, 24-25). Điều này nói lên quyết định dứt khoát cho sự lựa chọn của mình, chính nhờ quyết định này đã đưa Giuse trở thành cha nuôi của Ngôi Lời Nhập Thể. Như thế, nhờ lòng tin, Giuse đã biết nắm bắt cơ hội để “cộng tác trực tiếp vào mầu nhiệm cứu độ lớn lao và người đích thật là thừa tác viên của ơn cứu độ”[1].

Cơ hội giữ gìn bảo vệ Chúa Giêsu

Trình thuật Matthêu còn kể tiếp khi Vua Hêrôđê nghe các nhà chiêm tinh từ Phương Đông tìm đến bái lạy Hài Nhi Giêsu – người mà các nhà chiêm tinh gọi là “Vua dân Do Thái” - , ông sợ ngai vàng của mình bị đe dọa và khi họ ra về ông “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng lân cận” (Mt 2,16). Một lần nữa, Thiên Chúa quan phòng lại nhờ đến Thánh Giuse: “Khi các nhà chiêm tinh ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho Ông Giuse rằng: ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm cách giết Hài Nhi đấy” (Mt 2,13). Sau khi nghe lời trong giấc mộng, thánh Giuse “đang đêm, ông đã vội vã trỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14-15; x. Hs 11,1).

2Phải chăng từ cơ hội truyền tin đã dẫn thánh Giuse vào một chương trình mà ngay chính đương sự cũng không biết trước. Đoạn đường phía trước gần như là gai góc khó khăn cho một gia đình “thợ mộc”. Đối với thánh Giuse, khi đón nhận sự ủy thác của Thiên Chúa, cũng là lúc thánh Giuse chấp nhận trao phó đời mình trong tay Thiên Chúa. Kể từ giây phút đó “Chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời thánh nhân thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho mầu nhiệm Nhập Thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó; đã sử dụng uy quyền pháp lý đối với Thánh gia để trao bản thân, cuộc sống và công tác; đã biến đổi ơn gọi tự nhiên trong tình yêu gia đình thành nên một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, trái tim và tất cả sức lực của mình cho tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong nhà mình”[2]. Cơ hội thứ hai này xem ra có vẻ là không mấy vinh quang, nhưng chính lúc chấp nhận trắng tay là cơ hội tiếp nhận cơ may để trở nên người của Chúa, đạt ước mơ cao vời là sự sống muôn đời.

Cơ hội gặp lại Đấng cứu Thế

Nếu như trong hành trình đời người có những cơ hội ta nắm bắt được thì cũng có những cơ hội tưởng chừng như tuột mất nhưng lại bàng bạc một niềm hy vọng chất chứa bên trong cái tưởng chừng như đã mất. Thánh Giuse cũng đã trải qua cơ hội này. Đó chính là biến cố lạc mất Chúa trong dịp lễ vượt qua ở Giêrusalem, lúc Đức Giêsu được mười hai tuổi “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết” (Lc 2,43). Sau một ngày đàng, hai ông bà mới biết rằng mình lạc mất con, và họ bắt đầu đi tìm: không chần chừ mà vội vàng, không khóc lóc mà sáng suốt “tìm giữa đám bà con thân thuộc”, không chỉ loanh quanh mà trở về nơi đã mất “sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữ các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. Ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu” (Lc 2,46-47). Hôm nay, Thánh Giuse đã để lạc mất mà không mất Chúa Giêsu. Cuộc đời chúng ta cũng đã để lạc mất những điều tốt đẹp: một niềm tin tôn giáo, một tình con thảo, một mối tương quan chân thành, một lời hỏi thăm kịp thời, một sự an ủi đúng lúc, một miếng bánh khi anh chị em đói, một lời cảm thông, một ánh mắt nhận hiểu. Nhưng liệu chúng ta có biết hành động như thánh nhân: chính khi để mất là lúc cơ hội xuất hiện. Thánh Giuse đã không chần chừ đi tìm Chúa, tìm cái mình đã đánh mất. Để rồi cơ hội tìm lại ấy đã làm sống lại trong tâm trí “người cha” câu nói mà ngài đã nghe vào một đêm nọ, trước đó mười hai năm: “Này ông Giuse…đừng ngại đón Bà Marie vợ ông về, vì Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Từ đó, thánh Giuse hiểu rằng mình là người quản lý mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Bạn rất thân mến! Nếu bạn là một tu sĩ trẻ, đừng ngại để mất những thú vui, đam mê, mối tương quan trần thế để được một đời tu bình dị, trưởng thành và thánh thiện. Nếu có ai đó khuyên bạn rằng: thời đại 5.0 rồi, cái gì cũng phải biết, trong khi đó lại không khuyên bạn “biết” Chúa và đi vào đời sống thâm sâu với Ngài, thì người đó đang nói dối và bạn cũng đừng nghe theo họ. Bạn đừng tiếc những giây phút lướt Web để thay vào đó những giờ lặng thinh bên Thánh Thể Chúa. Bạn đừng tiếc những giây phút ngồi “mổ xẻ” chuyện người để thay vào đó sự mau mắn giúp đỡ anh em. Bạn đừng tiếc những mối liên hệ “tán tỉnh” ít trong sáng để thay vào đó là cuộc gặp gỡ thực sự mang lại hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đừng chần chừ nếu như bạn đang khao khát nên thánh, đừng thấy mình khác người khi ước mơ của bạn là chiếm hữu được chính Chúa chứ không phải một thứ gì khác. Vì ngay khi chúng ta bước vào đời sống thánh hiến, chúng ta đã trực tiếp thưa không với những điều, những thứ mà đời tu không cần đến. Một tu sĩ đích thực bao giờ cũng có bốn đặc tính là: trăn trở tìm kiếm sự sống đời đời, tìm hết cách để đạt được sự sống ấy, tận dụng mọi khả năng Chúa ban để phục vụ nhất là phục vụ người nghèo khó và cuối cùng là đi theo Đức Giêsu.

Còn nếu bạn là một người giáo dân sống giữa đời. Đừng tiếc những cơ hội làm sáng danh Chúa, đừng tiếc những buổi học giáo lý, đừng tiếc thời gian đi tham dự thánh lễ, đừng tiếc chịu thiệt thòi khi làm chứng cho sự thật trong môi trường học tập làm việc. Đừng để mất những cơ hội ấy, vì chính từ những nền tảng ấy mà tôi và bạn sẽ trở thành “người” hơn mỗi ngày. Chính từ những cơ hội, tưởng như không đem lại gì ấy lại giúp tôi và bạn mạnh mẽ vượt qua những khó khăn của cuộc sống hiện tại. Không giận ghét khi ai đó bỏ ta mà đi, không buồn oán khi ai đó làm ta thất vọng. Tất cả chỉ như mảnh ghép giữa nắng và mưa. Bất chợt đến và đi nhưng Thiên Chúa thì vĩnh hằng và Ngài sẽ không bao giờ thua kém sự quảng đại hay cố gắng của ta. Rồi sẽ đến một ngày, tôi và bạn đều sẽ nhận ra: Thiên Chúa, Ngài biết những kế hoạch Ngài định làm cho chúng ta, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để chúng ta có một tương lai và một niềm hy vọng (Gr 29,11).

Bạn biết không, khi một cành hoa được cắt khỏi thân cây, thời kỳ nở rực rỡ nhất của nó là thời gian nó được cắm trong bình. Hết thời gian đó nó sẽ héo khô và chết đi. Nhưng có một số loài hoa đã không cam chịu số phận ấy, ngay khi chết đi nó đã mọc lên những chồi sống mới. Cũng vậy, con người chúng ta được đến với thế giới này không phải để trở nên những thiên thần thuần túy hoàn hảo nhưng là để hưởng nếm cay đắng ngọt bùi, buồn vui, sướng khổ. Hoa nở tuy đẹp nhưng cuộc đời ngoan cường mới đem lại cho đời ánh sáng chói lòa và bền bỉ.
 
[1] X.Gioan Phaolo II, Tông huấn Redemptoris Custos, số 8.
[2] Phaolo VI, Huấn từ ngày 19.03.1966: Insegnamenti IV (1966), Tr. 110.

Tác giả: Hoa Cát

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập326
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm275
  • Hôm nay52,525
  • Tháng hiện tại914,060
  • Tổng lượt truy cập69,973,934
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây