MÙNG 3 TẾT
St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30
Anh chị em thân mến,Sau những ngày Tết, ai nấy đều phải trở về với công việc của mình. Những người nông dân trở về với đồng ruộng, lại chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm ra hạt gạo, bắp ngô, cây rau, mớ hành, củ tỏi. Những người công nhân trở về với nhà máy cùng những công việc quen thuộc làm ra các sản phẩm cho xã hội. Các học sinh lại vật lộn với bài vở học hành. Vậy nếu ai cũng phải làm việc, thậm chí còn phải làm việc vất vả, thì công việc chúng ta làm có ý nghĩa gì? Nói cách khác, lao động cực nhọc như mỗi người từng trải nghiệm có những giá trị, những bài học hữu ích nào?
1. Các giá trị nhân bản của lao động
Một người chăm chỉ lao động sẽ có đủ của cải nuôi sống bản thân và gia đình. Một người nông dân cần cù với ruộng vườn làm ra hạt gạo, bắp ngô, vườn rau. Một người công nhân chịu thương chịu khó tạo ra thu nhập ổn định. Một ông chủ chăm chỉ và khôn khéo không những chắc chắn có thu nhập cao mà còn bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Không những chăm chỉ làm việc tạo ra của cải nuôi thân mà còn giúp thăng tiến mọi mặt. Một người làm việc nghiêm túc sẽ trau dồi được nhiều kinh nghiệm sống và làm việc, sẽ thiết lập được nhiều mối tương giao, không ngừng phát triển và củng cố các mối tương giao thêm bền chặt, hoàn thiện nhân cách và tránh được những thói quen xấu như lười biếng ham chơi, không vướng vào các tệ nạn xã hội. Không ai trong số chúng ta không biết đến câu tục ngữ cổ xưa “Nhàn cư vi bất thiện/ ở không là cội rễ sinh mọi sự xấu.” Thực tế rất rõ ràng, những nơi có nhiều tệ nạn xã hội: xì ke, hút sách, trai gái, đĩ điếm, trộm cắp thường là những nơi thiếu công ăn việc làm ổn định và không có thu nhập tốt.
2. Lao động để bắt chước Thiên Chúa làm việc luôn
Thiên Chúa hằng làm việc. Ngài làm ra bầu trời và trái đất, cho mưa rơi xuống đất và cho ánh nắng chiếu soi cả không gian bầu trời. Người làm ra con người bằng cách lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi để con người có linh hồn và cho con người trở thành một sinh vật. Ngài trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông và đặt vào đó con người do mình nặn ra. Ngài cho mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp mắt, ăn thì ngon, với trái cây trường sinh ở giữa vườn, cây cho biết điều thiện điều ác. Ngài tiếp tục làm việc qua sự quan phòng đầy yêu thương, qua công trình cứu độ được trao phó cho Đức Giêsu, Con Chí Ái của Ngài. Nhờ đó mà con người được tận hưởng công trình sáng tạo của Ngài, được hưởng dùng mọi thứ do chính Thiên Chúa dựng nên, và trên hết đạt tới cùng đích của ơn gọi là được cứu độ.
Mỗi chúng ta không thể không thán phục về sự lao động chăm chỉ và trách nhiệm tuyệt vời của Chúa Giêsu trước sứ mạng được trao phó. Những năm tháng âm thầm tại Nazareth, Ngài đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm sống. Những năm tháng hoạt động công khai, Ngài đã không ngừng đi khắp nơi rao giảng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỉ, tha thứ tội lỗi, ân cần tiếp đón mọi người, nhất là bệnh nhân, những người bị bỏ rơi, những người đau khổ, những tội nhân. Ngài làm việc không ngơi nghỉ, thậm chí cả ngày Sabbat Ngài cũng giảng dạy và chữa bệnh. Đã không ít lần Ngài nói với người Do Thái rằng “Cha Ta hằng làm việc và Ta cũng làm việc luôn. Người Con không tự ý làm việc mà làm những gì Cha làm.” Không chỉ nói mà Ngài còn hành động luôn đến nỗi bị kết án là kẻ vi phạm luật ngày Sabbat.
Noi gương Chúa Giêsu, thánh Phaolo cũng không ngừng lao động. Người làm việc bằng cầu nguyện và phó thác các tín hữu cho Thiên Chúa và lời ân sủng của Ngài vì người tin rằng lời Chúa có sức xây dựng và ban cho các tín hữu được hưởng phần gia tài vĩnh cửu cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Thánh nhân đã vất vả lao động để có của nuôi thân, để không trở thành gánh nặng cho người khác “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp.” Nhất là người đã làm việc chăm chỉ để có điều kiện giúp đỡ tha nhân “Tôi luôn tỏ cho an hem thấy rằng giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu: cho thì có phúc hơn là nhận.”
3. Lao động để chu toàn bổn phận được trao phó “cày cấy và canh giữ đất đai”
Thiên Chúa đặt con người vào vườn địa đàng, vườn Eden, không phải để con người ở không, nhưng để cày cấy và canh giữ đất đai. Như thế, sứ mạng hay ơn gọi của con người được dựng nên trước tiên là lao động (canh tác đất đai ruộng vườn), và gìn giữ những công trình tay Chúa tạo thành (canh giữ đất đai). Với lệnh truyền của Thiên Chúa, không có chuyện con người ở không, cũng không có chuyện con người thích thì làm không thích thì chơi, nhưng dù ở hoàn cảnh nào mỗi người đều phải làm việc. Công việc của mỗi người mỗi khác. Người thì làm việc đầu óc, người thì làm việc chân tay trực tiếp tạo ra sản phẩm. Người thì phục vụ, người thì lãnh đạo…, nhưng tất cả đều cộng tác phần mình vào việc làm cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa được tiếp tục mỗi ngày và một hoàn thiện hơn.
Điều này chúng ta còn thấy rõ trong đoạn Tin Mừng. Theo Chúa Giêsu, Mỗi người được trao ban cho những vốn liếng nhất định và có trách nhiệm sinh lời trên những gì đã được trao phó. Những nén bạc ấy là sức khỏe, trí tuệ, tình cảm, lòng tin cậy mến, và các ân huệ khác. Người có một nén phải sinh lời thêm một nén khác. Người nhận hai nén phải sinh lời thêm hai nén khác. Người được trao năm nén phải sinh lời năm nén khác. Không ai được chôn giấu nén bạc đã nhận được từ Thiên Chúa. Người lười biếng sẽ chịu hình phạt nặng nề “lấy lại nén bạc đã có, bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Người chăm chỉ chịu khó, sinh lời nhiều trên những nén bạc Chúa ban được lãnh thưởng bội hậu: “được tôn chủ khen, trao cho quản lý nhiều hơn và được chia sẻ phận phúc của ông chủ “Hãy vào mà hưởng phúc lạc với chủ anh.”
Anh chị em thân mến,
Mỗi người sinh ra trên đời phải ăn phải làm, nhưng với người kitô hữu, chúng ta không chỉ lao động vì bát cơm, manh áo, nhà ở mà còn vì chúng ta bắt chước Thiên Chúa và Chúa Giêsu hằng làm việc, thi hành trách nhiệm Chúa trao là “cày cấy và canh giữ đất đai.” Khi chúng ta bắt chước Thiên Chúa làm việc, trung thành thực thi trách nhiệm Chúa trao phó là chúng ta làm cho cuộc đời của chúng ta và mọi công việc chúng ta đem lại các giá trị thiêng thánh, giá trị cứu độ mình và tha nhân. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta có được công việc ổn định trong năm Mới và ban dồi dào ân sủng để chúng ta chăm chỉ làm việc theo tinh thần của Chúa vừa đem lại lợi ích tự nhiên cho mình và tha nhân, vừa đem lại ơn cứu độ cho bản thân và thế giới. Amen.