Tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối?

Thứ sáu - 10/01/2020 21:55  3795
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Is 42,1-4;6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

c574e187fc00ea7b4c06bd7956794445Ông Gioan Tẩy Giả được sai đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông thực hiện sứ mạng bằng việc kêu gọi và cử hành phép rửa sám hối. Dân chúng đủ mọi hạng người lũ lượt kéo đến sông Giođan xin chịu phép rửa để bày tỏ lòng thống hối và khao khát đón nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu cũng hòa chung vào dòng người đông đảo ấy đến xin Gioan làm phép rửa. Có phải Chúa Giêsu cũng là một tội nhân như mọi người nên cần bày tỏ lòng sám hối? Có phải Chúa Giêsu cũng cần được Thiên Chúa ban ơn cứu độ nên phải thanh tẩy tâm hồn? Không, Chúa Giêsu không là tội nhân nên không cần sám hối; Ngài không khao khát được cứu độ như mọi người, nhưng là người đem ơn cứu độ đến cho nhân loại, nên Ngài không cần lãnh nhận phép rửa của Gioan. Vậy tại sao Ngài vẫn đến xin Gioan làm phép rửa?

Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa không vì những lý do hay mục đích mà dân chúng đến xin chịu phép rửa vì Ngài vô tội và là Đấng ban ơn cứu độ, chứ không phải là tội nhân cần được cứu độ. Ngài đến xin chịu phép rửa vì một lý do khác, điều mà chúng ta có thể khám phá từ chính câu trả lời của Ngài cho Gioan “Bây giờ cứ như thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Như vậy, Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa vì Ngài muốn giữ trọn đức công chính. Giữ trọn đức công chính là gì? Theo Kinh Thánh, người công chính là người đẹp lòng Thiên Chúa. Muốn đẹp lòng Thiên Chúa thì phải trung thành tuân giữ các giới răn hay là thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn giữ trọn đức công chính vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, luôn đặt thánh ý của Thiên Chúa lên trên, và thực thi thánh ý Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh.

Vâng, đúng như vậy! Ngay sau khi chịu phép rửa lên khỏi nước, trời đã mở ra, Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống trên Chúa Giêsu, và có tiếng từ trời phán rằng “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha đến trần gian trở nên giống phàm nhân mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Một khi đã trở nên người phàm, Ngài chấp nhận tất cả những qui luật của tự nhiên và luật lệ của phàm nhân. Là người Do thái, Ngài chấp nhận những luật lệ của người Do thái để nêu gương cho người Do thái. Vì dân chúng thấy mình là tội nhân cần sám hối để được thanh tẩy và cứu độ, Chúa Giêsu cũng hạ mình khiêm tốn theo dòng người đến xin Gioan cử hành phép rửa. Ngài làm thế vừa để nêu gương khiêm tốn, vừa để bày tỏ sự vâng phục hoàn toàn, và vừa để thánh hóa nước làm cho nước có sức mạnh thanh tẩy đem lại sự tái sinh trong bí tích Thánh Tẩy.

Vì thế mà Ngài đẹp lòng Thiên Chúa Cha mọi đàng “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Thật ra, điều này đã được ngôn sứ Isaia tiên báo từ trước khi nói về người tôi trung của Thiên Chúa. Người tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn, hết lòng quí mến, và đổ tràn đầy thần khí. Người có sứ mạng làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân, thiết lập công lý trên khắp địa cầu, làm ánh sáng chiếu soi muôn dân nước, mở mắt cho kẻ mù lòa, giải phóng người tù tội, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong tối tăm. Người hiền lành và nhân hậu đến độ không kêu to nói lớn, không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét. Người mạnh mẽ trong mọi khó khăn nên không chịu khuất phục cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Nếu đem đối chiếu hình ảnh người tôi trung được ngôn sứ Isaia tiên báo với Chúa Giêsu thì không ai dám phủ nhận Chúa Giêsu chính là người tôi trung ấy vì Ngài được Chúa Cha yêu mến trao cho sứ mạng cứu độ nhân loại, Ngài hiền lành và đầy từ tâm, Ngài mạnh mẽ trong thử thách, đau khổ và cái chết không làm Ngài nao núng trước kế hoạch cứu độ Chúa Cha. Sống gắn bó với Chúa Giêsu ba năm, thánh Phêrô đã trải nghiệm “Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi đến đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế, bời vì Thiên Chúa đã ở với Người.”

Chúa Giêsu không ngại hòa mình vào dòng người đến sông Giođan xin chịu phép rửa để nêu gương cho con người về đời sống công chính. Công chính ở chỗ Ngài đặt thánh ý Chúa lên trên hết và trung thành thực thi thánh ý đến cùng. Vì thế, Ngài đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng và xứng đáng được Chúa Cha yêu mến. Ngài đã trung thành trở nên ánh sáng chiếu soi muôn dân, chiếu tỏa công lý trên khắp địa cầu, hết lòng yêu thương mọi người. Mỗi chúng ta đã được tái sinh trong bí tích Rửa Tội và trở nên con Thiên Chúa. Thử hỏi chúng ta có là người con được Thiên Chúa yêu mến, được Thiên Chúa tín nhiệm trao sứ mạng chiếu soi ánh sáng của Chúa cho người khác không? Chúng ta đã can đảm và mạnh mẽ thực thi sứ mạng ấy ra sao? Nguyện xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết noi gương Chúa sống xứng đáng làm con yêu dấu của Chúa Cha, biết trung thành với bổn phận, biết chiếu dãi ánh sáng niềm tin yêu cho mọi người. Amen.      

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập360
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,021,610
  • Tổng lượt truy cập79,025,061
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây