Thứ Bảy tuần XVI thường niên
Mt 13,24-30
1. Từ một thực tế trong đời thường
Cỏ lùng mọc chen lẫn giữa lúa tốt là một hiện tượng có thật trong nông nghiệp. Kinh nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy rằng người lành người dữ vẫn sống chung với nhau. Con người ta thường hay thay đổi, lúc thì là lúa tốt, lúc lại là cỏ lùng… Tình trạng ấy chúng ta thường thấy có trong Hội Thánh, trong xã hội, trong bất cứ đoàn thể nào và trong mỗi cá nhân. Bao lâu còn sống ở trần gian, không ai có thể phân định rõ ràng dứt khoát: chẳng có ai tốt đến nỗi không có gì xấu, và ngược lại, chẳng có ai xấu đến nỗi không có gì tốt. Làm sao cắt nghĩa sự có mặt của hai yếu tố đối nghịch ấy? Chúa Giêsu cho chúng ta biết nguyên do, Ngài nói: “Kẻ thù đã đến gieo cỏ lùng”. Đó là ma quỷ, kẻ thù truyền kiếp của nhân loại từ trong địa đàng cho đến hôm nay.
Trước tình trạng ấy, chúng ta thường quá hăng say như đám gia nhân, muốn nhổ sạch cỏ lùng đi, muốn loại trừ tiêu diệt hết kẻ dữ, kẻ ác; nhưng chúng ta quên rằng: chính bản thân chúng ta cũng có thể thay đổi, biến chất, trở thành cỏ lùng, tội lỗi xấu xa; đàng khác chúng ta cũng thường quên rằng: người tội lỗi tới mức độ nào đi nữa vẫn còn có khả năng trở nên tốt.
Vì thế, quyết định của ông chủ là một quyết định rất hợp lý theo sự khôn ngoan thông thường. Nếu thật khó phân biệt cỏ lùng với lúa tốt như thế, thì tốt nhất là chờ cho tới mùa gặt sẽ dễ phân biệt hơn. Chúa dạy chúng ta phải nhẫn nại chờ đợi. Vì chúng ta có thể lầm lẫn.
2. Đến sự thật của Nước trời
Chính Đức Giêsu cũng đã có thái độ tương tự như người chủ ruộng. Ngài chấp nhận sự tương đối và chung sống giữa người tốt và kẻ xấu là một thực tế đi đôi với thân phận thụ tạo khi còn sống trên trần gian này. Thế nên, thái độ thích hợp nhất đối với Ngài sẽ là kiên nhẫn chờ đợi cho tới ngày chung thẩm mới thi hành được. Chúng ta phải nhìn vào thân phận thụ tạo của mình và cách xử thế của Chúa Giêsu, để biết phải cư xử như thế nào trước những khuyết điểm và tội lỗi của mình, cũng như của người khác.
Chúng ta cố gắng làm thế nào để cho đời sống giảm bớt đến mức thấp nhất, ít nhất những yếu tố xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức cao nhất, nhiều nhất những yếu tố tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt; Đồng thời hãy có thái độ kiên nhẫn và khiêm tốn chấp nhận sự “chung sống” trong một đoàn thể, một tổ chức, một xã hội gồm những phần tử tốt và xấu, lành và dữ, lúa tốt và cỏ lùng… Điều đó, không có nghĩa là công nhận, nhân nhượng hay thỏa hiệp với sự dữ, theo kiểu “người ta sao mình vậy”, hoặc là “có thế nào cứ để thế ấy”, nhưng bằng cách “lúa thì phải giữ sao cho vẫn là lúa” và “làm sao cho cỏ ngày càng bớt đi”, để khi kết thúc cuộc đời trong tình trạng được kể là lúa tốt, được thu lượm vào kho lẫm Nười trời. Amen.