Thứ Tư tuần XXXIV
Lc 21, 12-19
Trong những ngày cuối năm phụng vụ, lời Chúa vừa muốn loan báo cho chúng ta về ngày tận thế, lại vừa cảnh tỉnh chúng ta về những gian truân thử thách có thể xảy đến. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh thầy. Đó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy”. Thật lạ lùng, bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã; thế mà Chúa Giêsu lại cho là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái. Các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Bị bắt và bị xét xử, Phaolô cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Câu hỏi chúng ta có thể đặt ra là cái gì đã biến đổi các môn đệ? Cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustino giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được. Vì thế, đó là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hằng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, thì lúc đó chúng ta có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Ngài.
Theo Chúa Giêsu và thực hiện sứ mạng của Ngài là một việc không dễ dàng, nhưng Chúa đã dạy chúng ta phải ghi nhớ điều này là “đừng lo lắng phải trả lời thế nào”, vì chính Chúa sẽ giúp cho chúng ta có miệng lưỡi đối đáp ứng xử thích hợp. Mọi ngày đời chúng ta, dù một sợi tóc trên đầu của chúng ta, Thiên Chúa đều biết cả. Vì thế, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta: “Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con”.
Xin Chúa cho chúng ta được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời.