Thứ Sáu Tuần XXIX TN
Lc 12,54-59
Môi trường con người sống hiện nay có rất biến động và cạnh tranh: cạnh tranh kinh tế, chính trị, nghề nghiệp, việc làm, vị thế xã hội… Vì thế, để thành đạt và có một vị thế xã hội, con người cần chuẩn bị rất nhiều hành trang; không những về kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng mềm. Tương tự như thế, trong đời sống đạo, để sống xứng đáng với ơn Chúa đã ban, người Kitô hữu cũng cần phải tập tành nhiều nhân đức. Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX TN hướng dẫn chúng ta những cách thế cần thiết để có một đời sống đức tin xứng hợp.
Trong bài đọc I trích thư Ep 4:1-6, sau khi đã phân tích cho các tín hữu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa, thánh Phaolô thành tâm nhắn nhủ các tín hữu: “Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em”. Để sống xứng đáng với ơn gọi, thánh nhân khích lệ tín hữu cần tích cực duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Theo kinh nghiệm của bản thân, thánh nhân liệt kê 5 nhân đức căn bản: khiêm nhường, hiền từ, nhẫn lại, bác ái và bình an.
Khiêm nhường là một trong những đức tính quan trọng nhất, tối cần cho sự hiệp nhất. Đức Kitô là gương sáng cho mọi người noi theo (Phil 2:6-11). Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà đã “tự hủy mình ra không” để trở thành con người trông cậy nơi Thiên Chúa và kính trọng tha nhân là con của Chúa.
Hiền từ là nhân đức trung dung giữa 2 thái cực: nhu nhược và tức giận. Người hiền từ là người biết làm chủ cảm xúc của mình: không bao giờ nóng giận sai lúc, sai chỗ và gây xung đột.
Nhẫn nại có nghĩa là không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn và luôn trung thành cho tới khi đạt được kết quả mong muốn.
Bác ái là nhân đức bắt nguồn từ Thiên Chúa, suối nguồn và được lan rộng đến con người. Một khi có đức ái, mối dây hiệp nhất của cộng đoàn sẽ được củng cố, con người có thể dễ dàng yêu thương và hy sinh cuộc đời cho tha nhân.
Bình an có thể định nghĩa là liên hệ đúng đắn giữa con người với con người. Để có bình an đích thực, con người cần hiểu biết sự thật và biết tôn trọng tha nhân.
Ngoài việc tích cực duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn ra, Kitô hữu cần khôn ngoan suy xét đâu là điều quan trọng và cốt lõi nhất của cuộc đời. Theo Chúa Giêsu, nếu người Kitô hữu biết nhiều kiến thức về khoa học mà không biết nhận ra những dấu chỉ của sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa; thì họ cũng là những kẻ đạo đức giả giống với người Do Thái xưa: cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Vào thời đại của Chúa Giêsu, mọi người đều trông đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng dân tộc. Theo các Sách Ngôn Sứ, Thiên Chúa sẽ cho những dấu để dân nhận biết khi nào Đấng Thiên Sai tới; chẳng hạn, theo Sách ngôn sứ Isaia: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Isa 61:1). Nhưng khi Chúa Giêsu nhắc cho họ biết, chính Ngài là Đấng tiên tri Isaia đã loan báo (Lc 4:21), họ vẫn không tin vào Ngài. Cũng chính vì không tin vào Ngài nên họ cũng không biết cách chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, khi họ phải đối diện với sự công thẳng của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét.
Tóm lại, để có một đời sống đạo tốt, người Kitô hữu cần biết củng cố sự hiệp nhất bằng cách sống khiêm nhường, hiền lành, nhẫn nại, bác ái, và an bình; Đồng thời cũng cần biết khôn ngoan suy xét các biến cố xảy ra trong đời sống để nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Chúa và định hướng của Chúa trong tương lai.