Thứ Tư tuần XXIX thường niên
Ep 3, 2-12; Lc 12, 39-48
Lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay diễn ra trong bối cảnh Người đang nói về người “đầy tớ” phải “tỉnh thức” và “sẵn sàng” trong tinh thần “phục vụ”.
Câu hỏi của ông Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12, 41) cho chúng ta thấy rõ khía cạnh cộng đoàn của việc phải cảnh giác. Dụ ngôn của Chúa Giêsu được nói cho mọi thành phần của cộng đoàn Hội Thánh, mỗi người được mời gọi trung thành thi hành nhiệm vụ của mình, nhưng những người giữ các vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh thì có trách nhiệm nặng nề hơn. Thách thức lớn của việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người chủ yếu liên quan đến những người lãnh đạo cộng đoàn. Những ai được “đặt lên coi sóc gia nhân” thì phải lo sao cho những người khác được phục vụ trước khi chính mình được phục vụ.
Chúa Giêsu khen ngợi người quản lý trung tín và khôn ngoan, là người không bị loá mắt vì quyền lực, nhưng biết quản lý các tài sản của chủ một cách khôn ngoan: “Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình” (Lc 12,43- 44). Việc quản lý các của cải ở đời này một cách trung thực, công bằng và minh bạch là những vấn đề rất thời sự trong thế giới hôm nay, một thế giới bị xâu xé bởi lòng tham trên phạm vi toàn cầu, và ở đó con người thường bị đánh giá thấp hơn là những sản phẩm và đồ vật.
Một điều quan trọng chúng ta phải chú ý là những lời Chúa nói về thái độ của người đầy tớ bất trung. Tin Mừng tuyên bố rằng Chúa sẽ trở lại xét xử và mọi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình: “Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung” (Lc 12,45-46). Đây không phải một lời đe dọa, nhưng là một phần khoa sư phạm của Thiên Chúa, để buộc chúng ta phải suy nghĩ về viễn tượng bị trừng phạt. Cộng đoàn Kitô giáo là ngôi nhà của Thiên Chúa, ở đó mọi người đều đáng được sống trong ân sủng và tình thương, nhưng tùy vào chọn lựa của mỗi người mà chúng ta sẽ nhận được phần thưởng hay án phạt. Người đầy tớ nào đã biết rõ ý chủ mà không sẵn sàng làm theo, sẽ bị trừng phạt nặng hơn người đầy tớ phạm cùng một lỗi như thế nhưng không biết rõ ý chủ (Lc 12,47-48).
Cũng trong ánh sáng của Tin Mừng mà Thánh Phaolô nhận ra kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa được uỷ thác cho ngài: “Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng… là rao giảng cho dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa” (Ep 3,7-9). Đây chính là sứ mạng truyền giáo tuyệt vời của Hội Thánh. Hồng ân đức tin của phép rửa đã khai mở trong tim người môn đệ sứ mạng truyền giáo, nhờ hành động của Thánh Thần, là một chiều kích trung tâm của việc rao giảng và làm chứng Kitô giáo.
Vì thế, đối với các tín hữu, là những người đã được ban cho nhiều, thì cũng bị đòi hỏi nhiều - họ được khuyên nhủ hãy sẵn sàng thi hành sứ mạng truyền giáo, bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ của mình.