Cầu nguyện là linh hồn của truyền giáo

Thứ ba - 27/10/2020 09:50  1227
Lễ kính Thánh Simon và Giuđa, Tông Đồ
Lc 6,12-19

simon jude 3Nhóm Mười Hai Tông Đồ đã được Chúa Giêsu chọn không phải do những đức tính hay công trạng của các ngài, nhưng do Chúa tuyển chọn: “Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.

Tin Mừng Thánh Luca nhấn mạnh rằng các quyết định tối quan trọng của cuộc đời Chúa Giêsu đều được thực hiện trong bối cảnh cầu nguyện, từ lúc Người chịu phép rửa - thậm chí có thể kể từ tuổi thơ của Người - cho tới vườn Ghếtsêmani và trên thập giá. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện thâu đêm, vì Người sắp sửa có một chọn lựa sẽ mãi mãi kiện cường mối liên kết của Người với các môn đệ. Đó là một cam kết dứt khoát, vì với Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu sẽ thiết lập cộng đoàn Hội Thánh của Người.

Các “Tông Đồ” - nghĩa là những người được sai đi - đã được Chúa Giêsu chọn để huấn luyện các ngài cho sứ mạng truyền giáo, nhưng chỉ sau biến cố Phục Sinh và lễ Ngũ Tuần, các ngài mới thể hiện đầy đủ và hoàn thành sứ mạng ấy. Trong thời gian đào tạo ấy, Chúa Giêsu đã cho các Tông Đồ thấy việc cầu nguyện là việc quan trọng đến thế nào qua chính đời sống cầu nguyện của Người, để mỗi Tông Đồ học biết cách cầu nguyện, bằng cách lắng nghe những điều Chúa Giêsu nói, và làm những điều Người truyền dạy. Rồi từ khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông Đồ được mời gọi cầu nguyện trong khi chờ đợi Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ xin Chúa Cha ban cho. Do đó, việc  cầu nguyện được gọi là linh hồn của sứ mạng truyền giáo vì chính việc cầu nguyện làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách hiệu quả trong hành động của Hội Thánh. Lời cầu nguyện chân chính thúc đẩy chúng ta hành động, biến đổi cuộc sống chúng ta, và đưa chúng ta quay về cùng Thiên Chúa với những tình cảm biết ơn, hiếu thảo, hiến dâng bản thân, và liên đới với người khác.

Phụng vụ hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến hai thánh Tông Đồ ít được biết đến và thánh tích của các ngài được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, gần bàn thờ Thánh Giuse. Thánh Simon còn mệnh danh là “Nhiệt Thành” (Lc 6,15) bởi vì cũng như Thánh Giuđa, ngài thuộc về nhóm những người phản đối sự chiếm đóng của đế quốc Rôma, nhưng đối với ngài, sứ điệp của Đức Kitô là sự khám phá tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Giuđa là con của ông Giacôbê, cũng là anh em của thánh Giacôbê hậu và của thánh Simêôn, giám mục Giêrusalem, và là anh em họ của Đấng Cứu Thế. Thánh Simon đã rao giảng ở Ai cập, ở Mauritania, ở Lybia; còn thánh Giuđa, sau khi đã truyền giáo ở Phi Châu, ngài trở về Đông phương và loan báo Tin Mừng ở miền Giuđa, Samari, Syria và Lưỡng hà. Thánh Simon và Thánh Giuđa gặp lại nhau ở vịnh Ba tư, ở đó các ngài đã quyết tâm giữ vững niềm tin và cùng nhau chịu tử đạo.

Mọi người Kitô hữu đều được gọi và chọn để trở nên những tông đồ nhiệt thành loan báo Tin Mừng cứu độ. Vì vậy, Chúng ta cầu xin hai Thánh Tông Đồ Simon và Giuđa cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta tái khám phá vẻ đẹp luôn luôn mới mẻ của đức tin Kitô giáo và sống đức tin ấy không mệt mỏi, để trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Amen.

Tác giả: Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt - Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập290
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm280
  • Hôm nay34,411
  • Tháng hiện tại895,946
  • Tổng lượt truy cập69,955,820
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây